Ông Lê Anh Tú (Thích Minh Tuệ) tự nguyện dừng việc đi bộ khất thực
(ĐCSVN) – Ông Lê Anh Tú (Thích Minh Tuệ) tự nguyện dừng việc đi bộ khất thực; Các nhà vàng đồng loạt hạ giá về dưới 80 triệu đồng/lượng; Tạm giữ hình sự 14 lái xe công nghệ về hành vi gây rối trật tự công cộng; Hàn Quốc sẽ đình chỉ hoàn toàn thỏa thuận quân sự liên Triều… là những tin đáng chú ý trong ngày hôm nay (3/6).
Ông Lê Anh Tú (Thích Minh Tuệ) tự nguyện dừng việc đi bộ khất thực
Ông Lê Anh Tú đã nhận thức rõ quyền và nghĩa vụ của công dân, tự nguyện dừng việc đi bộ khất thực. |
Thông tin từ Ban Tôn giáo Chính phủ sáng 3/6 cho biết, ông Lê Anh Tú (Thích Minh Tuệ) đã tự nguyện dừng việc đi bộ khất thực.
Theo Ban Tôn giáo Chính phủ, ông Lê Anh Tú (Thích Minh Tuệ) sinh năm 1981 tại xã Kỳ Văn, huyện Kỳ Anh, tỉnh Hà Tĩnh, nơi đăng ký hộ khẩu thường trú tại thôn 6, xã Ia Tô, huyện Ia Grai, tỉnh Gia Lai, hiện không có địa chỉ cư trú cố định, chưa làm căn cước công dân. Giáo hội Phật giáo Việt Nam khẳng định ông Lê Anh Tú không phải là tu sĩ Phật giáo; bản thân ông Lê Anh Tú cũng không nhận mình là tu sĩ Phật giáo, chỉ là công dân tu học theo lời dạy của Đức Phật.
Bắt đầu từ năm 2017 đến năm 2023, ông Lê Anh Tú tự tu, thực hành hạnh khất thực và đã 3 lần đi bộ từ Nam ra Bắc và ngược lại, trong suốt quá trình đó, việc đi lại và thực hành hạnh nguyện của ông Lê Anh Tú diễn ra thuận lợi, không có khó khăn, cản trở và không gây ảnh hưởng tới an ninh trật tự. Năm 2024 là lần thứ tư ông Tú đi bộ xuất phát từ tỉnh Khánh Hòa, theo trục đường chính lên Cao Bằng - Hà Giang và hiện nay đang đi chiều ngược trở lại, hiện đã đến khu vực miền Trung.
Tuy nhiên, trong hành trình trở về của lần đi bộ thứ tư này đã xảy ra hiện tượng tập trung đông người đi theo ông Lê Anh Tú, gây ảnh hưởng tới an ninh trật tự và cảnh quan môi trường. Đặc biệt, ngày 30/5/2024 đã xảy ra việc một người đàn ông trong đoàn người đi theo có tên là Lương Thanh Sơn, trú tại Quận 1, Thành phố Hồ Chí Minh bị sốc nhiệt, suy đa tạng, xuất huyết tiêu hóa dẫn tới tử vong; tiếp theo đó là ngày 2/6/2024 có 2 người phụ nữ khi đi theo ông Tú và đoàn người đã bị sốc nhiệt, đuối sức, nằm gục trên mặt đường. Các cơ quan chức năng đã kịp thời đưa đến bệnh viện để điều trị.
Trước sự việc đáng tiếc nêu trên, các cơ quan chức năng đã gặp gỡ, trao đổi với ông Lê Anh Tú về việc Nhà nước nhất quán chủ trương tôn trọng tự do tín ngưỡng, tôn giáo của mọi người; chính quyền các địa phương đã luôn quan tâm, tạo điều kiện để ông Lê Anh Tú được đi bộ và hành trì theo ý nguyện, song cần phải bảo đảm an toàn tính mạng, sức khỏe cho người dân và sự ổn định xã hội. Ông Lê Anh Tú đã nhận thức rõ quyền và nghĩa vụ của công dân, tự nguyện dừng việc đi bộ khất thực.
