Logo báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam

OPEC giữ nguyên dự báo tăng trưởng nhu cầu dầu toàn cầu

Thứ Tư, 14/09/2022 11:37 (GMT+0)
zalo-icon
viber-icon

(ĐCSVN) – Ngày 13/9, Tổ chức Các nước xuất khẩu dầu mỏ (OPEC) đã giữ nguyên dự báo mức tăng trưởng nhu cầu dầu mỏ toàn cầu trong năm 2022 và 2023, viện dẫn các dấu hiệu cho thấy các nền kinh tế chủ chốt đang hoạt động tốt hơn dự kiến, bất chấp những cơn gió ngược như lạm phát ngày càng tăng.

OPEC giữ nguyên dự báo tăng trưởng dầu mỏ toàn cầu năm 2022 và 2023
lần lượt ở mức 3,1 triệu thùng/ngày và 2,7 triệu thùng/ngày. (Ảnh: Reuters)
Theo đó, trong báo cáo hằng tháng, OPEC dự báo nhu cầu dầu toàn cầu năm 2022 và 2023 sẽ  ở mức lần lượt là 3,1 triệu thùng/ngày và 2,7 triệu thùng/ngày, không đổi so với mức dự báo được đưa ra hồi tháng trước.

Bên cạnh đó, tổ chức này cũng dự báo tiêu thụ dầu toàn cầu trong năm nay và năm 2023 sẽ lần lượt ở mức trung bình 100 triệu thùng/ngày và 102,73 triệu thùng/ngày. 

Nhu cầu dầu mỏ đã tăng trưởng trở lại sau đại dịch mặc dù giá dầu tăng cao và sự bùng phát đại dịch COVID-19 trở lại tại Trung Quốc đã khiến OPEC cắt giảm dự báo tăng trưởng dầu mỏ năm 2022.

OPEC và các đồng minh do Nga dẫn đầu, còn gọi là OPEC+ đang tăng sản lượng dầu sau khi cắt giảm kỷ lục vào năm 2020 trong bối cảnh nhu cầu sụt giảm do tác động của đại dịch COVID-19 và các lệnh phong tỏa trên toàn cầu.

Tuy nhiên, OPEC+ trong những tháng gần đây đã không đạt được mức tăng sản lượng theo kế hoạch do một số thành viên OPEC không đầu tư vào các mỏ dầu và do dầu của Nga bị cấm vận do xung đột tại Ukraine.

Báo cáo hằng tháng của OPEC cho thấy sản lượng của OPEC đạt mức tăng đáng kể trong tháng 8, tăng từ 618.000 thùng/ngày lên 29,65 triệu thùng/ngày, mặc dù phần lớn trong số này là do nguồn cung của Libya phục hồi sau khi cắt điện.

Nước xuất khẩu dầu mỏ hàng đầu thế giới Ả rập Xê út cho biết đã tăng sản lượng dầu trong tháng 8 vừa qua lên mức hơn 11 triệu thùng/ngày, tăng 236.000 thùng/ngày so với tháng trước đó.

"Nhu cầu dầu vào năm 2023 dự kiến sẽ được hỗ trợ bởi tình hình kinh tế vẫn vững chắc ở các quốc gia tiêu thụ lớn, cũng như những cải thiện tiềm năng trong các biện pháp hạn chế COVID-19 và giảm bất ổn địa chính trị", OPEC cho biết trong báo cáo.

Tuy nhiên, báo cáo của OPEC cũng cho rằng triển vọng cầu dầu mỏ thế giới vẫn đối mặt với một số rủi ro, xuất phát từ những căng thẳng địa chính trị hiện nay, tác động của đại dịch COVID-19, các vấn đề về chuỗi cung ứng, lạm phát gia tăng, mức nợ chính phủ cao tại nhiều khu vực và xu hướng thắt chặt tiền tệ của các ngân hàng trung ương tại Mỹ, Liên minh châu Âu (EU) và Anh.

Giá dầu đã chứng kiến nhiều biến động trong năm nay. Giá dầu Brent đã tăng lên gần mức 140 USD/thùng vào tháng 3/2022 sau khi xảy ra xung đột Nga-Ukraine. Giá dầu trên các thị trường thế giới vẫn không ổn định, trong bối cảnh giới giao dịch lo ngại về triển vọng nhu cầu, lạm phát leo thang cũng như xu hướng tăng lãi suất. Việc áp đặt các biện pháp chống dịch COVID-19 ở Trung Quốc, vốn đang ảnh hưởng tới khoảng 65 triệu công dân của quốc gia nhập khẩu năng lượng lớn nhất thế giới này, sẽ vẫn là mối quan ngại với các thị trường năng lượng.

Trong khi đó, triển vọng kinh tế toàn cầu ngày càng suy yếu cũng có thể ảnh hưởng xấu đến nhu cầu dầu mỏ thế giới. Ngày 26/7 vừa qua, Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) đã hạ dự báo tăng trưởng Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) toàn cầu năm 2022 xuống 3,2%, so với mức dự báo 3,6% vào hồi tháng 4.

Với Khu vực đồng tiền chung châu Âu (Eurozone), IMF đã giảm dự báo tăng trưởng năm 2022 từ 2,8% đưa ra hồi tháng 4 xuống 2,6% do lạm phát gia tăng bắt nguồn từ cuộc xung đột ở Ukraine.

Trong khi đó, kinh tế Nga được IMF dự báo sẽ giảm khoảng 6% trong năm 2022 do các biện pháp trừng phạt của phương Tây và kinh tế nước này giảm thêm 3,5% vào năm 2023.

Trong báo cáo mới nhất, OPEC đã không thay đổi dự báo tăng trưởng kinh tế toàn cầu ở mức 3,1% cho cả năm 2022 và 2023. OPEC giữ nguyên dự báo tăng trưởng của kinh tế Mỹ ở mức 1,8% trong năm 2022, song điều chỉnh hạ dự báo tăng trưởng kinh tế của Eurozone xuống còn 3,1%. OPEC cũng hạ dự báo tăng trưởng kinh tế năm 2022 của Trung Quốc xuống 4,2%, trong khi mức dự báo tăng trưởng kinh tế của Ấn Độ không thay đổi ở mức 7,1%./.

H.Hà (Theo Reuters, Financial Post)

có thể bạn quan tâm

Ý KIẾN BÌNH LUẬN