Những người thầm lặng giữ nguồn điện ổn định cho thành phố
(ĐCSVN) - Gọi điều độ viên là những người giữ điện thầm lặng, bởi yêu cầu nhiệm vụ trong công việc của họ thường chỉ “ngồi một chỗ”. Tuy nhiên, họ phải luôn đảm bảo cho nguồn và cả hệ thống lưới điện của cả TP. Hồ Chí Minh vận hành một cách ổn định, an toàn và liên tục.
Phó Chủ tịch UBND TP Hồ Chí Minh Võ Văn Hoan đánh giá cao kết quả ứng dụng công nghệ điều khiển từ xa lưới điện TP Hồ Chí Minh (Ảnh chụp trước khi dịch COVID-19 bùng phát. Ảnh: Chi Lan) |
Vị trí “nóng”
Ông Phạm Ngọc Minh - Giám đốc Trung tâm Điều độ hệ thống điện TP. Hồ Chí Minh cho biết, hiện tại Trung tâm đang có 22 điều độ viên, họ đều là kỹ sư điện, có trình độ từ đại học trở lên. Nhiệm vụ của những điều độ viên là trực chỉ huy vận hành hệ thống điện phân phối, giữ cho lưới điện ổn định, an toàn và liên tục. Điều chỉnh, phân bổ công suất phù hợp với tình hình thực tế từng của khu vực theo từng mùa. Trực tiếp chỉ huy cắt điện và tổ chức triển khai thực hiện các công việc cải tạo, sửa chữa lưới điện…Khi trên bản đồ lưới điện có những biểu hiện bất thường, các điều độ viên phải tập trung cao độ để phân tích, phán đoán nhanh để khoanh vùng, thực hiện chuyển tải sau đó chỉ huy điều hành các đơn vị khắc phục để hạn chế đến mức thấp nhất thời gian ngừng cung cấp điện của khách hàng.
Theo ông Minh, công việc của các điều độ viên đúng là chỉ "ngồi một chỗ" trong phòng vận hành, anh em trong đơn vị thường nói đùa với nhau là “ngồi mát” nhưng không được “ăn bát vàng” vì đó luôn là vị trí nóng, đòi hỏi các anh phải có tâm lý vững vàng, bình tĩnh để xử lý nhanh sự cố, cấp điện lại cho khách hàng theo đúng quy định của Tổng công ty với thời gian là dưới 5 phút.
Anh Nguyễn Tấn Đức đã có 34 năm gắn bó với nghề trực chỉ huy vận hành (điều độ viên) tâm sự, một ca trực của các anh trương đối vất vả. Điều kiện khí hậu của TP. Hồ Chí Minh được chia thành hai mùa rõ rệt, nên việc vận hành lưới điện có những khó khăn theo mùa, mùa nóng thì thường xảy ra hiện tượng quá tải trên lưới vì TP.Hồ Chí Minh là nơi đông dân, có điều kiện sống cao nên nhu cầu sử dụng điện cũng ngày càng cao, thời điểm này anh em trực vận hành thường cùng một lúc phải xử lý nhiều thao tác để chuyển tải, xử lý sự cố và quan trọng nhất là không được phép để xảy ra tình trạng mất điện quá 5 phút.
Còn vào mùa mưa tại TP.Hồ Chí Minh thường xảy ra giông lốc, ngập úng cũng gây ra sự cố gián đoạn điện. Đơn cử như vào ngày 16/4, một cơn mưa giông đầu mùa trên diện rộng vào khoảng 4 giờ sáng gây ra khoảng 20 sự cố lưới điện 22kV cùng lúc trên địa bàn các quận/huyện. Các điều độ viên đã cùng một lúc phải phát hiện sự cố và phối hợp xử lý với nhiều đơn vị đơn vị điện lực địa phương để nhanh chóng khôi phục lưới điện cho bà con các khu vực bị ảnh hưởng.
Hiện nay, Trung tâm Điều độ hệ thống điện TP. Hồ Chí Minh sử dụng hệ thống SACADA (Supervisory Control And Data Acquisition: Hệ thống điều khiển giám sát và thu thập dữ liệu) trong công tác vận hành lưới điện toàn Thành phố, do đó toàn bộ các thông tin sự cố từ lúc xảy ra cho tới các khâu phối hợp với các Công ty Điện lực liên quan xử lý đến khi hoàn thành công tác đều được ghi nhận và thực hiện trên máy tính. Điều này đã gây áp lực cho các điều độ viên khi sự cố xảy ra cùng lúc. Tuy nhiên, với đội ngũ nguồn nhân lực chất lượng cao, Trung tâm đã luôn hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ của EVN, của Thành phố và Tổng công ty giao cho.
Lãnh đạo EVNHCMC thăm, động viên các điều độ viên trong những ngày Thành phố căng thẳng chống dịch COVID-19 (Ảnh: Văn Thảo) |
Điều độ viên như những người tuyến đầu chống dịch
Mặc dù không phải là đội ngũ trực tiếp làm công tác phòng, chống dịch COVID-19, nhưng lực lượng điều độ viên luôn phải trực tiếp đi làm nhiệm vụ 24/7 để đảm bảo điện cho Thành phố.
Ông Phạm Ngọc Minh cho biết, ngày bình thường một điều độ viên phải trực khoảng 8 tiếng/ca/ngày, còn trong đợt dịch anh em phải tăng ca lên 12 tiếng/ca/ngày. Lực lượng trực vận hành phải phân chia thành hai nhóm trực tại hai trung tâm (trung tâm chính và trung tâm dự phòng) theo tình huống dự phòng nóng, đề phòng đơn vị có trường hợp nhiễm bệnh phải cách ly, thì vẫn đảm bảo được công tác điều hành lưới.
Có những thời điểm anh em phải trực cách ly tại cơ quan đến 20 ngày mới được về với gia đình, có những trường hợp nhà có bố mẹ già, hay trường hợp vợ sinh con nhỏ, nhưng anh em vẫn phải hy sinh công việc gia đình ở lại trực tại đơn vị với tinh thần xung phong để hoàn thành nhiệm vụ cung cấp điện.
Ông Phạm Ngọc Minh thông tin thêm, hiện tại dịch đang bùng phát mạnh, Thành phố đang thực hiện các hình thức siết chặt kiểm soát đi lại, điều này cũng tạo tâm lý lo ngại lây nhiễm trong quá trình di chuyển đến nơi công tác. Do vậy, lãnh đạo Trung tâm đã luôn động viên, khuyến khích và hỗ trợ các anh em điều độ viên để hoàn thành nhiệm vụ. Về phía Lãnh đạo Tổng công ty Điện lực TP. Hồ Chí Minh cũng đã có những hình thức thăm hỏi, hỗ trợ kịp thời và Trung tâm cũng chi khen thưởng cho các anh em trực trong mùa dịch, chi thưởng nóng cho các cá nhân đóng góp nhiều công sức trong công tác vận hành lưới điện./.