Logo báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam

(ĐCSVN) - Thực hiện một trong ba đột phá của cả nhiệm kỳ, gần 3 năm qua, Đảng bộ tỉnh Hà Giang đã triển khai nhiều biện pháp thúc đẩy du lịch với chủ trương "lấy văn hóa để phát triển du lịch, lấy du lịch để bảo tồn phát triển văn hóa". Qua đó tạo nên bước chuyển mạnh mẽ trong nhận thức và hành động, đưa Hà Giang trở thành điểm đến hấp dẫn, đặc sắc trên bản đồ du lịch trong và ngoài nước.

Thực hiện một trong ba đột phá của cả nhiệm kỳ, gần 3 năm qua, Đảng bộ tỉnh Hà Giang đã triển khai nhiều biện pháp thúc đẩy du lịch với chủ trương "lấy văn hóa để phát triển du lịch, lấy du lịch để bảo tồn phát triển văn hóa", xem di sản văn hóa là tài nguyên du lịch có giá trị đặc biệt để khai thác tạo ra các sản phẩm du lịch hấp dẫn, từng bước phát huy giá trị và góp phần tích cực trong việc thu hút du khách. Qua đó tạo nên bước chuyển mạnh mẽ trong nhận thức và hành động, đánh dấu Hà Giang trở thành điểm đến hấp dẫn, đặc sắc, góp phần quan trọng vào sự phát triển kinh tế - xã hội của địa phương. 

Vốn được đánh giá là địa phương có nhiều tiềm năng về du lịch, những năm gần đây hình ảnh cao nguyên đá Hà Giang xuất hiện ngày càng nhiều trên bản đồ du lịch, trở thành điểm đến thu hút đông đảo du khách trong và ngoài nước tìm đến trải nghiệm, khám phá. Nơi đây dường như được thiên nhiên ưu đãi với cảnh quan thiên nhiên hùng vĩ, đáng kinh ngạc của miền cao nguyên bạt ngàn đá xám, của những cung đường đèo uốn lượn quanh co, những thửa ruộng bậc thang quyến rũ mùa lúa chín, hay những bộ trang phục truyền thống rực rỡ sắc màu của đồng bào các dân tộc, và đâu đó còn là những bản làng vùng cao rực rỡ sắc hoa mỗi độ giao mùa... 

Tiềm năng du lịch dồi dào

Lần đầu tiên đặt chân đến Hà Giang, chị Phan Nhung (38 tuổi, đến từ Hà Nội), không khỏi ngỡ ngàng trước cảnh sắc thiên nhiên nơi địa đầu Tổ quốc. Trong chuyến đi lần này, gia đình chị lựa chọn thăm quan một số điểm du lịch nổi tiếng của Hà Giang dọc theo tuyến Quốc lộ 4C, trải dài qua 4 huyện vùng Cao nguyên đá như Núi đôi Quản Bạ, Làng Văn hóa du lịch cộng đồng thôn Lũng Cẩm, Dinh thự Vua Mèo, Cột cờ Lũng Cú, Phố Cổ Đồng Văn... Chia sẻ cảm xúc về chuyến đi của mình, chị Nhung cho biết: "Mỗi địa danh chúng tôi đặt chân đến đều để lại những cảm xúc khó quên, tôi không ngờ Hà Giang đẹp và tuyệt vời đến thế. Chắc chắn tôi sẽ quay lại nơi đây để tiếp tục khám phá văn hóa, mảnh đất và con người Hà Giang".  

