NXB Giáo dục Việt Nam cần có những đột phá, tiên phong trong chặng đường đổi mới
(ĐCSVN) - Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo yêu cầu Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam cần có những điều chỉnh về chiến lược, cơ cấu tổ chức bộ máy. Phải có sự cải tổ từ bên trong, phát huy truyền thống của Nhà xuất bản với đội ngũ chuyên gia, nhà biên tập hùng hậu để thực hiện tốt trách nhiệm với ngành, với đất nước.
Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Kim Sơn trao quyết định bổ nhiệm Chủ tịch Hội đồng thành viên đồng thời là Tổng Giám đốc Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam đối với ông Nguyễn Tiến Thanh - Ảnh: VGP/NN |
Ngày 7/6, Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) Nguyễn Kim Sơn dự Lễ trao quyết định bổ nhiệm Chủ tịch Hội đồng thành viên đồng thời là Tổng Giám đốc Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam.
Ngày 26/4/2024, Bộ trưởng Bộ GD&ĐT ban hành Quyết định 1279/QĐ-BGDĐT bổ nhiệm ông Nguyễn Tiến Thanh, Tổng biên tập Tạp chí Đời sống và Pháp luật, làm Chủ tịch Hội đồng thành viên; đồng thời là Tổng giám đốc Công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam kể từ ngày 15/5/2024. Thời hạn giữ chức vụ là 5 năm.
Phát biểu chỉ đạo tại buổi Lễ, Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Kim Sơn chúc mừng ông Nguyễn Tiến Thanh được bổ nhiệm và Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam đã kiện toàn nhân sự chủ chốt để bước vào chặng đường mới; đồng thời khẳng định, Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam có vai trò quan trọng, khi là nơi xuất bản các ấn phẩm dành cho học sinh, sinh viên ngành giáo dục.
Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn cho rằng, Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam đã hoàn thành được trách nhiệm với đất nước, với xã hội. Các bộ sách giáo khoa (SGK) được xuất bản bảo đảm đúng tiến độ, số lượng và chất lượng ngày càng tốt hơn, đồng thời đã có những cố gắng trong giảm giá SGK. Điều này đã được Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ ghi nhận.
Tuy nhiên, bên cạnh kết quả, nỗ lực, Bộ trưởng cũng cho rằng, so với kỳ vọng của đất nước, của ngành Giáo dục và của mỗi học sinh, giáo viên, vẫn còn những việc khiến dư luận xã hội băn khoăn, trăn trở về sự phát triển và đóng góp của Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam trong hiện tại cũng như tương lai.
Nhận định biên soạn SGK đã đi được một chặng đường quan trọng, nhưng theo Bộ trưởng, chặng đường sắp tới không chỉ là câu chuyện SGK. Nhà xuất bản cần có những đột phá, tiên phong trong chặng đường đổi mới sắp tới của ngành Giáo dục. Theo đó, không chỉ xuất bản SGK, tư liệu tham khảo, Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam cần cung cấp các ấn phẩm khác phục vụ nghiên cứu, học thuật, khoa học, kỹ thuật, văn học, nghệ thuật… vừa nâng cao dân trí, vừa phục vụ mục tiêu phát triển con người một cách toàn diện, đúng như mục tiêu đổi mới giáo dục - đào tạo.
Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn phát biểu giao nhiệm vụ cho tân Chủ tịch Hội đồng thành viên đồng thời là Tổng Giám đốc Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam. |
Bộ trưởng Bộ GD&ĐT yêu cầu Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam cần có những điều chỉnh về chiến lược, cơ cấu tổ chức bộ máy. Phải có sự cải tổ từ bên trong, phát huy truyền thống của Nhà xuất bản với đội ngũ chuyên gia, nhà biên tập hùng hậu để thực hiện tốt trách nhiệm với ngành, với đất nước.
