Logo báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam

Những “Từ mẫu” ở Trường Sa

Chủ Nhật, 11/04/2021 14:04 (GMT+0)
zalo-icon
viber-icon

(ĐCSVN) - Đối với các chiến sĩ khoác lên mình chiếc áo blouse trắng, việc chăm sóc sức khỏe bộ đội và cứu giúp ngư dân gặp nạn vừa là nhiệm vụ, trách nhiệm, vừa thể hiện tình người, tình quân dân. Họ thực sự là “từ mẫu”, hết lòng vì nhiệm vụ, không quản ngại khó khăn, vất vả.

Ở Trường Sa, nơi đầu sóng ngọn gió, dù điều kiện cơ sở vật chất, trang thiết bị tại các bệnh xá, trung tâm y tế trên các đảo còn thiếu thốn so với đất liền do đó việc tự chủ những loại cây thuốc quý luôn được cán bộ, chiến sĩ quan tâm chăm sóc, nâng niu, gìn giữ hàng ngày. Chúng tôi đến Trường Sa vào một buổi chiều những ngày đầu tháng Tư đầy nắng, gió, nơi tiếng sóng biển rì rầm, dịu dàng xô bờ cát trắng; chứng kiến Đại úy, Bác sỹ Phan Văn Thịnh, Bệnh xá trưởng Bệnh xá đảo Trường Sa Lớn cùng các bộ đội, chiến sĩ đang miệt màu chăm sóc vườn thuốc nam của đơn vị, thật không khỏi khâm phục. Đây là mồ hôi công sức mà bấy lâu nay cán bộ, chiến sĩ Trung tâm Y tế thị trấn Trường Sa dày công gây dựng với hàng chục loại cây thuốc quý như ngải cứu, nha đam, dâu tằm, trinh nữ... vươn mình xanh tốt giữa nắng gió Trường Sa, tất cả đã và đang rất hiệu quả trong chữa trị một số căn bệnh thông dụng cho bộ đội cùng bà con ngu dân.

Trung úy Trương Xuân Đài khám bệnh cho chiến sĩ trên đảo Tiên Nữ. 

Cũng tại nơi đây, chúng tôi có dịp tiếp xúc, trò chuyện và được biết, có nhiều y, bác sĩ tuy đang có vị trí công tác ổn định tại những cơ sở y tế lớn của Quân đội như lớn như Bệnh viện Quân y 108; Bệnh viện Quân y 175, Bệnh viện 4 … những vẫn tình nguyện ra công tác trên các đảo, điểm đảo ở Trường Sa. Với họ, được công tác ở Trường Sa là niềm vinh dự, tự hào, trong đó có nhiệm vụ cao cả là đảm bảo sức khỏe ổn định cũng như kịp thời chữa trị bệnh cho bộ đội cùng bà con ngư dân. Giữa muôn trùng sóng gió, trang thiết bị thiếu thốn nhưng công tác khám chữa bệnh ở đây luôn được đảm bảo, nhiều ca chấn thương nặng đã được các y, bác sĩ xử lý kịp thời, đảm bảo sức khỏe cho các bệnh nhân khi chuyển về đất liền điều trị.

Đại úy, Bác sỹ Phan Văn Thịnh cho chúng tôi biết, mới đây, những ngày cuối tháng 3, Bệnh xá đảo Trường Sa Lớn mới cấp cứu thành công một trường hợp ngư dân bị đột quỵ não khi đang đánh bắt hải sản trên ngư trường Trường Sa. Đó là anh Trần Thanh Tú, SN 1994, quê ở xã Long Hải, huyện Phú Quý, tỉnh Bình Thuận, lao động trên tàu cá BTh 98426 TS. Khi được chuyển vào đảo, anh Tú khá nguy kịch khi liệt nửa người bên trái, đau đầu... Sau khi hội chẩn, xác định ngư dân Tú bị đột quỵ não bán cầu phải giờ thứ 12, anh cùng ekíp y, bác sĩ ngay lập tức bù nước điện giải, sử dụng phác đồ điều trị bệnh nhân liệt tứ chi. Nhờ xử lý kịp thời, ngư dân Tú dần tỉnh táo và được chuyển về đất liền điều trị. Hiện sức khỏe tạm ổn định, không nguy hiểm tới tính mạng.

