Logo báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam

ODA cần “chạy nhanh”, đến đúng địa chỉ!

Thứ Sáu, 08/07/2016 13:44 (GMT+0)
zalo-icon
viber-icon

(ĐCSVN) – Khi Việt Nam còn thiếu vốn phát triển, xây dựng cơ sở hạ tầng, thì ODA thực sự là “phao cứu sinh”. Tuy nhiên, để ODA thực sự hiệu quả thì phải đẩy nhanh tiến độ giải ngân, cho phép doanh nghiệp tư nhân vay lại ODA và giám sát chặt chẽ việc sử dụng ODA.


Cầu Nhật Tân (Hà Nội), một dự án sử dụng ODA của Nhật Bản.
(Ảnh: baogiaothong.vn)

Theo số liệu thống kê, tổng vốn nguồn vốn hỗ trợ phát triển chính thức (ODA) và vốn vay ưu đãi ký kết với nhà tài trợ giai đoạn 2011 – 2015 đạt khoảng 27,782 tỷ USD, bằng 131% so với giai đoạn 2006 – 2010. Và 6 tháng đầu năm 2016, tổng vốn ODA và vốn vay ưu đãi ký kết đạt khoảng 2,564 tỷ USD (tăng 61% so với cùng kỳ năm 2015) và đã giải ngân khoảng 1.850 triệu USD (thấp hơn khoảng 4% so với cùng kỳ năm ngoái).

Phần lớn ODA  và vay ưu đãi quy mô lớn có lãi suất rất ưu đãi, thời gian vay và ân hạn dài. Khoảng 45% khoản vay có lãi suất dưới 1% một năm, thời hạn vay từ 30-40 năm, trong đó có 10 năm ân hạn. Với những “ưu đãi” này, ODA thực sự là “phao cứu sinh” khi nền kinh tế còn thiếu vốn phát triển, xây dựng cơ sở hạ tầng, đặc biệt là hạ tầng giao thông.

ODA về nhiều, nhưng tốc độ giải ngân khá chậm. Tốc độ giải ngân chậm không chỉ xảy ra năm nay mà dường như là “bệnh” từ những năm trước. Nguyên nhân thường được lý giải là do vướng mắc về thể chế, pháp lý, quy định, quy chuẩn, tiêu chuẩn chuyên ngành; do các điều chỉnh, thay đổi trong quá trình thực hiện dự án; do khác biệt về quy trình thủ tục giữa Việt Nam và các nhà tài trợ; do vốn đối ứng không được bố trí đầy đủ và kịp thời; do vướng mắc trong công tác giải phóng mặt bằng...

ODA về nhiều, nhưng thực tế chỉ dành cho các dự án đầu tư công, hoặc giao cho doanh nghiệp nhà nước sử dụng. 10 năm trước, đã có quy định về cho doanh nghiệp tư nhân vay lại ODA, nhưng thực tế doanh nghiệp tư nhân gần như khó có cơ hội!

Với chủ trương nhất quán Nhà nước kiến tạo, các thành phần kinh tế cạnh tranh bình đẳng, thì ODA phải “mở” và thân thiện với doanh nghiệp tư nhân để góp phần làm cho chính sách bình đẳng hơn, công khai hơn và minh bạch hơn...

ODA “mở” với doanh nghiệp tư nhân, nhưng phải có những điều kiện cần và đủ, tức là ODA đến với những dự án có sức lan tỏa đối với kinh tế - xã hội đúng như tiêu chí sử dụng ODA, đồng thời doanh nghiệp phải có năng lực tài chính để có được nguồn vốn đối ứng nhất định.

ODA là vốn vay giá rẻ, không phải là “vốn bao cấp” nên trong một số trường hợp phải kèm theo những điều kiện như chỉ định thầu, ưu tiên nhà thầu nước ngoài, yêu cầu mua máy móc, thiết bị, vật liệu từ quốc gia tài trợ vốn ODA. Do dự án thiếu tính cạnh tranh nên chi phí đầu tư thực tế thường tăng so với dự toán ban đầu.

Trong ngắn hạn và trung hạn, Việt Nam vẫn cần ODA, nhưng không vì thế mà vay thật nhiều, vay bằng mọi giá. Bên cạnh những mặt tích cực, ODA cũng là tác nhân góp phần gia tăng nợ công. Để kinh tế phát triển bền vững, cần phải đặt ra lộ trình giảm dần sự phụ thuộc ODA, đồng thời phải sử dụng ODA một cách có hiệu quả, tránh đầu tư dàn trải, không để xảy ra tiêu cực, lãng phí...

Đăng Dương

có thể bạn quan tâm

Ý KIẾN BÌNH LUẬN