Logo báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam

Những nhân chứng lịch sử nơi phà Ghép anh hùng

Thứ Hai, 01/04/2024 14:41 (GMT+0)
zalo-icon
viber-icon
00:00 / 00:00

(ĐCSVN) - Thanh Hóa là tỉnh địa đầu của miền Trung, huyết mạch giao thông của hai miền đất nước trong những năm kháng chiến chống Mỹ xâm lược.

Từ năm 1964 đến 1972, đế quốc Mỹ leo thang đánh phá khốc liệt Miền Bắc, hàng vạn tấn bom đạn dội xuống cầu Hàm Rồng và hàng chục cây cầu cùng làng quê Thanh Hóa. Cuộc chiến đấu bảo vệ các địa danh nêu trên đã đi vào trang sử hào hùng và vẻ vang của dân tộc Việt Nam. Sau giải phóng, nước ta bắt tay vào xây dựng quê hương, nơi phà Ghép đã được xây dựng cây cầu sừng sững, những địa danh bị bom đạn cày xới đã được công nhận Nông thôn mới và nông thôn mới kiểu mẫu. Làng Ngọc Trà, nơi được xây dựng bến phà đầu tiên đã trở thành điểm du lịch. Hai bên cầu hiện lên những trung tâm thương mại của thị xã Nghi Sơn và huyện Quảng Xương.

Ngày 16/11/2023, Hội Khoa học lịch sử Việt Nam tổ chức Hội thảo khoa học về phà Ghép anh hùng để đánh giá lại một cách khách quan về sự cống hiến, hy sinh của một số cá nhân đã tham gia bảo vệ phà Ghép giai đoạn 1964 - 1972. Liên chi hội khoa học lịch sử lực lượng vũ trang Thanh Hóa được giao tổ chức thực hiện, cùng với đó là đề nghị xây dựng tượng đài phà Ghép anh hùng, đề nghị truy tặng cho công nhân, chiến sỹ đã góp nhiều thành tích trong công cuộc bảo vệ phà Ghép.

Sự kiện có sự tham gia của đại diện Tỉnh ủy Thanh Hóa, Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh, Huyện ủy Quảng Xương và nhiều nhà nghiên cứu lịch sử, văn hóa của Trung ương, địa phương. Đặc biệt, có hàng chục nhân chứng lịch sử đã trải qua hàng ngàn lượt bom đạn trong giai đoạn bảo vệ phà Ghép anh hùng.

 Các nhân chứng trao đổi dưới chân cầu Ghép

Thiếu tướng Trịnh Xuân Thu, nguyên Phó Tổng Cục trưởng Tổng Cục an ninh, Bộ Công an (nguyên Giám đốc Công an tỉnh Thanh Hóa) nhớ lại: ngày 13/2/1965, Tổng thống Mỹ Johnson phát động “chiến dịch sấm rền” và ra lệnh cho máy bay Mỹ ném bom bắn phá miền Bắc đến vĩ tuyến 19, trong đó Thanh Hóa là mục tiêu. Hôm đó, máy bay Mỹ xâm phạm vùng trời Thanh Hóa, bắn phá một số điểm thuộc các huyện Tĩnh Gia, Quảng Xương, Nông Cống và trinh sát khu vực Hàm Rồng - Nam Ngạn, Đò Lèn. Nhằm khóa chặt tuyến giao thông huyết mạch cắt đứt sự chi viện từ miền Bắc cho chiến trường Miền Nam, không quân Mỹ đánh phá cầu Hàm Rồng, Đò Lèn, bến phà Ghép rất quyết liệt.

Dưới sự chỉ đạo của Trung ương Đảng, quân và dân Thanh Hóa đã được chuẩn bị kỹ lưỡng về sơ tán nhân dân, xây dựng các căn cứ trận địa pháo, xây dựng các đội dân quân súng trường để bắn máy bay tầm thấp, tiếp lương tải đạn, cứu thương, cứu dân, đào hầm trú ẩn…

Chiều ngày 3/4/1965, đế quốc Mỹ huy động hàng trăm lượt máy bay phản lực trút bom xuống khu vực Hàm Rồng. Ông đã chứng kiến hàng trăm tốp máy bay Mỹ liên tục bổ nhào từ phía Đông nhắm vào khu vực cầu trút bom. Khói bom cuồn cuộn ngập trời, tiếng máy bay gầm rú không ngớt. Các trận địa bắn máy bay từ đồi Yên Ngựa, đồi C1, đồi Quyết Thắng tới tấp nhả đạn vào các tốp máy bay Mỹ khi chúng bổ nhào để cắt bom.

