Logo báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam

OPEC+ hướng tới sự ổn định của thị trường dầu mỏ

Thứ Hai, 12/12/2022 17:04 (GMT+0)
zalo-icon
viber-icon

(ĐCSVN) – Ngày 11/12, Bộ trưởng Năng lượng Ả rập Xê út, Hoàng tử Abdulaziz bin Salman cho biết Tổ chức Các nước Xuất khẩu Dầu mỏ (OPEC) cùng các đối tác (OPEC+) quyết định cắt giảm 2 triệu thùng/ngày là một quyết định đúng đắn dựa trên những diễn biến gần đây.

 Bộ trưởng Năng lượng Ả rập Xê út, Hoàng tử Abdulaziz bin Salman. (Ảnh: Reuters) 

Phát biểu tại Diễn đàn Ngân sách ở thủ đô Riyadh, ông Abdulaziz cho rằng, OPEC+ đặt mục tiêu giảm thiểu các biến động trên thị trường dầu mỏ và sẽ tiếp tục tập trung bình ổn thị trường trong năm 2023.

Ngày 4/12 vừa qua, tại cuộc họp ở Vienna, Áo, Bộ trưởng các nước thành viên OPEC+ đã quyết định giữ nguyên sản lượng trong bối cảnh nền kinh tế Trung Quốc và toàn cầu tăng trưởng chậm, cùng với đó là tác động từ mức giá trần đối với dầu mỏ của Nga. OPEC+ cho biết sẽ sẵn sàng hỗ trợ "sự cân bằng và ổn định của thị trường dầu mỏ nếu cần thiết”.

Theo đó, mức cắt giảm 2 triệu thùng/ngày được OPEC+ đưa ra vào tháng 10 vẫn tiếp tục có hiệu lực đến năm 2023. Các quan chức OPEC+ khẳng định các quyết định của tổ chức đều dựa trên dữ liệu thị trường dầu mỏ và nhằm đảm bảo sự ổn định của thị trường này. 

Bộ trưởng Năng lượng Ả rập Xê út khẳng định tất cả các thành viên OPEC+ đã tham gia vào quá trình ra quyết định. Ông Abdulaziz nói thêm: "Hành động nhóm đòi hỏi phải có sự thống nhất. Do đó, tôi nhấn mạnh rằng mọi thành viên OPEC+, dù là nhà sản xuất lớn hay nhỏ, đều là một phần của quá trình ra quyết định. Sự đồng thuận đã có những tác động tích cực trên thị trường."

Trước đó, ngày 3/12, Chính phủ các nước thành viên EU đã hoàn thành việc phê chuẩn bằng văn bản đối với mức giá trần 60 USD/thùng do G7 đề xuất đối với dầu thô xuất khẩu bằng đường biển của Nga. Kể từ ngày 5/12, EU cùng các đồng minh trong G7 và Australia bắt đầu áp mức giá trần này. Cũng từ ngày 5/12, lệnh cấm mua dầu thô của Nga do EU áp đặt chính thức có hiệu lực. 

Theo quy định về giá trần với dầu thô của Nga, các bên tham gia "Liên minh giá trần" sẽ không cung cấp bảo hiểm, tài chính và các dịch vụ khác cho dầu thô của Nga vận chuyển bằng đường biển nếu giá mua trên 60 USD/thùng. Các thành viên của "Liên minh giá trần" cho biết sẽ giám sát chặt chẽ hiệu quả của mức giá, cũng như sẵn sàng xem xét và điều chỉnh mức giá khi thích hợp.

Phản ứng trước quyết định trên, Moskva khẳng định sẽ tiếp tục tìm kiếm khách hàng mua dầu của nước này và cho rằng việc các Chính phủ phương Tây áp giá trần đối với dầu mỏ Nga là động thái “nguy hiểm”.

Nhiều nhà phân tích và các Bộ trưởng OPEC nói rằng việc áp giá trần là khó hiểu và không hiệu quả vì phần lớn Moskva bán dầu cho các nước như Ấn Độ và Trung Quốc. Một số thành viên OPEC+ cho rằng việc áp giá trần là một biện pháp chống lại thị trường./.

H.Hà (Theo Reuters, AFP)

có thể bạn quan tâm

Ý KIẾN BÌNH LUẬN