Nằm ở biên giới cực Bắc của Tổ quốc, Hà Giang được thiên nhiên ưu đãi với cảnh quan thiên nhiên hùng vĩ và không khí trong lành, mát mẻ, thuận lợi để phát triển du lịch. Với nhiều địa danh nổi tiếng như Công viên địa chất toàn cầu Cao nguyên đá Đồng Văn, đèo Mã Pí Lèng - một trong những “tứ đại đỉnh đèo” của Việt Nam, núi đôi Quản Bạ, hẻm vực Tu Sản, ruộng bậc thang Hoàng Su Phì… Đây là những tài sản vô giá mà 19 dân tộc anh em tỉnh Hà Giang, trải qua nhiều thế hệ đã cùng nhau truyền thừa, lưu giữ tạo nên nét văn hóa, đặc trưng của dân tộc mình, vẽ nên một bức tranh văn hóa đa sắc màu độc đáo, tạo sức hấp dẫn đặc biệt đối với du khách. 

 Những năm gần đây, Hà Giang trở thành điểm đến thu hút đông đảo du khách trong và ngoài nước tìm đến trải nghiệm, khám phá.

Giới thiệu về quy hoạch du lịch tỉnh Hà Giang, bà Triệu Thị Tình, Phó Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh cho biết, để đẩy mạnh phát triển du lịch, Hà Giang hiện đã hình thành 3 không gian du lịch gồm không gian du lịch đồi núi thấp (tại thành phố Hà Giang, Bắc Mê, Vị Xuyên, Bắc Quang) gắn với các địa danh: Khu di tích lịch sử cách mạng Trọng Con, Căng Bắc Mê, chùa Sùng Khánh, chùa Bình Lâm, Nghĩa trang Liệt sĩ quốc gia Vị Xuyên, Đài hương 468, hang Dơi,... Vùng này còn thu hút khách du lịch bởi những trang trại trồng cam, trồng táo; những làng văn hóa du lịch cộng đồng của dân tộc Tày, Dao,... hay một số lễ hội truyền thống như: Lễ hội nhảy lửa của người Pà Thẻn, Lồng tồng của dân tộc Tày, Bàn Vương của dân tộc Dao,...

Lễ hội Gầu Tào ở Đồng Văn. 

Ở phía Bắc, tại các huyện Quản Bạ, Yên Minh, Đồng Văn, Mèo Vạc là không gian đồi núi đá với điểm nhấn là Công viên địa chất toàn cầu UNESCO Cao nguyên đá Đồng Văn và những cảnh quan thiên nhiên đặc sắc, đa dạng sinh học, với những đỉnh đèo, vách núi nổi tiếng như Mã Pì Lèng, hẻm Tu Sản, hoang mạc đá, rừng đá và là nơi sinh sống của đồng bào các dân tộc Mông, Lô Lô, Dao, Pu Péo,... Cùng với đó, những nét văn hóa đặc sắc như Lễ hội chợ tình Khâu Vai, Lễ hội khèn Mông, Lễ hội Gầu Tào, Lễ hội Hoa tam giác mạch,... cũng trở thành điểm nhấn đưa khu vực này trở thành vùng du lịch trọng điểm của Hà Giang.

Di tích danh thắng quốc gia Ruộng bậc thang Hoàng Su Phì 

Không gian du lịch đồi núi đất phía Tây (tại các huyện Hoàng Su Phì, Xín Mần, Quang Bình) lại gắn với Di tích danh thắng quốc gia ruộng bậc thang Hoàng Su Phì. Nơi đây được thiên nhiên ban tặng những cánh rừng nguyên sinh, nơi thượng nguồn sông Chảy và sông Bạc cùng nhiều suối khoáng nóng. Gắn liền với đó là những điểm thăm quan độc đáo mà ít nơi nào có được như Di tích bãi đá cổ Nấm Dẩn, Di tích danh thắng quốc gia Ruộng bậc thang Hoàng Su Phì, đặc sản chè Shan tuyết, cùng sự đa dạng về văn hoá độc đáo của các dân tộc: Dao, Tày, Nùng, Mông,... được thể hiện qua các lễ hội như: Lễ hội Quỹas Hiéng, Lễ cấp sắc cũng trở thành lợi thế để tạo nên không gian du lịch đặc sắc của Hà Giang.

