Logo báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam

Những vấn đề lý luận và thực tiễn công tác xây dựng Đảng về chính trị, tư tưởng, đạo đức trong giai đoạn mới

Thứ Sáu, 04/08/2023 11:28 (GMT+0)
zalo-icon
viber-icon
00:00 / 00:00

(ĐCSVN) - Sáng 3/8, Ban Tuyên giáo Trung ương tổ chức Hội thảo “Những vấn đề lý luận và thực tiễn công tác xây dựng Đảng về chính trị, tư tưởng trong giai đoạn mới”. Đây là Hội thảo nhánh 1 trong chủ đề chung “Những vấn đề lý luận và thực tiễn công tác xây dựng Đảng về chính trị, tư tưởng, đạo đức trong giai đoạn mới”.

 

Các đồng chí: Lại Xuân Môn, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Trưởng ban thường trực Ban Tuyên giáo Trung ương; Trần Thanh Lâm, Phó Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương; Vũ Thanh Mai, Phó Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương chủ trì Hội thảo.

Dự Hội thảo có các đồng chí Ủy viên Trung ương Đảng, lãnh đạo các Đảng ủy, Tỉnh ủy trực thuộc Trung ương; các chuyên gia, nhà khoa học.

Xây dựng Đảng về chính trị, tư tưởng là nhân tố quan trọng hàng đầu, có ý nghĩa tiền đề, quyết định đối với các nội dung khác…

Phát biểu đề dẫn Hội thảo, đồng chí Trần Thanh Lâm, Phó Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương nhấn mạnh, trong suốt quá trình lãnh đạo cách mạng Việt Nam, Đảng ta luôn đặc biệt quan tâm xây dựng Đảng về chính trị, tư tưởng, đạo đức, tổ chức và cán bộ để nâng cao năng lực lãnh đạo, năng lực cầm quyền và sức chiến đấu của Đảng; góp phần làm nên sức mạnh và sự thành công của một đảng chính trị trong công cuộc giành chính quyền, giữ chính quyền và củng cố chính quyền.

Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII (năm 2021) của Đảng tiếp tục nhấn mạnh nhiệm vụ: “… phải đặc biệt coi trọng và đẩy mạnh hơn nữa xây dựng, chỉnh đốn Đảng toàn diện về chính trị, tư tưởng, đạo đức, tổ chức và cán bộ”.

Đồng chí Trần Thanh Lâm, Phó Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương phát biểu đề dẫn Hội thảo. 

Trong những năm qua, bên cạnh những thành tựu, kết quả đạt được, công tác xây dựng Đảng về chính trị, tư tưởng, đạo đức, vẫn còn nhiều hạn chế, bất cập; cùng với đó, tình hình thế giới, khu vực và trong nước có nhiều diễn biến nhanh, phức tạp, khó đoán định và xuất hiện những vấn đề mới chưa có tiền lệ đang tác động ngày càng mạnh mẽ, sâu rộng, làm thay đổi tư duy, nhận thức, lối sống, phương thức hoạt động của con người và xã hội Việt Nam, đòi hỏi phải đổi mới, nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác xây dựng Đảng về chính trị, tư tưởng, đạo đức cả phương diện lý luận và thực tiễn, để nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của Đảng.

Thực hiện chức năng, nhiệm vụ được Bộ Chính trị giao tại Quyết định số 88-QĐ/TW, ngày 01/12/2022: “Ban Tuyên giáo Trung ương là cơ quan tham mưu, giúp việc của Ban Chấp hành Trung ương Đảng, trực tiếp và thường xuyên là Bộ Chính trị, Ban Bí thư trong công tác xây dựng Đảng về chính trị, tư tưởng, đạo đức”, Ban Tuyên giáo Trung ương tổ chức Hội thảo quốc gia “Những vấn đề lý luận và thực tiễn công tác xây dựng Đảng về chính trị, tư tưởng, đạo đức trong giai đoạn mới”.

Về chủ đề Nhánh 1, đồng chí Trần Thanh Lâm cho biết, xây dựng Đảng về chính trị, tư tưởng được xác định là nhân tố quan trọng hàng đầu, có ý nghĩa tiền đề, quyết định đối với các nội dung khác. Xây dựng Đảng về chính trị là xây dựng cương lĩnh, đường lối lâu dài cũng như chủ trương cụ thể của Đảng qua từng giai đoạn cách mạng, phù hợp với quy luật khách quan và đặc điểm lịch sử của đất nước trong từng giai đoạn phát triển và tổ chức thực hiện thắng lợi cương lĩnh, đường lối đó trong thực tiễn. Xây dựng được cương lĩnh, đường lối chính trị đúng đắn là cơ sở quan trọng để đảm bảo cho sự thành công của cách mạng và công cuộc xây dựng đất nước sau khi cách mạng thàng công.