Cũng trong chiều ngày 3/4/1965, quân và dân Thanh Hóa đã bắn rơi 17 máy bay Mỹ trong đó có cả thần sấm F105 lần đầu tiên xuất hiện trên bầu trời miền Bắc nước ta… Chỉ trong 2 ngày, quân và dân ta đã bắn rơi 47 máy bay Mỹ.

Tháng 2/1966, ông được điều động và phân công làm nhiệm vụ đảm bảo an toàn giao thông, bảo vệ tài sản và tính mạng của nhân dân tại khu vực bến phà Ghép.

Trong suốt 3 năm ông làm nhiệm vụ từ bến phà Ghép đến khu vực cầu Đồi, cầu Hổ (thị xã Nghi Sơn), hầu như không có ngày nào ngớt tiếng bom đạn của máy bay Mỹ. Thông thường ban ngày liên tục có batốp, mỗi tốp có ba máy bay bổ nhào và cắt bom liên tục, chúng thay nhau bổ nhào đi từ phía biển vào trút bom xuống khu vực phà Ghép. Buổi chiều, để tránh hỏa lực của ta, chúng lợi dụng ánh nắng mặt trời để thả bom và gây khó khăn cho các xạ thủ pháo binh của ta phản công...

Như vậy, hai bờ bến phà Ghép tại các xã Quảng Trung, Quảng Xương và Hải Châu, Hải Ninh, Tĩnh Gia nơi nào cũng có bom đạn của giặc Mỹ. Ban ngày thì máy bay thả bom, ban đêm thì pháo kích từ ngoài biển bắn vào.

Nơi làm việc của ông là ngồi trong một túp lều khoảng hơn 2m2 được gọi là Trạm, có một chiếc bàn làm bằng tre và một cuốn sổ để ghi biển số xe ô tô khi xe qua phà.

Trạm lại là điểm đậu của ô tô chờ qua Phà, do vậy máy bay Mỹ càng tập trung đánh phá quyết liệt vào mục tiêu này. Có lần đạn Rocket bắn xuống ngay cạnh Trạm, bay toàn bộ mái tranh, nhưng ông đã thoát chết.

Việc khó khăn và phức tạp nữa là, ngày đêm đối phó với bom đạn, do tính cấp bách phục vụ chiến trường, có ngày có đến 500 xe ô tô chờ qua phà, toàn là xe: chở thương binh, chở đạn, xe kéo pháo, xe đảm bảo giao thông, chở lương thực thực phẩm cho bộ đội; các lái xe đều có giấy ưu tiên qua Phà, trong khi đó quy định mỗi ngày đêm 100 xe được qua phà... Do yêu cầu cấp thiết của cuộc chiến tranh giải phóng dân tộc, từ cuối năm 1965 đến đầu năm 1966, phà Ghép phải hoạt động cả ngày đêm. Vì, máy bay ném bom quá ác liệt, hỏa lực pháo cao xạ của ta lại ít. Vì vậy, Ban chỉ đạo bảo vệ phà Ghép chỉ cho xe qua phà từ 6 giờ chiều đến 6 giờ sáng. Biết được quy luật này, máy bay Mỹ tập trung đánh phá vào đêm. Trước khi cắt bom có một tốp máy bay thả pháo sáng rực trời, theo đó các tốp máy bay bổ nhào cắt bom…

Thiếu tướng Trịnh Xuân Thu tâm sự: "Nhiệm vụ chiến đấu ở đây của chúng tôi đã trở thành kỹ năng quan sát, nhìn theo máy bay bổ nhào cắt bom là biết bom rơi khu vực nào. Nếu thấy chùm bom hình tròn thì chắc chắn nó sẽ rơi trúng chỗ mình đứng, do vậy phải chạy ngay vài bước và nằm xuống nếu không tan xác. Tôi đã mấy lần bị thương do sức ép của bom rơi gần chỗ mình đứng… Một năm có 365 ngày, thì người công nhân lái ca nô, lái phà, chiến sĩ cảnh sát giao thông hầu như đã thức trắng cả năm. Họ đều xứng danh “Anh hùng Lao động” thời chống Mỹ cứu nước. Tuy nhiên, sự cống hiến của tôi trong bảo vệ phà Ghép chỉ bằng một phần nhỏ của ông Đỗ Việt Bắc, nguyên công nhân cầu đường Thanh Hóa”, thiếu tướng Trịnh Xuân Thu nói.

