Logo báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam

Ô nhiễm môi trường nghiêm trọng ở vùng chăn nuôi lợn lớn nhất phía Bắc

Thứ Tư, 13/01/2016 08:09 (GMT+0)
zalo-icon
viber-icon

(ĐCSVN) - Được mệnh danh là vùng chăn nuôi lợn lớn nhất phía Bắc, những năm qua nhờ con lợn mà diện mạo kinh tế-xã hội của xã Ngọc Lũ, huyện Bình Lục (Hà Nam) đã có nhiều khởi sắc, nhưng đi cùng với đó là hệ lụy không nhỏ về môi trường.

Trao đổi với chúng tôi, ông Trần Đình Thiện, Phó Chủ tịch UBND xã Ngọc Lũ xác nhận: Việc chăn nuôi lợn quy mô lớn đã gây ra ô nhiễm môi trường nghiêm trọng cho địa phương, và nó luôn là vấn đề nóng trong mỗi lần các đại biểu quốc hội về tiếp xúc cử tri tại Ngọc Lũ. Được xem là "thủ phủ" nuôi lợn cung cấp lợn thịt cho nhiều tỉnh, thành phía Bắc, hiện toàn xã chúng tôi có 1.600 hộ chăn nuôi lợn, với tổng số đàn lợn khoảng 64.000 - 70.000 con/lứa, mỗi ngày xả hàng nghìn mét khối nước thải, chất thải chưa qua xử lý ra môi trường.

Theo tìm hiểu của chúng tôi, tại xã Ngọc Lũ có đội 1 và đội 12 là nơi có số hộ nuôi và có số đàn lợn lớn nhất của xã (chiếm khoảng 70% tổng số hộ chăn nuôi). Chỉ chạm chân vào 2 địa bàn này, người ta sẽ thấy ngay mùi hôi thối nồng nặc từ chất thải của lợn. Phía vệ đường, những kênh mương phục vụ cho việc tưới tiêu của địa phương nhiều năm qua bị phân lợn ùn ứ đặc sệt, không thể chảy được bình thường, những lạch nước chảy ra thì đen ngòm. Do số lượng trang trại chăn nuôi lợn quá lớn, chất thải ồ ạt vào cùng thời điểm khiến quá tải, nhiều hộ dân phải xả liều chất thải ra vườn, thậm chí là đồng ruộng.

 Chất thải từ các trang trại lợn thải ra làm ồn ứ và bồi lấp các kênh mương. 

Tình trạng chất thải xả bừa bãi trong khu dân cư, chảy ra những cánh đồng hoa màu đang hàng ngày hàng giờ “đầu độc” nguồn đất canh tác và nguồn nước ngầm. Đáng chú ý, khi kênh mương quá tải thì cả nghìn khối chất thải ô nhiễm này lại đổ ra dòng sông Châu Giang sau mỗi trận mưa lớn, nơi có khoảng 20.000 hộ dân ven sông sinh sống.

Ông Nguyễn Quang Vinh - chủ một trại lợn lớn tại  xã Ngọc Lũ cho biết: Gia đình tôi đã nuôi lợn hàng chục năm nay. Trong khu chuồng rộng 400 m2 có khoảng hơn 100 con lợn thịt, lợn nái, chưa tính số lợn con theo mẹ.

Hiện nhà ông Vinh đã xây dựng hầm biogas nhưng do sức xử lý cũng có hạn, trong khi lượng nước thải lớn nên thường xuyên phải xả thẳng chất thải ra kênh mương. Và tình trạng này tái diễn tương tự hàng ngày ở hàng nghìn hộ chăn nuôi lợn khác trong vùng. Ông Vinh cũng thừa nhận, làng Ngọc Lũ quá ô nhiễm, ngày mưa thì đỡ, ngày nắng mùi hôi thối bốc lên nồng nặc, ruồi nhặng rất nhiều.

Việc hàng ngày phải sống chung với ô nhiễm nặng nề đã khổ, nhưng do môi trường sống không đảm bảo, nhiều năm qua người dân xã Ngọc Lũ cũng đang phải sống với sự ám ảnh về bệnh tật, đặc biệt là căn bệnh ung thư. Dù không khẳng định mầm bệnh ung thư bắt đầu từ đâu, nhưng người dân cũng nghi ngờ một phần từ việc ô nhiễm môi trường ở nơi đây mà không khỏi hoang mang.

Bà Trần Thị Phương, Trưởng trạm Y tế xã Ngọc Lũ cho biết: “Trung bình mỗi năm ở Ngọc Lũ có 7 đến 8 người chết vì ung thư. Cao điểm nhất là vào năm 2013 có tới 11 người chết vì ung thư”.

