Logo báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam

Những người giữ nghề dệt thổ cẩm truyền thống

Thứ Bảy, 14/10/2023 10:30 (GMT+0)
zalo-icon
viber-icon

(ĐCSVN) - Bằng tình yêu và mong muốn gìn giữ nét đẹp văn hóa của cha ông để lại, nhiều phụ nữ dân tộc ở Gia Lai đã gắn bó với công việc dệt may các sản phẩm thổ cẩm truyền thống của dân tộc.

Tại xã Ia Rbol (thị xã Ayun Pa, tỉnh Gia Lai) chúng tôi tìm đến Câu lạc bộ dệt của xã, Câu lạc bộ thành lập từ tháng 9/2018, lúc đầu có 26 thành viên. Chị em đã được học nghề dệt từ những người có kinh nghiệm tại 7 thôn, bôn của xã, được huyện hỗ trợ nguyên liệu. Sau 3 tháng hoạt động đã có 5 chị dệt được các sản phẩm áo, váy, khố, dây cột đầu, túi đeo hông... Chị Rơ Châm H’Tre là chủ tịch Hội phụ nữ xã làm rất tốt việc kết nối hỗ trợ chị em học nghề và giữ gìn nghề truyền thống của phụ nữ Jrai Chor, hiện Câu lạc bộ đã thu hút được hơn 50 chị em các bôn, thôn tham gia.

Cách truyền nghề độc đáo của phụ nữ Ba Na 

Tại thôn Bôn Rưng Ma Rai chị RCom H’Tư, một nghệ nhân dệt giỏi của xã, hiện đang là người dệt được nhiều sản phẩm để bán ra thị trường, chị chính là người hăng hái, năng động đi tìm đầu ra cho sản phẩm dệt thổ cẩm truyền thống bằng cách lên thành phố tìm đến các cửa hàng lưu niệm đặt vấn đề để họ đặt hàng, và lấy hàng cho bàn con ở Ia Rbol bán cho du khách. Tại các Bôn Hiao, Bôn Chư Bal B, A của xã Chư Băl hiện cũng đang có một lớp dạy nghề dệt thổ cẩm truyền thống với 30 chị em độ tuổi sinh từ năm 2002 đến năm 1971, hiện học rất đều đặn vào các tối trong tuần từ 18-20 giờ tại nhà sinh hoạt cộng đồng. Từ những câu lạc bộ, lớp truyền nghề như thế, nghề dệt và những nghệ nhân dệt vải sẽ còn mãi với thời gian. 

Câu lạc bộ dệt thổ cẩm truyền thống của chị em phụ nữ làng Bồ xã Ia Yok huyện Ia Grai được thành lập năm 2017, có 8 thành viên gồm những chị em biết dệt và thạo việc dệt vải của làng Bồ. Thành viên trẻ tuổi nhất là chị H’Panh, 28 tuổi, người lớn tuổi nhất và cũng nhiều kinh nghiệm nhất là bà Rơ Châm Ói, 63 tuổi. Sau khi ra đời, Hội phụ nữ xã rất quan tâm tạo điều kiện cho chị em hoạt động, học nghề cùng nhau, dệt các sản phẩm để mặc trong sinh hoạt, dệt theo nhu cầu đặt hàng của những người trong làng hoặc làng khác. Ngoài những lúc đi làm vườn, ruộng, rẫy, bất kỳ lúc nào rảnh rỗi chị em đều đến nhà chị Rơ Châm H’Panh để ngồi dệt, vừa dệt vừa nói chuyện rôm rả và cười đùa vui vẻ. Muốn dệt một tấm vải mất rất lâu thời gian, nếu dệt liên tục hàng ngày thì cả tuần mới xong tấm dài tầm 2-3m, nếu chỉ tranh thủ lúc rỗi thời gian mới dệt thì phải mất 2-3 tháng mới xong một tấm. Người Jrai ở làng, ai cũng có một bộ trang phục dân tộc để mặc trong các dịp lễ hội của làng như cúng năm mới, cúng mừng lúa mới, cúng chúc sức khỏe cha mẹ, cúng giọt nước hoặc khi gia đình người thân tổ chức đám cưới, đám tang hoặc đi dự các hoạt động văn hóa văn nghệ thể thao do xã huyện tỉnh tổ chức. Vì thế, bình thường trong sinh hoạt bà con mua đồ mặc cho tiện lợi, nhưng vẫn luôn dệt, ráp cho mình và các thành viên trong gia đình một bộ trang phục truyền thống. Nó được coi như của cải đồng thời thể hiện niềm tự hào về truyền thống của dân tộc. Một bộ trang phục sau khi cắt ráp hoàn chỉnh giá khá cao thường từ hơn 1 triệu đồng trở lên tùy theo kích thước người mặc, chất liệu dệt sợi/len/bông và trang trí các kiểu hoa văn trên trang phục hay các trang trí khác như tua rua, hạt gỗ, hạt ốc kết nơi các mép váy, khố… Các chị em rất khéo tay, một tấm vải dệt ra là sản phẩm của tất cả sự chăm chỉ sáng tạo và khéo léo của người phụ nữ, óc thẩm mỹ và tình cảm được gửi gắm rõ nét trong các hoa văn. Hiện tại các chị em ở Ia Grai còn biết dệt và trang trí trên cạp váy một miếng vải trắng hoặc vải màu rực rỡ rộng cỡ 60-80cm để làm nổi bật phần eo và bụng, một số chị em dùng máy khâu để may các đường nối ráp cho bộ trang phục thêm sắc nét bền chắc, hoặc đã dùng cúc, móc khóa, dây kéo để may trên áo, váy cho đẹp và tiện mặc so với áo chui cổ truyền thống. Áo nam/nữ cũng được may thêm cổ nếu người mặc có nhu cầu. Dù có sáng tạo, cách tân nhưng màu sắc kiểu dáng và hoa văn vẫn đậm đà dấu ấn văn hóa truyền thống của người Jrai vùng Ia Grai. 