Chúng tôi về thôn Ngọc Trà, xã Quảng Trung, huyện Quảng Xương để tìm nhân chứng lịch sử Đỗ Việt Bắc, ông sinh năm 1942, là cựu công nhân cầu đường Thanh Hóa.

Với khuôn mặt đôn hậu, ông Đỗ Việt Bắc kể: từ 1961 - 1964, ông tham gia thanh niên xung phong chống Mỹ, sau đó được phân công đi đóng cầu phao vận tải đầu tiên của miền Bắc nước ta. Địa điểm tại bến Song Giềng, xã Quảng Long, huyện Quảng Xương - đây là nơi bí mật quân sự tuyệt đối để đóng cầu phao, sau đó di chuyển về bến Ngọc Trà lắp ghép, vận hành cho phương tiện vận tải qua sông.

Từ năm 1965 đến năm 1972, ông Bắc đã trải qua hàng ngàn lượt bom đạn, không thể nhớ hết. Ông tham gia chiến đấu cùng Anh hùng Lao động Vũ Hồng Út (hiện sinh sống tại Hải Phòng), người được phong Anh hùng ngay sau lần dũng cảm phá thuỷ lôi của Mỹ với biệt danh “Anh hùng cưỡi trên bom đạn”.

Năm 1965, ông Bắc được điều động về bến cầu phao Ngọc Trà (địa danh của làng ông đang sinh sống hiện nay) và được phân công làm A trưởng, gồm 5 đồng chí. Đây cũng là một trong những bến phà đầu tiên của miền Bắc nước ta. Đơn vị của ông được giao nhiệm vụ di chuyển và lắp ghép cầu phao để cho phương tiện vận tải qua sông. Lúc đầu chưa có kinh nghiệm, thủy triều lên đã làm hai đầu cầu tràn ngập nước, anh em đã có sáng kiến làm đèn hoa kỳ đựng trong ống luồng có nắp đứng làm hoa tiêu dẫn đường cho xe đi qua rồi đậy nắp lại, cứ như vậy năm anh em tôi trực gác trong suốt 365 đêm/năm.

Ông Đỗ Việt Bắc tâm sự: "Ngày ấy, Trung ương Đảng nhận định “thông tuyến phà Ghép là góp phần cơ bản giải phóng miền Nam”, vì vậy đã cử nhiều cán bộ cao cấp chỉ đạo bảo vệ phà như: ông Nguyễn Lương Bằng, Ủy viên Trung ương Đảng, sau là Phó Chủ tịch nước; Thứ trưởng Bộ Giao thông Lê Duy Nguyên; sau đó là Thứ trưởng Bộ Giao thông Nam Hải và nhiều cán bộ cao cấp khác tham gia chỉ đạo bảo vệ phà Ghép. Ngày ấy, quần áo chúng tôi chỉ có một - hai bộ, mặc đi, mặc lại, bị rách và không lúc nào được khô ráo. Về mùa đông, sương giá và nước mặn té lên người làm ai nấy rét run, hai hàm răng va vào nhau cầm cập. Song, với ý chí quyết tâm đánh thắng giặc Mỹ xâm lược, chúng tôi đã quên hết mọi khó khăn gian khổ, xông vào mưa bom bão đạn để bảo vệ phà Ghép thông tuyến cho xe đi qua và đảm bảo cho các đoàn thuyền nan xuôi ngược ra tiền tuyến".