Với tinh thần đó, Bộ trưởng mong muốn tân Chủ tịch Hội đồng thành viên, đồng thời là Tổng giám đốc của Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam hết sức nỗ lực, cố gắng để vượt qua nhiều thách thức đang đặt ra, vận hành được Nhà xuất bản một cách tốt nhất. Bộ trưởng cũng mong tập thể ban lãnh đạo Nhà xuất bản cùng đoàn kết một lòng; thực sự nhận thấy tầm quan trọng, hệ trọng của sự đoàn kết.
Về phía Bộ GD&ĐT, Bộ trưởng cho biết: Lãnh đạo Bộ sẽ theo sát đơn vị hơn nữa, lãnh đạo một cách kịp thời, chặt chẽ hơn nữa và hỗ trợ để Nhà xuất bản hoàn thành thật tốt nhiệm vụ.
Tân Chủ tịch Hội đồng thành viên, đồng thời là Tổng Giám đốc Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam Nguyễn Tiến Thanh phát biểu nhận nhiệm vụ. |
Phát biểu nhận nhiệm vụ, thay mặt tập thể cán bộ, biên tập viên, người lao động thuộc hệ thống Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam, ông Nguyễn Tiến Thanh bày tỏ cảm ơn đến lãnh đạo cơ quan chủ quản là Bộ GD&ĐT, cơ quan chỉ đạo xuất bản (Ban Tuyên giáo Trung ương), cơ quan quản lý xuất bản (Bộ Thông Tin - Truyền Thông) và các cơ quan chức năng đã quan tâm chỉ đạo sát sao, tạo mọi điều kiện thuận lợi trong mọi mặt hoạt động của Nhà xuất bản trong thời gian qua; đồng thời mong muốn nhận được sự quan tâm hơn nữa trong thời gian tới.
Ông Nguyễn Tiến Thanh bày tỏ, trong suốt chặng hành trình lịch sử, kể cả những giai đoạn sóng gió nhất vừa qua, tập thể hệ thống công ty TNHH một thành viên Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam – Nhà xuất bản duy nhất trong toàn quốc được thực hiện thí điểm mô hình tổ hợp công ty mẹ con với 4 Nhà xuất bản Giáo dục miền và 38 công ty thành viên – luôn hoàn thành tốt nhiệm vụ kinh doanh, bảo toàn vốn nhà nước, đảm bảo tăng trưởng doanh thu và lợi nhuận cùng với việc giảm giá thành sản phẩm, làm tốt nhiệm vụ chính trị, phục vụ cộng đồng và sự nghiệp giáo dục. Những nỗ lực trong việc giảm giá sách giáo khoa đồng thời đa dạng hóa các sản phẩm sách giáo dục khác của Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam để vừa đảm bảo mục tiêu tăng trưởng, vừa đảm bảo nhiệm vụ chính trị, hướng tới những giá trị mang tính phục vụ cộng đồng đã mang lại hiệu quả.
Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn tặng hoa cảm ơn những nhân sự đã có đóng góp quan trọng cho Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam giai đoạn vừa qua. |
Thời gian tới, theo tân Chủ tịch Hội đồng thành viên, đồng thời là Tổng Giám đốc Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam, với tư cách là một doanh nghiệp nhà nước, Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam cần tổ chức tốt công việc sản xuất - kinh doanh, đảm bảo hiệu quả, tăng trưởng về doanh thu và lợi nhuận, hoàn thành nghĩa vụ với ngân sách nhà nước, cải thiện đời sống người lao động; đồng thời khẳng định, việc bảo toàn vốn Nhà nước, tăng trưởng doanh thu và lợi nhuận sẽ là phương tiện, là công cụ để thực hiện mục tiêu mang tính giá trị cốt lõi: Hoàn thành nhiệm vụ chính trị và nghĩa vụ xã hội, đó là cung ứng đủ, kịp thời với giá thành rẻ nhất, chất lượng cao nhất các loại sách giáo dục nói chung và sách giáo khoa nói riêng./.