Logo báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam

Phát huy hiệu quả giám sát thực thi pháp luật về môi trường

Thứ Sáu, 09/09/2022 10:06 (GMT+0)
zalo-icon
viber-icon

(ĐCSVN )- Trong những năm qua, nhiều hình thức, chương trình giám sát việc thực thi pháp luật về môi trường đã được Mặt trận Tổ quốc (MTTQ) các cấp triển khai. Công tác giám sát này của MTTQ Việt Nam sẽ phát huy hiệu quả trong hoàn cảnh Luật Bảo vệ môi trường 2020 đã có hiệu lực.

Đoàn giám sát của Ban Thường trực UBTƯ MTTQ Việt Nam khảo sát thực tế tại Khu công nghiệp Thụy Vân, Việt Trì, Phú Thọ (Ảnh:mattran.org.vn)

Trong thời gian qua, Ban Thường trực Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam đã chủ trì phối hợp với Bộ Tài nguyên & Môi trường, Liên hiệp các hội khoa học và kỹ thuật Việt Nam, Hội Cựu chiến binh Việt Nam, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam triển khai giám sát về thực thi pháp luật về môi trường tại 14 tỉnh, thành phố trong cả nước. Tính chung cả nước, MTTQ các cấp đã tổ chức 2550 cuộc giám sát tại các địa phương về thực thi pháp luật về môi trường, trong đó tập trung vào việc triển khai thực hiện quy định pháp luật về quản lý, xử lý chất thải sinh hoạt, chất thải rắn và rác thải nhựa trong sản xuất công nghiệp, nông nghiệp, làng nghề, hộ gia đình và cộng đồng dân cư. Ngoài ra MTTQ còn giám sát qua báo chí, qua kiến nghị của Nhân dân về thực hiện chính sách pháp luật về môi trường.

Điểm nổi bật trong công tác giám sát vừa qua là MTTQ các cấp không chỉ giám sát qua các văn bản báo cáo mà còn giám sát trên thực tế; giám sát việc giải quyết, xử lý những nội dung mà Mặt trận đã phản ánh, kiến nghị tới các cơ quan chức năng. Ban Thường trực Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam cũng chỉ đạo Mặt trận các cấp thống kê cơ sở gây ô nhiễm từ địa phương và cơ sở, từ đó kiến nghị các cơ quan chức năng kiểm tra xử lý; tổng hợp các ý kiến, kiến nghị của cử tri và Nhân dân về vấn đề môi trường để phản ánh tới cơ quan chức năng giải quyết. MTTQ các cấp đã đề nghị xử lý nghiêm các cơ sở gây ô nhiễm, có giải pháp xử lý dứt điểm tình trạng ô nhiễm, kiến nghị chính quyền đầu tư kinh phí cho công tác bảo vệ môi trường, nhất là đầu tư nhà máy xử lý rác thải, nước thải. 

Hình thức giám sát cũng được MTTQ các cấp triển khai linh hoạt, gồm giám sát thường xuyên, tổ chức các đoàn giám sát, phối hợp với các cơ quan Quốc hội, Hội đồng Nhân dân để cùng tổ chức và tham gia các đoàn giám sát. Trong đó Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam đã tham gia giám sát bảo vệ môi trường tại các nhà máy điện than, một lĩnh vực được xã hội rất quan tâm; giám sát thu gom xử lý rác thải, nhất là rác thải nhựa.

Ngoài ra, Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam đã kiến nghị Chính phủ chỉ đạo bộ, ngành chức năng có hướng dẫn về việc thực hiện công tác quy hoạch bảo vệ môi trường nói chung và công tác xử lý chất thải rắn, rác thải sinh hoạt gắn với quy hoạch chung về phát triển kinh tế xã hội; chỉ đạo Bộ Tài nguyên & Môi trường, các bộ ngành liên quan, chính quyền địa phương có giải pháp căn cơ đối với ô nhiễm tại các làng nghề, có cơ chế, hướng dẫn tài chính về thu gom vận chuyển xử lý chất thải rắn sinh hoạt.

Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam cũng kiến nghị Chính phủ có cơ chế khuyến khích các doanh nghiệp đầu tư xử lý rác với công nghệ tiên tiến hiện đại, phù hợp thực tế tại Việt Nam, từng bước loại bỏ công nghệ xử lý rác thải không đảm bảo vệ sinh môi trường tại các địa phương; khuyến khích các doanh nghiệp sản xuất và sử dụng các sản phẩm thay thế sản phẩm nhựa, ni lông dùng một lần.

Ngoài ra, Ban Thường trực Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam và Bộ Tài nguyên & Môi trường đã ký kết Chương trình phối hợp về thực hiện nhiệm vụ trong lĩnh vực tài nguyên và môi trường giai đoạn 2021-2025.

Chương trình phối hợp này cũng được triển khai tại các địa phương. Qua đó, đã góp phần phát huy giám sát của các tổ chức, đoàn thể, cộng đồng dân cư đối với lĩnh vực bảo vệ môi trường với nhiều hình thức phong phú. MTTQ và các tổ chức chính trị- xã hội cũng đã nâng cao chất lượng truyền thông về môi trường theo hướng không chỉ dừng lại ở mức nâng cao nhận thức mà đã tập trung vào tuyên truyền các phương pháp, kỹ năng thực hiện hành động bảo vệ môi trường, phương pháp giám sát việc thực hiện các quy định pháp luật về môi trường,...

Để góp phần nâng cao hiệu quả công tác bảo vệ môi trường, Phó Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam Phùng Khánh Tài cho biết, Ban Thường trực Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam đã chỉ đạo phát huy vai trò của Mặt trận cơ sở để triển khai và nhân rộng các mô hình khu dân cư bảo vệ môi trường, thu gom xử lý rác tại nguồn; nâng cao chất lượng giám sát của MTTQ ngay tại khu dân cư để xây dựng khu dân cư sáng, xanh, sạch, đẹp trên toàn quốc. Bên cạnh đó, MTTQ các cấp cần nâng cao chất lượng giám sát,  chọn những vấn đề bức xúc, nổi cộm có tác động tới đời sống của đông đảo người dân, nhất là về môi trường để giám sát.

Nhấn mạnh  Luật Bảo vệ môi trường 2020 (có hiệu lực thi hành từ ngày 01/01/2022) đã hoàn thiện các quy định nhằm phát huy vai trò giám sát, phản biện xã hội trong công tác bảo vệ môi trường của MTTQ Việt Nam, Phó Chủ tịch Phùng Khánh Tài nhận định: Cùng với các nội dung Chương trình phối hợp đã ký kết giữa Bộ Tài nguyên & Môi trường và Ban Thường trực Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam về thực hiện nhiệm vụ trong lĩnh vực tài nguyên và môi trường giai đoạn 2021-2025, trong thời gian tới, việc tham gia giám sát, phản biện xã hội của MTTQ Việt Nam, sẽ được phát huy hiệu quả; góp phần tăng cường công tác bảo vệ môi trường./

An Luých

có thể bạn quan tâm

Ý KIẾN BÌNH LUẬN