Đưa du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn

 

Nhận thức rõ những tiềm năng, lợi thế vốn có, Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh Hà Giang lần thứ XVII xác định phát triển du lịch, nông nghiệp đặc trưng hàng hóa chất lượng cao theo chuỗi giá trị là một trong ba đột phá của cả nhiệm kỳ. Cụ thể hóa chủ trương của BCH Đảng bộ tỉnh, ngày 2/8/2021 Tỉnh ủy Hà Giang ban hành Nghị quyết số 11-NQ/TU về phát triển du lịch Hà Giang giai đoạn 2021-2025, trong đó, đặt mục tiêu đưa du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn. Nghị quyết nêu rõ: Phát huy tối đa tiềm năng, lợi thế, gắn với nâng cao nhận thức và đời sống cho nhân dân, giảm nghèo bền vững, phát huy văn hóa truyền thống, cảnh quan thiên nhiên và kiến trúc bản địa. Xây dựng du lịch Hà Giang theo hướng chuyên nghiệp, có tính cạnh tranh cao, gắn với các sản phẩm nông nghiệp đặc trưng của địa phương, đảm bảo phát triển bền vững. Xây dựng thương hiệu du lịch Hà Giang trở thành điểm đến an toàn, hấp dẫn, đặc sắc trong khu vực miền núi phía Bắc... 

Chia sẻ về chủ trương này, đồng chí Nguyễn Văn Sơn, Chủ tịch UBND tỉnh cho biết thêm: Hà Giang chủ trương thúc đẩy tăng trưởng du lịch theo hướng xanh, bền vững, tạo chuyển biến mạnh về chất lượng dịch vụ; xây dựng và định vị thương hiệu du lịch Hà Giang gắn với hình ảnh chủ đạo, độc đáo, mang đậm bản sắc văn hóa dân tộc. Trong phát triển du lịch, tỉnh Hà Giang luôn hướng tới mục tiêu "phát triển có trọng tâm, trọng điểm, có trách nhiệm với môi trường và xã hội; phát triển phải đi đôi với gìn giữ, bảo tồn các giá trị truyền thống tiêu biểu, đặc sắc của địa phương. Cùng với đó, đa dạng hóa các loại hình sản phẩm du lịch, gắn kết sản phẩm du lịch với tiêu thụ các sản phẩm nông nghiệp đặc trưng của tỉnh".

Bám sát định hướng của BCH Đảng bộ tỉnh, nhiều năm qua, cấp ủy, chính quyền tỉnh Hà Giang đã chủ động thực hiện nhiều giải pháp đồng bộ nhằm phát huy lợi thế, tiềm năng đặc thù của tỉnh. Nhiều chương trình, kế hoạch, đề án thúc đẩy phát triển du lịch lần lượt được ban hành, trong đó đáng chú ý là Kế hoạch xúc tiến quảng bá du lịch - thương mại tỉnh Hà Giang giai đoạn 2021-2025; Kế hoạch phát triển sản phẩm du lịch tỉnh Hà Giang giai đoạn 2022-2025, tầm nhìn đến năm 2030; Kế hoạch triển khai các hoạt động hợp tác phát triển du lịch 6 tỉnh Việt Bắc và 8 tỉnh Tây Bắc; Đề án phát triển nguồn nhân lực du lịch tỉnh Hà Giang đến năm 2025; Đề án “Bảo tồn văn hóa truyền thống và nâng cao chất lượng dịch vụ tại các làng văn hóa du lịch cộng đồng triên địa bàn tỉnh Hà Giang đến năm 2025”;...

Song song với đó, ngành du lịch Hà Giang đang tiếp tục đầu tư phát triển sản phẩm du lịch có trọng tâm trọng điểm, hợp tác liên kết phát triển du lịch, đầu tư kết cấu hạ tầng phục vụ cho du lịch, đẩy mạnh các chương trình xúc tiến quảng bá với nhiều hội nghị, hội thảo về phát triển du lịch có tính liên vùng và quốc tế. Tỉnh cũng chủ động thực hiện các chương trình liên kết hợp tác phát triển du lịch với các địa phương, nhất là các tỉnh, thành phố lớn trong cả nước, đặc biệt là chương trình hợp tác giữa 8 tỉnh Tây Bắc mở rộng với Thành phố Hồ Chí Minh và chương trình hợp tác với các tỉnh vùng chiến khu Việt Bắc nhằm hình thành nên hệ thống sản phẩm du lịch phong phú.

