Nông dân Đắk Nông tập trung toàn lực chống hạn
Tây Nguyên đang bước vào những tháng cao điểm của mùa khô, cũng là lúc người nông dân “gồng mình” phòng chống hạn hán.
Tại tỉnh Đắk Nông, tình trạng khô hạn đang bắt đầu diễn ra gay gắt, lan rộng làm ảnh hưởng tới hàng nghìn héc ta cây trồng các loại. Ngành chức năng địa phương đang rốt ráo tập trung toàn lực để triển khai công tác chống hạn, còn nông dân trắng đêm “mót” từng hạt nước tiếp tế cứu cây trồng.
Tại một số địa phương trong tỉnh Đắk Nông, nguồn nước ngầm và mực nước trên các ao hồ, sông suối đã bắt đầu khô cạn khiến cây trồng khô héo, rụng lá. Xã Tâm Thắng, huyện Cư Jút nằm ngay cạnh dòng sông Sêrêpốk nhưng hàng trăm héc ta cây trồng đang đứng trước nguy cơ mất trắng. Hồ Buôn Buôr, phục vụ nước tưới cho diện tích gần 240 ha tiêu, cà phê đã phơi đáy cả tháng nay. Để cứu cây trồng, nhiều hộ đã bỏ ra hàng trăm triệu đồng để khoan giếng tìm nước nhưng vô vọng bởi khoan sâu cả hơn trăm mét mà không có nước.
Ông Nguyễn Văn Quyết - Phó Chủ tịch xã Tâm Thắng cho biết, nếu tỉnh không sớm bố trí nguồn vốn xây dựng trạm bơm để bơm nước từ sông Sêrêpôk vào hồ Buôn Buôr thì diện tích cây trồng của hơn 430 hộ đồng bào dân tộc thiểu số tại chỗ sẽ giảm năng suất hoặc mất trắng. Nguy cơ thiếu đói và tái nghèo đang hiện hữu, làm ảnh hưởng đến tình hình an ninh chính trị của địa phương. Theo Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Cư Jút, toàn huyện có chín hồ thủy lợi thì đã có hai hồ cạn phơi đáy từ lâu, hai hồ còn lại đang nằm dưới mực nước chết.
Đắk Mil - vùng trọng điểm cà phê của tỉnh, với trên 21.000 ha, tình trạng khô hạn cũng đang bắt đầu diễn ra gay gắt. Sau vài ngày ăn Tết, người nông dân ở xã Đắk Lao, huyện Đắk Mil phải ra sức chống hạn. Hộ ông Trần Đoàn có 4 ha cà phê nhưng mới chỉ một nửa diện tích được tưới đợt 1. Theo dự định sau khi ăn Tết Nguyên đán gia đình ông sẽ tưới đợt 1 cho diện tích cà phê còn lại để cà phê kịp bung hoa, nhưng chưa kịp tưới thì hồ Đắk Ken hết nước. Thiếu nước tưới nên gần 2 ha cà phê của ông Đoàn héo quắt, lá vàng úa. “Máy bơm, nguồn điện, ống tưới gia đình tôi đã chuẩn bị sẵn sàng nhưng không có nước thì cũng bó tay”, ông Đoàn ngao ngán nói.
Hồ Đắk Ken tại xã Đắk Lao có dung tích khoảng 1,5 triệu m3, phục vụ nưới tưới cho hơn 300 ha cà phê, nhưng từ trước Tết đã cạn khô. Dưới lòng hồ có hàng chục máy bơm điện, vòi hút nằm ngổn ngang chờ hoạt động. Một vài người dân vẫn cố sức đào vét tạo mương mót những giọt nước cuối cùng để cứu cà phê. Hàng trăm héc ta cây trồng của hộ nông dân ở xã Đắk Lao cũng đang “khát nước”. Nhiều hộ phải bỏ tiền triệu để mua nước tưới từ các giếng khoan, miễn sao cứu được vườn cây. Tình trạng thiếu nước tưới cho cây trồng cũng đang diễn ra gay gắt ở các xã khác như Đắk R’La, Đắk Gằn, Đắk Đ’Rót.
