Logo báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam

Phấn đấu hết năm 2025 nối thông toàn tuyến đường Hồ Chí Minh

Thứ Hai, 06/06/2022 18:03 (GMT+0)
zalo-icon
viber-icon

(ĐCSVN) – Đại biểu Nguyễn Thành Nam (Phú Thọ) đề nghị Quốc hội xem xét, chỉ đạo quyết liệt để phấn đấu hết năm 2025 có thể nối thông toàn tuyến đường Hồ Chí Minh theo Nghị quyết Quốc hội Khóa XI, đáp ứng sự kỳ vọng và niềm tin của Nhân dân.

 Đại biểu Nguyễn Thành Nam (Phú Thọ) phát biểu tại Hội trường Quốc hội chiều ngày 6/6. Ảnh: QH

Chiều 6/6, Quốc hội thảo luận ở Hội trường về tổng kết, đánh giá tổng thể tình hình thực hiện Nghị quyết số 66/2013/QH13 và kế hoạch triển khai dự án đường Hồ Chí Minh giai đoạn tiếp theo.

Phấn đấu hết năm 2025 nối thông toàn tuyến đường Hồ Chí Minh

Thảo luận tại Hội trường, đại biểu Quốc hội Nguyễn Quang Huân (Bình Dương) đánh giá, dự án đường Hồ Chí Minh là một dự án lớn về cả tầm ảnh hưởng chính trị đến quy mô kinh tế kỹ thuật, môi trường xã hội. Tuy nhiên, hiện nay dự án vẫn còn 171 km tuyến chính chưa được hoàn thành vì các lý do liên quan đến công tác đền bù, giải phóng mặt bằng và vấn đề bố trí vốn.

Trước thực trạng trên, đại biểu Quốc hội Nguyễn Quang Huân đề nghị cân nhắc điều chuyển các nguồn vốn cho phát triển hạ tầng để hoàn thành các tuyến chưa hoàn thành của dự án đường Hồ Chí Minh nhằm đảm bảo đúng mục tiêu kích cầu nền kinh tế của Nghị quyết 43.

Bên cạnh đó, đại biểu tỉnh Bình Dương cũng đề nghị, đối với các dự án thành phần đã hoàn thành của dự án đường Hồ Chí Minh cần phải có báo cáo đánh giá tác động về môi trường, kinh tế - xã hội để rút kinh nghiệm cho các dự án thành phần sắp tới, cũng như rút kinh nghiệm cho các dự án lớn tương tự như dự án đường cao tốc Bắc- Nam phía Đông, tránh tình trạng hoàn thành Nghị quyết này lại ảnh hưởng đến Nghị quyết khác.

Tán thành và đánh giá cao sự thẳng thắn nhìn nhận những tồn tại và nguyên nhân dự án kéo dài nhiều năm không hoàn thành trong báo cáo của Chính phủ và báo cáo thẩm tra của Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường, đại biểu Nguyễn Thành Nam (Phú Thọ) cho biết: Cử tri rất băn khoăn khi dự án cũ do Quốc hội quyết định chưa hoàn thành, nhưng ngay trong kỳ họp này Quốc hội đang xem xét quyết định đầu tư các công trình trọng điểm quốc gia trong giai đoạn tới, liệu có lặp lại như dự án này hay không?

Với băn khoăn trên, đại biểu đề nghị Quốc hội xem xét, bố trí nguồn vốn đầu tư ngay để hoàn thành đoạn Cổ Tiết – Chợ Bến, Chợ Chu – Ngã ba Trung Sơn, Rạch Sỏi – Bến Nhất - Gò Quao - Vĩnh Thuận, đồng thời chỉ đạo quyết liệt để phấn đấu hết năm 2025 có thể nối thông toàn tuyến đường Hồ Chí Minh theo Nghị quyết Quốc hội khóa XI, đáp ứng sự kỳ vọng và niềm tin của Nhân dân.

Đồng quan điểm trên, đại biểu Lê Hoàng Anh (Gia Lai) đánh giá cao sự nỗ lực và kết quả đạt được của Chính phủ trong hơn 8 năm thực hiện Nghị quyết 66, gần 20 năm thực hiện Nghị quyết 38 và cho rằng đường Hồ Chí Minh đã hoàn thành hơn 86% tổng chiều dài toàn tuyến và đưa vào sử dụng, góp phần phát triển kinh tế xã hội, đặc biệt là 28 tỉnh có tuyến đường Hồ Chí Minh đi qua.

Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, dự án này đã chậm tiến độ nhiều năm so với Nghị quyết của Quốc hội, đại biểu đề nghị Chính phủ cần đánh giá kỹ lưỡng tác động, thiệt hại của việc không hoàn thành thông tuyến vào năm 2020 đối với sự phát triển kinh tế xã hội, đặc biệt là ở các địa phương có tuyến đường đi qua.

Tạo cơ chế, chính sách đặc thù triển khai dự án đường Hồ Chí Minh

Cho ý kiến về vấn đề trên, đại biểu Thạch Phước Bình (Bình Dương) cơ bản đồng tình với Báo cáo của Chính phủ và Báo cáo thẩm tra của Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội dự án đường Hồ Chí Minh theo Nghị quyết 66. Theo đó, để có khoảng 5.000 km vào năm 2030, Chính phủ, Bộ Giao thông vận tải đã đặt ra mục tiêu hoàn thành hàng loạt tuyến cao tốc theo Tờ trình quy hoạch mạng lưới giao thông đường bộ giai đoạn 2021-2030, trong đó có tuyến đường Hồ Chí Minh giai đoạn tiếp theo.