Tiếp tục hải trình, chúng tôi đến thăm bộ đội đảo Tiên Nữ và những cán bộ, chiến sĩ chúng tôi bắt gặp đầu tiên cũng vẫn là các y, bác sĩ. Căn phòng làm việc của Trung úy QNCN Trương Xuân Đài, Nhân viên Quân y chỉ rộng khoảng 4m2 nhưng rất ngăn nắp, đủ để kê 1 chiếc bàn làm việc, 1 tủ thuốc, 1 chiếc giường. Trên đầu giường và bàn làm việc của anh rất nhiều sách. Anh Đài tâm sự: “Ở trên đảo, một người đảm nhiệm chăm sóc sức khỏe cho cả đảo nên phải biết khám, điều trị nhiều bệnh, phải biết kết hợp tất cả các phương pháp đông, tây y, do đó, mình phải chịu khó đọc sách để tích lũy thêm kiến thức từ khoa nội, ngoại tổng hợp đến cả y học cổ truyền như xoa bóp bấm huyệt, châm cứu…

Kỷ niệm sâu sắc khi anh Đài mới ra nhận công tác ở đảo tháng 5/2018 là lần tiếp nhận một ngư dân trong tình trạng liệt tứ chi, khó thở, đau bụng âm ỉ, toàn thân đau nhức, bí tiểu... Quân y đảo đã kịp thời thăm khám, điều trị, dần dần sức khỏe ngư dân ổn định và tiếp tục công việc ra khơi bám biển.

Khi được hỏi động lực gắn bó lâu dài với đảo chìm vốn khó khăn hơn nhiều so với các đảo lớn, anh Đài nói cũng không hiểu vì sao, nhưng anh luôn nhớ niềm vui, nụ cười của ngư dân cũng như bộ đội mỗi khi được anh chữa trị khỏi bệnh, hơn nữa ai cũng ngại khó, ngại khổ thì ai sẽ đồng hành cùng bộ đội bảo vệ đảo. Các ngư dân sau mỗi chuyến đi biển lại lên đảo hỏi thăm, động viên khiến các anh cảm thấy thực sự xúc động. “Những lúc sức khỏe của cán bộ, chiến sĩ và ngư dân phó thác cho mình, nhiều tình huống tính mạng bộ đội, ngư dân “chỉ mành treo chuông”, mình chỉ biết cố gắng hết sức để đưa ra quyết định nhanh nhất, chính xác nhất, kịp thời cứu giúp người gặp nạn mà thôi” – anh Đài tâm sự.

Khác với các đảo chìm, một số đảo lớn ở Trường Sa đã được lắp đặt hệ thống truyền hình y học trực tuyến. Đối với những ca cấp cứu khó, vượt quá khả năng và điều kiện cho phép ngoài đảo, các kíp quân y trên đảo sẽ liên lạc, hội chẩn các bệnh viện phụ trách trong đất liền để cùng xử lý, lên phương án điều trị tốt nhất cho bệnh nhân hoặc xin ý kiến cấp trên vận chuyển bệnh nhân bằng máy bay về đất liền tiếp tục điều trị.

Dù điều kiện cơ sở vật chất, trang thiết bị y tế còn thiếu thốn so với đất liền nhưng với sự cố gắng, nỗ lực của tập thể y, bác sĩ tại các bệnh xá trên quần đảo Trường Sa, công tác khám, chữa bệnh, cấp cứu và điều trị luôn được bảo đảm thường xuyên, hiệu quả. Gữa muôn trùng sóng gió, họ luôn sáng ngời y đức, lương y như từ mẫu, là điểm tựa vững chắc để cán bộ, chiến sĩ yên tâm công tác, ngư dân yên tâm vươn khơi bám biển đảo thân yêu của Tổ quốc./.

Bài, ảnh: Mạnh Hùng

có thể bạn quan tâm

Ý KIẾN BÌNH LUẬN