Nỗi lo COVID-19 trước nguy cơ bùng phát trở lại
(ĐCSVN) - Những ngày qua, dịch COVID-19 có thêm những diễn biến phức tạp tại nhiều địa phương. Số ca mắc có chiều hướng tăng tại một số tỉnh, thành như Hà Nội, Hà Giang, TP Hồ Chí Minh, Bắc Giang, Tây Ninh, Bình Dương, Cà Mau…. Điều này đã dấy lên sự lo ngại về nguy cơ bùng phát dịch nếu chúng ta không ứng phó quyết liệt.
Trong 10 ngày qua, số ca mắc COVID-19 trên phạm vi toàn quốc có chiều hướng tăng nhanh, với nhiều ca phát hiện trong cộng đồng. (Ảnh: TA) |
Ngày 12/10, số ca COVID-19 cả nước xuống thấp nhất 3 tháng qua với 2.939 ca. Dịch được kiểm soát, cả nước chuyển sang thực hiện Nghị quyết 128 của Chính phủ về thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19. Các địa phương thu hẹp phong tỏa, khôi phục hoạt động vận tải, sản xuất, kinh doanh, dịch vụ theo 4 cấp độ dịch tương ứng với 4 màu xanh, vàng, cam, đỏ.
Cùng với xu hướng nới lỏng giãn cách, số F0 tăng dần. Số liệu từ Ban Chỉ đạo Quốc gia phòng, chống dịch COVID-19 cho thấy, trong 10 ngày qua, số ca mắc COVID-19 trên phạm vi toàn quốc có chiều hướng tăng nhanh. Chỉ trong ngày 8/11, hê thống Quốc gia quản lý ca bệnh COVID-19 ghi nhận 7.988 ca nhiễm mới, so với 10 ngày trước đó, số ca mắc mới trong 24 giờ tăng hơn 2.000 ca, gấp gần 3 lần so với 20 ngày trước đó.
Trong đó, TP Hồ Chí Minh, Đồng Nai, Bình Dương tiếp tục là tâm dịch với hơn 3.100 ca. Đơn cử, ngày 1/11, TP Hồ Chí Minh chỉ có 4 phường xã, thị trấn được đánh giá tình hình dịch bệnh đang ở cấp độ 3. Nhưng đến ngày 8/11, con số này đã là 13 địa phương. Đặc biệt số ca nhập viện còn cao hơn số ca xuất viện. Cụ thể, ngày 4/11 số ca nhập viện/số ca xuất viện là 1187/688 trường hợp; ngày 5/11 là 937/973 trường hợp; ngày 6/11 là 908/800 trường hợp; ngày 7/11 là 953/ 533 trường.
Tại Đồng Nai, 7 ngày qua ghi nhận 6.705 ca, tăng 50% so với 7 ngày trước đó. Theo đánh giá của Sở Y tế, các ca cộng đồng có xu hướng tăng mạnh với trung bình 187 ca mỗi ngày (so với giai đoạn thực hiện Chỉ thị 15 là 5-10 ca/ngày). Các ổ dịch cộng đồng đa phần liên quan đến doanh nghiệp sản xuất và người về từ vùng có dịch, tạo thành nhiều ổ dịch lây nhiễm thứ phát rải rác trong cộng đồng...
Ở phía Bắc, Hà Nội, Hà Giang, Bắc Giang đang là điểm nóng COVID-19 với việc ghi nhận số ca mắc trong cộng đồng tăng nhanh với những ổ dịch phức tạp. Ngày 4/11, Hà Nội ghi nhận 104 ca dương tính, trong đó có 64 ca tại cộng đồng; ngày 5/11 là 133 ca, trong đó có 61 cộng đồng; ngày 6/11, ghi nhận 93 ca, trong đó có 54 ca tại cộng đồng; ngày 7/11, ghi nhận 81 ca, trong đó có 45 ca tại cộng đồng; ngày 8/11, ghi nhận 106 ca, trong đó có 56 ca tại cộng đồng; ngày 9/11, ghi nhận 222 ca, trong đó 105 ca cộng đồng. Trong những ngày qua, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Hà Nội liên tiếp phát các thông báo khẩn tìm người đến các địa điểm có ca COVID-19, trong đó có nhiều địa điểm tập trung đông người như trường học, doanh nghiệp, khách sạn, chợ, nhà hàng, quán ăn...
Tương tự, Hà Giang ghi nhận mỗi ngày 50-100 ca, cá biệt ngày 28/10 lên 184, trong khi 2 tháng trước hầu như không có ca nào; Bắc Giang ghi nhận 394 ca từ 26/10 đến nay và xuất hiện hàng loạt cụm dịch liên quan khu công nghiệp, quán karaoke, khu dân cư, trải rộng trên địa bàn các huyện Việt Yên, Lạng Giang, Yên Thế, Tân Yên, Lục Ngạn.