Năm 2022, khu nghỉ dưỡng Hmông Village (huyện Quản Bạ) được vinh danh khách sạn xanh ASEAN.

Ngoài ra, để nâng cao chất lượng dịch vụ, tạo dựng thương hiệu cho du lịch Hà Giang, việc xây dựng chính sách thu hút đầu tư, công tác đào tạo nguồn nhân lực tham gia trong lĩnh vực dịch vụ cũng luôn được Hà Giang đặc biệt quan tâm. Trong vài năm trở lại đây, nhiều công trình dịch vụ mới đã mọc lên trên miền đá xám, cơ sở hạ tầng được đầu tư mạnh mẽ, một lượng lớn lao động là đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống trên địa bàn tỉnh đã có thêm việc làm ngoài canh tác nông nghiệp, đời sống sinh hoạt của một bộ phận người dân được nâng lên.

Theo Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh, Hà Giang chủ trương "lấy văn hóa để phát triển du lịch, lấy du lịch để bảo tồn phát triển văn hóa", xem di sản văn hóa là tài nguyên du lịch có giá trị đặc biệt để khai thác tạo ra các sản phẩm du lịch hấp dẫn, từng bước phát huy giá trị và góp phần tích cực trong việc thu hút du khách. Thời gian qua, tỉnh đã tăng cường công tác trùng tu, tu bổ và tôn tạo các công trình di sản văn hóa vật thể, phi vật thể; bảo tồn, phục dựng và phát huy trở thành sản phẩm du lịch hấp dẫn du khách. Tiêu biểu như một số lễ hội: Chợ phong lưu Khâu Vai, lễ hội Khèn Mông, Gầu tào dân tộc Mông; Nhảy lửa, lễ cúng Bàn Vương, Cấp sắc, nhảy lửa của người Dao; Lễ thần rừng, cúng tổ tiên của người Lô Lô; Tết Khu Cù Tê của người La Chí; Lễ hội Nhảy lửa người Pà Thẻn,... Các làn điệu dân ca, dân vũ, nhạc cụ dân tộc, trang phục truyền thống, văn hóa ẩm thực được chú trọng khai thác cũng góp phần quan trọng trong việc quảng bá hình ảnh đất và người Hà Giang.

Khèn Mông - món ăn tinh thần không thể thiếu trong đời sống của các dân tộc vùng cao nguyên đá Hà Giang 

Tại Festival Khèn Mông tỉnh Hà Giang năm 2023, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã ghi nhận và đánh giá cao quyết tâm của tỉnh Hà Giang trong công tác bảo tồn và phát huy các giá trị di sản văn hóa, chú trọng lấy văn hóa phát triển du lịch, lấy phát triển du lịch để bảo tồn văn hóa, tạo ra các giá trị mới trong phát triển. Qua đó góp phần bảo tồn và phát huy tích cực các giá trị di sản văn hóa của đồng bào dân tộc thiểu số tỉnh Hà Giang, đồng thời khơi dậy ý thức tự hào và bảo vệ các giá trị văn hóa đó trong cộng đồng, đặc biệt là thế hệ trẻ.

Chính nhờ đó, nhận thức về vị trí, vai trò của du lịch trong phát triển kinh tế - xã hội được nâng lên; hạ tầng cơ sở phục vụ phát triển du lịch được quan tâm đầu tư; một số khu, điểm du lịch dần được hình thành, các làng văn hóa du lịch cộng đồng hoạt động hiệu quả... thu hút ngày càng đông du khách trong nước và quốc tế đến với Hà Giang.

