Phát huy hiệu quả nguồn lực văn hóa các dân tộc Việt Nam để phát triển bền vững đất nước
(ĐCSVN) - Văn hóa các dân tộc Việt Nam là nguồn lực phát triển đất nước và nguồn lực ấy hiện còn nhiều tiềm năng. Tuy nhiên, cần phải thay đổi nhận thức, thiết lập chiến lược, chính sách để khai thác hiệu quả nguồn lực này.
Thực tiễn cho thấy, văn hóa là yếu tố quyết định đến sự phát triển con người toàn diện, làm nên tinh thần xã hội tiến bộ, lành mạnh, đậm đà bản sắc dân tộc, chống lại sự đồng hóa. Văn hóa giúp xây dựng và bảo vệ chủ quyền quốc gia, mang lại hạnh phúc cho nhân dân. Một quốc gia không chỉ cần có quân đội mạnh, có một nền kinh tế vững mà cần mạnh cả về văn hóa. Chính văn hóa tạo ra môi trường cho dân chủ phát triển, thúc đẩy công bằng, củng cố mối quan hệ đoàn kết dân tộc. Một xã hội được coi là văn minh nhất định phải được xây dựng trên một nền tảng văn hóa có tinh thần xã hội tiến bộ, nhân văn, lấy con người làm trung tâm của sự phát triển.
Việt Nam có một nền văn hóa đặc sắc, lâu đời, gắn với lịch sử hình thành và phát triển của 54 dân tộc anh em; tạo nên lịch sử dựng nước và giữ nước qua hàng ngàn năm. Mỗi dân tộc đều có một bản sắc văn hóa riêng, tạo nên sự đa dạng trong thống nhất của văn hóa Việt Nam. Trong đó, mỗi dân tộc đều có một bản sắc văn hoá riêng, tạo nên sự thống nhất trong đa dạng của văn hoá Việt Nam. Đó là đặc trưng, đồng thời là quy luật phát triển của văn hoá nước nhà; làm nên sức mạnh nội sinh, tổng hợp sức mạnh quốc gia và sức hấp dẫn của nền văn hoá Việt Nam; góp phần định vị bản sắc văn hoá Việt Nam trên trường quốc tế.
Việt Nam có một nền văn hóa đặc sắc, lâu đời, gắn với lịch sử hình thành và phát triển của 54 dân tộc anh em. |
Trong giai đoạn hiện nay, Đảng và Nhà nước ta có chủ trương đẩy mạnh phát triển văn hoá trong chính trị và phát triển văn hoá trong kinh tế nhằm hướng đến xây dựng nền chính trị lành mạnh, chống lại sự suy thoái về tư tưởng, đạo đức, phát triển kinh tế dựa trên nền tảng văn hoá, đạo đức, hướng đến vì con người, cộng đồng, dân tộc. Đồng thời, trên bình diện đối ngoại quốc tế, chúng ta đang tăng cường quảng bá, giới thiệu sự đa dạng của các biểu đạt văn hóa các dân tộc Việt Nam ra thế giới; từng bước thúc đẩy xuất khẩu các sản phẩm công nghiệp văn hóa thể hiện sức sáng tạo khả năng chuyển hóa các nguồn lực văn hóa dồi dào trong cộng đồng các dân tộc nhằm phát huy sức mạnh mềm văn hóa và nâng cao vị thế hình ảnh đất nước Việt Nam trên trường quốc tế. Do đó, việc khai thác, phát huy nguồn lực văn hóa của cộng đồng các dân tộc là công việc cần làm, theo hướng bền vững và thực hiện từng bước, từng nhiệm vụ có trọng tâm trọng điểm...
Nhiều năm qua, các chính sách phát triển kinh tế - xã hội, đặc biệt là chính sách, chương trình, dự án bảo tồn bản sắc văn hóa, phát huy giá trị văn hóa của các dân tộc thiểu số đã được ban hành và triển khai rất tích cự, thu được nhiều kết quả đáng trân trọng. Nhiều lễ hội cổ truyền được phục dựng; tập tục cổ của các tộc người được chú ý khai thác vận dụng. Vai trò của già làng, trưởng bản, trưởng họ được phát huy; chương trình phát thanh, truyền hình bằng tiếng của các dân tộc thiểu số được phát sóng; nhiều tài liệu tuyên truyền, cổ động bằng chữ viết của các dân tộc thiểu số được phát hành. Những cố gắng đó đã góp phần đáng kể phát triển kinh tế - xã hội ở các vùng miền núi và dân tộc trong nhiều năm qua. Tuy vậy, nền kinh tế thị trường và xu thế toàn cầu vừa mang lại những thời cơ và giao lưu kinh tế - xã hội tích cực, vừa tạo nên những nguy cơ lớn đối với văn hóa các dân tộc thiểu số.
Nguồn lực văn hóa các dân tộc thiểu số hiện nay còn nhiều tiềm năng để khai thác, phát huy. Tuy nhiên, để phát triển kinh tế, xã hội thông qua nguồn lực văn hóa các dân tộc cần phải thay đổi nhận thức, thiết lập chiến lược, chính sách cũng như tổ chức áp dụng các chiến lược, chính sách ấy trong thực tiễn cho mục đích phát triển bền vững đất nước.
Để khai thác nguồn lực văn hóa, phát triển con người, đất nước, chúng ta cần quán triệt quan điểm xây dựng và phát triển văn hóa là sự nghiệp của toàn dân, do Đảng lãnh đạo, Nhà nước quản lý, nhân dân là chủ thể sáng tạo, đội ngũ trí thức giữ vai trò quan trọng. Chúng ta cần huy động sự tham gia của tất cả các bên liên quan có vai trò đóng góp, thúc đẩy nguồn lực văn hoá các dân tộc cho sự phát triển đất nước.
Về phía Nhà nước, các Bộ, Ban, ngành, chính quyền địa phương cần nỗ lực xây dựng và hoàn thiện cơ chế, chính sách nhằm tăng cường đầu tư cho văn hóa, bảo vệ và phát huy di sản văn hóa, khuyến khích tạo điều kiện thuận lợi cho hoạt động đầu tư, khai thác, phát huy nguồn lực văn hóa các dân tộc cho phát triển kinh tế - xã hội, đặc biệt là phát triển du lịch, tuyên truyền, quảng bá văn hóa, đào tạo nhân lực văn hóa.
Phát huy hiệu quả nguồn lực văn hóa các dân tộc Việt Nam để phát triển bền vững đất nước. |
Về phía cộng đồng các dân tộc, với tư cách là chủ thể sáng tạo, tham gia và hưởng thụ văn hóa, cần nâng cao trách nhiệm bảo vệ và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc, tham gia tích cực vào hoạt động sáng tạo, truyền dạy và thực hành văn hóa; kế thừa và phát huy những phẩm chất truyền thống tốt đẹp của con người Việt Nam; tiếp thu và bổ sung những giá trị mới nhằm xây dựng con người có những giá trị phù hợp với thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hoá, hiện đại hoá và hội nhập quốc tế.
Vấn đề bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa các dân tộc thiểu số, coi văn hóa các dân tộc Việt Nam là nguồn lực phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc chính là khẳng định sự phong phú đa dạng trong sự thống nhất của nền văn hóa Việt Nam “tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc”. Đó là một nền văn hóa lấy chủ nghĩa Mác - Lê nin, tư tưởng Hồ Chí Minh làm nền tảng tinh thần, nhằm mục tiêu xây dựng con người - nguồn lực cơ bản nhất trong sự nghiệp công nghiệp hoá, hiện đại hóa đất nước.../.