Logo báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam

Ô nhiễm ánh sáng: phá vỡ hệ sinh thái, ảnh hưởng sức khỏe con người

Thứ Ba, 13/08/2024 12:51 (GMT+0)
zalo-icon
viber-icon

Không giống với ô nhiễm môi trường hay ô nhiễm không khí, ô nhiễm ánh sáng thường ít được chú ý đến. Tuy vậy, những tác hại mà nó gây ra là không hề nhỏ. Càng hiện đại thì ô nhiễm ánh sáng càng tác động đến con người một cách âm thầm và nguy hiểm.

Ô nhiễm ánh sáng là việc sử dụng ánh sáng không đúng, chiếu sáng quá mức hoặc sử dụng ánh sáng nhân tạo gây khó chịu. Nói cách khác, việc lạm dụng ánh sáng nhân tạo quá mức cần thiết và không đúng mục đích, đặc biệt là ánh sáng về đêm  được gọi là ô nhiễm ánh sáng.

Nguyên nhân sâu xa của ô nhiễm ánh sáng chính là hệ quả của lối sống văn minh, nền công nghiệp phát triển, quá trình đô thị hóa mạnh mẽ… Bởi việc phát triển về mọi mặt sẽ tăng thêm đời sống kinh tế, nhu cầu về sử dụng ánh sáng tăng quá mức.

Nguyên nhân chính dẫn đến ô nhiễm ánh sáng thường phát sinh trong quá trình sinh hoạt, hoạt động kinh tế của con người, có thể kể đến như: Duy trì nguồn ánh sáng không hợp lý khiến lãng phí nguồn sáng và chi phí năng lượng. Lựa chọn thiết bị chiếu sáng không phù hợp với không gian làm tăng thời gian cũng như năng lượng để chiếu sáng. Trong cùng một khu vực lạm dụng quá nhiều ánh sáng không sử dụng chế độ hẹn giờ, các bộ phận cảm biến. Hoặc không sử dụng bất kỳ hình thức nào khác để tắt ánh sáng khi không sử dụng. Tính toán thiết kế ánh sáng không hợp lý dẫn đến nhiều khu vực thừa ánh sáng và khu vực thiếu ánh sáng. Gia tăng việc sử dụng ảnh hưởng tới nguồn sáng. Không thực hiện theo sự quản lý dẫn đến lạm dụng ánh sáng ở bên trong các tòa nhà, các cơ sở văn phòng, nhà máy, đường phố… Đặc biệt nghiêm trọng ở các khu vực công nghiệp cao, tập trung dân cư đông đúc.

Ô nhiễm ánh sáng gây ra tác động xấu đối với hệ sinh thái, con người và nền kinh tế 

Theo kết quả của một cuộc nghiên cứu khoa học, ánh sáng của các bóng đèn LED vào ban đêm mạnh hơn gấp 100 lần ánh sáng tự nhiên ban ngày. Do đó, ô nhiễm ánh sáng chính là sát thủ nguy hiểm núp dưới vẻ hào nhoáng và giống như các loại ô nhiễm khác như ô nhiễm không khí, nước, tiếng ồn… chúng đang âm thầm phá vỡ hệ sinh thái trên Trái Đất và gây ảnh hưởng nặng nề đến sức khoẻ con người, lãng phí tài nguyên và gây thiệt hại kinh tế cho các quốc gia, hơn hết nó còn làm gia tăng ô nhiễm bầu khí quyển, gián tiếp tác động đến khoa học, thiên văn học.

Trước tiên, lượng ánh sáng quá mức sẽ làm phá vỡ hệ sinh thái, gây rối loạn nhịp sinh hoc ngày – đêm, tác động tiêu cực đến sức khoẻ của con người và động thực vật. Các nghiên cứu y học chỉ ra rằng, ô nhiễm ánh sáng khiến con người gặp các triệu chứng như đau đầu, mệt mỏi, lo âu, trầm cảm, stress kéo dài …

Tiếp theo, ánh sáng thừa thãi và phản khoa học là nguyên nhân gây xáo trộn, phá vỡ hệ sinh thái. Nhịp sinh học bình thường được hình thành qua sự phối hợp chu kỳ sáng – tối tự nhiên. Tuy nhiên, ánh sáng nhân tạo thường được chiếu sáng ban đêm, việc ô nhiễm ánh sáng nhân tạo gây ra nhiều rối loạn trong hệ sinh thái:

Động vật hoang dã chuyên hoạt động về đêm sẽ khó khăn trong việc di chuyển, kiếm mồi và khiến các loài chim di trú bị mất phương hướng. Rùa biển mới nở, chim biển non không xác định được hướng bơi về biển. Rối loạn tổng hợp Melatonin ở loài bò sát, lưỡng cư gây tổn thương võng mạc, giảm tinh trùng và đột biến di truyền…

Đèn quá sáng sẽ gây ức chế sự phát triển của sinh vật phù du ăn tảo bề mặt khiến chúng phát triển quá mức, gây hiện tượng “tảo nở hoa” giết hại các loài thực vật khác; các loại hoa nở vào ban đêm khó được ong bướm thụ phấn; các loại cây như lúa vì ánh đèn cao áp quá mạnh không thể ra hoa trổ hạt… và còn rất nhiều những tác động tiêu cực khác do ô nhiễm ánh sáng gây ra.

Đối với các nhà thiên thiên văn học việc có được bầu trời quang đãng để quan sát các vũ trụ là điều rất quan trọng. Tuy nhiên ánh sáng nhân tạo từ các đô thị, trung tâm thành phố đã làm xao lãng việc quan sát này. Giảm độ sắc nét quan sát giữa các ngôi sao, chuyển động của các thiên hà.

Ô nhiễm ánh sáng không chỉ ảnh hưởng xấu đến sức khoẻ, tinh thần của con người, phá vỡ hệ sinh thái tự nhiên mà chúng còn gây lãng phí nguồn năng lượng và tác động xấu đến nền kinh tế toàn cầu. Theo một số nghiên cứu, khoảng 50 – 90% lượng ánh sáng phát ra từ các toà nhà là không cần thiết. Điều này đã dẫn đến tình trạng tăng lượng khí thải CO2 và tiêu tốn lượng ngân sách khủng khiếp cho các quốc gia.

Việc giảm thiểu ô nhiễm ánh sáng gồm có nhiều hình thức như làm giảm ánh sáng chói, giảm ánh sáng xâm nhập, giảm ánh sáng chiếm dụng bầu trời, giảm ánh sáng lộn xộn. Sử dụng các phương pháp này phải phù hợp với loại ô nhiễm. Các cách khắc phục ô nhiễm ánh sáng có thể áp dụng như: Sử dụng nguồn sáng vừa đủ với yêu cầu. Tắt đèn khi không cần thiết hoặc sử dụng chế độ hẹn giờ. Cải tiến dụng cụ chiếu sáng phù hợp, có thể tập trung ánh sáng vào nơi cần thiết. Lắp đặt các loại đèn sao cho bước sóng ánh sáng ít gây ra các vấn đề nghiêm trọng. Đánh giá lại các hệ thống chiếu sáng hiện có, thiết kế lại nếu cần./.

VH(Tổng hợp)

có thể bạn quan tâm

Ý KIẾN BÌNH LUẬN