Xây dựng Đảng về tư tưởng là xác định, truyền bá, vận dụng, bổ sung, phát triển, bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng; nghiên cứu hoạch định, tuyên truyền tạo sự thống nhất nhận thức, cổ vũ thực hiện đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước.

Phó Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương khẳng định, xây dựng Đảng về chính trị, tư tưởng là vấn đề quan trọng hàng đầu trong công tác xây dựng Đảng. Tuy nhiên, trên thực tế hiện nay vẫn chưa có sự thống nhất cao về nội dung của công tác xây dựng Đảng về chính trị, tư tưởng.

Hình ảnh tại Hội thảo.

Để Hội thảo đạt chất lượng, hiệu quả, đồng chí Trần Thanh Lâm đề nghị Hội thảo đi sâu làm rõ 04 vấn đề: Một là, cho ý kiến về các khái niệm đối với xây dựng Đảng về chính trị, xây dựng Đảng về tư tưởng; các định nghĩa hiện nay đã phù hợp chưa, có cần bổ sung hoặc lược bỏ những nội dung nào? Hai là, cho ý kiến về các nội dung xây dựng Đảng về chính trị và xây dựng Đảng về tư tưởng; có cần bổ sung hoặc lược bỏ những nội dung nào? Ba là, làm rõ những nhận thức mới đối với công tác xây dựng Đảng về chính trị và công tác xây dựng Đảng về tư tưởng. Bốn là, để công tác xây dựng Đảng về chính trị, tư tưởng đáp ứng yêu cầu triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, đề nghị các đồng chí tập trung thảo luận về vấn đề đổi mới phương thức công tác xây dựng Đảng về chính trị, tư tưởng trong tình hình mới.

Đồng chí Trần Thanh Lâm đề nghị các đại biểu căn cứ vào những gợi mở của Ban Tổ chức, từ hoạt động nghiên cứu lý luận và thực tiễn của mình, thẳng thắn trao đổi, thảo luận để cùng làm rõ và thống nhất những nội dung của Hội thảo.

Thảo luận tại Hội thảo, các đại biểu cho rằng, xây dựng Đảng về chính trị là đề ra đường lối chính trị, lãnh đạo thực hiện thắng lợi đường lối chính trị; củng cố và nâng cao vị trí lãnh đạo, uy tín chính trị của Đảng đối với toàn xã hội; cũng có quan điểm xác định, “Xây dựng Đảng về chính trị chính là quá trình xác lập, củng cố hệ tư tưởng chính trị trong Đảng, trên cơ sở đó, xuất phát từ thực tiễn để xây dựng được đường lối chính trị đúng đắn; lãnh đạo thực hiện thắng lợi đường lối đó; củng cố, nâng cao vai trò lãnh đạo, uy tín chính trị của Đảng đối với toàn xã hội”.

Có ý kiến cho rằng, xây dựng Đảng về chính trị là hoạt động nhằm nâng cao năng lực lãnh đạo xây dựng và tổ chức thực hiện thắng lợi đường lối chính trị, phát huy và thực hành dân chủ, giữ vững kỷ luật, kỷ cương, tăng cường bản lĩnh chính trị, sức chiến đấu của tổ chức đảng và đảng viên.

Các đại biểu cũng cơ bản nhất trí, nội dung xây dựng Đảng về chính trị bao gồm: Xây dựng đường lối chính trị đúng đắn, phù hợp với thực tiễn Việt Nam và xu hướng phát triển của thời đại. Lãnh đạo, chỉ đạo tổ chức thực hiện thắng lợi đường lối chính trị đã đề ra. Thực hành dân chủ trong Đảng gắn liền với tăng cường kỷ luật, kỷ cương. Nâng cao lập trường, bản lĩnh chính trị, trình độ trí tuệ, sức chiến đấu của Đảng và mỗi cán bộ, đảng viên, trước hết là cán bộ lãnh đạo, quản lý chủ chốt các cấp, cán bộ cấp chiến lược để không ngừng củng cố và nâng cao vị trí cầm quyền của Đảng, vai trò lãnh đạo, uy tín chính trị của Đảng.

Các đại biểu cũng đi sâu phân tích xây dựng Đảng về tư tưởng là xây dựng, bảo vệ, phát triển nền tảng tư tưởng của Đảng, làm cho tư tưởng đó thấm sâu vào mọi tổ chức đảng và đảng viên, biến thành niềm tin, lý tưởng, mục đích sống, đạo đức, lối sống và hoạt động của cả tổ chức đảng cũng như đảng viên ở mọi ngành, mọi cấp.

Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Đảng ủy Khối các cơ quan Trung ương Nguyễn Văn Thể tham luận tại Hội thảo. 

Nội dung xây dựng Đảng về tư tưởng sẽ bao gồm: Xây dựng, phát triển nền tảng tư tưởng của Đảng, làm cho chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh thấm nhuần trong toàn Đảng và giữ vị trí chủ đạo trong đời sống tinh thần xã hội. Tuyên truyền, truyền bá chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, đường lối, quan điểm của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, thông tin thời sự quốc tế và trong nước cho cán bộ, đảng viên. Giáo dục chính trị, tư tưởng, nâng cao trình độ lý luận chính trị đúng đắn, vững vàng cho cán bộ, đảng viên. Dự báo, nắm chắc tình hình tư tưởng, xử lý thông tin, định hướng dư luận xã hội nhằm bảo đảm thống nhất tư tưởng trong Đảng, sự đồng thuận xã hội. Tổng kết thực tiễn, nghiên cứu lý luận, tạo cơ sở cho hoạch định đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước. Bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch, những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ…

Bổ sung, cung cấp nhiều luận cứ khoa học và thực tiễn

Kết luận Hội thảo Nhánh 1, thay mặt Ban Tuyên giáo Trung ương, đồng chí Lại Xuân Môn ghi nhận, đánh giá cao và trân trọng cảm ơn các nhà khoa học, quý vị đại biểu đã dành thời gian tới dự và đóng góp nhiều ý kiến sâu sắc, giá trị cho Hội thảo. Ban Tổ chức đã nhận được 66 bài tham luận gửi đến Hội thảo, trong đó tại Hội thảo nhánh 1 đã nhận được 41 bài tham luận, đã được đưa vào kỷ yếu. Trong thời gian làm việc tại Hội trường, đã có 13 ý kiến phát biểu tham luận. Nội dung các tham luận đã bám sát, tập trung phân tích và làm nổi bật chủ đề Hội thảo: Đã làm rõ khái niệm, nội dung công tác xây dựng Đảng về chính trị, tư tưởng. Đồng thời, khẳng định, làm rõ được vị trí, vai trò, tầm quan trọng công tác xây dựng Đảng về chính trị, xây dựng Đảng về tư tưởng.

Đối với công tác xây dựng Đảng về chính trị, các ý kiến đều cho rằng xây dựng Đảng về chính trị có vị trí quyết định cho các nội dung xây dựng Đảng trên các mặt như: Xây dựng đảng về tư tưởng, đạo đức, tổ chức và cán bộ. Xây dựng Đảng về chính trị thể hiện bản chất, bản lĩnh chính trị của Đảng, đồng thời là căn cứ hàng đầu để xác định vai trò lãnh đạo, cầm quyền của Đảng trong đời sống chính trị. Xây dựng Đảng về chính trị có nhiều nhiệm vụ, tập trung vào xây dựng và hoàn thiện đường lối chính trị và thực hiện đường lối chính trị ấy trên thực tế.

PSG.TS Đào Duy Quát, nguyên Phó Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương tham luận tại Hội thảo. 

Đối với vị trí, vai trò, tầm quan trọng của công tác xây dựng Đảng về tư tưởng, các ý kiến đều thống nhất cho rằng: công tác xây dựng Đảng về tư tưởng là bộ phận cấu thành đặc biệt quan trọng trong toàn bộ hoạt động của Đảng, là lĩnh vực trọng yếu để xây dựng, bồi đắp nền tảng chính trị của chế độ, có vai trò đi trước, mở đường cho sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa; đóng vai trò quan trọng trong việc bảo vệ và phát triển chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí minh, quan điểm, đường lối của Đảng, làm cho hệ tư tưởng của Đảng, những giá trị truyền thống tốt đẹp của dân tộc, tinh hoa văn hóa nhân loại chiếm vị trí chủ đạo trong đời sống xã hội.

Các đại biểu đã phân tích làm rõ được kết quả đạt được và tồn tại, hạn chế đối với công tác xây dựng Đảng về chính trị, tư tưởng thời gian qua.

Đồng chí Lại Xuân Môn khẳng định, ý kiến của các đại biểu, các nhà khoa học sâu sắc, tâm huyết, trách nhiệm, toàn diện đã cung cấp luận cứ khoa học và thực tiễn, tạo sự thống nhất nhận thức đối với công tác xây dựng Đảng về chính trị, xây dựng Đảng về tư tưởng, tạo cơ sở, tiền đề cho Hội thảo quốc gia./.

Hiền Hòa

có thể bạn quan tâm

Ý KIẾN BÌNH LUẬN