Logo báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam

OPEC dự báo nhu cầu năng lượng toàn cầu tăng 23% vào năm 2045

Thứ Tư, 12/07/2023 10:15 (GMT+0)
zalo-icon
viber-icon
00:00 / 00:00

(ĐCSVN) - Ngày 11/7, phát biểu tại Hội nghị dầu khí ở Nigeria, Tổng Thư ký Tổ chức các nước sản xuất dầu mỏ (OPEC), ông Haitham Al Ghais dự báo nhu cầu toàn cầu đối với tất cả các loại năng lượng sẽ tăng 23% từ nay đến năm 2045.

Tổng Thư ký Tổ chức các nước sản xuất dầu mỏ (OPEC) Haitham Al Ghais. (Ảnh: Reuters)

Ông Al Ghais cho rằng, những lời kêu gọi hạn chế hoặc ngừng tài trợ cho các dự án dầu mỏ mới là không thực tế. Tuy nhiên, ông cũng thừa nhận sự cần thiết của công nghệ để giải quyết vấn đề phát thải từ việc đốt nhiên liệu hóa thạch.

Ông nhấn mạnh: "Chúng tôi sẽ yêu cầu các giải pháp sáng tạo như sử dụng và lưu trữ carbon, và các dự án hydrogen bên cạnh nền kinh tế carbon tuần hoàn vốn đã nhận được sự ủng hộ tích cực từ Nhóm các nền kinh tế phát triển và mới nổi hàng đầu thế giới (G20)". 

Theo ông Al Ghais, ngành dầu mỏ toàn cầu cần 12.100 tỷ USD đầu tư trong giai đoạn từ nay đến năm 2045, nhưng ngành này chưa đi đúng hướng để đạt được mức đầu tư như vậy. 

Trước đó, các quan chức trong lĩnh vực dầu mỏ của OPEC cũng đã nhiều lần cảnh báo rằng cần tiếp tục đầu tư vào lĩnh vực dầu mỏ nếu không giá nhiên liệu này sẽ tăng cao hơn. 

Dự báo của OPEC về tăng trưởng nhu cầu dầu mỏ thế giới năm 2024 có thể thấp hơn so với mức dự báo của năm nay 2,35 triệu thùng/ngày, tương đương 2,4%, tỷ lệ cao bất thường khi thế giới thoát khỏi đại dịch COVID-19.

Trong khi đó, giá dầu thế giới tăng cao hơn trong ngày 11/7 nhờ việc cắt giảm nguồn cung của các nhà xuất khẩu dầu lớn nhất thế giới và hy vọng nhu cầu cao hơn ở các nước đang phát triển trong nửa cuối năm 2023 bất chấp triển vọng kinh tế không mấy sáng sủa.

Việc siết nguồn cung của các nhà xuất khẩu hàng đầu Ả rập Xê út và Nga trong tháng 8 năm nay đã giúp nâng giá dầu tiêu chuẩn, đồng thời đồng USD cũng đã chạm mức thấp nhất trong hai tháng. Đồng USD yếu đi không chỉ làm cho dầu thô rẻ hơn so với các loại tiền tệ khác mà còn thường làm tăng nhu cầu dầu mỏ.

Các thị trường đang chờ dữ liệu lạm phát của Mỹ để xem liệu áp lực giá cả có tiếp tục giảm bớt hay không, điều này có thể tạo hy vọng về triển vọng lãi suất.

Trong khi các đại diện ngân hàng trung ương cho biết Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) có khả năng tăng lãi suất hơn nữa để kiềm chế lạm phát, thì thị trường phần nào được bình ổn bởi các dấu hiệu cho thấy nhiều tháng thắt chặt chính sách tiền tệ sắp kết thúc.

Cho đến hiện tại, Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA) vẫn giữ vững lập trường với kỳ vọng rằng nhu cầu dầu từ Trung Quốc và các nước đang phát triển, kết hợp với việc cắt giảm nguồn cung được công bố gần đây, có thể sẽ khiến thị trường thắt chặt trong nửa cuối năm bất chấp nền kinh tế toàn cầu trì trệ./.

H.Hà (Theo Reuters, Gulf Today)

có thể bạn quan tâm

Ý KIẾN BÌNH LUẬN