Logo báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam

Nông dân giúp nhau làm giàu và giảm nghèo bền vững

Thứ Hai, 18/09/2017 15:12 (GMT+0)
zalo-icon
viber-icon

(ĐCSVN) - Với trên 3,55 triệu hộ sản xuất, kinh doanh giỏi các cấp, phong trào Nông dân thi đua sản xuất, kinh doanh giỏi đoàn kết giúp nhau làm giàu và giảm nghèo bền vững không chỉ tạo điều kiện khích lệ người nông dân làm giàu chính đáng mà còn phát huy tinh thần tương thân, tương ái giúp nhau thoát nghèo.

Đầu tư trồng hoa ly trên giá thể với quy mô 4 ha, ứng dụng các biện pháp kỹ thuật cao trong các khâu chăm sóc, bón phân, xây dựng hệ thống tưới tự động nên vườn hoa của gia đình ông Nguyễn Hữu Trí, xã Xuân Thọ, TP Đà Lạt, tỉnh Lâm Đồng luôn phát triển tốt với tổng doanh thu hằng năm ở mức trên 37 tỷ đồng, thu nhập 13,8 tỷ đồng/năm, tạo việc làm cho 35 lao động địa phương với bình quân 5,5 triệu đồng/người/tháng.

Mô hình nuôi cá sấu được nhiều hộ dân triển khai cho doanh thu hàng tỷ đồng/năm - Ảnh: Hoàng Dương

Ở địa đầu Tổ quốc, hộ gia đình anh Cam Thanh Huynh, thôn Khuổi Niếng, xã Đông Thành, huyện Bắc Quang, tỉnh Hà Giang những năm vừa qua có thu nhập chừng 1,4 tỷ đồng/năm từ sản xuất nông nghiệp. Đó là nguồn thu mơ ước đối với nhiều hộ gia đình đặc biệt ở địa bàn còn nhiều khó khăn như Hà Giang. “Trái ngọt” ấy là kết quả từ 10 ha trồng cam, quýt, 8 ha keo và ao cá ven vườn cam cùng với việc kinh doanh vật tư phân bón, dịch vụ máy múc phục vụ nhu cầu của người dân quanh vùng. Từ mô hình kinh tế này, hộ gia đình anh Huynh đã tạo việc làm thường xuyên, ổn định cho 20 lao động; giúp 17 lượt hộ khó khăn, trong đó cho 6 hộ nghèo vay 15 triệu đồng/hộ, thuê 3 hộ gia đình chăm sóc cam với số tiền 60 triệu đồng/hộ/năm.

Đó là hai trong số trên 27.000 hộ nông dân sản xuất kinh doanh giỏi có thu nhập đạt trên 1 tỷ đồng/năm (sau khi đã trừ chi phí sản xuất) giai đoạn 2012-2017, tăng 5 lần so với giai đoạn 2007 – 2012. Bên cạnh đó, theo thống kê, trong 5 năm qua, còn có trên 165 nghìn hộ cho thu nhập đạt từ 500 triệu đồng đến dưới 1 tỷ đồng, trên 3,3 triệu hộ cho thu nhập từ 100 đến 500 triệu đồng.

Đánh giá về kết quả của phong trào Nông dân thi đua sản xuất, kinh doanh giỏi đoàn kết giúp nhau làm giàu và giảm nghèo bền vững 5 năm vừa qua, ông Lương Quốc Đoàn, Phó Chủ tịch Trung ương Hội Nông dân Việt Nam cho biết, với trên 3,55 triệu hộ sản xuất, kinh doanh giỏi các cấp trong đó có rất nhiều hộ mạnh dạn nghiên cứu, tìm tòi sáng chế, ứng dụng các tiến bộ khoa học, kỹ thuật và công nghệ mới đem lại hiệu quả kinh tế cao, các hộ đã và đang tạo việc làm tại chỗ cho hơn 11 triệu lao động, cụ thể là trên 3,5 triệu lao động có việc làm thường xuyên, hơn 7 triệu lao động có việc làm theo mùa vụ hoặc khâu công việc, giúp đỡ vốn, giống cây, con và kinh nghiệm sản xuất cho hơn 8,2 triệu lượt hộ nông dân.

Không chỉ sản xuất – kinh doanh giỏi, hằng năm, các hộ còn giúp cho trên 790 nghìn hộ nghèo, hộ gặp hoàn cảnh khó khăn về cây con giống, máy móc, vật tư nông nghiệp, ngày công lao động, tiêu thụ sản phẩm trung bình trên 10 nghìn tỷ đồng/năm. Từ đó, trong giai đoạn 2012-2017, hơn 200 nghìn hộ nông dân đã thoát nghèo, vươn lên khá giả, phong trào cũng đã động viên, khuyến khích các hộ nông dân giỏi làm được hàng nghìn căn nhà tình nghĩa, giúp cho trên 1 triệu hộ nghèo có thêm nguồn lực để phát triển sản xuất.