Đa dạng hóa các sản phẩm du lịch

Theo bà Triệu Thị Tình, Phó Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh, để du khách có thêm nhiều lựa chọn, tỉnh Hà Giang chú trọng phát triển đa dạng nhiều loại hình du lịch mang nét đặc trưng riêng của địa phương, tập trung vào các sản phẩm du lịch văn hóa, du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng, du lịch thể thao - mạo hiểm, du lịch thương mại, biên giới. Điều đặc biệt hơn cả là du lịch Hà Giang đã khắc phục hoàn toàn tính mùa vụ, các sản phẩm du lịch được khai thác kéo dài quanh năm, trong đó sản phẩm chủ đạo xuyên suốt 12 tháng trong năm là những giá trị văn hóa bản địa của 19 dân tộc gắn với các mô hình các làng văn hoá du lịch; cảnh quan thiên nhiên hùng vĩ và các giá trị địa chất địa mạo…

Nhấn mạnh thêm về điều này, bà Triệu Thị Tình cho biết: Hiện nay, tỉnh đang phát triển nhiều sản phẩm du lịch mới trên cơ sở làm đến đâu chắc đến đó, đáp ứng nhu cầu của du khách, tránh làm ồ ạt để đảm bảo tính bền vững cao. Trong số này, sản phẩm du lịch tiêu biểu được nhiều du khách yêu thích và biết đến nhất là du lịch cộng đồng. Với những thuận lợi về cảnh quan tự nhiên, bản sắc văn hóa, kiến trúc truyền thống, tỉnh Hà Giang chú trọng phát triển loại hình du lịch cộng đồng như một giải pháp tất yếu nhằm hướng tới phát triển bền vững, đáp ứng đồng thời các yêu cầu về phát triển kinh tế - xã hội vùng nông thôn và môi trường gắn với bảo tồn văn hóa.

 Đồng chí Đặng Quốc Khánh (áo trắng đứng giữa), nguyên Bí thư Tỉnh ủy Hà Giang, Bộ trưởng Bộ TN&MT và du khách quốc tế tham gia trải nghiệm du lịch tại Làng văn hóa du lịch cộng đồng dân tộc Mông tại xã Pả Vi, huyện Mèo Vạc. (Ảnh: Mỹ Yên)

Anh Phan Hoàng Đạt, du khách đến từ Bình Dương chia sẻ: “Nghỉ tại homestay ở Làng văn hóa du lịch cộng đồng thôn Nặm Đăm là một trải nghiệm thú vị và tuyệt vời đối với gia đình tôi, không chỉ bởi homestay có mức giá vô cùng hợp lý, mà còn vì tôi được "hòa mình" với người dân địa phương nơi đây để tìm hiểu về văn hóa, tập quán, cách sinh hoạt của họ. Tôi rất hài lòng về dịch vụ và cảnh đẹp ở đây. Bên cạnh đó, người dân rất thân thiện và mến khách. Tôi nghĩ rằng Hà Giang là điểm đến lý tưởng và an toàn”.

Theo thống kê của Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh, Hà Giang hiện có 40 làng văn hóa du lịch cộng đồng, trong đó làng văn hóa du lịch cộng đồng thôn Nặm Đăm (huyện Quản Bạ) được nhận giải thưởng ASEAN về lĩnh vực du lịch cộng đồng. Sản phẩm du lịch cộng đồng tỉnh Hà Giang đang được thực hiện xây dựng theo mô hình Làng văn hóa du lịch tiêu biểu gắn với Chương trình mỗi xã một sản phẩm OCOP theo Bộ tiêu chí của UBND tỉnh.

Nhìn chung, các làng sau khi được đầu tư và đi vào hoạt động đều khai thác có hiệu quả, thu hút lượng khách du lịch đáng kể và huy động được sự tham gia cộng đồng trong cung ứng dịch vụ, đảm bảo các lợi ích từ du lịch đóng góp và phát triển kinh tế xã hội địa phương. Thu nhập bình quân các hộ làm dịch vụ du lịch (Homestay) trung bình đạt 70 đến 90 triệu đồng/năm, có những hộ đạt doanh thu trên 100 triệu đồng/năm.

