Logo báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam

Phải thích ứng an toàn, linh hoạt với dịch bệnh

Thứ Sáu, 24/09/2021 10:26 (GMT+0)
zalo-icon
viber-icon

(ĐCSVN) – Các chuyên gia, nhà khoa học cho rằng, trong lúc chưa thể kiểm soát dịch COVID-19 một cách tuyệt đối, Việt Nam cần phải thống nhất, có biện pháp, bước đi phù hợp để “thích ứng an toàn, linh hoạt” hoặc “sống chung” với dịch bệnh.

Ảnh minh họa. Nguồn: TL 

Tình hình dịch đang được kiểm soát, có chuyển biến tích cực

Theo báo cáo của Bộ Y tế, đợt dịch thứ 4 đến ngày 22/9/2021, cả nước đã ghi nhận khoảng 714.000 ca mắc, 484.000 người đã khỏi bệnh (68%) và 17.700 ca tử vong; có 17/62 tỉnh đã qua 14 ngày không ghi nhận ca mắc mới, 4 tỉnh không có lây nhiễm thứ phát có 01 tỉnh chưa ghi nhận ca mắc (Cao Bằng).

Tỷ lệ mắc ở nhóm tuổi 0-2 tuổi là 2,3%; nhóm tuổi 3-12 là 8,6%; nhóm tuổi 13-17 là 5,6%; nhóm tuổi 18-49 là 61,6%; nhóm tuổi 50-65 là 15,6%; nhóm tuổi trên 65 trở lên là 6,3%.

Số tử vong trong tuần giảm 15,8 % so với tuần trước đó; riêng TP Hồ Chí Minh giảm 18,4%, Bình Dương giảm 3%, Đồng Nai giảm 6,4%, Long An giảm 10%.  Nhóm tuổi 0-17 chiếm 0,4% số tử vong, nhóm tuổi 18-49 chiếm 13,8%; nhóm tuổi 50 -64 chiếm 35,4%; nhóm trên 65 tuổi chiếm 50,4%.

Tại 23 địa phương thực hiện giãn cách, tình hình dịch đang từng bước được kiểm soát; số mắc trong 7 ngày gần đây giảm 10,7% so với 7 ngày trước (trong đó có Bình Dương, TP Hồ Chí Minh, Long An).

Trên cơ sở đó, nhận định tình hình dịch, đại diện Bộ Y tế cho hay, trên phạm vi cả nước tình hình dịch vẫn đang được kiểm soát và có nhiều chuyển biến tích cực; trong 2 tuần gần đây, số mắc cộng đồng và tử vong liên tiếp giảm. Hai tỉnh An Giang, Kiên Giang vẫn tiếp tục ghi nhận các ổ dịch mới.  

Một số tỉnh nới lỏng giãn cách có hiện tượng tập trung đông người gia tăng mạnh do đó nguy cơ dịch gia tăng trong những ngày tới đòi hỏi cần tiếp tục tăng cường giám sát để xử lý kịp thời, với tinh thần không được chủ quan, lơ là. Đến nay, số lượng vaccine đã phân bổ là hơn 50,2 triệu liều; đã tiêm được hơn 35,1 triệu liều, trong đó có khoảng 21,8 triệu người đã tiêm 1 liều vaccine và 6,9 triệu người đã tiêm đủ 2 liều.

Từ thực tế này, các chuyên gia, nhà khoa học cho rằng cần điều chỉnh về chiến lược phòng, chống dịch bệnh giai đoạn mới.

Trên hết, các chuyên gia, nhà khoa học nhấn mạnh trong chiến lược mới phòng, chống COVID-19, vẫn phải tiếp tục thực hiện nghiêm thông điệp 5K; có những điều chỉnh tích cực để hình thành các mô hình chung sống an toàn (sinh hoạt an toàn, giáo dục an toàn, đi lại an toàn, sản xuất an toàn…); thực hiện giãn cách xã hội thực chất khi cần thiết để làm chậm chuỗi lây nhiễm…

Để tiến tới chung sống an toàn với virus SARS-CoV-2, các chuyên gia, nhà khoa học cho rằng, Việt Nam phải tự chủ được cơ bản về các công nghệ liên quan đến xét nghiệm, thuốc điều trị, vaccine, trang thiết bị, máy móc điều trị, hệ thống oxy… Bên cạnh đó, các bộ ngành, cơ quan Trung ương cần chuẩn bị lực lượng cơ động về xét nghiệm, điều trị, nhân lực… sẵn sàng chi viện cho các địa phương tùy diễn biến dịch bệnh.

Thích ứng an toàn với dịch bệnh

Để tiến tới chung sống an toàn với SARS-CoV-2, nhiều chuyên gia đề xuất việc tăng cường năng lực đáp ứng y tế “4 tại chỗ”: Năng lực xét nghiệm (chủ động nguồn xét nghiệm kháng nguyên nhanh giá rẻ) gắn với điều tra dịch tễ; cách ly, thu dung phân loại ban đầu; các cơ sở điều trị có đầy đủ thuốc điều trị từ sớm, hệ thống oxy với giá thành rẻ, vắc xin phòng COVID-19… Các bộ, ngành, cơ quan trung ương cần chuẩn bị lực lượng cơ động về xét nghiệm, điều trị… để sẵn sàng chi viện cho các địa phương tùy diễn biến dịch bệnh. Chiến lược phòng, chống dịch giai đoạn mới cũng phải có các biện pháp, quy định cụ thể để bảo đảm an sinh xã hội, an toàn, an ninh trật tự cho người dân khi dịch bệnh diễn biến phức tạp.