Các nhà vàng đồng loạt hạ giá về dưới 80 triệu đồng/lượng
Người dân xếp hàng dài mua vàng miếng từ Vietinbank. |
Các thương hiệu kinh doanh vàng miếng dù không thuộc diện bán vàng "bình ổn" chiều nay đồng loạt hạ giá vàng miếng về 79,98 triệu đồng một lượng.
Lúc 14h30, bốn ngân hàng quốc doanh và Công ty Vàng bạc đá quý Sài Gòn (SJC) cùng niêm yết giá bán vàng miếng SJC ra thị trường là 79,98 triệu đồng, cao hơn 1 triệu so với giá mua vào từ Ngân hàng Nhà nước, và thấp hơn giá đầu ngày một triệu đồng.
Ngay sau đó, hầu hết thương hiệu kinh doanh vàng miếng không thuộc diện bán "bình ổn", cũng đồng loạt hạ giá về ngang mức này. Cụ thể, PNJ, Mi Hồng, Bảo Tín Minh Châu đều niêm yết giá bán 79,98 triệu đồng, cao hơn 1,5-2 triệu đồng so với giá thu vào. Tại DOJI, giá vàng miếng thậm chí thấp hơn cả giá "bình ổn" khi niêm yết giá mua bán tại 77,5 - 79,5 triệu đồng một lượng.
Trước đó, mở cửa ngày 3/6, SJC niêm yết giá vàng miếng tại 79 - 81 triệu đồng một lượng, giảm 2 triệu đồng cả hai chiều so với cuối tuần qua.
Tập đoàn Vàng bạc đá quý DOJI sáng nay cũng hạ mạnh giá vàng miếng về dưới 81 triệu, giao dịch tại 78,95 - 80,6 triệu đồng. Còn tại Công ty Vàng bạc đá quý Phú Nhuận (PNJ), vàng miếng được mua bán giá 79,95 - 81,7 triệu.
Như vậy trong một tuần qua, mỗi lượng vàng miếng SJC giảm 9-10 triệu đồng, tương đương mức điều chỉnh khoảng 10%.
Tạm giữ hình sự 14 lái xe công nghệ về hành vi gây rối trật tự công cộng
Tạm giữ hình sự 14 lái xe công nghệ về hành vi gây rối trật tự công cộng. |
Ngày 3/6, thông tin tin từ Công an thành phố Hà Nội cho biết, căn cứ tài liệu điều tra, thu thập được, Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an thành phố đã ra lệnh giữ người trong trường hợp khẩn cấp, tạm giữ hình sự đối với 14 đối tượng về hành vi gây rối trật tự công cộng. Các đối tượng bị tạm giữ hình sự đều là những lái xe công nghệ.
Trước đó, mạng xã hội đưa hình ảnh, khoảng 20 giờ ngày 29/5, khoảng 100 người là lái xe của hãng “xe ôm” công nghệ "Be Group" tổ chức tụ tập, gây mất an ninh trật tự tại vỉa hè khu vực hồ điều hòa Nghĩa trang Mai Dịch, phường Mai Dịch, Cầu Giấy (Hà Nội). Đến gần 21 giờ, khi thấy xe ô tô của lực lượng Công an quận Cầu Giấy di chuyển đến, gọi loa yêu cầu giải tán thì các đối tượng đã điều khiển xe máy rời hiện trường.
Tuy nhiên, một chiếc xe máy có cờ dẫn đoàn cho khoảng 80-100 xe khác đi xe máy tốc độ cao, dàn hàng ngang, lạng lách, đánh võng, nẹt pô, rú ga, hú còi inh ỏi gây ách tắc giao thông. Đến khoảng 22 giờ 30 phút cùng ngày, đoàn xe tan rã, sau đó các đối tượng di chuyển đi về.