Ông Võ Văn Minh, Phó Chủ tịch UBND huyện Đắk Mil cho biết, tình hình hạn hán diễn ra hết sức gay gắt và phức tạp từ sau Tết Nguyên đán. Người dân mới bắt đầu tưới đợt hai nhưng 5 hồ đập đã cạn nước, các hồ khác cũng không đảm bảo để tưới cả đợt 3, đợt 4. Dự kiến đến tháng 3 nếu không có mưa sẽ có khoảng 1.800 ha cà phê thiếu nước tưới ảnh hưởng đến năng suất vụ sau.
Theo báo cáo của tỉnh Đắk Nông đến thời điểm này, đã có hơn 817 ha các loại cây trồng (chủ yếu là các loại cây công nghiệp dài ngày như cà phê, tiêu, ca cao…) của tỉnh bị ảnh hưởng bởi hạn hán. Hạn hán đang hoành hành ở các huyện phía Bắc của tỉnh như: Đắk Song, Đắk Mil, Krông Nô, Cư Jút. Nguyên nhân do năm nay mùa mưa kết thúc sớm, lượng mưa chỉ đạt khoảng 70-80% so với trước, mùa khô đến sớm nên tình trạng thiếu hụt nước diễn ra ngay từ đầu vụ.
Đến nay, có 135/159 hồ chứa do Công ty Khai thác Công trình thủy lợi Đắk Nông quản lý xuống dưới mực nước dâng bình thường; trong đó, hàng chục hồ đã cạn trơ đáy hoặc nằm dưới mực nước chết. Dự báo đến giữa tháng 4, nếu trời tiếp tục nắng nóng kéo dài sẽ có thêm gần 60 hồ đập cạn nước và diện tích cây trồng bị hạn hán tăng lên trên 8.000 ha, gây thiệt hại lớn cho sản xuất nông nghiệp của địa phương.
Trước tình hình hạn hán đang diễn ra gay gắt, tỉnh Đắk Nông đang triển khai đồng bộ các giải pháp để cứu cây trồng, vật nuôi. Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Đắk Nông Đỗ Ngọc Duyên cho biết, ngay từ đầu vụ tỉnh đã chỉ đạo các địa phương, Công ty TNHH Một thành viên khai thác Công trình Thủy lợi Đắk Nông tập trung nâng cấp, gia cố hồ đập, khơi thông dòng chảy, nạo vét ao hồ để tích nước. Đồng thời khuyến cáo nhân dân không sản xuất ở khu vực thường xuyên thiếu nước, tưới nước tiết kiệm, trồng cây che bóng, điều tiết nước hợp lý …
Hiện nay, về cơ bản cây lúa nước, cây hoa màu ngắn ngày chưa bị ảnh hưởng của khô hạn; còn đối với cây công nghiệp ngắn ngày, cây cà-phê thì nhiều diện tích đã rơi vào tình trạng khô hạn nặng. “Chúng tôi đã chỉ đạo các huyện tập trung chống hạn, bơm nước kịp thời để bảo đảm sản xuất; hỗ trợ kinh phí chống hạn. Nếu khi nguồn nước cạn kiệt phải ưu tiên nước tưới cho diện tích cà phê nằm trong vùng quy hoạch, khi không còn nước thì phải chấp nhận mất trắng nếu trời không mưa”, ông Duyên cho hay.
Ngoài những giải pháp trước mắt, tỉnh Đắk Nông cũng thực hiện các giải pháp lâu dài để đối phó với tình hình hạn hán. Theo ông Trương Thanh Tùng - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đắk Nông, những năm gần đây do biến đổi khí hậu nên tình hình hạn hán ở Tây Nguyên ngày càng khốc liệt. Vì vậy, tỉnh Đắk Nông đã chỉ đạo các ngành chức năng và các địa phương xây dựng “bản đồ hạn hán”, xác định những khu vực thường hạn để có kế hoạch sản xuất, chuyển đổi cơ cấu cây trồng hợp lý.
Đồng thời, tỉnh cũng quy hoạch lại 3 loại rừng; trong đó, tăng diện tích rừng phòng hộ, đặc dụng; bảo vệ tốt vốn rừng nhằm tăng độ che phủ rừng để giữ nguồn nước mặt và nước ngầm. Tỉnh cũng kiến nghị Trung ương đầu tư thêm các hồ chứa nước ở các huyện phía Bắc của tỉnh…
Hiện nay, Đắk Nông có gần 180.000 ha cây công nghiệp dài ngày nằm trong vùng quy hoạch. Vụ Đông Xuân 2016, tỉnh gieo trồng gần 10.000 ha chủ yếu là lúa nước và các cây trồng ngắn ngày khác../.