Còn tại các tỉnh, thành phía Tây Nam bộ, sau một thời gian tương đối dài yên ắng thì nay cũng xuất hiện nhiều ca nhiễm mới. Nhiều địa phương là “vùng xanh” thì nay cũng đã nâng cấp độ dịch lên “vùng vàng” hoặc cao hơn trong 4 cấp độ dịch...
Số ca bệnh không ngừng tăng lên trong cộng đồng như thế nhưng điều đáng nói là người dân lại có phần chủ quan, lơ là. Cụ thể tối 22 và 31/10, hàng ngàn người dân tập trung đông người tại phố đi bộ Nguyễn Huệ, quận 1, TP Hồ Chí Minh đổ về tụ tập vui chơi như chưa từng có dịch, trong đó có những người không hề đeo khẩu trang... Còn tại Hà Nội, trong ngày 6,7 và 8/11, người dân chen chúc “thử nghiệm” những chuyến tàu đường sắt trên cao Cát Linh - Hà Đông, khi tàu bắt đầu chạy miễn phí trước khi bán vé 15 ngày sau đó. Sau 3 ngày đầu đưa vào khai thác đoàn tàu đường sắt Cát Linh - Hà Đông đã có xấp xỉ 13.800 lượt người dân lên tàu...
Ở thời điểm hiện tại, chúng ta đều biết, Đảng, nhà nước xác định rõ là sống chung an toàn với COVID-19, nới lỏng giãn cách, mở cửa để lưu thông, khôi phục sản xuất. Do đó, số ca mắc mới có thể tăng lên vì rằng vi rút gây dịch vẫn lẩn khuất trong cộng đồng. Điều đó cũng đã nằm trong sự trù liệu khi mà dịch COVID-19 vẫn chưa được khống chế hoàn toàn. Các cấp, các ngành đã có những phương án để thích nghi an toàn; các địa phương cũng đã có phương án khoanh vùng, dập dịch bên cạnh việc duy trì, đẩy nhanh tiến độ sản xuất, kinh doanh.
Gần đây nhất, ngày 7/11, Văn phòng Chính phủ có Công điện truyền đạt ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ về việc tiếp tục tăng cường thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch COVID-19. Công điện nêu rõ: Các địa phương cần nâng cao năng lực hệ thống y tế, nhất là y tế cơ sở; chuẩn bị sẵn sàng thành lập ngay trạm y tế lưu động ở những nơi dịch bùng phát, địa bàn dịch phức tạp; tổ chức tiêm chủng nhanh, kịp thời, hiệu quả ngay sau khi được phân bổ vắc xin. UBND các cấp tăng cường kiểm tra công tác phòng, chống dịch tại các cơ quan, đơn vị, tổ chức, doanh nghiệp, nhất là tại bệnh viện, cơ sở sản xuất, chợ, siêu thị, nhà ga, sân bay, bến xe...
Tuy nhiên, việc tập trung đông người, đặc biệt là không tuân thủ 5K như nêu trên cũng rất nguy hiểm, khiến dịch bệnh bùng phát mạnh bất cứ lúc nào. Bởi vì, khi được tiêm vắc xin người bệnh thường ít có triệu chứng nên rất khó xác định những người dương tính với SARS-CoV-2. Chính vì vậy, việc tập trung đông người sẽ dễ lây lan dịch bệnh và khó khăn trong công tác truy vết, đưa tới nhiều hệ lụy khi lại phải xét nghiệm thần tốc, dựng bệnh viện thu dung, bệnh viện dã chiến. Những nơi có ca nhiễm mới lại phải phong tỏa khiến sinh hoạt của nhiều người trở nên khó khăn, bất tiện. Dịch bệnh rập rình khiến trường học luôn phải dời lịch cho học sinh đến trường...
Vì thế, nhiều chuyên gia trong lĩnh vực y tế nhấn mạnh, các địa phương không được chủ quan, cần quyết liệt kiểm soát người từ vùng dịch, tiêm vắc xin, hạn chế tiếp xúc để chặn nguồn lây sớm, để không làm COVID-19 bùng phát. Đồng thời, các địa phương cần quản lý chặt chẽ người từ vùng dịch về, cách ly phù hợp; tổ chức xét nghiệm tất cả trường hợp ho sốt để đánh giá nguy cơ, từ đó truy vết và phong tỏa hẹp nhất có thể theo phương châm "nguy cơ đến đâu phong tỏa đến đó". Đẩy mạnh tuyên truyền người dân tiếp tục thực hiện 5K, không vì đã tiêm vắc xin mà lơ là, chủ quan; xử lý nghiêm vi phạm về phòng, chống dịch.
Trước nguy cơ dịch bệnh có thể xâm nhập cộng đồng ở bất cứ đâu và thời điểm nào, một lần nữa cần nhắc lại: Ý thức, trách nhiệm của mỗi người dân là nghiêm túc, tự giác thực hiện các quy định, các biện pháp phòng dịch đã được đề ra, nhất là quy định 5K. Đó chính là thứ “vắc-xin” hữu hiệu nhất để phòng tránh mọi bệnh tật mà ai cũng có thể tự trang bị cho mình./.