Tuy nhiên, quá trình xây dựng đường cao tốc đang còn một số bất cập nhất định như Báo cáo của Chính phủ, Báo cáo thẩm tra của Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường và phân tích của một số đại biểu đã nêu.

Đại biểu Thạch Phước Bình cho rằng, trong bối cảnh nguồn ngân sách rất hạn chế vẫn phải chi cho nhiều dự án nâng cấp, mở rộng các tuyến quốc lộ. Đây là nỗ lực rất lớn của Chính phủ và ngành giao thông vận tải. Theo đó, để hoàn thành hơn 2.000 km đường bộ cao tốc, tổng vốn cần huy động khoảng 393.000 tỷ đồng, ngân sách nhà nước bố trí khoản 239,5 tỉ đồng, còn lại phải cần huy động vốn ngoài ngân sách. Chính vì vậy, việc xây dựng một số cơ chế, chính sách đặc thù mang tính đột phá để thực hiện thí điểm trình Quốc hội xem xét ban hành làm cơ sở để triển khai thực hiện, sau đó tổng kết rút kinh nghiệm đề xuất triển khai cho giai đoạn tiếp theo là rất cần thiết.

Để triển khai nhanh chóng, kịp thời các dự án cao tốc nói chung cũng như dự án đường Hồ Chí Minh nói riêng, đại biểu Thạch Phước Bình đề nghị Chính phủ chỉ đạo triển khai quyết liệt, hiệu quả và tranh thủ triệt để các cơ chế, chính sách đặc thù phát triển đường cao tốc nói chung, dự án Hồ Chí Minh nói riêng, giai đoạn tiếp theo.

Đại biểu cũng bày tỏ sự đồng tình, ủng hộ việc Quốc hội tiếp tục ban hành Nghị quyết về chủ trương triển khai dự án đầu tư đường Hồ Chí Minh giai đoạn tiếp theo.

Đại biểu lý giải, cùng với quyết tâm biến không thành có, biến khó thành dễ, biến không thể thành có thể như chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính, việc đổi mới tư duy trong việc phân bổ nguồn lực, lựa chọn công trình có tính lan tỏa cao và xây dựng được cơ chế thu hút vốn đầu tư tư nhân có tính đột phá chính là chìa khóa giúp cho những người làm giao thông sớm nối thông cao tốc Bắc Nam vào năm 2025, tạo tiền đề để đất nước sở hữu 5.000 km đường cao tốc vào năm 2030 như mục tiêu đã đề ra.

Còn theo đại biểu Âu Thị Mai (Tuyên Quang), dự án đường Hồ Chí Minh được triển khai thực hiện đã phát huy được hiệu quả của tuyến đường. Cùng với đó, nhiều quy hoạch liên quan được lập, phê duyệt và triển khai thực hiện đã tạo điều kiện cho các địa phương khai thác tiềm năng, lợi thế hỗ trợ phát triển kinh tế - xã hội dọc tuyến, tạo không gian phân bổ, sắp xếp lại hệ thống đô thị, công nghiệp, du lịch, dịch vụ, thương mại, chuyển dịch cơ cấu kinh tế. Tuyến đường Hồ Chí Minh đã kết nối giao thông, giảm tải cho tuyến Quốc lộ 1, đồng thời mở ra không gian phát triển kinh tế - xã hội cho nhiều vùng khó khăn ở phía Tây nước ta.

Đến nay dự án thì còn một phần nhỏ chưa hoàn thành nhưng lại nằm ở vùng đặc biệt khó khăn, vùng có đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống. Theo Nghị quyết số 66 của Quốc hội khóa XIII, đến năm 2020 hoàn thành nối thông tuyến toàn tuyến đường Hồ Chí Minh.

Theo đại biểu Âu Thị Mai, điểm đầu tại Pác Bó Cao Bằng, điểm cuối tại đất Mũi Cà Mau quy mô tối thiểu 2 làn xe với chiều dài khoảng 2744 km nhưng đến năm 2021 mới hoàn thành 86,1%. Theo báo cáo của Bộ Giao thông vận tải, chưa thông toàn tuyến hiện còn 3 dự án thành phần với 171 km, trong đó là đoạn Chợ Chu - Ngã ba Trung Sơn, đoạn Rạch Sỏi - Bến Nhất - Gò Quao - Vĩnh Thuận. Do đó, đại biểu Âu Thị Mai đề nghị Chính phủ đánh giá kỹ hơn những khó khăn, vướng mắc, nguyên nhân khách quan, chủ quan dẫn đến việc chậm trễ này.

Cũng theo đại biểu, tuyến đường Hồ Chí Minh từ Chợ Chu - Ngã ba Trung Sơn qua địa phận tỉnh Tuyên Quang dài khoảng 28,5 km, được phê duyệt dự án tại Quyết định số 128 ngày 26/4/2016 của Bộ Giao thông vận tải nhưng đến nay chưa triển khai xây dựng. Đại biểu kiến nghị Quốc hội, Chính phủ quan tâm sớm triển khai thực hiện dự án, đáp ứng lòng mong mỏi của nhân dân./.

Bích Liên

có thể bạn quan tâm

Ý KIẾN BÌNH LUẬN