Ô nhiễm nước - "một cuộc khủng hoảng vô hình"
(ĐCSVN) – Trong báo cáo công bố hôm 20/8, Ngân hàng Thế giới (WB) báo động chất lượng nước bị ô nhiễm bởi nitrat, các kim loại nặng và hạt vi nhựa (microplastics), đã trở thành "một cuộc khủng hoảng vô hình" ảnh hưởng đến cả các nước giàu cũng như các nước nghèo.
Ngân hàng Thế giới cảnh báo tình trạng ô nhiễm nước (Ảnh: AFP)
WB cho biết chất lượng nước kém có thể tiêu tốn tới 1/3 tăng trưởng kinh tế tiềm năng ở các khu vực bị ảnh hưởng nhất. Theo đó, các nước giầu cũng như các nước nghèo đều phải gánh chịu ô nhiễm nước mức độ cao. "Không chỉ giảm ô nhiễm không đi đôi với tăng trưởng kinh tế, mà phạm vi các chất ô nhiễm còn có xu hướng gia tăng cùng với sự thịnh vượng của một quốc gia” – báo cáo lưu ý.
Trong bối cảnh đó, Chủ tịch WB David Malpass kêu gọi các chính phủ "hành động khẩn cấp giải quyết tình trạng ô nhiễm nước để các quốc gia có thể phát triển nhanh hơn theo cách bền vững và công bằng hơn".
Ngân hàng Thế giới cũng nhấn mạnh cần biết rõ hơn cách đo lường chất lượng nước trên thế giới và thông tin này được phổ biến một cách có hệ thống cho công chúng. "Những người dân không thể hành động nếu họ không được thông báo về tình hình" – báo cáo cho biết.
Ngoài ra, báo cáo cũng nhắc lại rằng hơn 80% nước thải trên thế giới – 95% ở một số nước đang phát triển – được thải ra môi trường không được xử lý. "Rất ít quốc gia đang phát triển đang theo dõi đúng chất lượng nước" – các tác giả báo cáo lưu ý. Ngân hàng Thế giới ước tính rằng "có nhu cầu cấp thiết về khoản đầu tư lớn vào các nhà máy xử lý nước, đặc biệt là ở các khu vực đông dân cư".
Trong số các chất gây ô nhiễm phổ biến và nguy hiểm nhất, báo cáo trích dẫn nitơ được sử dụng trong phân bón cho nông nghiệp, lan rộng trong sông, hồ và đại dương, biến thành nitrat, làm phá hủy oxy trong nước (thiếu oxy) và dẫn tới sự xuất hiện của các vùng chết.
Theo báo cáo, chất lắng nitơ bị oxy hóa có thể gây tử vong cho trẻ em như trong trường hợp hội chứng em bé màu xanh khi ăn quá nhiều nitrat qua nước uống gây ra thiếu oxy trong máu. "Giải thích về những phát hiện này cho thấy rằng các khoản trợ cấp cho tài chính cho phân bón có thể gây ra thiệt hại cho sức khỏe con người, thậm chí còn lớn hơn cả lợi ích mà nó mang lại cho nông nghiệp" – báo cáo cho biết thêm.
Thêm vào đó, độ mặn của nước ở vùng thấp ven biển, đất được tưới tiêu và khu vực đô thị cũng có tác động xấu đến sức khỏe, đặc biệt là trẻ em và phụ nữ mang thai. Vấn đề đặc biệt nghiêm trọng ở Bangladesh, nơi 20% tỷ lệ tử vong ở trẻ sơ sinh ở vùng ven biển là do nước mặn.
Báo cáo của Ngân hàng Thế giới cũng lưu ý ô nhiễm bởi các hạt vi nhựa (microplastics) hiện cũng được phát hiện trong 80% nguồn nước tự nhiên, 81% nước máy thành phố và 93% nước đóng chai. Song điều đáng tiếc là vẫn chưa có đủ thông tin để xác định ngưỡng mà các chất ô nhiễm này ảnh hưởng tới sức khỏe.
Các chất gây ô nhiễm nguy hiểm cũng bao gồm các kim loại nặng như asen, gây ô nhiễm nước ở các khu vực có hoạt động khai thác như Bengal ở Ấn Độ, Bắc Chile hoặc Argentina…/.