Phát động cuộc thi lập trình “Oraichain Hackathon”
(ĐCSVN) - Cuộc thi lập trình “Oraichain Hackathon” là cơ hội để các bạn trẻ giao lưu, học hỏi để hoàn thiện các kỹ năng nghề nghiệp cùng nhiều kỹ sư, chuyên gia chất lượng trong lĩnh vực chuỗi khối - công nghệ xu hướng trong cuộc cách mạng công nghệ 4.0.
Ngày 19/4, tại Hà Nội, Trung tâm Phát triển Khoa học, Công nghệ và Tài năng trẻ (CYTAST) phối hợp Công ty Cổ phần Oraichain Labs tổ chức phát động cuộc thi lập trình “Oraichain Hackathon”. Tham dự có Bí thư Trung ương Đoàn, Chủ tịch Hội Sinh viên Việt Nam Nguyễn Minh Triết.
Lần đầu tiên được tổ chức tại Việt Nam, cuộc thi lập trình “Oraichain Hackathon” hướng đến đối tượng là đoàn viên, thanh niên có đam mê lập trình, có ý tưởng ứng dụng công nghệ chuỗi khối (blockchain).
Đại diện các cơ quan, đơn vị thực hiện nghi thức phát động cuộc thi lập trình “Oraichain Hackathon” |
Đến với cuộc thi, các đội tuyển sẽ phát triển ứng dụng phi tập trung (dApps) trên chuỗi khối Oraichain, sử dụng module CosmWasm và hệ sinh thái Oraichain.
Sau vòng đăng ký và nộp dự án, tối đa 8 đội tuyển xuất sắc nhất sẽ được lựa chọn tham dự vòng chung kết, dự kiến diễn ra vào tháng 6 tới đây tại Hà Nội.
Trong khuôn khổ vòng chung kết cuộc thi, Ban tổ chức sẽ triển khai chương trình “Ngày hội Hackathon”. Các đôi thi có 24 giờ làm việc trong không gian do Ban tổ chức bố trí để hoàn thiện 1 sản phẩm để tranh tài giành ngôi quán quân.
Cơ cấu cuộc thi gồm có 1 giải nhất trị giá 100 triệu đồng tiền mặt, cơ hội hợp tác với Oraichain Labs; 1 giải nhì 60 triệu đồng; 1 giải ba 40 triệu đồng; 2 giải khuyến khích (mỗi giải 10 triệu đồng); 1 giải “Sản phẩm yêu thích” thông qua bình chọn trực tuyến (10 triệu đồng).
Được biết, Công ty Cổ phần Oraichain Labs là đơn vị phụ trách chuyên môn của cuộc thi. Oraichain Labs là đơn vị nghiên cứu và phát triển chuỗi khối Oraichain và hệ sinh thái trí tuệ nhân tạo phi tập trung. Oraichain là nền tảng blockchain đi tiên phong trong việc cung cấp cơ sở hạ tầng an toàn và bảo mật cho các ứng dụng phi tập trung (dApps) thông qua việc tích hợp trí tuệ nhân tạo (AI) vào hợp đồng thông minh (smart contracts). Đây là dự án đã được ấp ủ hơn ba năm trong phòng nghiên cứu BKC Labs tại Đại học Bách khoa Hà Nội, tin tưởng vào sự đột phá của công nghệ chuỗi khối cho sự phát triển của các thế hệ ứng dụng web mới (Web 3.0) và nền kinh tế số thông qua việc tăng quy mô xử lý, mở rộng phạm vi và liên kết đa chuỗi, Oraichain và hệ sinh thái trong Oraichain.