Logo báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam

Niềm tin một triệu căn nhà “an cư lạc nghiệp”

Thứ Hai, 08/08/2022 16:02 (GMT+0)
zalo-icon
viber-icon

(ĐCSVN) - Mới đây, tại “Hội nghị thúc đẩy phát triển nhà ở xã hội (NƠXH) cho công nhân, người thu nhập thấp”, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính chỉ đạo, từ nay đến năm 2030, cả nước xây một triệu căn hộ NƠXH. Chỉ đạo này của Thủ tướng thắp lên mơ ước cho công nhân - người lao động có thu nhập thấp về một nơi “an cư lạc nghiệp”.

Nhà ở xã hội trên địa bàn phường Đông Ngạc, quận Bắc Từ Liêm.

Thời gian qua với sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, các cấp, ngành, đặc biệt là vai trò của chính quyền địa phương, doanh nghiệp đã hoàn thành hàng trăm dự án NƠXH, nhà ở công nhân, giúp hàng trăm nghìn hộ gia đình thu nhập thấp và hàng trăm nghìn công nhân được cải thiện nhà ở, có chỗ ở an toàn.

Tuy nhiên, số nhà được xây dựng so với nhu cầu thực tế và mục tiêu đặt ra còn rất thấp. Theo số liệu thống kê của Bộ Xây dựng, đến hết năm 2021, cả nước đã hoàn thành 266 dự án NƠXH với hơn 142.000 căn có tổng diện tích hơn 7,1 triệu mét vuông sàn trong khi Chiến lược phát triển nhà ở quốc gia đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030 đề ra kế hoạch đến năm 2020 đáp ứng 12,5 triệu mét vuông sàn NƠXH.

Hiện cả nước có 214 dự án nhà ở dành cho công nhân với diện tích đất khoảng 600 ha, nhưng đến nay mới chỉ có 116 dự án hoàn thành với diện tích đất hơn 250 ha, còn 98 dự án chậm tiến độ. Quý I/2022, cả nước chỉ có 4 dự án NƠXH hoàn thành, 98 dự án đang triển khai, có 3 dự án NƠXH được cấp phép mới với gần 1.200 căn nhưng có đến 39 dự án nhà ở thương mại với gần 18.700 căn hộ được cấp phép mới.

Nguyên nhân dẫn đến tình trạng nêu trên thì có rất nhiều. Đó là do vướng mắc từ cơ chế, chính sách, trong đó có cả các chính sách ưu đãi cho chủ đầu tư dự án NƠXH, nhà ở công nhân chưa đủ hấp dẫn, sát thực tế, không thu hút, khuyến khích chủ đầu tư, thậm chí thủ tục còn nhiêu khê, rắc rối hơn đầu tư dự án nhà ở thương mại… Cùng đó, vẫn còn không ít doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh trong khu công nghiệp chưa quan tâm đến nhà ở cho công nhân, người lao động của mình.

Nói về lí do gây thiếu NƠXH, Bộ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Thanh Nghị cho rằng, vướng mắc chính là do Luật Nhà ở và nhiều luật liên quan, các chính sách còn bất cập gây tốn kém thời gian và tiền bạc đối với doanh nghiệp như: Trình tự thủ tục đầu tư xây dựng, mua bán NƠXH còn phức tạp và kéo dài. Các đối tượng được mua NƠXH phải được các cơ quan có thẩm quyền thẩm định về đối tượng, điều kiện…

Mặt khác, việc xác định giá trước khi bán, cho thuê, cho thuê mua NƠXH đầu tư xây dựng bằng nguồn vốn ngoài ngân sách phải được cơ quan Nhà nước cấp tỉnh thẩm định. Luật khống chế lợi nhuận từ dự án NƠXH không được vượt quá 15% tổng chi phí đầu tư. Quy định các dự án NƠXH phải dành tối thiểu 20% diện tích trong dự án để cho thuê và chủ đầu tư chỉ được bán sau 5 năm đưa vào sử dụng, nhưng thực tế có nhiều dự án không cho thuê được phần diện tích này, bỏ không lãng phí, thiệt hại cho chủ đầu tư. Luật Nhà ở hiện hành chưa cho phép tổ chức doanh nghiệp, hợp tác xã thuộc đối tượng được mua, thuê, thuê mua NƠXH dù các các đối tượng này có nhu cầu mua - thuê NƠXH cho công nhân, người lao động của họ ở... Những khó khăn này vẫn đang hiện hữu và “bài toán” này vẫn tồn tại lâu nay nhưng chưa có lời giải.

