Logo báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam

Phát hiện nhiều di vật tại di tích đồi Đồng Dâu niên đại khoảng 3.800 - 3.000 năm

Thứ Ba, 14/03/2023 14:13 (GMT+0)
zalo-icon
viber-icon

(ĐCSVN) - Kết quả khai quật di tích đồi Đồng Dâu tháng 1/2023 của Bảo tàng Hà Nội và Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn cho thấy các di vật đá, đồng và gốm tại đây có niên đại cách ngày nay khoảng 3800 - 3000 năm.

Bảo tàng Hà Nội cho biết, đợt khai quật di tích đồi Đồng Dâu tại thôn Đoài, thị trấn Tây Đằng (huyện Ba Vì, Hà Nội) do đơn vị này phối hợp cùng Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn thực hiện năm 2023, thu được một số lượng di vật khá đa dạng, niên đại của di tích nằm trong thời đại kim khí, với khung niên đại tuyệt đối cách ngày nay khoảng 3.800 - 3.000 năm.

Theo đó, tháng 1/2023, để làm rõ thêm những tính chất của di tích đồi Đồng Dâu ở cuộc khai quật trước, Bảo tàng Hà Nội đã phối hợp với Bộ môn Khảo cổ học, Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn - Đại học Quốc gia Hà Nội tiếp tục khai quật với diện tích là 25m2 (5m x 5m).

Kết quả khai quật di tích đồi Đồng Dâu cho thấy dù diện tích khai quật khá hạn chế nhưng các nhà khai quật đã thu được một số lượng di vật khá đa dạng bằng đá, đồng. Di vật đá có các loại công cụ sản xuất như rìu, bôn, đục, bàn mài, đồ trang sức, gồm 2 mảnh vòng tay, một mảnh mặt cắt hình chữ nhật màu trắng, một mảnh mặt cắt chữ T bằng đá ngọc màu xanh.

Bình diện hố khai quật tại di tích đồi Đồng Dâu.

Nhóm di vật đá thể hiện quy trình chế tác đá: Đá nguyên liệu, mảnh tước, phác vật công cụ. Sự hiện diện của những mảnh đá có chất liệu giống với rìu bôn tìm được, phác vật và các mảnh tước cho thấy công cụ đá ở đây được chế tạo trực tiếp tại di tích. Trong đó, hầu hết các di vật đá được làm từ đá có chất lượng cao, rìa lưỡi sắc và cứng. Một số di vật đang chế tác dở. Đáng chú ý, đoàn khai quật tìm thấy những nguyên liệu đá cùng chất liệu với di vật thu được.

Di vật gốm thu được có hai màu sắc chính là nâu đỏ và xám đen. Số lượng mảnh gốm thu được khá lớn, khoảng 5.000 mảnh, mang yếu tố Gò Mun. Đó là các loại đồ gốm có miệng loe bẻ ngang có trang trí hoa văn trong lòng miệng. Các mảnh gốm có hoa văn khuông nhạc hình sóng nước của văn hóa Đồng Đậu và những mảnh gốm mang phong cách Phùng Nguyên với những đồ án như hoa văn chữ S, hoa văn chấm dải trong khung khắc vạch, văn in cuống rạ, kiểu miệng thố, kiểu miệng đứng thành dày.

Dựa trên di vật có thể thấy niên đại tương đối của di tích nằm trong thời đại kim khí, niên đại sớm thuộc văn hóa Phùng Nguyên giai đoạn điển hình, phát triển qua giai đoạn Đồng Đậu muộn và Gò Mun. Khung niên đại tuyệt đối cách ngày nay khoảng 3800 - 3000 năm. Tính chất của di tích được xác định là di tích cư trú, có hoạt động chế tác công cụ đá. Tuy vậy, tính chất xưởng chưa thực sự rõ ràng.

Như vậy, di tích đồi Đồng Dâu là một trong những di tích khảo cổ học quan trọng ở Hà Nội, góp phần quan trọng chứng minh sự hiện diện, tụ cư và phát triển trong thời đại kim khí ở Hà Nội. Niên đại khoảng 3800-3000 năm cách ngày nay. Đây là một di tích cư trú có thời gian cư trú dài với tầng văn hóa dày, nhiều giai đoạn phát triển liên tục từ Phùng Nguyên đến Gò Mun và có mộ Đông Sơn. Mật độ cư trú dày đặc tập trung ở sườn phía Nam của quả gò.

Toạ lạc tại quả đồi cùng tên thuộc thôn Đoài, thị trấn Tây Đằng, huyện Ba Vì, thành phố Hà Nội, di tích đồi Đồng Dâu cách thị xã Sơn Tây 11km về phía Tây Tây Bắc, cách trung tâm thị trấn Tây Đằng 500m về phía Tây. Phía Tây giáp Vật Lại, phía Đông Nam giáp với chùa Cao, Đông Bắc giáp Đồng Mọn. Di tích đồi Đồng Dâu nằm ở hữu ngạn sông Hồng và cách điểm gần nhất 2,5km, nằm ở tả ngạn sông Tích cách đoạn gần nhất 1,3km.

Một số di vật được tìm thấy khi khai quật di tích đồi Đồng Dâu tháng 1/2023. 

Tháng 12/2005 và tháng 2/2008, khoa Lịch sử, Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn - Đại học Quốc gia Hà Nội đã tiến hành khai quật di chỉ này.

Di tích đồi Đồng Dâu là một trong những di tích khảo cổ học quan trọng ở Hà Nội, góp phần quan trọng chứng minh sự hiện diện, tụ cư và phát triển trong thời đại kim khí ở Hà Nội.

Đây là một di tích cư trú có thời gian cư trú dài với tầng văn hoá dày, qua nhiều giai đoạn phát triển liên tục từ Phùng Nguyên đến Gò Mun và có mộ Đông Sơn. Mật độ cư trú dày đặc tập trung ở sườn phía Nam của quả gò.

Hiện nay các di tích khảo cổ học thời đại kim khí ở Hà Nội phần lớn đã biến mất bởi quá trình đô thị hoá. Một số di tích còn có thể nghiên cứu như Vườn Chuối, Gò Hện và đồi Đồng Dâu. Đó là những di sản từ thời đại kim khí quý giá còn lại của Hà Nội.

N.K

có thể bạn quan tâm

Ý KIẾN BÌNH LUẬN