Hành vi này của các đối tượng đã gây mất an ninh trật tự, ảnh hưởng đến an toàn giao thông nghiêm trọng tại nhiều khu vực trên địa bàn thành phố Hà Nội. Hầu hết, các đối tượng đều có tuổi đời còn khá trẻ, từ 18 đến 20 tuổi. Vụ việc đang tiếp tục được điều tra, làm rõ để xử lý theo quy định của pháp luật.
Hàn Quốc sẽ đình chỉ hoàn toàn thỏa thuận quân sự liên Triều
Bóng bay mang theo rác thải từ Triều Tiên trên một cánh đồng ở huyện Cheorwon, tỉnh Gangwon, Hàn Quốc ngày 29/5. Ảnh: Reuters |
Hàn Quốc tuyên bố sẽ đình chỉ hoàn toàn thỏa thuận quân sự liên Triều, sau khi Bình Nhưỡng thả gần 1.000 quả bóng bay chứa rác thải qua biên giới.
Seoul đã đình chỉ một phần thỏa thuận quân sự liên Triều hồi năm ngoái, sau khi Bình Nhưỡng phóng vệ tinh do thám vào quỹ đạo, song Hội đồng An ninh Quốc gia Hàn Quốc (NSC) ngày 3/6 cho biết sẽ đề nghị chính phủ đình chỉ hoàn toàn thỏa thuận này cho đến khi sự tin tưởng lẫn nhau giữa hai bên được khôi phục.
Thỏa thuận quân sự liên Triều được ký kết năm 2018, trong thời kỳ quan hệ hai nước nồng ấm, nhằm giảm căng thẳng trên bán đảo và tránh các tình huống leo thang vượt kiểm soát, đặc biệt dọc khu vực biên giới được bố phòng nghiêm ngặt.
Sau khi Hàn Quốc đình chỉ một phần thỏa thuận hồi tháng 11 năm ngoái để phản đối việc Triều Tiên phóng thành công vệ tinh do thám, Bình Nhưỡng tuyên bố hoàn toàn không còn tôn trọng thỏa thuận này.
"Thỏa thuận này thực tế không còn hiệu lực do Triều Tiên đã tuyên bố từ bỏ. Việc tôn trọng thỏa thuận đang gây ra những vấn đề lớn đối với khả năng sẵn sàng chiến đấu của quân đội chúng tôi, đặc biệt trong bối cảnh loạt hành động khiêu khích gần đây của Triều Tiên gây ra mối đe dọa thực sự cho người dân của chúng tôi", NSC cho hay.
Động thái của Seoul diễn ra sau khi Bình Nhưỡng tuần trước thả gần 1.000 quả bóng bay mang theo rác thải, như tàn thuốc, phân bón, sang nước này để đáp trả việc các nhà hoạt động Hàn Quốc thả truyền đơn sang Triều Tiên.
Sau khi hứng chịu nhiều chỉ trích từ Hàn Quốc, Triều Tiên ngày 2/6 thông báo ngừng thả bóng bay qua biên giới, song cảnh báo có thể thực hiện thêm nhiều lần nếu cần thiết.
Theo NSC, việc đình chỉ hoàn toàn thỏa thuận quân sự liên Triều sẽ cho phép quân đội nước này "tổ chức huấn luyện ở các khu vực gần biên giới" cũng như "phản ứng đầy đủ, lập tức đối với những hành động khiêu khích của Triều Tiên". Quyết định này cần được thông qua tại cuộc họp nội các ngày 4/6, trước khi có hiệu lực.
Mối quan hệ giữa hai miền Triều Tiên đang ở mức thấp nhất trong nhiều năm. Hoạt động ngoại giao bị đình trệ từ lâu và Bình Nhưỡng tăng cường thử nghiệm, phát triển vũ khí, trong khi Seoul ngày càng xích lại đồng minh Washington./.