Ông Đỗ Việt Bắc nhắp ngụm nước trà rồi kể tiếp: "Việc vận hành cầu phao cũng không đơn giản, suốt từ 6h00 tối đến 6h30 sáng hôm sau đơn vị tôi phải tháo dỡ cầu phao để đưa phao đi cất giấu. Sau 6h30, lợi dụng thủy triều lên xuống, các đơn vị thuyền nan xuôi ngược như tên bắn. Thủy triều nơi đây gần cửa biển cho nên nước chảy xiết, theo đó rất nhiều thuyền va vào nhau đã làm nhiều thuyền viên và hàng hóa văng xuống sông. Trước cái sống và cái chết của anh em thuyền nan, anh em chúng tôi đã lao mình xuống sông để cứu vớt người và tài sản của Nhà nước, giúp họ tiếp tục chờ hàng ra tiền tuyến. Riêng tôi thời gian này đã vớt được hàng trăm thanh niên các đơn vị thuyền nam thoát chết do đuối nước. Sau kết thúc chiến tranh, các nam nữ thanh niên xung phong được tôi cứu vớt đã về làng Ngọc Trà tìm gặp tôi, họ cảm động nói “chúng em còn sống và được gặp lại anh ngày hôm nay có thể nói là anh đã sinh ra chúng em lần thứ 2...”, chúng tôi đã ôm nhau trong nước mắt.

Đến cuối năm 1966, ông được điều làm văn thư, bảo mật. Nhiệm vụ là: Bảo vệ các cấp lãnh đạo từ Trung ương về công tác. Công tác bảo vệ phải bí mật tuyệt đối an toàn, đào hầm để lãnh đạo ăn nghỉ và làm việc, đồng thời phải thay đổi thường xuyên địa điểm.

Cùng thời gian này, ông được giao nhiệm vụ đặc biệt quan trọng và nguy hiểm đến tính mạng đó là trực tiếp theo dõi máy bay đánh phá hằng ngày; phân loại, ghi chép máy bay F1, F104, F111, AD6,… Nó ném bom đánh phá ở đâu, loại bom gì, bom bi hay bom tạ, bom tấn, rocket hay thủy lôi. Ngày đánh phá bao nhiêu lần, bao nhiêu quả nổ, bao nhiêu quả chưa nổ, bao nhiêu người bị hi sinh, bị thương… Việc ghi chép phải chi tiết và ghi vào nhật ký, sau đó điện đàm báo cáo về cho Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh, Tỉnh đội biết.

Ông Đỗ Việt Bắc nhớ lại: Có lần một quả bom nổ ngay bên cạnh thuyền hất tung ông ra xa chừng 20m, hai tai của ông bị ù và rỉ máu, toàn thân bị vùi trong đất cát, người ướt đẫm mồ hôi và bùn đất… nhưng sực nhớ gần ông có anh bộ đội cũng bị vùi, ông đã cố vùng dậy chạy đi tìm, rất may ông đã tìm lại được anh bộ đội nằm cách ông chừng 35m, ông đã bế anh ấy vào hầm trú ẩn nhưng anh đã hi sinh.

Ông Bắc kể lại một kỷ niệm khó quên nữa đó là: "Do được phân công nhiệm vụ quan sát, đếm, theo dõi bom đạn do giặc Mỹ trút xuống phà Ghép, nhiều người khuyên “không nên nhận nhiệm vụ này”, nhưng ông nghĩ “nguy hiểm mới cần đến mình…” và tôi đã nhận nhiệm vụ nguy hiểm này. Có lần, anh Ngọc (quên họ) xin được bơi cùng, tôi cương quyết can ngăn, nhưng anh này không nghe đã bơi theo tôi chừng 25m thì bất ngờ một quả thuỷ lôi phát nổ, chúng tôi bị văng lên bờ bất tỉnh, hai vai và hai tai chảy máu loang lổ, lồng ngực bị sức ép khó thở. Khoảng 15 phút, tôi tỉnh lại dùng sức cuối cùng hô hấp nhân tạo, anh Ngọc đã tĩnh lại".

Ông Bắc nhớ lại và tâm sự tiếp: "Sau đó tôi lại tiếp tục bơi sang phía bờ sông Hải Châu, Tĩnh Gia thì trông thấy 5 quả thuỷ lôi nằm ngổn ngang trên bờ, còn một quả tụt xuống sâu dưới đất, tôi nhanh trí vớ được cây gậy nhỏ đo độ sâu quả thu lôi chìm sâu chừng 50 - 60cm. Một lúc sau có một đoàn công binh cũng ra đó rà sát, tôi thông báo nội dung mình đã đo độ sâu quả thuỷ lôi. Nhưng một anh không tin đã cầm cây luồng chọc xuống đo lại thì quả thuỷ lôi phát nổ hất tung anh này lên không trung chừng 15-20m,… và tôi chỉ tìm được bàn chân của anh. Tôi và đồng đội của anh nước mắt giàn dụa".