Ngoài ra, Hà Giang còn có 106 điểm du lịch đang hoạt động, tập trung ở các loại hình Du lịch tâm linh, cộng đồng, văn hóa, danh lam thắng cảnh. Với lợi thế về cảnh quan, địa chất, chủ yếu nằm ở hai vùng là vùng cao núi đá thuộc Công viên địa chất toàn cầu cao nguyên đá Đồng Văn và vùng núi đất phía Tây với di tích quốc gia ruộng bậc thang Hoàng Su Phì, Hà Giang đang phát triển thêm sản phẩm du lịch thể thao, mạo hiểm nhằm đáp ứng nhu cầu của du khách. Trong đó tỉnh đã triển khai thử nghiệm khai thác, tiến tới tổ chức thường xuyên các sản phẩm du lịch thể thao, mạo hiểm như giải đua môtô, ô tô địa hình tại Yên Minh và Quản Bạ, Caravan tại Hoàng Su Phì, khinh khí cầu, đi bộ chinh phục vách đá trắng, Giải marathon quốc tế chạy trên con đường Hạnh Phúc; Chèo thuyền kayak và đi thuyền trên sông Nho Quế thám hiểm hẻm vực Tu Sản; bay dù lượn núi Pố Lổ thị trấn Đồng Văn; Thám hiểm hang Sán Tớ và đu dây mạo hiểm Hố sụt thôn Tìa Chí Dùa (Mèo Vạc). Trong thời gian tới tỉnh cho phép đoàn khách nước ngoài đến Hà Giang bằng máy bay trực thăng.

Hà Giang đang phát triển thêm nhiều sản phẩm du lịch nhằm đáp ứng nhu cầu của du khách.

Hà Giang cũng đang hướng đến sản phẩm du lịch thương mại, biên giới nhằm cung cấp các dịch vụ phục vụ nhu cầu mua sắm, tham quan của du khách; kích cầu tiêu thụ sản phẩm hàng hóa địa phương. Đáng chú ý phải kể đến mô hình chợ 4.0 với hình thức thanh toán không cần dùng tiền mặt, chỉ cần quét mã Qrcode tại chợ thị trấn Cốc Pài (huyện Xín Mần), chợ trung tâm thành phố Hà Giang; chợ đêm tại các huyện Yên Minh, Đồng Văn, Mèo Vạc. Tỉnh cũng chú trọng xây dựng không gian văn hóa chợ phiên gắn với khai thác phát triển du lịch tại chợ trung tâm huyện Đồng Văn, chợ Lũng Phìn, chợ Sà Phìn, chợ Phố Cáo, chợ các xã Khâu Vai, Lũng Pù, Niêm Sơn, Xín Cái, Sơn Vĩ... qua đó góp phần giữ gìn, quảng bá và phát huy nét văn hoá truyền thống đậm đà bản sắc dân tộc của Hà Giang đến với khách du lịch trong và ngoài nước.

Đặc biệt, ẩm thực độc đáo với nhiều món ăn truyền thống của các dân tộc Hà Giang cũng là một trong những sản phẩm du lịch bổ trợ độc đáo được nhiều du khách nhớ tới. Hà Giang có 4 món ăn được Hội đồng xác lập kỷ lục Việt Nam ghi nhận gồm: Cháo Ấu tẩu, mèn mén, thắng cố và thịt treo gác bếp cùng 4 món lọt top 100 đặc sản quà tặng Việt Nam gồm: Mật ong Bạc hà, chè cổ thụ Shan tuyết, bánh Tam giác mạch và Hồng không hạt Quản Bạ. Gần đây nhất, vào tháng 9/2023, Hà Giang có 3 món ẩm thực gồm cá Bỗng, cháo ấu tẩu và phở ngô được vinh danh ẩm thực tiêu biểu Việt Nam, góp phần làm cho các sản phẩm du lịch của Hà Giang ngày càng hấp dẫn.