Vì thế đề nghị của Thủ tướng tại Hội nghị phát triển NOXH vào ngày 1/8 là yêu cầu Bộ Xây dựng chủ trì, xây dựng đề án đầu tư, xây dựng ít nhất 1 triệu căn hộ NƠXH từ nay tới năm 2030 và Đề án phải hoàn thành vào tháng 8 này đã nhận được sự quan tâm và hi vọng lớn từ cộng đồng, nhất là những người lao động có thu nhập thấp  đang gặp khó khăn về nhà ở mà mong muốn có ngôi nhà của riêng mình.

Để triển khai Đề án, Thủ tướng chỉ đạo rất rõ Bộ Xây dựng chủ trì, phối hợp các bộ, cơ quan, địa phương tháo gỡ các vướng mắc, sửa đổi, hoàn thiện chính sách phát triển NƠXH. Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành tổng hợp, đề xuất và phân bổ nguồn vốn từ ngân sách Trung ương, tháo gỡ vướng mắc trong xây dựng NƠXH….

Theo các chuyên gia, chỉ đạo Thủ tướng rất rõ ràng, với những mục tiêu rất cụ thể nhưng để những chỉ đạo này đi vào cuộc sống, ngoài sự vào cuộc quyết liệt của các cấp, ngành, địa phương và các thành phần kinh tế thì việc “bắt tay” vào gỡ vướng về chính sách là một trong những nội dung quan trọng hàng đầu cần phải làm ngay.

Ví dụ như quy trình thủ tục đầu tư dự án NƠXH của doanh nghiệp tư nhân lại rắc rối, nhiêu khê hơn thủ tục đầu tư dự án nhà ở thương mại. Chẳng hạn, chủ đầu tư dự án NƠXH "được điều chỉnh tăng mật độ xây dựng hoặc hệ số sử dụng đất lên tối đa 1,5 lần" (theo quy định tại điểm a khoản 1 Điều 7 Nghị định 100/2015/NĐ-CP) nhưng cơ quan Nhà nước có thẩm quyền không dám phê duyệt quy hoạch chi tiết tỷ lệ 1/500 của dự án NƠXH do lo ngại tăng dân số cục bộ, không phù hợp với quy hoạch phân khu tỷ lệ 1/2000 đã được phê duyệt…

Để tháo gỡ vướng mắc, Bộ trưởng Bộ Xây dựng kiến nghị cần tiếp tục nghiên cứu, sửa đổi Luật Nhà ở 2014 đồng bộ với các luật: Đất đai, Đấu thầu, Thuế… trong đó quy định cụ thể về đối tượng, điều kiện thụ hưởng; việc quy hoạch, dành quỹ đất phát triển; việc lựa chọn chủ đầu tư dự án; các cơ chế chính sách ưu đãi của nhà nước… Đồng thời tách riêng chính sách nhà ở cho công nhân để có cơ chế khuyến khích, ưu đãi nhằm phát triển loại hình nhà lưu trú cho công nhân trong khu công nghiệp.

Cùng quan điểm Bộ trưởng Bộ Xây dựng, nhiều chuyên gia chung nhận định cho rằng, đầu tư, phát triển NƠXH là chủ trương lớn, nhân văn và vẫn có nhiều doanh nghiệp mong muốn tham gia. Tuy nhiên, để các doanh nghiệp mạnh dạn tham gia, các cơ quan chức năng phải sớm giải quyết những vướng mắc về thời gian, thủ tục, nguồn vốn cũng như hoạt động phân phối. Các vướng mắc này cũng đã được các chuyên gia, Hiệp hội Bất động sản, báo chí…  kiến nghị rất nhiều và từ rất lâu.

Với yêu cầu khẩn trương xây dựng đề án đầu tư, xây dựng ít nhất 1 triệu căn hộ nhà ở xã hội trong giai đoạn từ nay tới năm 2030 của Thủ tướng Phạm Minh Chính, một lần nữa cho thấy sự quyết tâm của Chính phủ trong việc thúc đẩy hệ thống an sinh xã hội toàn diện, không để ai bị bỏ lại phía sau trong vấn đề nhà ở. Nhưng thiết nghĩ cùng với định hướng, chỉ đạo thì Thủ tướng Chính phủ cũng nên ban hành quy định kèm theo đối với những cơ quan, đơn vị hoàn thành tốt và không hoàn thành nhiệm vụ. Có như thế mơ ước về nơi “an cư lạc nghiệp” của người lao động mới nhanh chóng đi vào hiện thực, niềm tin “nói đi đôi với làm” của Chính phủ trong lòng Nhân dân càng được củng cố vững chắc…/.

Thu Hà

có thể bạn quan tâm

Ý KIẾN BÌNH LUẬN