Phụ nữ dân tộc Jaraiđang miệt mài với nghề dệt thổ
cẩm truyền thống của dân tộc.

H’Panh - chủ nhiệm Câu lạc bộ dệt chia sẻ: “Với mong muốn giữ nghề truyền thống của cha ông và muốn cho mọi người biết đến vẻ đẹp độc đáo của các sản phẩm dệt truyền thống của người Jrai nên chị em quyết định thành lập Câu lạc bộ, hơn nữa chị em đều tin rằng với nghề này, cùng sự giúp đỡ của chính quyền địa phương, thì sản phẩm bán được sẽ tạo được thu nhập, nâng cao đời sống hàng ngày. Hơn thế, việc cùng nhau làm việc, dạy nghề cho nhau sẽ dần làm thay đổi nếp nghĩ cách làm, hướng chị em đến việc hoạt động tập trung chuyên nghiệp chứ không rời lẻ như trước kia”. 

An Khê, một thị xã nằm phía đông của tỉnh Gia Lai một ngôi làng nông thôn mới là 1 trong 3 làng của xã Tú An, thị xã An Khê, nơi còn nhiều chị em biết dệt vải thổ cẩm truyền thống. Hồ Thị Viên, cô gái Bahnar xinh đẹp, Phó Giám đốc Hợp tác xã Tú An, một bạn trẻ người dân tộc tiên phong chuyển đổi mô hình sản xuất, kinh doanh, tạo công ăn việc làm và thu nhập ổn định cho bà con trên địa bàn, đã nhiệt tình kết nối chị em trong làng tập trung đến nhà rông của làng để chúng tôi gặp mặt, chuyện trò tìm hiểu về nghề dệt của người Bahnar vùng đất An Khê. Phụ nữ Bahnar xưa đa số biết dệt vải, giờ xã hội phát triển, quần áo tiện dụng bán khắp các chợ, cửa hàng, giá cả phù hợp nên chị em dần ít dệt vải để may trang phục, vì thế người dệt ít dần đi, nghề dệt mất dần khắp các buôn làng. Trong nhiều buôn làng giờ chỉ có người tầm tuổi 45 đến 60 là còn cần mẫn dệt vải và dệt đẹp, các bà các chị bảo rằng dệt một tấm vải liên tục mất 1 tháng, rảnh rỗi dệt thì phải 2-3 tháng mới xong một tấm, từ tấm vải đó cắt ra để may/ráp/trang trí thành váy, áo, khố, mũ, túi theo kiểu truyền thống, đấy là cả quá trình rất công phu, tâm huyết. 

Thành lập từ 2017, Câu lạc bộ dệt của xã Tú An lúc đầu chỉ có 10 chị em, giờ có hơn 50 chị em với nhiều thế hệ, già nhất là bà Đinh Thị Lý (80 tuổi), trẻ nhất là em Đinh Thị Voenh (21 tuổi). Những người như bà Đinh Thị Lý, bà Đinh Thị Bích, chị Đinh Thị Hương biết dệt khi 10-13 tuổi giờ tay nghề rất cao, họ chuyên chỉ bày cho chị em mới học nghề hoặc đã biết nghề những cách dệt để đỡ tốn sức mà lại có được tấm vải đẹp, mịn, hoa văn đa dạng, nổi bật, màu sắc hài hòa, bắt mắt. Từ khi khôi phục nghề dệt, tay nghề chị em càng lúc càng khá dần lên, sản phẩm làm đẹp hơn, đa dạng hơn và đã bán được một số sản phẩm tại các sự kiện của huyện, của tỉnh như  Festival Văn hóa Cồng chiêng Tây Nguyên năm 2018; lễ kỷ niệm Chiến thắng Ngọc Hồi - Đống Đa và Hội hát Cầu huê 2019; Ngày hội Du lịch Kbang lần thứ II năm 2019 và gần đây nhất là tại Lễ hội Dâu da đỏ Tây Sơn nhị ở xã Cửu An (thị xã An Khê). Sau hơn 3 năm thành lập, câu lạc bộ đã phát triển ổn định, một số chị em bắt đầu nhận được những đơn đặt hàng dệt váy, áo, khăn, túi… thu nhập được cải thiện 

Thiết nghĩ đây cũng là cách làm hay để giữ gìn văn hóa truyền thống các dân tộc thiểu số tại chỗ và giúp dân làm kinh tế, xóa đói giảm nghèo. Ở mỗi làng, xã nơi tôi đến, mỗi lần chia tay nhau là mỗi lần bịn rịn ôm choàng, thương thêm một nơi ta đã đến và những người ta đã gặp; mong muốn chị em ở các buôn làng giữ được nghề của bà của mẹ bao đời và từ nghề mà sống khá hơn, mong những con số giảm nghèo theo tỉ lệ từng năm, từng giai đoạn trên các báo cáo của cấp ủy, chính quyền địa phương là thực chất để mỗi gia đình, mỗi chị em nơi các bôn, plei, thôn, làng đồng bào dân tộc thiểu số trên quê hương no ấm thực sự./.

 





CTV

có thể bạn quan tâm

Ý KIẾN BÌNH LUẬN