Sự chuyển biến mạnh mẽ về "lượng" và "chất"

 

Bộ trưởng Lê Minh Hoan trong một dịp đến thăm và làm việc tại tỉnh Hà Giang đã thực sự ngỡ ngàng và trân trọng với những điều Hà Giang đã đặt nền móng cho sự phát triển trong lĩnh vực du lịch. Quá nhiều cảm xúc trước những dòng du khách xuôi ngược trên những cung đường đồi núi trập trùng, Bộ trưởng cho rằng, người Hà Giang cần xác lập phương châm “Phát triển du lịch không chỉ vì lợi ích kinh tế, mà còn là trách nhiệm và lòng tự hào với quê hương Hà Giang, vùng đất hoa nở trên đá”.

Thật vậy, với sự nỗ lực và chung tay của cả hệ thống chính trị cùng người dân, du lịch Hà Giang đã và đang tiếp tục đổi mới, từng bước hoàn thiện để khẳng định hình ảnh một điểm đến an toàn, hấp dẫn và đặc sắc. Theo Phó Chủ tịch UBND tỉnh Trần Đức Quý, với lợi thế về tài nguyên du lịch hiếm địa phương nào có được, tỉnh Hà Giang sẽ rút kinh nghiệm, khắc phục những tồn tại, có những giải pháp thiết thực, lắng nghe tiếng nói của du khách và doanh nghiệp để giữ được môi trường du lịch lành mạnh, an toàn, bền vững. Trong đó, tỉnh vừa tập trung đầu tư cho du lịch, vừa giữ cho được sự nguyên sơ của địa chất, địa mạo và bản sắc văn hóa địa phương.

 Những cánh đồng tam giác mạch đang nở rộ, sẵn sàng đón du khách đến với Lễ hội tam giác mạch Hà Giang lần thứ IX.

Số liệu thống kê qua từng năm đã chứng minh du lịch Hà Giang đã và đang có những bước chuyển biến mạnh mẽ cả về số lượng và chất lượng, góp phần quan trọng vào sự phát triển kinh tế - xã hội, chuyển dịch cơ cấu kinh tế, thu hút ngày càng nhiều các dự án đầu tư vào du lịch. Năm 2020, mặc dù bị ảnh hưởng nặng nề bởi dịch COVID-19, nhưng sau khi dịch bệnh được kiểm soát, du lịch Hà Giang nhanh chóng phục hồi với 1,5 triệu lượt khách (tăng 7% so với cùng kỳ năm 2019). Trong giai đoạn 2020 - 2022, khách du lịch đến Hà Giang tăng bình quân 39%/năm. Đặc biệt, năm 2022, đại dịch COVID-19 được kiểm soát, Hà Giang đón khoảng 2,2 triệu lượt khách (đạt 147% kế hoạch năm), doanh thu du lịch đạt 4.306 tỷ đồng, tăng 165,8% so với năm 2021. 6 tháng đầu năm 2023, hoạt động du lịch tiếp tục có nhiều khởi sắc với trên 1,4 triệu lượt du khách đến với Hà Giang, tăng 28,2% so với cùng kỳ năm 2022, đạt 56,7% KH. Ước tính đến hết năm 2023, du khách đến Hà Giang đạt khoảng 3 triệu lượt, đạt 100% so với mục tiêu Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh. Lượng khách du lịch tăng góp phần thúc đẩy các ngành dịch vụ phát triển, đóng góp quan trọng vào tăng trưởng GDP của tỉnh.

