Logo báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam

"Nước ngầm - Biến nguồn tài nguyên vô hình thành hữu hình"

Thứ Ba, 22/03/2022 15:42 (GMT+0)
zalo-icon
viber-icon

(ĐCSVN) – Ngày Nước Thế giới năm nay (22/3) được kỷ niệm với chủ đề “Nước ngầm - Biến nguồn tài nguyên vô hình thành hữu hình" nhằm thu hút sự chú ý đến nguồn tài nguyên nước tiềm ẩn luôn được coi trọng nhưng chưa được công nhận đầy đủ giá trị trong hoạch định chính sách phát triển bền vững.

 Ngày Nước Thế giới năm 2022 được kỷ niệm với chủ đề “Nước ngầm - Biến nguồn tài nguyên vô hình thành hữu hình" .

Ngày Nước Thế giới được kỷ niệm vào ngày 22/3 hàng năm nhằm kêu gọi sự quan tâm của toàn thế giới về tầm quan trọng của nguồn tài nguyên nước, vận động chính sách về quản lý bền vững tài nguyên nước, đặc biệt là các nguồn nước ngọt.

Vào năm 1992, Hội nghị thượng đỉnh Liên hợp quốc về môi trường và phát triển (UNCED) khuyến cáo cần có một ngày quốc tế dành cho nguồn nước ngọt. Ngày 22/12/1992, Đại hội đồng Liên hợp quốc đã thông qua nghị quyết tuyên bố lấy ngày 22/3/1993 để kỷ niệm Ngày Nước Thế giới lần đầu tiên.

Nước là trung tâm của phát triển bền vững. Nguồn tài nguyên nước, cũng như các dịch vụ mà nước có thể cung cấp, góp phần giảm thiểu nghèo đói, phát triển kinh tế và bảo vệ môi trường. Từ dinh dưỡng và an ninh năng lượng cho tới sức khỏe của con người và môi trường, nước góp phần cải thiện đáng kể sự thịnh vượng của xã hội và phát triển bình đẳng, tác động tới sinh kế của hàng tỷ người dân trên trái đất.

Nước là một nhân tố thiết yếu của cuộc sống. Nó không chỉ có vai trò sống còn đối với sức khỏe, mà còn góp phần tạo ra việc làm khi đóng góp vào phát triển kinh tế, xã hội và con người.

Mỗi năm, Liên hợp quốc lựa chọn một chủ đề cụ thể cho Ngày Nước Thế giới để phản ánh những khía cạnh khác nhau về nước. Đây là một sự kiện quốc tế được tổ chức nhằm thu hút sự chú ý của người dân trên khắp trái đất để thấy được tầm quan trọng của tài nguyên nước, đặc biệt là các nguồn nước ngọt và góp phần tăng cường quản lý bền vững nguồn tài nguyên quý giá này.

Chủ đề của Ngày Nước Thế giới năm 2022 là: “Nước ngầm - Biến nguồn tài nguyên vô hình thành hữu hình”. Với chủ đề này, chiến dịch năm nay sẽ nhấn mạnh vai trò quan trọng của nước ngầm trong hệ thống nước và điều kiện vệ sinh, nông nghiệp, công nghiệp, hệ sinh thái và thích ứng với biến đổi khí hậu. Thông điệp bao trùm của chiến dịch là khám phá, bảo vệ và sử dụng bền vững nguồn nước ngầm sẽ là việc làm trọng tâm để tồn tại và thích ứng với biến đổi khí hậu và đáp ứng nhu cầu của dân số ngày càng tăng.

Nhu cầu của con người về nước không ngừng tăng lên. (Ảnh minh họa: UN) 

Quản lý tốt hơn tất cả các nguồn nước, bao gồm cả trữ lượng nước ngầm

Trong thông điệp đưa ra nhân Ngày Nước Thế giới năm 2022, Tổng thư ký Liên hợp quốc António Guterres cho biết: Nhu cầu của con người về nước không ngừng tăng lên. Sử dụng quá mức, ô nhiễm và biến đổi khí hậu đang gây áp lực ngày càng lớn đến nguồn nước. Hạn hán và các đợt nắng nóng ngày càng gay gắt và thường xuyên hơn. Mực nước biển dâng đang khiến nước mặn xâm nhập vào các tầng chứa nước ven biển. Nguồn nước ngầm bị cạn kiệt.

Theo nhà lãnh đạo cấp cao của Liên hợp quốc, nước có thể là một nguồn xung đột hoặc một công cụ hợp tác. Chính vì vậy, chúng ta phải làm việc cùng nhau để đảm bảo quản lý tốt hơn tất cả các nguồn nước, bao gồm cả trữ lượng nước ngầm trên thế giới. “Ngay cả khi chúng ta không thể nhìn thấy nước ngầm, chúng ta không được quên nó. Nằm trong đá và đất, chúng là nguồn nước ngọt lớn nhất của chúng ta. Chúng  bảo đảm cung cấp nước uống, duy trì hệ thống vệ sinh, cung cấp cho nông nghiệp, công nghiệp và hệ sinh thái. Chưa hết, khoảng 20% tầng chứa nước của hành tinh đang bị khai thác quá mức” – thông điệp của Tổng thư ký Liên hợp quốc nêu rõ. “Ở nhiều nơi, không có ý tưởng rằng nguồn tài nguyên quý giá này tồn tại. Chúng ta phải làm tốt hơn nữa trong việc thăm dò, giám sát và phân tích các nguồn nước ngầm để bảo vệ và quản lý chúng tốt hơn và góp phần đạt được các Mục tiêu Phát triển Bền vững”.

