Phấn đấu năm 2018, cả nước có khoảng 39% số xã được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới
(ĐCSVN) - Để Chương trình Quốc gia xây dựng nông thôn mới (Chương trình) trong năm 2018 đạt được mục tiêu đề ra, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã xây dựng một số nhiệm vụ trọng tâm để thực hiện Chương trình năm 2018.
Theo đó, mục tiêu phấn đấu năm 2018 cả nước có khoảng 39% số xã (khoảng 3.500 xã) được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới, tăng khoảng 5% so với năm 2017; có ít nhất có 54 đơn vị cấp huyện được Thủ tướng Chính phủ công nhận đạt chuẩn/hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới; bình quân tiêu chí/xã cả nước tăng thêm tối thiểu 0,5 tiêu chí/xã so với năm 2017; giảm số xã đạt dưới 05 tiêu chí xuống dưới 60 xã.
Để đạt được những mục tiêu đề ra, cần tập trung thực hiện các giải pháp:
Đẩy mạnh hơn nữa công tác tuyên truyền về nông thôn mới gắn với tuyên truyền kết quả 10 năm thực hiện Nghị quyết 26/NQ-TW về nông nghiệp, nông dân, nông thôn.
Cụ thể, tiếp tục đa dạng hóa các hình thức truyền thông trên các phương tiện thông tin đại chúng, nhất là trên các trang mạng xã hội, nhằm triển khai sâu rộng và thiết thực Phong trào thi đua “Cả nước chung sức xây dựng nông thôn mới” và phản ánh kịp thời hơi thở của cuộc sống thực tiễn xây dựng nông thôn mới của cả nước, trong đó, tiếp tục phối hợp với Đài Truyền hình Việt Nam triển khai hiệu quả và nâng cao thời lượng chuyên mục “Miền quê đáng sống” trong Chương trình chuyển động 24h (VTV24)... Tiếp tục triển khai hiệu quả Cuộc thi Báo chí viết về nông thôn mới gắn với cơ cấu lại ngành nông nghiệp; Tổ chức một số đoàn công tác chuyên đề cho các phóng viên đi tìm hiểu thực tế tại các vùng miền trên cả nước để phản ánh kết quả và đánh giá tác động của 10 năm triển khai thực hiện Nghị quyết 26-NQ/TW; phối hợp với Hội nhà báo Việt Nam và các Bộ, ngành Trung ương liên quan Tổ chức Giải báo chí quốc tế viết về đề tài “Nông nghiệp, nông thôn”của các nước trong khối ASEAN giai đoạn 2018-2020.
Tiếp tục rà soát, tham mưu, đề xuất cấp có thẩm quyền hoàn thiện tất cả các cơ chế, chính sách để thực hiện Chương trình; hướng dẫn và đôn đốc các địa phương triển khai hiệu quả các Đề án xây dựng nông thôn mới đặc thù đã được Thủ tướng Chính phủ và cấp có thẩm quyền phê duyệt.
Tiếp tục triển khai có hiệu quả Chương trình khoa học và công nghệ phục vụ xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2016-2020.
Trong đó, đẩy nhanh tiến độ triển khai các Đề tài, dự án đã được phê duyệt năm 2018 và tiếp tục thành lập các Hội đồng tư vấn để lựa chọn các nhiệm vụ khoa học công nghệ cấp thiết để thực hiện trong giai đoạn 2018-2020, trong đó, ưu tiên những nhiệm vụ theo đặt hàng của Thủ tướng Chính phủ, Trưởng Ban Chỉ đạo Trung ương và do các địa phương đề xuất.
Thực hiện nghiêm túc phương châm của Ban Chỉ đạo Trung ương “Chủ động, quyết tâm, sáng tạo, quyết liệt và hiệu quả” để triển khai 11 nội dung của Chương trình đã theo hướng bền vững, có chất lượng và từng bước đi vào chiều sâu.