Để ghi nhận thực tế, chúng tôi tìm đến nhà chị Nguyễn Thị Phương (37 tuổi), ở thôn 3, xã Ngọc Lũ. Chị Phương vốn quê ở miền Trung, chị lấy chồng về đây từ 17 năm trước. Hiện chồng chị là anh Nguyễn Văn Cảnh (40 tuổi), bị ung thư máu, còn mẹ chồng chị bị ung thư phổi.

 Những kênh mương tưới tiêu chủ đạo của địa phương trong màu đen đậm đặc sùi bọt, bốc mùi nồng nặc.  

Chị Phương tâm sự: “Nhà tôi 2 người mang bệnh ung thư, chỉ một mình tôi đứng ra cáng đáng. Sức khỏe của chồng và mẹ chồng tôi ngày một yếu. Các chú bảo, cả ngày ngửi thấy mùi hôi thối, nước giếng cũng màu vàng lại pha mùi thum thủm như phân thì sống sao cho khỏe được. May mà gần đây chúng tôi đã được dùng nước máy sạch của nhà máy, chứ nếu dùng nước giếng thì không biết sẽ còn tai hại thế nào...”.

Phó Chủ tịch UBND Ngọc Lũ Trần Đình Thiện cho biết thêm: “Đa số các hộ chăn nuôi đều có làm hầm biogas, nhưng mỗi hầm chỉ chứa được 25-30 m3. Với dung tích này, hầm chỉ giải quyết chất thải cho đàn lợn 20-30 con, còn phần lớn phân, nước thải còn lại cho ra môi trường. Chúng tôi cũng có một nhà máy xử lý nước thải, do Tổng Cục môi trường xây dựng với kinh phí lên tới 7 tỷ đồng. Tuy nhiên theo tính toán, công trình này cũng chỉ giải quyết được nhu cầu của khoảng 200 hộ so với gần 1.500 hộ chăn nuôi hiện tại”.

Theo phản ánh của người dân liên quan đến vấn đề trên, hiện nhiều héc-ta diện tích đất cấy lúa của địa phương phải bỏ hoang vì ô nhiễm trầm trọng, người dân không thể cấy lúa. Nhiều mảnh ruộng bỏ hoang để cho bèo mọc... 

Những năm qua, Đảng ủy, chính quyền xã Ngọc Lũ liên tục kêu gọi người dân giữ gìn vệ sinh, đồng thời huy động khơi thông dòng chảy các kênh, nương…Nhưng hiện nay ô nhiễm môi trường ở Ngọc Lũ vẫn ngày càng nghiêm trọng do chất thải trong một ngày ra môi trường quá lớn, kênh mương quá tải và tắc nghẽn vô tác dụng.

Còn nhớ chỉ cách đây hơn chục năm, Ngọc Lũ được coi là điểm nóng ma túy của tỉnh Hà Nam. Ma túy như cơn bão độc càn quét qua khiến nhiều gia đình trong xã tan nát…Trong mớ bộn bề, hỗn độn ấy, Ngọc Lũ quyết tâm vươn lên xây dựng và vực dậy nền kinh tế và chăn nuôi lợn được xem là nghề mũi nhọn.

Từ mô hình chăn nuôi lợn phát triển của những hộ dân ban đầu, người dân Ngọc Lũ bắt đầu mở chuồng trại chăn nuôi lợn. Cũng chính nhờ chăn nuôi lợn mà kinh tế của người dân nơi đây mỗi ngày một phát triển, nhiều gia đình trở nên giàu có. Nhưng, đằng sau việc phát triển kinh tế, làm giàu từ chăn nuôi lợn ấy, người dân xã Ngọc Lũ đang chống chọi lại với ô nhiễm môi trường và những nguy cơ bệnh tật luôn hiện hữu.

Trực tiếp về tìm hiểu, ghi nhận tâm tư nguyện vọng của người dân, chúng tôi đồng tình với kiến nghị của UBND xã Ngọc Lũ trình lên các cấp có thẩm quyền xem xét để có giải pháp giúp đỡ địa phương trong vấn đề cải tạo môi trường, có tư vấn định hướng chiến lược để giúp cho bà con phát triển nghề chăn nuôi một cách bền vững. Đồng thời giải tỏa tâm lý hoang mang của người dân về nghi vấn tình trạng ô nhiễm làm nhiều người mắc bệnh ung thư tựa những “bóng ma” đang đeo bám người dân Ngọc Lũ./.

Trần Quang Chiến (CTV)

có thể bạn quan tâm

Ý KIẾN BÌNH LUẬN