Logo báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam

Phấn đấu để mỗi ngày trong năm đều là Ngày pháp luật

Thứ Tư, 09/11/2016 08:19 (GMT+0)
zalo-icon
viber-icon

(ĐCSVN) – Qua 3 năm triển khai, Ngày Pháp luật Việt Nam đã được xã hội đón nhận, tích cực hưởng ứng, hướng tới mục tiêu thực chất hơn, tạo nên dấu ấn mới trong nhận thức về Hiến pháp, pháp luật của đông đảo cán bộ, công chức, viên chức và nhân dân …

Năm 2013 - năm đầu tiên ngày 9/11 trở thành Ngày Pháp luật nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam .

Sau 03 năm triển khai Ngày Pháp luật, có thể nhận thấy công tác phổ biến, giáo dục pháp luật đã tích cực đổi mới, phong phú về nội dung, đa dạng về hình thức. Nhiều bộ, ngành, địa phương đã nghiên cứu, đổi mới, sáng tạo để việc triển khai trở nên thiết thực hơn, gần gũi hơn với đời sống xã hội với nhiều mô hình mới đã ra đời như: Các Đoàn luật sư tổ chức trợ giúp pháp lý miễn phí cho người dân; hay một số mô hình “Tiết học pháp luật” tại Long An, “quán cà phê pháp luật” tại Cần Thơ, “Ngày hội Pháp luật” tại thành phố Hồ Chí Minh; tổ chức Ngày Pháp luật lồng ghép với việc tổ chức Ngày Đại đoàn kết tại khu dân cư (Phú Thọ)…

Bộ trưởng Bộ Tư pháp Lê Thành Long cho biết: Nhìn lại 03 năm triển khai, Ngày Pháp luật từ chỗ còn mới mẻ, chưa quen đã dần thẩm thấu vào đời sống xã hội, trở thành ngày hội để toàn dân tôn vinh Hiến pháp, pháp luật. Quan trọng hơn, việc thực hiện Ngày Pháp luật đã bắt đầu hướng tới mục tiêu thực chất hơn, đó là làm chuyển biến ý thức tự giác học tập, tìm hiểu pháp luật để bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của công dân, phục vụ thiết thực cho công tác chuyên môn, đáp ứng triển khai các nhiệm vụ vụ chính trị của từng cơ quan, đơn vị, địa phương, góp phần quan trọng để nâng cao nhận thức cho người dân về vị trí, vai trò của Hiến pháp và pháp luật trong đời sống, đóng góp quan trọng cho sự phát triển kinh tế - xã hội, bảo vệ an ninh quốc phòng, trật tự an toàn xã hội, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của các tổ chức, cá nhân.

Ý thức tuân thủ, chấp hành pháp luật trên một số lĩnh vực có chuyển biến rõ rệt, nhất là trong chấp hành kỷ cương, kỷ luật công vụ; tinh thần, trách nhiệm phục vụ nhân dân, cải cách hành chính, tiếp công dân và giải quyết khiếu nại tố cáo…


Các bộ, ngành, địa phương trên cả nước đang nô nức hướng đến Ngày Pháp luật năm 2016 .
(Ảnh: baophapluat.vn). 


Song, cũng phải thẳng thắn thừa nhận việc tổ chức triển khai ở một số nơi còn hình thức, mang tính phong trào, chưa đi vào thực chất, chưa đóng góp nhiều trong việc nâng cao nhận thức của cộng đồng về Ngày Pháp luật. Thực tế cho thấy, việc triển khai thực hiện Ngày Pháp luật chưa phủ khắp được các địa bàn vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số, biên giới, hải đảo. Chính vì vậy, thời gian qua tình trạng người dân vùng sâu, vùng xa, nông thôn do không hiểu luật mà vi phạm pháp luật hay tình trạng dân “tự xử” còn khá nhiều…

Đáng chú ý, ý thức tuân thủ, chấp hành pháp luật của người dân chưa có nhiều chuyển biến lớn, hiện tượng “nhờn luật” còn khá phổ biến; có lúc, có nơi ngay cả cán bộ, công chức, những người thực thi công vụ cũng còn chưa tuân thủ pháp luật, thậm chí cố tình "lách" luật, làm trái pháp luật, gây oan sai cho dân, làm giảm hiệu quả, hiệu lực quản lý nhà nước và giảm niềm tin của nhân dân vào sự tôn nghiêm, công bằng của pháp luật.

Những ngày này, các bộ, ngành, địa phương trên cả nước đang nô nức hướng đến Ngày Pháp luật Việt Nam năm 2016 (ngày 9/11) bằng rất nhiều hoạt động hưởng ứng thiết thực. 

Tuy nhiên, để Ngày Pháp luật được tổ chức hiệu quả, thiết thực, chúng ta còn rất nhiều việc phải làm để Ngày Pháp luật Việt Nam thật sự được thực hiện nghiêm minh, dân chủ, phát huy đúng ý nghĩa. Hơn lúc nào hết, cần nâng cao năng lực xây dựng và thực thi pháp luật, phát huy quyền dân chủ của nhân dân theo Hiến pháp và pháp luật. Bảo vệ quyền con người, quyền công dân; đề cao quyền cũng như trách nhiệm, nghĩa vụ của cá nhân, công dân trong tìm hiểu, học tập và chấp hành pháp luật; tạo điều kiện thuận  lợi cho cá nhân, tổ chức, doanh nghiệp tiếp cận thông tin về pháp luật. Trong đó, đòi hỏi mỗi cán bộ, công chức, viên chức phải là thực sự là tấm gương trong tự giác tuân thủ, chấp hành và bảo vệ Hiến pháp và pháp luật; coi  sống và làm việc theo Hiến pháp, pháp luật, trở thành nhu cầu tất yếu và bắt buộc trong đời sống xã hội, để góp phần thay đổi nhận thức, thái độ của cơ quan Nhà nước đối với nhân dân và ngược lại.

Mặt khác, báo chí cần phát huy tốt hơn nữa vai trò “cầu nối” giữa nhân dân với Đảng và Nhà nước, nhất là trong việc xây dựng và tạo dựng lối sống tích cực, tự giác tuân thủ pháp luật, hình thành văn hóa pháp luật cho nhân dân. Đồng thời, phát huy vai trò giám sát, phản biện, thẳng thắn phê phán những biểu hiện sai trái, lệch lạc, coi thường Hiến pháp, pháp luật. Qua đó, huy động sự tham gia đông đảo của toàn xã hội vào việc bảo vệ, thi hành Hiến pháp, pháp luật, góp phần xây dựng  đất nước dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh.

Và khi đó, chúng ta có quyền hy vọng và tin tưởng mỗi ngày trong năm đều là ngày là Ngày pháp luật Việt Nam!

Thu Hằng

có thể bạn quan tâm

Ý KIẾN BÌNH LUẬN