Logo báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam

Phát huy mọi tiềm lực tư vấn, tham gia xây dựng chính sách cho Đảng

Thứ Sáu, 03/11/2023 21:25 (GMT+0)
zalo-icon
viber-icon
00:00 / 00:00

(ĐCSVN) - Đồng chí Nguyễn Xuân Thắng đề nghị Đại học Quốc gia Hà Nội (ĐHQGHN) cần chủ động, tích cực, tham gia hiệu quả hơn nữa vào việc tư vấn, xây dựng chính sách cho Đảng dựa trên các luận cứ khoa học.

Chiều 3/11, tại Hòa Lạc, Đoàn công tác của Hội đồng lý luận Trung ương do đồng chí Nguyễn Xuân Thắng, Ủy viên Bộ Chính trị, Giám đốc Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh, Chủ tịch Hội đồng dẫn đầu đã có buổi làm việc với Đại học Quốc gia Hà Nội.

Tham dự buổi làm việc còn có đồng chí Lê Hải Bình, Ủy viên dự khuyết Trung ương Đảng, Phó Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương; đồng chí Tạ Ngọc Tấn, Phó Chủ tịch Thường trực Hội đồng Lý luận Trung ương; đại diện các cơ quan: Tạp chí Cộng sản, Nhà xuất bản Chính trị Quốc gia Sự thật.

 Giám đốc ĐHQGHN Lê Quân giới thiệu với đồng chí Nguyễn Xuân Thắng và đoàn công tác về tiềm lực, cơ cấu tổ chức và hoạt động của ĐHQGHN. (Ảnh: VA)

Giám đốc ĐHQGHN Lê Quân đã giới thiệu với đồng chí Nguyễn Xuân Thắng và đoàn công tác về tiềm lực, cơ cấu tổ chức và hoạt động của ĐHQGHN. ĐHQGHN hoạt động theo Nghị định và Quy chế do Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ ban hành, hiện nay ĐHQGHN là một tổ hợp gồm 9 trường đại học thành viên, 2 trường và 2 khoa trực thuộc, 6 viện nghiên cứu và các trung tâm đào tạo, nghiên cứu khoa học, các đơn vị phục vụ và chuyển giao tri thức, hiện đã cơ bản hoàn thiện mô hình đại học đa ngành, đa lĩnh vực. Tổng số viên chức và người lao động là 4.667, bao gồm 2.634 cán bộ khoa học cơ hữu. Trong số 2.251 giảng viên cơ hữu của ĐHQGHN có 62 Giáo sư và 414 Phó Giáo sư, chiếm tỉ lệ 20%; tỉ lệ cán bộ khoa học có trình độ tiến sĩ, tiến sĩ khoa học trên tổng số giảng viên cơ hữu là 66%. Công bố quốc tế đã trở thành văn hóa học thuật của ĐHQGHN, với số bài báo quốc tế trong hệ thống WoS/SCOPUS không ngừng gia tăng theo các năm, từ 400 bài năm 2012 lên khoảng 1.600 bài năm 2022.

ĐHQGHN có truyền thống gần 50 năm liên tục tham gia đào tạo, nghiên cứu lý luận chính trị, tự khẳng định mình là một trong những trung tâm lớn và có uy tín cao ở cả Việt Nam và nước ngoài. ĐHQGHN có các đơn vị đào tạo và nghiên cứu về khoa học cơ bản như Triết học, Tôn giáo, Nhân học, Lịch sử và Chính trị học, Tư tưởng Hồ Chí Minh, Kinh tế học, Luật, Xã hội học… Đây là những đơn vị đào tạo và nghiên cứu trực tiếp liên quan tới lĩnh vực lý luận chính trị và đào tạo lý luận của Đảng. Từ năm 1986, Trường Đại học Tổng hợp Hà Nội, nay là Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, thành viên của ĐHQGHN, được giao nhiệm vụ đào tạo và tập huấn, cập nhật kiến thức cho đội ngũ giảng viên lý luận chính trị trên phạm vi toàn quốc. Bên cạnh đó, tại ĐHQGHN còn có các đơn vị như: Việt Nam học, Sử học, Xã hội học, Quốc tế học, Tâm lý học, Khoa học quản lý, Văn học, Ngôn ngữ học, Kinh tế chính trị, Luật học… Đây cũng là những thế mạnh của ĐHQGHN, đã được kiểm chứng và khẳng định uy tín cao ở trong nước và quốc tế với nhiều thành tựu, đóng góp nổi bật.

Việc tăng cường vai trò của các cơ sở giáo dục đại học trong công tác nghiên cứu lý luận chính trị, nâng tầm tư duy lý luận của Đảng, tổng kết thực tiễn, cung cấp kịp thời cơ sở khoa học cho việc hoạch định đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước là cần thiết, ĐHQGHN tự hào là một trong những địa chỉ tiên phong ở Việt Nam có những đóng góp tạo dựng nền tảng khoa học lý luận của Đảng một cách vững chắc để Đảng chỉ đạo, dẫn dắt đất nước trên chặng đường phát triển mới.

Tại buổi làm việc, Giám đốc ĐHQGHN Lê Quân khẳng định tầm quan trọng của công tác tư vấn chính sách về khoa học lý luận chính trị. ĐHQGHN đã và đang tập trung đầu tư các nhóm nghiên cứu, đặc biệt là nhóm nghiên cứu mạnh, chuyên sâu, để liên kết và tư vấn mang tính liên ngành. Đồng thời phát huy thế mạnh của các nhà khoa học trẻ đang công tác trong nhiều lĩnh vực của ĐHQGHN.

