Ninh Bình: Tăng cường kiểm tra, giám sát chương trình phát triển vùng dân tộc thiểu số
(ĐCSVN) - UBND tỉnh Ninh Bình yêu cầu công tác giám sát, đánh giá phải bám sát mục tiêu, nội dung của các dự án, tiểu dự án của Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi; bảo đảm khách quan, phản ánh trung thực, đúng thực chất, đầy đủ kết quả đạt được.
UBND tỉnh Ninh Bình vừa ban hành Kế hoạch số 158/KH-UBND giám sát, đánh giá thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021 - 2030; giai đoạn I: từ năm 2021 đến năm 2025 trên địa bàn tỉnh.
Kế hoạch nhằm giám sát, đánh giá công tác lãnh đạo, chỉ đạo việc chấp hành quy định về quản lý và việc tổ chức triển khai thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021 - 2030; giai đoạn I: từ năm 2021 đến năm 2025 trên địa bàn tỉnh. Kiểm tra, kịp thời phát hiện khó khăn, vướng mắc trong quá trình triển khai, phát huy những mặt tích cực, phát hiện những mặt còn yếu kém, hạn chế trong quá quá trình tổ chức thực hiện Chương trình ở các cấp, qua đó đề xuất các giải pháp và kiến nghị trong tổ chức thực hiện.
Theo đó, đối tượng tham gia là chủ chương trình, chủ dự án, chủ tiểu dự án, chủ nội dung thành phần, chủ đầu tư các dự án, hoạt động thuộc Chương trình; các cơ quan, đơn vị, tổ chức, cá nhân tham gia thực hiện Chương trình. Thời gian thực hiện kiểm tra giám sát từ năm 2021 đến năm 2025; định kỳ 6 tháng, hằng năm; đánh giá đầu kỳ, giữa kỳ và cuối kỳ cho cả giai đoạn; đột xuất theo yêu cầu của cơ quan có thẩm quyền.
Thực hiện Kế hoạch, Chủ dự án, chủ tiểu dự án, chủ nội dung thành phần xây dựng kế hoạch và ban hành Quyết định thành lập Đoàn kiểm tra hoặc đoàn kiểm tra liên ngành thông báo cho các Sở, ban, ngành, Ban chỉ đạo Chương trình cấp huyện và các đơn vị, tổ chức, cá nhân tham gia thực hiện Chương trình về kế hoạch giám sát. Ngoài ra các sở, ngành chủ trì dự án, tiểu dự án, hoạt động của Chương trình chủ động thành lập đoàn kiểm tra của ngành mình để kiểm tra cấp huyện về các nội dung thuộc phạm vi quản lý (nếu cần). Kết thúc đợt giám sát, các cơ quan thực hiện giám sát báo cáo việc thực hiện giám sát cho cơ quan chủ quản cấp trên và Bộ/ngành chủ quản theo quy định.
Nội dung giám sát bao gồm: Theo dõi, kiểm tra việc quản lý thực hiện chương trình: Xây dựng hệ thống văn bản quản lý, tổ chức thực hiện chương trình; hệ thống văn bản hướng dẫn thực hiện dự án thành phần theo phân cấp, lập kế hoạch thực hiện giai đoạn 5 năm và kế hoạch hằng năm; thực hiện và điều chỉnh kế hoạch triển khai Chương trình; công tác truyền thông, tăng cường năng lực quản lý chương trình, thực hiện nội dung, hoạt động dự án thành phần.
Theo dõi, kiểm tra tình hình thực hiện Chương trình: Tiến độ, mức độ, kết quả thực hiện mục tiêu, nhiệm vụ; khối lượng thực hiện các nội dung, hoạt động thuộc Chương trình. Theo dõi, kiểm tra tình hình thực hiện kế hoạch vốn đầu tư, dự toán ngân sách nhà nước: lập, thẩm định, phê duyệt và thực hiện dự án đầu tư; huy động, sử dụng vốn thực hiện chương trình, dự án thành phần; tình hình sử dụng vốn ngân sách nhà nước trong thực hiện các dự án đầu tư, nội dung, hoạt động thuộc chương trình, dự án thành phần (giải ngân, thanh toán, quyết toán, nợ đọng vốn xây dựng cơ bản (nếu có).
Theo dõi, kiểm tra năng lực tổ chức thực hiện, việc chấp hành quy định về quản lý Chương trình, quản lý đầu tư, biện pháp xử lý các vấn đề vi phạm đã được cơ quan có thẩm quyền phát hiện (nếu có) của chủ dự án thành phần, cơ quan chủ quản Chương trình. Theo dõi, kiểm tra việc chấp hành chế độ giám sát, đánh giá chương trình của chủ dự án thành phần, cơ quan chủ quản Chương trình. Báo cáo kết quả thực hiện Chương trình, kết quả xử lý các vướng mắc, khó khăn thuộc thẩm quyền và đề xuất phương án xử lý khó khăn, vướng mắc, vấn đề vượt thẩm quyền.
UBND tỉnh yêu cầu kiểm tra, giám sát, đánh giá phải bám sát mục tiêu, nội dung của các dự án, tiểu dự án của Chương trình; bảo đảm khách quan, phản ánh trung thực, đúng thực chất, đầy đủ kết quả đạt được; không làm ảnh hưởng đến hoạt động của cơ quan, đơn vị tổ chức, cá nhân được kiểm tra, giám sát; kịp thời xử lý theo quy định hoặc kiến nghị, đề xuất cơ quan có thẩm quyền xử lý những tồn tại, hạn chế các phát hiện sau kiểm tra, giám sát./.