Trong đó, cần tiếp tục hoàn thiện cơ sở hạ tầng thiết yếu trên địa bàn xã, tập trung ở những xã nghèo, xã đặc biệt khó khăn, tạo điều kiện thuận lợi cho phát triển kinh tế - xã hội và tăng hưởng thụ trực tiếp cho cư dân nông thôn; ưu tiên thúc đẩy hỗ trợ phát triển sản xuất theo chuỗi giá trị, nhất là sản xuất nông nghiệp sạch - an toàn, góp phần thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu lao động và kinh tế nông thôn để tăng thu nhập người dân nông thôn một cách bền vững; chú trọng bảo vệ môi trường và tạo cảnh quan nông thôn sáng - xanh - sạch - đẹp, hiện đại, hợp lý và giữ gìn được những đặc trưng và bản sắc nông thôn truyền thống xanh - sạch - đẹp; nâng cao chất lượng đời sống văn hoá và giữ gìn an ninh trật tự; gắn xây dựng nông thôn mới với Phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa”; khuyến khích và thường xuyên tổ chức các hoạt động xã hội, văn hóa, văn nghệ, thể dục, thể thao, phòng chống tệ nạn xã hội thu hút số lượng lớn người dân tham gia; tổ chức các hoạt động phát triển cộng đồng ở các thôn, bản, ấp nhằm phát huy và bảo tồn những giá trị truyền thống tốt đẹp; xây dựng và thực hiện hiệu quả phong trào toàn dân bảo vệ an ninh tổ quốc; nghiên cứu xây dựng và trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, ban hành Đề án “Nâng cao chất lượng, hiệu quả tiêu chí an ninh trật tự trong xây dựng nông thôn mới”; nghiên cứu nhân rộng mô hình “Quỹ An ninh trật tự gắn với xây dựng nông thôn mới”; tiếp tục phát huy và nhân rộng các mô hình cụm liên kết về an ninh trật tự hoạt động thường xuyên, hiệu quả như “tổ tự quản về an toàn giao thông”, “tổ phòng chống tội phạm”, “tổ an ninh, hoà giải” góp phần đấu tranh ngăn chặn, đẩy lùi các loại tội phạm, tệ nạn xã hội để thực sự tạo ra nông thôn mới bình yên.
Tiếp tục nâng cao chất lượng, hiệu quả các tiêu chí nông thôn mới, từng địa phương phải xác định rõ các tiêu chí trọng tâm để tập trung chỉ đạo, nhất là các tiêu chí về đời sống người dân, môi trường, văn hoá và an ninh trật tự. Đối với các xã đạt chuẩn cần tiếp tục phấn đấu xây dựng nông thôn mới để nâng cao chất lượng các tiêu chí và xây dựng nông thôn mới kiểu mẫu. Đối với các xã đang phấn đấu đạt chuẩn, phải đảm bảo chất lượng, thực chất, không chạy theo thành tích. Đối với các xã khó khăn, cần tập trung nâng cấp cơ sở hạ tầng thiết yếu và thúc đẩy phát triển sản xuất theo chuỗi giá trị, ưu tiên tập trung đầu tư ở cấp thôn, bản; tập trung chỉ đạo 04 huyện thí điểm xây dựng mô hình huyện nông thôn mới kiểu mẫu, làm cơ sở đánh giá, đề xuất tiêu chí huyện nông thôn mới kiểu mẫu vào năm 2020.
Tiếp tục đẩy mạnh các giải pháp huy động và đa dạng hóa các nguồn vốn để thực hiện Chương trình.
Tăng cường công tác kiểm tra, giám sát thực hiện Chương trình (định kỳ, đột xuất). Trong đó tập trung vào các nội dung: tình hình phân bổ và sử dụng nguồn vốn ngân sách Trung ương năm 2018; tiến độ và giải pháp xử lý nợ xây dựng cơ bản của các địa phương; điều tra và đánh giá sự hài lòng của người dân về xây dựng nông thôn mới...; hoàn thiện và vận hành hiệu quả hệ thống giám sát, đánh giá đồng bộ, toàn diện đáp ứng yêu cầu quản lý Chương trình…/.