Nhân Ngày Nước Thế giới năm nay, Tổng thư ký Liên hợp quốc António Guterres kêu gọi chúng ta hãy cam kết tăng cường hợp tác giữa các ngành và xuyên biên giới để có thể cân bằng bền vững nhu cầu của con người và thiên nhiên và khai thác nguồn nước ngầm cho các thế hệ hiện tại và tương lai.

Sử dụng tiết kiệm nước để chia sẻ cơ hội cho mọi người

Sự phát triển bền vững của một quốc gia phụ thuộc vào nhiều yếu tố, trong đó có bảo đảm an ninh nguồn nước. Chính vì vậy, quản lý tài nguyên nước đóng một vai trò hết sức quan trọng, là nhân tố hàng đầu bảo đảm phát triển bền vững nguồn nước cho phát triển bền vững kinh tế - xã hội nói chung.

Việt Nam là một trong số các quốc gia bị ảnh hưởng nặng nề nhất của biến đổi khí hậu, trong đó tài nguyên nước sẽ chịu những ảnh hưởng lớn nhất và sớm nhất do những diễn biến bất thường về lượng mưa và nước biển dâng, tập trung mạnh nhất ở hai khu vực sản xuất lúa gạo và sản phẩm thủy sản chủ yếu của cả nước là đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) và đồng bằng sông Hồng. Trước những thách thức về an ninh nguồn nước, các nhiệm vụ trọng tâm trong thời gian tới nhằm tăng cường hiệu lực, hiệu quả công tác quản lý tài nguyên nước, tiến tới ngăn chặn, từng bước đẩy lùi tình trạng gây ô nhiễm, suy thoái, cạn kiệt bảo đảm khai thác, bảo vệ có hiệu quả các nguồn nước, đáp ứng yêu cầu đòi hỏi từ thực tiễn.

Trong những năm vừa qua, Việt Nam đã đặc biệt chú trọng đến việc phát triển bền vững nguồn tài nguyên này. Công tác quản lý tài nguyên nước Việt Nam đã có nhiều chuyển biến tích cực. Việt Nam đã coi bảo vệ và quản lý nguồn nước là một nội dung quan trọng trong các chiến lược phát triển kinh tế - xã hội. Quản lý tài nguyên nước theo phương thức tổng hợp và toàn diện đã trở thành quan điểm nhất quán của Việt Nam và được thể hiện xuyên suốt trong các văn bản quy phạm pháp luật. Luật Tài nguyên nước năm 2012 - văn bản pháp lý cao nhất về lĩnh vực tài nguyên nước đã thể chế các quy định, biện pháp cụ thể để thực hiện phương thức quản lý tổng hợp tài nguyên nước trong các hoạt động quy hoạch, bảo vệ, khai thác, sử dụng tài nguyên nước và phòng, chống tác hại do nước gây ra...

Đồng thời, Việt Nam đã và đang nỗ lực đóng góp hiệu quả trên bình diện hợp tác quốc tế trong lĩnh vực này, từ khuôn khổ song phương, tiểu vùng, liên khu vực và toàn cầu. Việt Nam cũng tích cực tham gia các cơ chế hợp tác ASEAN về quản lý nguồn nước, hợp tác APEC về ứng phó với thiên tai, đồng sáng kiến Diễn đàn hợp tác Á-Âu (ASEM) thúc đẩy hợp tác, trao đổi kinh nghiệm về quản lý nguồn nước giữa các quốc gia ven sông Mekong và Danube...

Tại Việt Nam, hàng năm, Bộ Tài nguyên và Môi trường đều phối hợp với các bộ, ngành và địa phương tổ chức nhiều hoạt động hưởng ứng Ngày Nước Thế giới trên phạm vi toàn quốc; qua đó, tạo được phong trào hưởng ứng sôi nổi tại các địa phương trên cả nước.

Năm nay, hưởng ứng Ngày Nước Thế giới với chủ đề “Nước ngầm - Biến nguồn tài nguyên vô hình thành hữu hình”, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã đưa ra một số khẩu hiệu tuyên truyền, nổi bật như: Nước ngầm vô hình nhưng tác động hữu hình ở khắp nơi; cùng nhau bảo vệ và sử dụng bền vững nguồn nước ngầm để thích ứng với biến đổi khí hậu; ở những nơi khô hạn nhất, nước ngầm có thể là nguồn nước duy nhất mà chúng ta có; hãy sử dụng tiết kiệm nước để chia sẻ cơ hội cho mọi người… Trước đó, ngày 25/2 vừa qua, Bộ Tài nguyên và Môi trường cũng đã có văn bản đề nghị ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương gấp rút triển khai việc khoanh định, công bố danh mục “vùng hạn chế khai thác nước dưới đất”./.

Khánh Linh

có thể bạn quan tâm

Ý KIẾN BÌNH LUẬN