ĐHQGHN rất mong muốn nhận được các ý kiến trao đổi, đóng góp và đề xuất các cơ hội, nhiệm vụ hợp tác nghiên cứu, đào tạo về lý luận chính trị, các nhiệm vụ cụ thể cũng như các nhiệm vụ mang tính đường lối, chiến lược của Đảng trong thời gian tới.

 Đồng chí Nguyễn Xuân Thắng tham quan không gian học tập và sinh hoạt của sinh viên tại KĐT Hòa Lạc.
(Ảnh: TT)

Phát biểu tại buổi làm việc, đồng chí Nguyễn Xuân Thắng đã ghi nhận những thành tựu mà ĐHQGHN đóng góp cho nền giáo dục nước nhà trong suốt thời gian qua. ĐHQGHN với bề dày lịch sử, với đội ngũ đông đảo các nhà khoa học đầu đàn, trình độ cao và hệ thống cơ sở vật chất kỹ thuật ngày càng hiện đại cùng cơ chế chính sách mới cần chủ động, tích cực hơn, tham gia hiệu quả hơn nữa vào việc tư vấn, xây dựng chính sách cho Đảng dựa trên các luận cứ khoa học. Việc phát huy vai trò của ĐHQGHN cũng là góp phần thực hiện ý kiến chỉ đạo của Đồng chí Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng trong lời phát biểu bế mạc Hội nghị Trung ương 8 khóa XIII vừa qua là tiếp tục xây dựng đội ngũ trí thức nước nhà, bồi đắp nguyên khí quốc gia vững mạnh hơn nữa, đáp ứng yêu cầu chủ động, tích cực tham gia cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư, đẩy mạnh sự nghiệp đổi mới, công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước và chấn hưng văn hóa, xây dựng con người Việt Nam thời đại mới.

ĐHQGHN cần phát huy mọi nguồn lực, nhất là nguồn lực con người cho phát triển bền vững. ĐHQGHN góp phần nâng cao hiệu quả khoa học lý luận chính trị thông qua chú trọng phát triển đồng bộ với khoa học tự nhiên, khoa học kỹ thuật và công nghệ, khoa học xã hội và nhân văn. Để có thêm căn cứ phát huy vai trò quan trọng của ĐHQGHN trong thực hiện nhiệm vụ này, góp phần gia tăng đóng góp vào hoạt động phát triển lý luận và tư vấn chính sách cho Đảng và Nhà nước, đồng chí Nguyễn Xuân Thắng đề nghị ĐHQGHN phát huy tâm huyết, trí tuệ, tập trung nghiên cứu một số vấn đề như:

Đánh giá kết quả và tác động của những công trình nghiên cứu khoa học, nhất là các nghiên cứu liên ngành, báo cáo kiến nghị, dự báo tình hình, tham mưu tư vấn chính sách lớn cho Đảng và Nhà nước mà ĐHQGHN đã đảm nhận như một sứ mạng cần thực hiện.

Bên cạnh đó, ĐHQGHN cần đề xuất cơ chế phối hợp với Hội đồng Lý luận Trung ương và các cơ quan liên quan của Đảng để tổ chức các hội thảo, hội nghị, báo cáo chuyên đề nhằm đóng góp cho sự phát triển của đất nước cũng như các đường lối, chính sách mang tính chiến lược của Đảng.

Tại buổi làm việc, các đại biểu tập trung thảo luận đánh giá nhiệm vụ nghiên cứu khoa học lý luận chính trị ở ĐHQGHN, xác lập cơ chế làm việc thường niên giữa ĐHQGHN với Hội đồng Lý luận Trung ương; Đánh giá tiềm lực của ĐHQGHN về nghiên cứu khoa học lý luận chính trị; Việc huy động các nguồn lực, sự tham gia của các nhà khoa học đối với công tác nghiên cứu khoa học lý luận chính trị, tư vấn, hoạch định chính sách; Cơ chế làm việc, nghiên cứu của đội ngũ cán bộ nghiên cứu khoa học lý luận chính trị; Đề xuất cơ chế phối hợp giữa ĐHQGHN với Hội đồng lý luận Trung ương trong công tác chung của Đảng...

Đồng chí Nguyễn Xuân Thắng, Ủy viên Bộ Chính trị, Giám đốc Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh, Chủ tịch Hội đồng Lý luận Trung ương phát biểu. (Ảnh: VA)

Kết luận tại buổi làm việc, đồng chí Nguyễn Xuân Thắng đề nghị, trong thời gian tới, ĐHQGHN cần tăng cường kết nối, hình thành một số nhóm nghiên cứu chuyên sâu mạnh, các nhóm nghiên cứu liên ngành về mọi lĩnh vực hàng đầu và tiêu biểu của Việt Nam. Đặc biệt, đồng chí Nguyễn Xuân Thắng gợi mở ĐHQGHN cần tập trung nghiên cứu tư vấn, phản biện các chính sách liên quan chuyển đổi số, kinh tế tuần hoàn, tăng trưởng xanh, năng lượng mới thích ứng với biến đổi khí hậu; vấn đề dân tộc, tôn giáo trong bối cảnh hiện nay. Ngoài ra, ĐHQGHN cần xem việc đấu tranh bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, phản bác các quan điểm sai trái thù địch là nhiệm vụ thường xuyên của đơn vị. Cuộc làm việc hôm nay là tiền đề cho sự phối hợp chặt chẽ hơn và thiết thực hơn giữa ĐHQGHN và Hội đồng lý luận Trung ương cùng các cơ quan của Đảng thời gian tới đây./.

Mỹ Anh

có thể bạn quan tâm

Ý KIẾN BÌNH LUẬN