Các chuyên gia, nhà khoa học cũng cho rằng, cơ chế chỉ huy ở cấp xã/phường, quận/huyện đang gặp không ít khó khăn, bất cập, thiếu linh hoạt, sáng tạo do năng lực tham mưu hạn chế của y tế cơ sở cũng như các hướng dẫn của ngành Y tế quá chi tiết, cụ thể mà thiếu những quy định mang tính nguyên tắc để chính quyền cơ sở vận dụng phù hợp với thực tiễn địa phương…Bởi vậy, từ những bài học, kinh nghiệm thực tiễn phòng, chống dịch trong thời gian qua, công tác điều trị trong thời gian tới sẽ phải theo hướng giảm chuyển nặng, giảm tử vong, tối ưu hóa nguồn lực y tế hiện có.

Theo GS.TS. Đỗ Quyết, Giám đốc Học viện Quân y cho rằng từ những bài học kinh nghiệm trong thời gian qua, công tác điều trị sẽ phải theo hướng giảm số ca chuyển nặng, giảm tử vong cũng như tối ưu hoá nguồn lực y tế hiện có.

Còn Giáo sư, Tiến sĩ Tạ Thành Văn, Chủ tịch Hội đồng trường của Trường Đại học Y Hà Nội đề xuất, thay vì chỉ đưa sinh viên y khoa vào hỗ trợ chống dịch, cần phát huy năng lực của các trường y để đào tạo, tập huấn, hướng dẫn về phòng, chống dịch cho đội ngũ y, bác sĩ, người dân, đặc biệt đội ngũ cán bộ quản lý cấp quận/huyện, phường/xã.

Để kiểm soát tốt dịch bệnh, ngày 23/9, tại cuộc họp với các nhà khoa học về phòng, chống dịch COVID-19, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính giao Bộ Y tế nghiên cứu, tiếp thu ý kiến các nhà khoa học, các chuyên gia để tiếp tục hoàn thiện các biện pháp phòng, chống dịch bệnh COVID-19, trong đó đề nghị phải hực hiện việc cách ly, giãn cách xã hội nhanh nhất có thể, ở phạm vi nhỏ nhất có thể với các giải pháp linh hoạt, mềm dẻo. Xét nghiệm thần tốc, phải nhanh hơn tốc độ lây lan của virus ở các vùng có nguy cơ cao, nguy cơ rất cao; xét nghiệm chủ động đáp ứng điều tra dịch tễ tại các vùng có nguy cơ (vùng vàng), vùng bình thường mới (vùng xanh) để phát hiện F0 nhanh nhất, kịp thời phân loại, cách ly, theo dõi, điều trị phù hợp, hiệu quả.

Đồng thời, thực hiện chiến lược vaccine căn cơ, an toàn, hiệu quả, phải bảo đảm yêu cầu khoa học trong bối cảnh khan hiếm vaccine (ưu tiên người 50 tuổi trở lên, người có bệnh nền, người tiếp xúc nhiều...).

Bên cạnh đó, Thủ tướng cũng nêu rõ cần phải bảo đảm an sinh xã hội kịp thời, đúng đối tượng. “Nhiều nhà khoa học thống nhất việc không thể kiểm soát dịch một cách tuyệt đối, vì vậy chúng ta thống nhất, cần phải thích ứng an toàn, linh hoạt với dịch bệnh; cần có biện pháp, bước đi phù hợp để “thích ứng an toàn, linh hoạt” hoặc “sống chung” với dịch bệnh. Bộ Y tế cần tiếp thu các ý kiến và khẩn trương nghiên cứu, xác định rõ các tiêu chí thế nào là thích ứng an toàn, linh hoạt, thích ứng an toàn có kiểm soát; tiêu chí kiểm soát được dịch bệnh...”, Thủ tướng nhấn mạnh.

Thủ tướng Chính phủ cũng đề nghị các nhà khoa học, các chuyên gia tiếp tục nghiên cứu, góp ý kiến, phản biện về công tác phòng, chống dịch; trước mắt, có ý kiến về dự thảo của Bộ Y tế về nhiệm vụ, giải pháp thích ứng an toàn linh hoạt với dịch bệnh, lộ trình từng bước trở lại trạng thái bình thường mới tại các địa phương, gửi lại Bộ Y tế để hoàn chỉnh các nhiệm vụ, giải pháp phù hợp với diễn biến tình hình.

Cùng ngày, Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam giao Bộ Y tế tiếp thu ý kiến đóng góp của các chuyên gia của Tổng hội Y học Việt Nam để hoàn thiện Chiến lược tổng thể về phòng, chống dịch để thích ứng an toàn với mọi diễn biến của dịch bệnh.

Bài tuyên truyền thực hiện Nghị quyết 84/NQ-Cp ngày 29/5/2020 của Chính phủ./. 

BL

có thể bạn quan tâm

Ý KIẾN BÌNH LUẬN