Thực tế cho thấy, với cách làm du lịch sáng tạo, bài bản, Hà Giang những năm gần đây trở thành điểm đến không thể thiếu trên bản đồ du lịch trong nước và quốc tế. Nhiều lần liên tiếp, Hà Giang nằm trong danh sách những điểm đến lý tưởng được các tạp chí du lịch uy tín trên thế giới bình chọn. Tờ New York Times xếp Hà Giang vào top 25/52  điểm đến hấp dẫn nhất thế giới năm 2023. Tờ báo chuyên du lịch Canada The Travel bình trọn Hà Giang là một trong 10 điểm đến đẹp nhất Việt Nam. Trong năm 2022, khu nghỉ dưỡng Hmông Village được vinh danh khách sạn xanh ASEAN; tháng 01/2023, làng VHDL thôn Nặm Đăm được nhận giải thưởng ASEAN về lĩnh vực du lịch cộng đồng lần thứ 3. Vừa qua, 18 làng văn hóa du lịch cộng đồng của tỉnh Hà Giang cũng vinh dự được chọn quảng bá giới thiệu trên website của Diễn đàn Hợp tác kinh tế Châu Á - Thái Bình Dương (APEC). Gần đây nhất, tháng 9/2023, Hà Giang vinh dự được nhận nhận giải thưởng Điểm đến du lịch mới nổi hàng đầu châu Á năm 2023.

 Đại diện Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Hà Giang nhận giải thưởng Điểm đến du lịch mới nổi hàng đầu châu Á năm 2023 tại Lễ trao giải tối 6/9.

Bên cạnh những thành tựu đạt được, Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Nguyễn Hồng Hải thừa nhận rằng, du lịch Hà Giang còn nhiều hạn chế và bất cập; kết quả đạt được còn chưa tương xứng với tiềm năng và lợi thế của tỉnh. Thiếu sự đầu tư trọng điểm và các nguồn lực đảm bảo thực hiện một cách đồng bộ, số lượng dự án đã triển khai đi vào hoạt động còn ít, hiệu quả chưa cao. Ngoài ra, chưa nhiều sản phẩm du lịch chất lượng cao, chất lượng hoạt động của nguồn nhân lực bước đầu có nhiều chuyển biến, tuy nhiên vẫn còn thiếu và yếu; cơ sở lưu trú, khách sạn, nhà hàng chưa đáp ứng nhu cầu của khách du lịch hạng sang; nguồn lực đầu tư cho phát triển du lịch còn hạn chế, cơ sở hạ tầng du lịch chưa đồng bộ, chưa đáp ứng được nhu cầu của du khách, đặc biệt với sự gia tăng về số lượng khách trong các dịp lễ, Tết.

Trong năm 2023, ngành Du lịch Hà Giang đặt mục tiêu đón khoảng 2,5 triệu lượt khách; đến năm 2025 phấn đấu đón 3 triệu lượt du khách; tổng thu từ khách du lịch ước đạt 7.800 tỷ đồng, đóng góp 10,34% giá trị du lịch vào tổng sản phẩm trên địa bàn, giải quyết việc làm cho 28.200 lao động. Để đạt được mục tiêu này, Hà Giang còn rất nhiều việc phải làm, trong đó phải khắc phục bằng được những tồn tại, hạn chế, tháo gỡ những “điểm nghẽn” về hạ tầng giao thông, dịch vụ du lịch...

Ghi nhận sự nỗ lực và những kết quả của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân các dân tộc trong tỉnh, tại buổi làm việc với Ban Thường vụ Tỉnh ủy Hà Giang, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính chỉ đạo tỉnh Hà Giang tiếp tục tập trung phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn với các sản phẩm du lịch đa dạng, gắn liền với truyền thống văn hóa, bản sắc, cảnh quan thiên nhiên và con người Hà Giang.

Tin tưởng rằng, với định hướng phát triển du lịch thân thiện, mến khách, bảo tồn, phát huy những nét đẹp văn hóa truyền thống của cộng đồng các dân tộc, của cảnh quan thiên nhiên, trong thời gian tới đây, du lịch Hà Giang tiếp tục bứt phá đạt được những mục tiêu quan trọng đã đề ra trong từng giai đoạn./.

 
Hoa Hiền - Phương Nghi
21/10/2023 11:26
zalo-icon
viber-icon

Ý KIẾN BÌNH LUẬN