Logo báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam

Những kỳ vọng từ gói kích thích kinh tế của Tổng thống Mỹ

Thứ Sáu, 12/03/2021 12:42 (GMT+0)
zalo-icon
viber-icon

(ĐCSVN) – Được coi là chiến thắng chính trị đầu tiên, gói kích thích kinh tế trị giá 1,9 nghìn tỷ USD của Tổng thống Mỹ Joe Biden được kỳ vọng sẽ kích thích chi tiêu, tạo đà hồi phục cho nền kinh tế vốn bị ảnh hưởng nặng nề bởi đại dịch COVID-19.

 Tổng thống Mỹ Joe Biden có bài phát biểu vào vào khung giờ vàng tối 11/3 vài giờ sau khi ký  ban hành luật cứu trợ COVID-19 trị giá 1,9 nghìn tỷ USD (Ảnh: The New York Times)

Sáng 12/3 (giờ Hà Nội), Tổng thống Mỹ Joe Biden đã ký ban hành luật cứu trợ COVID-19 trị giá 1,9 nghìn tỷ USD, đánh dấu một thành tựu lập pháp quan trọng đối với "ông chủ" thứ 46 của Nhà Trắng. Đây được coi là đạo luật lịch sử nhằm thực hiện nỗ lực "xây dựng lại sức mạnh của đất nước".

Theo giới phân tích, gói kích thích kinh tế sẽ có tác động sâu rộng đến xã hội Mỹ trong bối cảnh nước này đang cố gắng để xoay chuyển tình thế khó khăn mà đại dịch COVID-19 đã gây ra cho nền kinh tế hàng đầu thế giới. Mỹ hiện vẫn là quốc gia bị ảnh hưởng nặng nề nhất bởi dịch COVID-19, với gần 30 triệu ca mắc, trong đó gần 544.000 người đã tử vong.

Gói cứu trợ kinh tế nói trên sẽ cung cấp các khoản tiền trực tiếp cho người dân Mỹ, mở rộng quyền lợi cho người thất nghiệp và cung cấp nguồn tài chính khổng lồ cho cho các bang và chính quyền địa phương cũng như các nhà trường để giúp họ mở cửa trường học. Gói cứu trợ cũng bao gồm khoản kinh phí để hỗ trợ chương trình xét nghiệm và phân phối vaccine COVID-19.

Cụ thể, các cá nhân có thu nhập dưới 75.000 USD và các cặp vợ chồng có thu nhập dưới 150.000 USD sẽ nhận được trực tiếp khoản hỗ trợ 1.400 USD/ người. Gói cứu trợ cũng bao gồm khoản trợ cấp 1.400 USD cho mỗi người phụ thuộc. Người thất nghiệp sẽ được hỗ trợ 400 USD/tuần cho tới hết tháng 9 năm nay và tiền lương tối thiểu sẽ được nâng lên 15 USD/giờ.  Khoảng 20 tỷ USD sẽ được dành cho chương trình phân bổ vaccine COVID-19 và 50 tỷ USD khác cho các chương trình xét nghiệm và truy vết virus SARS-CoV-2; 350 tỷ USD cứu trợ chính quyền các tiểu bang và địa phương; 25 tỷ USD để hỗ trợ người thuê nhà trả phí; 120 tỷ USD để hỗ trợ sinh viên và giúp các trường học từ cấp mẫu giáo cho tới lớp 12 mở lại trường học; 30 tỷ USD hỗ trợ cho các nhà hàng bị ảnh hưởng do đại dịch…

Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) cho rằng, việc bơm 1,9 nghìn tỷ USD cứu trợ vào nền kinh tế bị đại dịch COVID-19 phá hoại của Mỹ sẽ giúp thúc đẩy tăng trưởng nội địa và cả khuyến khích phục hồi kinh tế toàn cầu. Theo ước tính của IMF, mức chi tiêu trên sẽ mở rộng GDP của Mỹ thêm 5-6% trong vòng 3 năm. Người phát ngôn IMF Gerry Rice ngày 11/3 nói rằng nhu cầu cao hơn sẽ giúp các nước khác bán thêm nhiều sản phẩm cho người tiêu dùng Mỹ.

Ông Rice phân tích: "Có thể chúng ta sẽ chứng kiến những hiệu ứng lan tỏa tích cực đáng kể xét về tăng trưởng toàn cầu. Hầu hết quốc gia sẽ hưởng lợi từ nhu cầu mạnh hơn của Mỹ, do đó sẽ giúp tăng trưởng và phục hồi toàn cầu".

Trước đó, ông Stephen Stanley, nhà kinh tế trưởng của Amherst Pierpont Securities LLC cũng cho rằng,  khoản tiền trợ cấp trị giá 1.400 USD cho người dân Mỹ, cùng với các khoản trợ cấp thất nghiệp bổ sung và tốc độ tiêm chủng được thúc đẩy nhanh chóng sẽ giúp duy trì đà tăng trưởng của nền kinh tế trong suốt cả năm. Việc nới lỏng các hạn chế giãn cách xã hội cũng như tăng cường tiêm chủng sẽ kích thích chi tiêu của người tiêu dùng và đây chính là động lực kinh tế quan trọng trong năm nay.

Bên cạnh đó, trái với tâm lý “lo xa” hay “nghi ngại” của nhiều chính trị gia, theo khảo sát, đa số người dân Mỹ đều bày tỏ sự lạc quan vào gói kích thích kinh tế nói trên. Trước khi dự luật được ký kết, một khảo sát trên Đài CNN cho thấy, có 61% người Mỹ nói chung, không phân biệt đảng phái, ủng hộ dự luật và 66% tin rằng dự luật giúp ích cho nền kinh tế theo một cách nào đó. Họ đặc biệt ủng hộ những khoản tiền trực tiếp dành cho cá nhân.

Để đánh dấu chiến thắng lập pháp lớn đầu tiên, và quảng bá giải thích về các lợi ích của gói cứu trợ, Tổng thống Biden và Phó tổng thống Kamala Harris đã lên kế hoạch đến thăm các bang Pennsylvania, California, Colorado và Nevada tuần tới. Đây là những bang đã bỏ phiếu cho ông Biden trong cuộc bầu cử tổng thống tháng 11/2020./.

Kiều Giang (theo báo chí nước ngoài)

có thể bạn quan tâm

Ý KIẾN BÌNH LUẬN