Nỗ lực đồng hành cùng ngư dân vươn khơi, bám biển
(ĐCSVN) - Phát huy vai trò lực lượng chuyên trách của Nhà nước, làm nòng cốt thực thi pháp luật và bảo vệ an ninh quốc gia, trật tự, an toàn trên biển, thời gian qua, lực lượng Cảnh sát biển Việt Nam đã thực sự đồng hành cùng ngư dân, làm chỗ dựa vững chắc bà con yên tâm vươn khơi, bám biển.
Nhiều năm qua, cán bộ, chiến sĩ Cảnh sát biển Việt Nam với những con tàu hiện đại, luôn có mặt kịp thời mỗi khi ngư dân hoạt động trên biển gặp sự cố. Tinh thần trách nhiệm, sự dũng cảm, không quản hiểm nguy của lực lượng Cảnh sát biển đã để lại tình cảm tốt đẹp trong lòng bà con ngư dân trên cả nước.
Là một trong 9 ngư dân được tàu CSB 4032, Bộ Tư lệnh Vùng Cảnh sát biển 2 kịp thời cứu nạn, ông Mai Văn Lý, (SN 1977) quê An Hải, huyện Lý Sơn, tỉnh Quảng Ngãi, thuyền trưởng tàu cá QNg 96237 TS nhớ như in: Ngày 23/2/2022, khi đang đánh bắt ở phía nam đảo Lý Sơn, thì bất ngờ tàu cá bị phá nước vào tàu, máy hỏng mất khả năng cơ động… Trước tình hình hết sức nguy hiểm, ông Mai Văn Lý đã xin được hỗ trợ cứu nạn khẩn cấp. Thời điểm đó gió cấp 6, cấp 7, độ cao sóng 4 đến 5m, dòng chảy lớn, biển động mạnh nên việc tìm kiếm gặp rất nhiều khó khăn tuy nhiên, với tinh thần trách nhiệm và bằng mọi nỗ lực, các cán bộ, chiến sĩ tàu CSB 4032, Bộ Tư lệnh Vùng Cảnh sát biển 2 đã triển khai các phương án cứu nạn kịp thời, chăm sóc sức khỏe cho 9 thuyền viên trên tàu và kịp thời đưa các ngư dân vào đảo Lý Sơn an toàn.
Tàu 4032 tiếp cận các thuyền viên của tàu cá QNg 96237 TS gặp nạn trên biển. Ảnh: Văn Doanh. |
Đây là một trong số hàng nghìn lượt cứu nạn ngư dân trên biển mà lực lượng Cảnh sát biển Việt Nam đã thực hiện trong những năm gần đây. Việc làm đầy ý nghĩa đó không chỉ giúp cứu sống hàng nghìn ngư dân, hỗ trợ hàng trăm lượt tàu cá, mà quan trọng hơn là đã giúp bà con ngư dân thêm yên tâm vươn khơi bám biển, vừa đánh bắt hải sản, phát triển kinh tế, vừa góp phần khẳng định và bảo vệ chủ quyền biển, đảo của Tổ quốc.
Theo Trung tướng Bùi Quốc Oai, Chính ủy Cảnh sát biển, Chương trình “Cảnh sát biển đồng hành với ngư dân” được Bộ Tư lệnh Cảnh sát biển triển khai thực hiện từ năm 2017 đến nay là một trong những nội dung đột phá trong công tác dân vận của toàn lực lượng. Chương trình xác định thực hiện 6 nội dung chính, đó là: Phối hợp tổ chức tuyên truyền, phổ biến chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, giáo dục pháp luật cho nhân dân, trong đó có ngư dân; Phối hợp tham gia xây dựng hệ thống chính trị vững mạnh; Giúp nhân dân phát triển kinh tế - xã hội, văn hóa, xóa đói, giảm nghèo, góp phần thực hiện tốt tiêu chí xây dựng nông thôn mới; Hỗ trợ ngư dân phát triển kinh tế biển; Giúp ngư dân vươn khơi, bám biển, góp phần giữ vững an ninh, chủ quyền biển, đảo của Tổ quốc; Phối hợp thực hiện huy động nhân lực, phương tiện, tàu thuyền tham gia bảo vệ chủ quyền biển, đảo. Đến nay, Chương trình “Cảnh sát biển đồng hành với ngư dân” đã thu được nhiều kết quả toàn diện, ý nghĩa.
