Phải xây dựng cơ chế, quy chế thi thật chặt chẽ
(ĐCSVN)- “Cá nhân tôi cho rằng, phần giải trình của Bộ trưởng GD&ĐT trước Quốc hội đã cơ bản giải quyết được một số băn khoăn của đại biểu về thi THPT quốc gia và nạn bạo lực học đường” - đó là chia sẻ của đại biểu Nguyễn Thị Mai Hoa (tỉnh Đồng Tháp) bên lề hành lang Quốc hội ngày 31/5.
Đảm bảo an toàn, chất lượng cho kỳ thi THPT quốc gia có trách nhiệm của 4 bên liên quan
Theo đại biểu Mai Hoa, tinh thần chung là Bộ trưởng đã nhìn thẳng vào vấn đề, có quan điểm rõ về trách nhiệm của ngành giáo dục, đặc biệt là trách nhiệm của người đứng đầu là Bộ trưởng GD&ĐT trong vụ gian lận thi THPT quốc gia 2018. Đó là sự cầu thị rất đáng được ghi nhận. Tất nhiên, vướng mắc thì nhiều và khó có thể làm rõ và giải quyết thỏa đáng ngay trong 7 phút giải trình. Thế nhưng, một số vấn đề mà đại biểu đặt ra sẽ là những gợi ý quan trọng để Bộ trưởng tiếp tục nghiên cứu, tìm giải pháp xử lý trong thời gian tới.
Việc một số ý kiến chất vấn Bộ GD&ĐT, liệu kỳ thi THPT quốc gia 2019 sẽ được đảm bảo không xảy ra gian lận như năm 2018 hay không? Theo đại biểu tỉnh Đồng Tháp “rất khó để khẳng định với giải pháp này hay giải pháp khác, Bộ có thể chấm dứt được hoàn toàn tiêu cực trong thi cử”.
Tuy nhiên, cần khẳng định rằng, trách nhiệm chính của Bộ GD&ĐT là phải xây dựng cơ chế, quy chế thi thật chặt chẽ, chuẩn bị kế hoạch, nhân lực, các điều kiện kỹ thuật bảo đảm thật đầy đủ và triển khai tập huấn, quán triệt một cách nghiêm túc trong toàn ngành, đồng thời tăng cường kiểm tra, giám sát để hạn chế các tiêu cực. Còn kết quả cuối cùng lại phải phụ thuộc vào nhiều yếu tố khác, trong đó có trách nhiệm phối hợp chặt chẽ của các bên liên quan gồm: Bộ GD&ĐT, chính quyền địa phương, bộ, ngành liên quan, các trường đại học, cao đẳng.
“Ở đây phải nói tới trách nhiệm của chính quyền địa phương, bộ, ngành liên quan, các trường đại học, cao đẳng; và trên cả là trách nhiệm của từng cá nhân tham gia vào từng công đoạn của kỳ thi”, đại biểu Nguyễn Thị Mai Hoa bảy tỏ.
Tuyển bổ sung thuộc quyền tự chủ của các trường đại học
Cũng theo đại biểu Nguyễn Thị Mai Hoa, trong phần trả lời của Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ chưa giải đáp được, đó là làm thế nào để trả lại quyền và cơ hội cho một bộ phận thí sinh chịu thiệt thòi do sai phạm của kỳ thi THPT quốc gia 2018. Vấn đề này được dư luận xã hội đặc biệt quan tâm, và sự bức xúc của cử tri cũng như của các đại biểu là hoàn toàn có cơ sở, bởi sai phạm trong thi cử đã ảnh hưởng đến quyền lợi và cơ hội của những thí sinh học thực, thi thực.
Tuy nhiên, đại biểu Mai Hoa cho rằng, điều đáng tiếc là để giải quyết được vấn đề trả lại công bằng cho các thí sinh bị mất cơ hội vì gian lận thi cử có thể rất khó. “Luật Giáo dục đại học giao quyền tự chủ tuyển sinh của các trường đại học, cao đẳng thì sự can thiệp của Bộ GD&ĐT là không dễ. Bộ trưởng GD&ĐT cũng khó trả lời được vấn đề này vì quyền quyết định thuộc các trường đại học”, đại biểu Nguyễn Thị Mai Hoa nói.
Mặt khác, cơ chế tuyển sinh hiện nay cho phép thí sinh đăng ký vào nhiều trường đại học, cao đẳng. Khi không thực hiện được nguyện vọng 1, các em vẫn có thể thực hiện được nguyện vọng thứ 2, 3. Và thực tế nhiều thí sinh bị lấy mất cơ hội vì những em gian lận điểm thi, đã nhập học các trường đại học khác ở nguyện vọng tiếp theo. Trong bối cảnh đó, theo đại biểu việc trả lại công bằng cho thí sinh sẽ liên quan đến hoạt động giáo dục của rất nhiều trường đại học. Việc thay đổi vị trí của một sinh viên sẽ kéo theo sự thay đổi cơ hội của rất nhiều em khác.
“Đành rằng, đây là vấn đề khó, nhưng lại là đòi hỏi bức thiết từ xã hội, từ cử tri và các đại biểu Quốc hội với mong muốn hướng tới một nền giáo dục bảo đảm công bằng, trung thực. Vì vậy, bên cạnh việc rút kinh nghiệm để khắc phục và làm tốt hơn trong thời gian tới, tôi cũng mong Bộ trưởng và ngành Giáo dục có thể nghiên cứu thêm giải pháp để có thể giải quyết được phần nào vấn đề quyền lợi của người học thật, thi thật”, đại biểu tỉnh Đồng Tháp bày tỏ./.