Logo báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam

Phát huy giá trị văn hóa, con người, xây dựng tỉnh Lai Châu phát triển nhanh và bền vững

Thứ Tư, 22/05/2024 16:45 (GMT+0)
zalo-icon
viber-icon
00:00 / 00:00

(ĐCSVN) – Tỉnh Lai Châu đang hướng đến xây dựng môi trường văn hóa trong các lĩnh vực; khai thác, sử dụng có hiệu quả các giá trị đặc sắc của văn hóa, con người Lai Châu trong phát triển kinh tế - xã hội, xây dựng Lai Châu trở thành điểm đến lý tưởng, điểm sáng về văn hóa trong cả nước.

Văn hoá, con người Lai Châu được quan tâm và có bước phát triển

Với đặc điểm của một tỉnh miền núi, biên giới, nhiều dân tộc cùng sinh sống với bản sắc văn hóa phong phú, văn hóa sẽ là động lực, là lợi thế để xây dựng và phát triển kinh tế xã hội, xóa đói giảm nghèo, nâng cao đời sống nhân dân. Nhận thức đúng về vị trí, vai trò của văn hóa và con người, Tỉnh ủy quan tâm chỉ đạo việc quán triệt, tuyên truyền, triển khai sâu rộng các chủ trương, nghị quyết của Trung ương, của tỉnh về văn hóa, con người, đặc biệt là Nghị quyết số 33-NQ/TW, ngày 9/6/2014 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa XI) về xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước; kịp thời xây dựng, ban hành các kế hoạch, chương trình của tỉnh với mục tiêu chung là: “Xây dựng văn hóa và con người Lai Châu phát triển toàn diện, hướng đến chân - thiện - mỹ, thấm nhuần tinh thần dân tộc, nhân văn, dân chủ, khoa học và truyền thống văn hóa của quê hương, bản sắc văn hóa tốt đẹp của từng dân tộc. Văn hóa thực sự trở thành nền tảng tinh thần, là động lực cho sự phát triển của xã hội, là sức mạnh nội sinh quan trọng bảo đảm sự phát triển bền vững của tỉnh, góp phần vào sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc”. Đây là quan điểm chỉ đạo, là mục tiêu mang tính xuyên suốt vừa có tính chiến lược, vừa có ý nghĩa cấp bách đối với công tác xây dựng, phát triển văn hóa, con người Lai Châu. 

Dân tộc Hà Nhì (Lai Châu) được biết đến bởi sự phong phú, đa dạng về bản sắc văn hóa. Ảnh: baodantoc.vn 

Thực hiện mục tiêu đó, Tỉnh uỷ, Hội đồng nhân dân, Uỷ ban nhân dân tỉnh đã ban hành nhiều nghị quyết, chính sách về bảo tồn, phát huy bản sắc văn hóa truyền thống tốt đẹp của các dân tộc gắn với phát triển du lịch giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030; về nâng cao chất lượng nguồn nhân lực; về việc xây dựng, phát triển trí tuệ, thể chất… Cấp uỷ, chính quyền các cấp và các ngành chức năng đã cụ thể hóa trong kế hoạch thực hiện nhiệm vụ chính trị giai đoạn và hằng năm đảm bảo đồng bộ, phù hợp với điều kiện thực tiễn.

Sau 10 năm triển khai thực hiện Nghị quyết số 33-NQ/TW, việc xây dựng và phát triển văn hóa, con người Lai Châu đã đạt được những kết quả rất tích cực. Các giá trị văn hóa, con người Lai Châu đặc sắc được định hình, giữ gìn và phát huy; người dân vừa là chủ thể sáng tạo và là đối tượng thụ hưởng các giá trị văn hóa. Môi trường văn hóa được xây dựng và thực hiện đồng bộ, rộng khắp trong cả hệ thống chính trị và cộng đồng dân cư gắn với đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh. Đến hết năm 2023, toàn tỉnh có 86% hộ gia đình đạt danh hiệu Gia đình văn hóa; 94,1% đơn vị, cơ quan, doanh nghiệp đạt danh hiệu văn hóa. 1.057 thiết chế thiết chế văn hoá từ tỉnh đến cơ sở được đầu tư, củng cố, cơ bản đáp ứng nhu cầu sinh hoạt văn hoá của Nhân dân. Duy trì hoạt động của hơn 900 câu lạc bộ văn hóa, văn nghệ ở thôn, bản, tổ dân phố và  45 trường học thành lập câu lạc bộ bảo tồn, phát huy bản sắc văn hóa truyền thống. 10 di sản được đưa vào danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia, 2 di sản được UNESCO ghi danh và 32 di tích được xếp hạng. Hoạt động văn học, nghệ thuật ngày càng đa dạng, phong phú, chất lượng. Hội nhập, giao lưu và hợp tác văn hóa, xã hội được tỉnh quan tâm đẩy mạnh.

