Ninh Giang nỗ lực khắc phục hậu quả sau bão và mưa lũ
(ĐCSVN) - Lãnh đạo huyện Ninh Giang đã trực tiếp xuống hiện trường, chỉ đạo các lực lượng, huy động phương tiện, nhân lực khẩn trương khắc phục hậu quả thiên tai, mưa lũ. Đến thời điểm hiện tại tất cả các sự cố, điểm xung yếu về đê điều, thủy lợi đã được khắc phục kịp thời, đảm bảo an toàn cho công trình, không ảnh hưởng đến đời sống của nhân dân.
Đồng chí Phạm Văn Khảnh, TUV, Bí thư Huyện ủy Ninh Giang trực tiếp chỉ đạo các lực lượng, huy động phương tiện, nhân lực khẩn trương khắc phục hậu quả thiên tai, mưa lũ. |
Bão số 3 và mưa, lũ sau bão đã gây thiệt hại về tài sản, cơ sở hạ tầng và sản xuất nông nghiệp trên địa bàn huyện Ninh Giang (Hải Dương).
Theo Ban Chỉ huy phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn huyện Ninh Giang, bão số 3 với sức gió mạnh khi đi qua địa bàn huyện đã làm gãy đổ nhiều cây xanh, thổi bay nhiều mái tôn, biển quảng cáo; các địa phương trong tình trạng mất điện, mạng viễn thông bị gián đoạn.
Theo thống kê sơ bộ đã có 18 cột điện cao thế, 50 cột điện hạ thế bị đổ; đặc biệt trên tuyến đường trục Bắc - Nam đoạn qua địa bàn huyện hàng nghìn cây phi lao bị gẫy, đổ gây ách tắc giao thông toàn tuyến trong nhiều giờ đồng hồ. Toàn huyện có 212 công trình công cộng bị hư hỏng, trên 2.000 lúa bị đổ, 900 ha lúa bị ngập úng, 200 ha rau màu bị dập nát, hơn 55.000 m2 nhà màng nhà lưới bị hư hỏng và hàng trăm ha nuôi trồng thủy sản bị tràn bờ… Tổng thiệt hại lên tới gần 200 tỷ đồng.
Ảnh hưởng của bão và nước lũ, trên địa bàn huyện Ninh Giang đã xuất hiện 39 sự cố về cống và điểm xung yếu đê nội đồng. Các sự cố và điểm xung yếu đều được huyện khẩn trương, xử lý kịp thời. |
Ảnh hưởng nặng nề của cơn bão số 3 kết hợp với lũ dâng cao trên các sông: Sông Luộc, sông Đĩnh Đào và sông Cửu An, huyện Ninh Giang đã kích hoạt phương châm “bốn tại chỗ”. Ban chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn huyện đã chỉ đạo các xã, thị trấn có tuyến đê trung ương và đê nội đồng thường trực canh đê, tuần tra kiểm soát theo cấp báo động; đồng thời huy động lực lượng, vật tư, phương tiện tham gia chủ động bảo vệ và chống tràn ở một số địa điểm đê xung yếu.
Cũng do ảnh hưởng của bão và nước lũ trên địa bàn huyện Ninh Giang đã xuất hiện 39 sự cố về cống và điểm xung yếu đê nội đồng. Các sự cố và điểm xung yếu đều được huyện khẩn trương, xử lý kịp thời. Đặc biệt, sự cố và điểm xung yếu các tuyến đê đã được gia cố, khắc phục cơi tràn đảm bảo an toàn các công trình và tài sản của nhân dân.
Các lực lượng chức năng chủ động phối hợp, hiệp đồng, khẩn trương khắc phục hậu quả thiên tai, mưa lũ. |
Theo đồng chí Phạm Văn Khảnh, TUV, Bí thư Huyện ủy Ninh Giang cho biết: Trước khi bão số 3 đổ bộ, nước lũ thượng nguồn đổ về huyện đã chủ động xây dựng các phương án ứng phó với bão, lũ theo phương châm 4 tại chỗ, tổ chức di dời gần 600 hộ dân thuộc diện phải di dời ở vùng đê bối ven sông Luộc, nơi nguy cơ ngập lụt vào trong khu dân cư đảm bảo an toàn; đồng thời yêu cầu các địa phương khẩn trương thống kê thiệt hại, hỗ trợ người dân khắc phục và bảo đảm đời sống. Chỉ đạo các lực lượng chức năng nhanh chóng khắc phục hậu quả, ưu tiên đảm bảo giao thông thông suốt; huy động tối đa nguồn lực để khôi phục cấp điện trong thời gian sớm nhất phục vụ đời sống người dân và hoạt động sản xuất kinh doanh, đảm bảo an toàn khi học sinh trở lại trường.
Đến thời điểm hiện tại, tất cả các sự cố, điểm xung yếu về đê điều, thủy lợi đã được khắc phục kịp thời, đảm bảo an toàn cho công trình, không ảnh hưởng đến đời sống của nhân dân. |
Với vai trò nòng cốt, đi đầu trong công tác phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn trước, trong, sau bão số 3 và mưa, lũ, các lực lượng thông tin, công an, quân đội, đoàn viên thanh niên, dân quân tự vệ, đội xung kích phòng chống thiên tai, lực lượng bảo vệ an ninh, trật tự cơ sở đã luôn chủ động phối hợp, hiệp đồng, thực hiện tốt các nhiệm vụ thông tin, tuyên truyền, cảnh báo thiên tai, mưa lũ; chủ công giúp nhân dân chằng chống nhà cửa; di chuyển tài sản và người dân ở những vùng có nguy cơ, đến các khu vực an toàn; làm tốt các nhiệm vụ bảo đảm an ninh trật tự, an toàn giao thông; an toàn ở những khu vực ngập, lụt. Lãnh đạo huyện đã trực tiếp xuống hiện trường, chỉ đạo các lực lượng, huy động phương tiện, nhân lực khẩn trương khắc phục hậu quả thiên tai, mưa lũ.
Đến thời điểm hiện tại, tất cả các sự cố, điểm xung yếu về đê điều, thủy lợi đã được Huyện ủy, UBND, Ban chỉ huy PCTT&TKCN hai cấp huyện xã tích cực chỉ đạo và thực hiện các biện pháp khắc phục kịp thời, đảm bảo an toàn cho công trình, không ảnh hưởng đến đời sống của nhân dân./.