Lực lượng Cảnh sát biển tặng cờ Tổ quốc cho ngư dân. Ảnh: Lê Nam. |
Hằng năm, các Bộ Tư lệnh Vùng Cảnh sát biển đã phối hợp chặt chẽ với Ban Dân vận các tỉnh ủy, thành ủy để xây dựng kế hoạch cụ thể, làm cơ sở để Bộ Tư lệnh Cảnh sát biển xây dựng kế hoạch tổ chức các hoạt động trọng điểm trong toàn lực lượng. Qua đó, đảm bảo tính thống nhất, đồng bộ, toàn diện, có chiều sâu, đồng đều giữa các tháng trong năm; đồng thời, có trọng tâm, trọng điểm và điểm nhấn. Chương trình thể hiện rõ tinh thần trách nhiệm cao trong thực hiện chức năng, nhiệm vụ của lực lượng; góp phần xây dựng thế trận lòng dân, quản lý, bảo vệ vững chắc chủ quyền biển đảo và thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội địa bàn các tỉnh, thành phố có biển.
Theo Bí thư Tỉnh ủy Hà Tĩnh Hoàng Trung Dũng, Chương trình “Cảnh sát biển đồng hành với ngư dân” là hoạt động có ý nghĩa rất lớn trong phát huy sức mạnh khối đại đoàn kết toàn dân, của cả hệ thống chính trị, nhân dân trên địa bàn tỉnh và lực lượng Cảnh sát biển trong xây dựng, bảo vệ vững chắc chủ quyền, an ninh trật tự, an toàn biển, đảo của Tổ quốc và phát triển bền vững biển, đảo. Bên cạnh việc tập trung tuyên truyền cho ngư dân pháp luật biển, các quy định khai thác theo Luật Thủy sản 2017, Luật Cảnh sát biển Việt Nam, Chỉ thị 45 của Thủ tướng Chính phủ về chống đánh bắt bất hợp pháp IUU, cán bộ, chiến sĩ Cảnh sát biển còn cấp phát tờ rơi, hướng dẫn kỹ năng bảo đảm an toàn khi lao động trên biển cho ngư dân, tập huấn an toàn hàng hải, phòng chống cháy nổ cho bà con, xuống tận tàu cùng ngư dân thay cờ, treo cờ Tổ quốc lên nóc tàu… Từ đó, Chương trình đã trực tiếp góp phần tăng cường tình đoàn kết quân dân; động viên ngư dân tích cực vươn khơi bám biển, bám ngư trường truyền thống, vừa phát triển kinh tế, vừa sát cánh cùng các lực lượng thực thi pháp luật trên biển đấu tranh bảo vệ chủ quyền, giữ gìn an ninh, trật tự, an toàn các vùng biển đảo của Tổ quốc.
Lực lượng Cảnh sát biển khám sức khỏe cho ngư dân. Ảnh: Lê Nam. |
Đến nay, sau 5 năm thực hiện, Chương trình “Cảnh sát biển đồng hành với ngư dân” đã góp phần nâng cao tinh thần yêu nước, lòng tự hào dân tộc, ý thức trách nhiệm của nhân dân nói chung, ngư dân nói riêng trong chấp hành pháp luật, tham gia bảo vệ chủ quyền, an ninh, an toàn biển, đảo của Tổ quốc; trực tiếp tham gia xây dựng "thế trận lòng dân" vững chắc trên biển; là một trong những yếu tố quan trọng giúp lực lượng Cảnh sát biển hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao.
Phát huy những kết quả đã đạt được, thời gian tới, các Bộ Tư lệnh Vùng Cảnh sát biển, các cơ quan, đơn vị thuộc lực lượng Cảnh sát biển Việt Nam sẽ tiếp tục tăng cường thực hiện Chương trình “Cảnh sát biển đồng hành với ngư dân” theo hướng toàn diện, hiệu quả, thiết thực. Trọng tâm là đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phối hợp chặt chẽ với Ban Dân vận các tỉnh ủy, thành ủy trong xây dựng, triển khai kế hoạch thực hiện Chương trình bảo đảm phù hợp, hiệu quả; đa dạng hóa các hoạt động hỗ trợ, giúp đỡ ngư dân vươn khơi, bám biển. Đồng thời, quan tâm hỗ trợ ngư dân giảm bớt khó khăn trong cuộc sống, tích cực tham gia xây dựng nông thôn mới, giúp đỡ nhân dân khắc phục hậu quả thiên tai, bảo vệ tài nguyên môi trường biển… Qua đó, vừa hỗ trợ, giúp đỡ hoạt động trên biển và bảo vệ tính mạng, tài sản của bà con ngư dân; vừa tăng cường đảm bảo quốc phòng, an ninh trên biển, xây dựng và giữ vững “thế trận lòng dân”, an ninh nhân dân, bảo vệ vững chắc chủ quyền biển, đảo thiêng liêng của Tổ quốc./.