 Văn hóa góp phần không nhỏ vào những thành tựu chung trong sự nghiệp phát triển kinh tế - xã hội của Lai Châu.

 Chất lượng giáo dục và đào tạo, chất lượng nguồn nhân lực được quan tâm đầu tư và đạt nhiều kết quả tích cực. Đến nay, cán bộ, công chức có trình độ đại học và trên đại học đạt 96,75%, tăng 75% so với năm 2014. Hệ thống giáo dục, đào tạo, quy mô trường, lớp học được mở rộng đáp ứng nhu cầu học tập của người dân; phổ cập giáo dục được duy trì, tỷ lệ người dân biết chữ được nâng lên; chất lượng giáo dục chuyển biến rất tích cực. Hoạt động thể dục, thể thao; công tác y tế, chăm sóc sức khỏe, dân số và gia đình được quan tâm; tầm vóc, sức khỏe của người dân được cải thiện… đáp ứng yêu cầu về nguồn nhân lực của tỉnh.

Từ những chủ trương, chính sách và bước đi phù hợp đã thúc đẩy các hoạt động xây dựng, phát triển văn hóa, con người Lai Châu, làm cho các giá trị văn hoá từng bước thấm sâu vào mọi người, mọi nhà, cơ quan, đơn vị, các tầng lớp nhân dân. Từ đó, đưa văn hóa dần trở thành nền tảng, là mục tiêu, là động lực thúc đẩy, có đóng góp không nhỏ vào những thành tựu chung trong sự nghiệp phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.

Bên cạnh những thành tựu đạt được, công tác xây dựng, phát triển văn hoá, con người của tỉnh vẫn còn những hạn chế. Nhận thức của một số cấp ủy, chính quyền và một bộ phận đảng viên về văn hóa chưa thực sự đầy đủ, sâu sắc. Đầu tư cho văn hóa, con người chưa tương xứng với tiềm năng và yêu cầu phát triển. Nhiều giá trị văn hóa, con người Lai Châu chưa được khai thác, sử dụng hiệu quả; văn hóa chưa trở thành nguồn lực nội sinh trong quá trình phát triển của tỉnh…

Để văn hoá, con người trở thành nguồn lực, động lực cho Lai Châu phát triển bền vững

 Phát huy giá trị văn hóa, con người để xây dựng tỉnh Lai Châu phát triển nhanh và bền vững. Ảnh: ĐP

Để phát huy mạnh mẽ giá trị văn hóa, con người, hướng đến mục tiêu xây dựng tỉnh Lai Châu phát triển nhanh và bền vững, thời gian tới, cấp uỷ, chính quyền các cấp cần tiếp tục lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện có hiệu quả Nghị quyết số 33-NQ/TW và các chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về văn hóa. Tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền, nâng cao nhận thức của các cấp, chính quyền, cán bộ, đảng viên và Nhân dân về vị trí, vai trò của văn hóa, con người trong sự nghiệp xây dựng, phát triển địa phương, đất nước. Nâng cao hiệu lực, hiệu quả công tác quản lý nhà nước đối với các hoạt động xây dựng, phát triển văn hoá, con người. Bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa truyền thống, đồng thời tiếp thu những tinh hoa văn hoá từ của nhân loại. Quan tâm đầu tư cho văn hoá; ưu tiên cho hệ thống thiết chế văn hóa, nguồn nhân lực văn hóa. Tổ chức nghiên cứu, xác định các giá trị văn hóa, giá trị con người Lai Châu bảo đảm tính đa dạng trong thống nhất văn hóa 20 dân tộc của tỉnh. Khai thác, sử dụng có hiệu quả các giá trị đặc sắc của văn hóa, con người Lai Châu trong phát triển kinh tế, nhất là du lịch; trong mở rộng quan hệ đối ngoại, đảm bảo quốc phòng, an ninh. Chú trọng xây dựng môi trường văn hóa trong các lĩnh vực, các hoạt động của đời sống xã hội hướng tới xây dựng Lai Châu trở thành điểm đến lý tưởng, điểm sáng về văn hóa trong cả nước.

Trong bối cảnh hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng, sự nghiệp xây dựng và phát triển văn hóa, con người Lai Châu trong giai đoạn mới đang đứng trước những thời cơ và thách thức đan xen, đòi hỏi sự vào cuộc, chỉ đạo quyết liệt, đồng bộ của cả hệ thống chính trị, sự đồng thuận của các tầng lớp nhân dân, nhằm xây dựng, phát triển văn hóa thực sự trở thành nền tảng tinh thần, là sức mạnh nội sinh quan trọng bảo đảm sự phát triển bền vững của tỉnh, của đất nước./.

Lê Đức Dục, Uỷ viên Ban Thường vụ, Trưởng Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Lai Châu

có thể bạn quan tâm

Ý KIẾN BÌNH LUẬN