Logo báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam

Những người góp phần đẩy lùi những hủ tục của đồng bào Mông

Thứ Sáu, 15/09/2023 15:00 (GMT+0)
zalo-icon
viber-icon

(ĐCSVN) - Với sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, cùng sự chung tay của mỗi người dân, nhất là đội ngũ những Người có uy tín trong đồng bào dân tộc thiểu số đã góp phần xóa bỏ những hủ tục ở các bản Mông ở Thanh Hóa, góp phần phát triển kinh tế - xã hội, giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội ở các huyện vùng cao biên giới.

 Đưa người đã khuất vào quan tài là cuộc “cách mạng” trong đồng bào
Mông tỉnh Thanh Hóa.

Đồng bào Mông có đời sống văn hóa, tinh thần khá phong phú và đặc sắc. Bên cạnh những giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp cần được bảo tồn, phát huy thì vẫn còn không ít các hủ tục đã “bám rễ” trong đời sống của đồng bào. Đặc biệt là trong tang lễ, với thói quen không bỏ người chết vào trong quan tài mà được đưa lên cáng treo giữa ngôi nhà. Người chết để lâu ngày, mổ nhiều trâu, bò để “báo hiếu” với người quá cố... vẫn đeo đẳng xuyên suốt bao đời nay của đồng bào Mông. 

Chứng kiến những hủ tục trong đời sống đồng bào, ông Lầu Minh Pó, nguyên Phó Bí thư Thường trực Huyện ủy Mường Lát, hiện nay là người có uy tín bản Pù Toong, xã Pù Nhi luôn trăn trở và quyết tâm thuyết phục, tuyên truyền, vận động đồng bào thực hiện nếp sống văn hóa trong tang lễ vùng đồng bào Mông. 

Ông Lầu Minh Pó cho biết: Ngày 25/6/2013, UBND tỉnh Thanh Hóa đã ra Quyết định số 2181/QĐ-UBND về phê duyệt Đề án “Tuyên truyền thực hiện nếp sống văn hóa trong tang lễ đồng bào Mông tỉnh Thanh Hóa đến năm 2020”, đây là cơ sở để xóa bỏ các hủ tục trong tang lễ, thực hiện nếp sống văn hóa mới. Bản thân tôi là một người con của đồng bào Mông, mong muốn xóa bỏ những hủ tục đã đeo bám đồng bao bao đời nay, để góp phần đưa đồng bào các dân tộc thiểu số nói chung và đồng bào Mông nói riêng thoát ra khỏi những hủ tục, định kiến bảo thủ không còn phù hợp với xu thế phát triển của đất nước. Với tinh thần trách nhiệm, bằng sự nỗ lực, cố gắng, tôi đã cùng cấp ủy, chính quyền địa phương và người có uy tín, trưởng các dòng họ tổ chức tuyên truyền thực hiện nếp sống văn hóa trong tang lễ đồng bào Mông bằng nhiều hình thức khác nhau như: Tuyên truyền qua các hội nghị, vận động, thảo luận với các trưởng dòng họ và bà con Nhân dân tại địa phương... gắn với việc thực hiện quy ước thôn, bản và xây dựng bản văn hóa, bản nông thôn mới với thái độ kiên trì, quyết liệt. Đến nay, 100% đám tang đều đưa người chết vào quan tài và không bắn súng thông báo khi có người chết như trước nữa; 100% bản Mông đã đưa quy ước thực hiện nếp sống văn hóa trong tang lễ vào hương ước của bản, các đám tang thực hiện việc chôn cất trong 48 giờ, không còn hiện tượng bắt mổ gia súc, gia cầm nhiều trong đám tang, việc tổ chức ăn uống linh đình trong đám tang đã giảm đáng kể.

Anh Thao Văn Dia, dân tộc Mông, Bí thư kiêm trưởng bản Mùa Xuân, xã Sơn Thủy, huyện Quan Sơn là người nhiệt tình, tích cực, đi đầu tham gia các hoạt động của bản. Đặc biệt, anh là người góp công lớn trong việc đẩy lùi những hủ tục của đồng bào Mông ở bản Mùa Xuân.

Anh Thao Văn Dia, Bí thư kiêm trưởng bản Mùa Xuân, xã Sơn Thủy, huyện Quan Sơn dán thông báo lên bảng tin của bản. 

Được bà con tín nhiệm bầu là người có uy tín của bản. Anh đã cùng ban quản lý bản, trưởng dòng họ tích cực tuyên truyền đến bà con, gắn với thực hiện quy ước của bản, xây dựng bản văn hóa, xây dựng bản nông thôn mới. Việc thực hiện tang lễ được đưa vào hương ước của bản. Khi có người chết trong bản, các hộ đều thực hiện giống nhau, không phân biệt giàu nghèo, dòng họ, mọi người, mọi nhà, mọi dòng họ đều phải chấp hành đúng theo hương ước, quy ước của bản cũng như thực hiện chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, các quy định của địa phương. Từ năm 2013 đến nay, những người chết đã được đưa vào quan tài. Trước kia đám tang tổ chức từ 5 - 7 ngày, nay giảm xuống còn 2 ngày.

Theo anh Thao Văn Dia: Để việc tổ chức tang lễ của đồng bào Mông theo nếp sống văn hóa mới trở thành nền nếp bền vững, trở thành tập quán tốt đẹp trong đời sống sinh hoạt, bản thân anh với vai trò là người có uy tín  đã, đang và sẽ tích cực vận động gia đình và cộng đồng thực hiện tốt chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, các quy định của địa phương; tuyên truyền, giải thích cho đồng bào về các quy định hiện hành của Đảng, Nhà nước đối với sự ổn định an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội và phát triển kinh tế, văn hóa - xã hội trong vùng đồng bào Mông. Phối hợp với các cấp chính quyền vận động gia đình tang chủ và dòng họ có người chết thực hiện các thủ tục tang lễ theo quy định nếp sống văn hóa mới.

Có thể nói, thời gian qua với sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, công tác tuyên truyền được đẩy mạnh, cùng sự chung tay của mỗi người dân, nhất là đội ngũ những Người có uy tín trong đồng bào dân tộc thiểu số như Ông Lầu Minh Pó và Anh Thao Văn Dia đã và đang nỗ lực gìn giữ các giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp, xóa bỏ những hủ tục, góp phần phát triển kinh tế - xã hội, giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội ở các huyện vùng cao biên giới.

CTV Ngọc Huấn

có thể bạn quan tâm

Ý KIẾN BÌNH LUẬN