Và chuyện nữa: "Tôi đang điện đàm báo cáo cấp trên thì xuất hiện một đàn máy bay F111 bay đến trút bom xối xả xuống khu vực gần bến phà từ xóm Nhân qua xóm Đại Lộc nơi này có nhiều gia đình vừa sơ tán đến đây. Hôm ấy, bom đánh phá vào làng đã làm chết 4 người trong một gia đình, trong đó có 02 ông bà cụ, con dâu và một cháu bé. Còn tôi thì bị thương và sức ép nên nằm gục giữa hai luống khoai lang, đất và dây khoai lang phủ gần kín cả thân thể, lúc này máu ở chân bị mảnh bom cứa phải chảy ra ướt đẫm cả quần, khi tỉnh lại thì thấy có một cô gái nằm bên cạnh, tôi vội bới đất ngồi dậy và móc được cô gái này ra khỏi bùn đất, nhưng do bị sức sức ép quá nặng nên cô này đã bị tâm thần phân liệt…"

Thán phục chiến công oanh liệt và anh dũng của ông, sau phút lặng đi, Chúng tôi hỏi: Vậy, tại sao những năm chiến đấu bảo vệ phà Ghép ông không được phong tặng Anh hùng Lao động?

Ông Đỗ Việt Bắc: "Ngày ấy, nhiều lần họp để bình xét, phong Anh hùng cho tôi, nhưng có một lần tôi đứng trên nóc hầm để ghi và theo dõi số bom chúng dội vào đâu, đánh dấu vào sổ vừa xong, khi nhìn lên thì một quả bom tròn thẳng bay vào nơi tôi đứng, nhanh như cắt tôi gieo mình xuống cửa hầm. Quả bom đã nổ làm bay mất nóc hầm, tôi bị thương, nhưng vị chỉ huy cho rằng “tôi bỏ vị trí”, nhiều anh em trong đơn vị phản ứng bảo rằng “tôi tránh được bom đạn, tiếp tục chiến đấu sao bảo là bỏ vị trí…”. Còn tôi thấy rằng mình đã may mắn đã thoát được tử thần, cho nên không đong đếm làm gì, bây giờ nghĩ lại mới thấy mình thua thiệt… Tuy nhiên, cái được lớn nhất của tôi trong 8 năm chiến đấu bảo vệ phà Ghép đó là tự khẳng định mình đó là “chưa bao giờ chùn bước trước kể thù và luôn hoàn thành nhiệm vụ”, hơn nữa là xây dựng gia đình với người vợ hiền, tôi yêu và tôi ở lại nơi mình đã chiến đấu để xây dựng quê hương mới".

Theo tài liệu giặc Mỹ ném bom bắn phá hoại miền Bắc thì riêng khu vực bến phà Ghép Thanh Hóa đã hứng chịu khoảng 3.788 quả bom các loại của giặc Mỹ dội xuống. Bao nhiêu người đã hy sinh xương máu để bảo vệ mảnh đất này. Nơi bến phà Ghép ngày nay vẫn là huyết mạch giao thông của cả nước, nhưng giờ đây đã được xây dựng lại với những công trình giao thông hiện đại, tấp nập người xe qua lại. Những nhà máy, xí nghiệp mọc lên ngày một nhiều, đô thị lớn nhỏ san sát hình thành và đang hoàn chỉnh theo quy hoạch, tô điểm cho vùng quê đang đầy sức sống vươn lên mạnh mẽ.

Thiết nghĩ, những nhân chứng và là chiến sỹ đã trải qua hàng ngàn ngày gian khổ chiến đấu bảo vệ phà Ghép, đã cứu hàng trăm thanh niên xung phong của đội thuyền nan, cứu hàng trăm chiến sỹ trong trận chiến bảo vệ phà Ghép như ông Đỗ Việt Bắc, Thiếu tướng Trịnh Xuân Thu rất cần được xem xét khách quan, khen thưởng xứng đáng./. 

Ngọc Toản - Phạm Ngọc

có thể bạn quan tâm

Ý KIẾN BÌNH LUẬN