Logo báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam

Pháo nổ vẫn còn là điều nhức nhối!

Thứ Ba, 20/02/2024 11:55 (GMT+0)
zalo-icon
viber-icon

(ĐCSVN) - Giao thừa năm nay, tình trạng người dân đốt pháo nổ trái phép vẫn diễn ra nhiều nơi. Theo thống kê của các bệnh viện gửi về Bộ Y tế, trong 7 ngày nghỉ Tết Nguyên đán vừa qua, có tổng số 604 trường hợp khám, cấp cứu do pháo nổ, pháo hoa (tăng 51% so với cùng kỳ Tết Quý Mão 2023); trong đó, có 315 trường hợp phải nhập viện điều trị (tăng 15% so với cùng kỳ Tết Quý Mão 2023).

Con số trên cho thấy tính chất nguy hiểm và tai hại của việc sử dụng pháo trái phép và đó vẫn là điều nhức nhối trong dịp xuân này.

Một ca tai nạn do pháo nổ điều trị tại Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức. Ảnh: TL 

Đốt pháo nổ là vi phạm pháp luật, có thể bị án tù. Cách đây 30 năm, ngày 8/8/1994, Chính phủ đã ra Chỉ thị số 406-TTg do Thủ tướng Võ Văn Kiệt ký, về việc cấm sản xuất, buôn bán và đốt pháo. Theo Chỉ thị 406, kể từ ngày 1/1/1995 nghiêm cấm sản xuất, buôn bán và đốt các loại pháo nổ, thuốc pháo nổ trong phạm vi cả nước (trừ các loại pháo hoa và thuốc làm pháo hoa). Trẻ em dưới 16 tuổi vi phạm thì bố mẹ hoặc người nuôi dưỡng phải chịu trách nhiệm, bồi thường thiệt hại hoặc nộp tiền phạt hành chính.

Hiện nay, chúng ta có Nghị định 137/2020/NĐ-CP của Chính phủ về quản lý, sử dụng pháo. Nghị định 137 đã cho phép người dân được sử dụng pháo hoa nhưng chỉ là pháo hoa không nổ và vẫn cấm sử dụng các loại pháo gây ra tiếng nổ. Đối với loại pháo này, cơ quan, tổ chức, cá nhân có năng lực hành vi dân sự đầy đủ thì có thể mua tại các tổ chức, doanh nghiệp được phép sản xuất, kinh doanh pháo hoa (thuộc Bộ Quốc phòng) để sử dụng trong các trường hợp lễ, tết, sinh nhật, cưới hỏi, hội nghị, khai trương, ngày kỷ niệm và trong hoạt động văn hóa, nghệ thuật...

Từ nhiều năm nay, đáp ứng nhu cầu đón năm mới của nhân dân, các địa phương đều bố trí nhiều điểm bắn pháo hoa vào đêm Giao thừa. Đa số người dân hưởng ứng sử dụng pháo hoa của Nhà máy Z121 Bộ Quốc phòng sản xuất để phục vụ nhu cầu giải trí, mong muốn đón chào một năm mới bình an và may mắn.

Thế nhưng, mỗi khi Tết đến, xuân về là các lực lượng chức năng vẫn phải “căng” mình kiểm soát các hành vi vi phạm về việc sản xuất, buôn bán, vận chuyển, tàng trữ, kinh doanh, đốt pháo. Pháo hoa được đăng bán tràn lan trên các trang mạng xã hội. Một bộ phận người dân vẫn “vô tư” mua, đốt pháo nổ, thậm chí tự chế pháo để đốt dẫn đến những hậu quả thương tâm. Không khó để tìm các video dạy cách chế pháo, thuốc nổ tại nhà. Chỉ cần gõ từ khóa "cách làm pháo" hoặc "làm pháo", trên công cụ tìm kiếm trực tuyến google sẽ có hàng loạt video hướng dẫn cách làm các loại pháo khác nhau được đề xuất. Dạo quanh trên mạng xã hội Facebook xuất hiện hàng loạt hội, nhóm trao đổi, mua bán nguyên liệu chế tạo pháo...

Phải chăng ở đây có tình trạng "lờn" với quy định pháp luật? Bởi thực tế, trước Tết Nguyên đán cả tháng, hầu hết chính quyền các địa phương tích cực tuyên truyền nhằm phổ biến các quy định của pháp luật về cấm sản xuất, mua bán, tàng trữ, vận chuyển và sử dụng pháo nổ trái phép. Đồng thời yêu cầu các hộ dân ký cam kết không tham gia đốt pháo.

Ngăn tiếng pháo nổ, chính quyền, ngành chức năng nêu cao trách nhiệm trong việc quản lý, phát hiện và xử lý nghiêm những đối tượng buôn bán, vận chuyển pháo trái phép; kiểm soát chặt chẽ các sản phẩm pháo hoa bán ra thị trường, bảo đảm sản phẩm bán đến tay người dân là pháo hoa được sử dụng theo quy định.  

Hơn hết, mỗi gia đình cần nhắc nhau tự giác chấp hành nghiêm những quy định của pháp luật về quản lý, sử dụng pháo để ngăn chặn nguy cơ, hậu quả đáng tiếc xảy ra từ pháo nổ./.

 
 
TG

có thể bạn quan tâm

Ý KIẾN BÌNH LUẬN