Phấn đấu giải ngân các Chương trình MTQG đạt ít nhất 90% vốn của năm 2023
(ĐCSVN) - Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang yêu cầu các tỉnh trong vùng Trung du và miền núi phía Bắc đã được phân bổ nguồn vốn ngân sách cho 3 chương trình mục tiêu quốc gia (MTQG), trong đó có Chương trình MTQG phát triển KT-XH vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi (DTTS&MN) phải triển khai ngay và giải ngân hết nguồn vốn năm 2022 chuyển sang năm 2023, phấn đấu đạt ít nhất 90% vốn của năm 2023.
Tại Hội nghị trực tiếp kết hợp trực tuyến với 14 tỉnh vùng trung du và miền núi Bắc Bộ về tình hình triển khai thực hiện các chương trình MTQG, các đại biểu đã thảo luận để tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc trong quá trình triển khai thực hiện các chương trình MTQG |
Hoàn thành việc phân bổ, giao kế hoạch vốn ngân sách trung ương
Giai đoạn 2021 - 2025, Trung ương đã giao và 14 tỉnh vùng Trung du và miền núi phía Bắc đã hoàn thành phân bổ tổng vốn đầu tư phát triển thực hiện 3 chương trình mục tiêu quốc gia (gồm: Chương trình Giảm nghèo bền vững; Chương trình Xây dựng nông thôn mới; Chương trình Phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi) là hơn 47.057 tỷ đồng, chiếm 47,3% tổng nguồn vốn đầu tư phát triển cho các địa phương trên cả nước.
Về kết quả giải ngân vốn năm 2022, tính đến ngày 31/7/2023, vốn ngân sách Trung ương giải ngân được hơn 8.757 tỷ đồng, đạt khoảng 77,6% kế hoạch, cao hơn bình quân chung của cả nước là 76,1%; vốn ngân sách địa phương đã giải ngân khoảng 99% kế hoạch năm 2022.
Về kết quả giải ngân 7 tháng năm 2023, tính đến 31/7, vốn đầu tư phát triển nguồn ngân sách Trung ương năm 2023 giải ngân được trên 4.430 tỷ đồng, đạt 38,41% kế hoạch, cao hơn bình quân chung của cả nước là 37,8%. 14/14 tỉnh vùng Trung du và miền núi phía Bắc đã bố trí đối ứng ngân sách địa phương để thực hiện 3 chương trình MTQG với tổng số vốn trên 2.383 tỷ đồng.
Tại hội nghị trực tiếp kết hợp trực tuyến với 14 tỉnh vùng trung du và miền núi Bắc Bộ về tình hình triển khai thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia (MTQG) và cho ý kiến đối với dự thảo Luật Đất đai sửa đổi liên quan đến chính sách quản lý, sử dụng đất đai cho đồng bào dân tộc thiểu số, các địa phương có tỉ lệ giải ngân cao, như: Yên Bái (65,85%), Lạng Sơn (65,45%), Sơn La (53,91%), Thái Nguyên (40,44%) cho rằng phải chủ động ban hành đồng bộ chính sách và thực hiện công tác chuẩn bị đầu tư từ sớm; thực hiện lồng ghép vốn, huy động tốt vốn đối ứng để thực hiện các dự án ra tấm, ra món, làm đến đâu được đến đó...
Tuy nhiên, một số địa phương cũng phản ánh còn khó khăn, vướng mắc cần được tháo gỡ, trong đó có một số nội dung chưa có hướng dẫn của các bộ, ngành Trung ương; một số chỉ tiêu về tỉ lệ dân số có sổ khám chữa bệnh điện tử, tỉ lệ giảm nghèo chưa phù hợp với điều kiện của các địa phương, cần xem xét, điều chỉnh lại.
Bên cạnh đó, lượng vốn phân bổ còn manh mún, phân tán, trong khi đòi hỏi vốn đối ứng lớn, nếu không huy động được dễ gây lãng phí; có tình trạng vốn chờ công trình; vốn giao trước, hướng dẫn theo sau.
Cùng với đó, cũng còn nhiều vướng mắc trong việc huy động và giải ngân vốn sự nghiệp; mất nhiều thời gian chuẩn bị thủ tục đầu tư, chuyển đổi mục đích sử dụng đất lúa, đất rừng.
Các dự án phân cấp cho cấp xã triển khai chậm do cán bộ xã cần có thời gian để "hấp thụ" khối lượng lớn văn bản hướng dẫn, việc phân bổ vốn đến từng dự án hạn chế sự linh hoạt của địa phương trong việc tập trung nguồn vốn đầu tư tập trung, tránh dàn trải.
Tiếp tục đầu tư có trọng tâm, trọng điểm
Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang đã chủ trì Hội nghị trực tiếp kết hợp trực tuyến với 14 tỉnh vùng trung du và miền núi Bắc Bộ về tình hình triển khai thực hiện các chương trình MTQG |
14 địa phương trong vùng được phân bổ vốn đầu tư phát triển từ ngân sách Trung ương chiếm gần 50% của cả nước, do đó tiến độ giải ngân của vùng sẽ có tác động rất lớn đến tiến độ giải ngân chung của cả nước.
Theo đó, Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang yêu cầu trong thời gian tới, các địa phương phải giải ngân toàn bộ số vốn của năm 2022 kéo dài sang năm 2023, phấn đấu giải ngân ít nhất 90% vốn được phân bổ năm 2023; chắt chiu từng đồng vốn, tiếp tục đầu tư có trọng tâm, trọng điểm, làm ra tấm ra món; việc lồng ghép vốn phải rạch ròi, minh bạch để thuận lợi cho việc quyết toán khi hoàn thành các dự án đầu tư.
Phó Thủ tướng yêu cầu các địa phương không đầu tư dàn trải mà tập trung đầu tư có trọng tâm, trọng điểm; lồng ghép các nguồn vốn để thực hiện 3 chương trình MTQG đồng thời tăng cường học hỏi kinh nghiệm giữa các địa phương trong triển khai thực hiện các nhiệm vụ
Thực tế cho thấy, nơi nào chính quyền quyết liệt thì nơi đó công việc triển khai nhanh chóng và đạt kết quả cao, đặc biệt trong đó phải chú chú trọng đến công tác giám sát và thực thi. Phó Thủ tướng nhấn mạnh
Phó Thủ tướng gợi ý: Các địa phương có thể thành lập các tổ công tác gồm những cán bộ có kinh nghiệm, am hiểu pháp lý để tỏa đi các dự án, vừa hướng dẫn vừa đôn đốc, giám sát đẩy nhanh quá trình thực hiện; tăng cường học hỏi, chia sẻ kinh nghiệm thực tiễn; phối hợp chặt chẽ với các bộ, ngành chủ quản chương trình trong tháo gỡ khó khăn, vướng mắc./.