Phong trào Nông dân thi đua sản xuất, kinh doanh giỏi đoàn kết giúp nhau làm giàu và giảm nghèo bền vững đã giúp cho hơn 200 nghìn hộ nông dân đã thoát nghèo, vươn lên khá giả - Ảnh: Hoàng Dương

Phong trào đã góp phần hình thành các vùng sản xuất chuyên canh, các cánh đồng mẫu lớn để liên kết, thực hiện đồng bộ từ sản xuất, chế biến đến tiêu thụ theo chuỗi giá trị. Một số hộ nông dân sản xuất, kinh doanh giỏi đã đại diện cho người sản xuất, bàn bạc và ký kết hợp đồng kinh tế với các doanh nghiệp để tạo vùng sản xuất lớn phát huy thế mạnh của mỗi vùng, miền, từng bước xây dựng thương hiệu nông sản hàng hoá đặc trưng.

Thực hiện cuộc vận động “Cả nước chung sức xây dựng nông thôn mới”, phong trào “Nông dân thi đua xây dựng nông thôn mới”, các nông dân sản xuất kinh doanh giỏi đã tích cực xây dựng cơ sở hạ tầng nông thôn với tổng số tiền 63.497 tỷ đồng, trên 30 triệu ngày công, trong đó làm mới và sửa chữa trên 1 triệu km đường giao thông nông thôn, tăng gấp đôi so với giai đoạn trước, xây mới và cải tạo 1,4 triệu km kênh mương nội đồng… Nhiều hộ nông dân sản xuất, kinh doanh giỏi đã hiến đất và tích cực góp vốn đầu tư xây dựng các công trình phúc lợi như trường học, trạm xá, trạm điện, cầu cống, đường giao thông nông thôn góp phần quan trọng làm thay đổi diện mạo nông thôn. Đây cũng chính là hạt nhân nòng cốt tổ chức lại sản xuất, thành lập mới hợp tác xã, tổ hợp tác và cả doanh nghiệp

Hội nghị đại biểu Nông dân thi đua sản xuất, kinh doanh giỏi toàn quốc lần thứ V sẽ diễn ra vào ngày 19/9 tới tại Hà Nội. Đây là sự kiện quan trọng kỷ niệm 87 năm ngày thành lập Hội Nông dân Việt Nam (14/10/1930-14/10/2017). 

Cũng theo ông Lương Quốc Đoàn, thông qua phong trào đã góp phần thúc đẩy việc thành lập các loại hình kinh tế cá thể và trang trại, gia trại hiệu quả, kinh tế cao. Nhiều hộ nông dân sản xuất, kinh doanh giỏi đã thành lập các doanh nghiệp vừa và nhỏ ở nông thôn hoặc làm sáng lập viên thành lập các tổ hợp tác, hợp tác xã nhằm liên kết, mở rộng quy mô, tăng hiệu quả sản xuất, kinh doanh. Tham gia tích cực củng cố và phát triển các hình thức kinh tế trong nông nghiệp, nông thôn.

Đến nay, các cấp Hội Nông dân đã hỗ trợ, hướng dẫn nông dân xây dựng được 14.604 mô hình kinh tế tập thể, trong đó có 650 hợp tác xã trong lĩnh vực nông nghiệp và dịch vụ (với 1.950 thành viên tham gia) và 13.954 tổ hợp tác về trồng trọt, chăn nuôi, nuôi trồng thủy sản, chế biến, tiêu thụ nông sản (với 209.310 thành viên tham gia).

“Quá trình củng cố và phát triển kinh tế tư nhân cũng như kinh tế tập thể trong nông nghiệp, nông thôn có vai trò đi đầu của các hộ nông dân sản xuất, kinh doanh giỏi. Thời gian tới, Hội sẽ giúp nông dân xây dựng các mô hình sản xuất theo chuỗi giá trị, có sự liên kết, hợp tác, có chỉ dẫn địa lý và thương hiệu cụ thể để khắc phục những yếu kém của sản xuất nông nghiệp, nhất là trong bảo quản, vệ sinh an toàn thực phẩm, tiêu thụ nông sản và nâng cao hàm lượng khoa học trong từng loại nông sản. Có như vậy, nông sản Việt Nam mới có thể cạnh tranh trên thị trường trong nước và quốc tế, phong trào Nông dân thi đua sản xuất, kinh doanh giỏi mới phát triển bền vững”, ông Đoàn nói.

Hoàng Dương

có thể bạn quan tâm

Ý KIẾN BÌNH LUẬN