Logo báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam

OPEC+ nhất trí duy trì chính sách sản lượng dầu mỏ

Thứ Tư, 05/01/2022 13:29 (GMT+0)
zalo-icon
viber-icon

(ĐCSVN) – Ngày 4/1, kết thúc cuộc họp chính sách đầu tiên của năm 2022, Tổ chức các nước xuất khẩu dầu mỏ (OPEC) và các nước đồng minh (OPEC+) đã quyết định tiếp tục duy trì mức tăng sản lượng ở thời điểm hiện tại trong tháng 2/2022.

OPEC+ nhất trí duy trì chính sách sản lượng ở thời điểm hiện tại trong bối cảnh biến thể Omicron vẫn chưa ảnh hưởng nhiều đến nhu cầu tiêu thụ dầu mỏ. (Ảnh: arabnews.com)

Theo đó, tại cuộc họp diễn ra theo hình thức trực tuyến, 23 thành viên của OPEC+ do Ả rập Xê út và Nga dẫn đầu đã nhất trí duy trì chính sách dầu mỏ hiện nay là tăng sản lượng 400.000 thùng/ngày vào tháng 2 tới. Động thái này diễn ra trong bối cảnh biến thể Omicron vẫn chưa ảnh hưởng nhiều đến nhu cầu tiêu thụ dầu mỏ. 

Đây là mức tăng mà tổ chức này đã thực hiện kể từ tháng 5/2021. Theo thỏa thuận đạt được trước đó, các thành viên OPEC+ đã nhất trí sẽ cung cấp cho thị trường thêm 2 triệu thùng/ngày, tức mỗi tháng sẽ tăng sản lượng thêm 400.000 thùng/ngày, bất chấp việc các quốc gia nhập khẩu dầu mỏ trên thế giới kêu gọi liên minh này tăng thêm nguồn cung ra thị trường. Tuy nhiên, liên minh này cũng cho biết có thể có những điều chỉnh chính sách sản lượng tức thì dựa trên điều kiện của thị trường.

OPEC+ đã từ chối đề xuất tăng thêm sản lượng của Mỹ cùng các nước tiêu thụ năng lượng lớn khác nhằm đối phó với giá dầu đang tăng đe dọa đến sự phục hồi kinh tế toàn cầu. OPEC+ lo ngại tình trạng cung vượt cầu có thể ảnh hưởng đến đà phục hồi mong manh của ngành năng lượng.

Năm 2020, thời điểm dịch COVID-19 bùng phát, OPEC+ buộc phải cắt giảm mạnh sản lượng dầu mỏ do nhu cầu giảm. Tuy nhiên, trong năm 2021, tổ chức này đã quyết định tăng dần sản lượng trở lại khi giá dầu phục hồi, đồng thời tiến hành đánh giá tình hình hàng tháng. 

Trong cuộc họp chính sách hồi tháng 12/2021 vừa qua, OPEC+ đã nhất trí tiếp tục kế hoạch tăng sản lượng dầu hàng tháng thêm 400.000 thùng/ngày bất chấp việc giá dầu biến động mạnh, Mỹ mở kho dự trữ dầu chiến lược và quan ngại gia tăng về biến thể mới Omicron. 

Trong năm 2021, giá dầu thô thế giới đã tăng hơn 50%. Tháng 11/2021, Nhà Trắng ra thông báo cho biết, Mỹ sẽ xuất 50 triệu thùng dầu từ kho dự trữ chiến lược của nước này – đợt xả kho lớn nhất lịch sử Mỹ trong nỗ lực phối hợp với các quốc gia khác nhằm hạ nhiệt giá dầu đang tăng cao.

Các chuyên gia của OPEC nhận định biến thể Omicron chỉ tác động nhẹ đến nhu cầu và đà tăng của giá dầu được dự đoán sẽ tiếp diễn trong năm 2022. Mặc dù biến thể Omicron vẫn đang lây lan nhanh chóng trên toàn thế giới, song có dấu hiệu cho thấy biến thể này ít nghiêm trọng hơn so với quan ngại ban đầu của thị trường. 

Liên quan thị trường dầu mỏ, giá dầu Brent đã tăng lên mức 79,76 USD/thùng trong phiên giao dịch cùng ngày, cao hơn 15% so với trước khi diễn ra cuộc họp chính sách của OPEC+ hồi đầu tháng 12 vừa qua.

Theo báo cáo mới đây của Ngân hàng đầu tư JP Morgan, giá dầu Brent sẽ đạt trung bình khoảng 125 USD/thùng trong năm nay và nhảy vọt lên 150 USD/thùng vào năm 2023.

Ngoài ra, Ngân hàng Goldman Sachs cũng dự đoán giá dầu sẽ tăng trong năm 2022 và 2023. Cụ thể, Goldman Sachs tin rằng giá dầu Brent có thể tăng lên khoảng 100 - 110 USD/thùng trong hai năm tới./.

H.Hà (Theo Reuters, Bloomberg)

có thể bạn quan tâm

Ý KIẾN BÌNH LUẬN