Logo báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam

Những hạt nhân trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn tỉnh Lai Châu

Thứ Ba, 20/12/2022 09:36 (GMT+0)
zalo-icon
viber-icon

(ĐCSVN)- Vai trò người uy tín trong cộng đồng dân tộc thiểu số trên địa bàn tỉnh đang phát huy vai trò là cầu nối tuyên truyền, vận động Nhân dân chấp hành pháp luật, phát triển kinh tế, đảm bảo an ninh trật tự, xây dựng gia đình, bản làng văn hóa, chung sức xây dựng nông thôn mới. Góp phần xây dựng quê hương ngày càng ấm no, giàu đẹp, văn minh.

Với tinh thần trách nhiệm cao, người có uy tín trong đồng bào dân tộc thiểu số thường xuyên phối hợp với cấp uỷ, chính quyền địa phương đấu tranh, ngăn chặn nhiều hoạt động vi phạm pháp luật, trật tự an ninh xã hội. Tích cực giáo dục con em, người thân trong gia đình, dòng họ không vi phạm tệ nạn xã hội, không phạm tội, chăm lo lao động sản xuất, không chia rẽ khối đại đoàn kết cộng đồng các dân tộc; thực hiện tốt các quy ước, hương ước của bản và nơi cư trú. Trong xây dựng đối sống văn hoá mới, người có uy tín vận động các hộ đăng ký xây dựng gia đình văn hoá gắn với thực hiện cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hoá ở khu dân cư”. Vận động bà con tham gia xây dựng và thực hiện quy chế dân chủ, xây dựng hương ước, quy ước nhằm giữ gìn nếp sống văn minh và truyền thống văn hoá của các dân tộc. 
Đồng chí Trần Hữu Chí – Trưởng Ban Dân tộc tỉnh cho biết: “Các cấp ủy đảng, chính quyền địa phương tạo điều kiện để những người có uy tín tham gia vào công tác tuyên truyền vận động Nhân dân và gia đình, con cháu thực hiện tốt các quy định pháp luật của Nhà nước; các chương trình giảm nghèo, xây dựng nông thôn mới; các chính sách về đền bù giải phóng mặt bằng. Người có uy tín còn là lực lượng nòng cốt hết sức đặc biệt và là cầu nối quan trọng giữa cấp ủy, chính quyền với Nhân dân. Tham gia xây dựng hương ước, quy ước của địa phương, vận động bà con thay đổi các tập tục lạc hậu như: mê tín, tảo hôn, thách cưới... góp phần xây dựng đời sống văn hóa, tinh thần ở các thôn, bản ngày càng lành mạnh, tiến bộ”.

Bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa có công rất lớn của đội ngũ người có uy tín 
Toàn tỉnh có 106 xã, phường, thị trấn; 956 thôn, bản, tổ dân phố với 20 dân tộc cùng sinh sống, trong đó dân tộc thiểu số chiếm 85%. Công tác dân tộc nhất là việc khuyến khích, động viên, thực hiện các chính sách đối với người có uy tín được tỉnh quan tâm chú trọng. Trong giai đoạn từ năm 2011-2021, tỉnh đã thực hiện đầy đủ, kịp thời các chế độ, chính sách đối với người có uy tín trên 12 tỷ 984 triệu đồng (cung cấp thông tin, hỗ trợ vật chất, động viên tinh thần và khen thưởng người có uy tín).

Trong giai đoạn 2011 - 2021, tỉnh Lai Châu đã bình chọn được 10.389 lượt người có uy tín tại các thôn, bản trong toàn tỉnh gồm: già làng, trưởng dòng họ, trưởng bản, cán bộ nghỉ hưu… Trong phát triển kinh tế xã hội, giảm nghèo, xây dựng nông thôn mới, người có uy tín tích cực tuyên truyền, vận động Nhân dân tham gia các phong trào “Nông dân thi đua sản xuất kinh doanh giỏi, đoàn kết giúp nhau xoá đói giảm nghèo”, phong trào “Tuổi cao, gương sáng, hiến công, hiến kế xây dựng quê hương đất nước”, ủng hộ quỹ “vì người nghèo”, quỹ “Đền ơn đáp nghĩa”. Nhiều người đã trở thành gương sáng về phát triển kinh tế ở cơ sở, trở thành điển hình cho cộng đồng học tập.
Điển hình như ông Nguyễn Ngọc Ánh - người uy tín bản Km 2, xã Bình Lư (huyện Tam Đường) hiện đang là Chủ tịch Hội đồng Quản trị, Giám đốc Hợp tác xã Nông nghiệp và Dịch vụ Bình Lư sản xuất miến dong đạt tiêu chuẩn OCOP 3 sao của tỉnh. Ông Ánh tâm sự: “Tôi đã gắn bó với nghề làm miến gần 40 năm nay trên mảnh đất nơi đây. Hợp tác xã có 11 hộ liên kết với nhau sản xuất theo phương thức truyền thống, sản phẩm được nhiều người biết đến và được ưu chuộng; trở thành nông sản hàng hóa mũi nhọn, góp phần đem lại niềm tin, cuộc sống ấm no, hạnh phúc cho thành viên và bà con”. 
Đến bản Sì Thâu Chải, xã Can Hồ (huyện Mường Tè), chúng tôi được bà con nhắc đến ông Pờ Chà Xe là người uy tín gương mẫu, tấm gương sáng trong phát triển kinh tế, giảm nghèo ở địa phương. Gặp ông Xe khi đang cắt cỏ voi cho bò ăn, dừng tay ông chia sẻ: “Nhận thấy tiềm năng, lợi thế về đất đai, nguồn nước, khí hậu phù hợp cho phát triển đàn đại gia súc và sa nhân tím. Tôi cùng gia đình bắt tay vào cùng làm. Tôi học hỏi hộ làm kinh tế giỏi địa bàn khác và tìm hiểu qua tài liệu, sách báo, internet để nắm bắt cách chăm sóc, phòng bệnh, lựa chọn giống tốt. Lúc đầu thiếu kinh nghiệm nên hiệu quả chưa cao; sau đó tôi tham gia một số lớp tập huấn kỹ thuật chăm sóc, phòng chống dịch bệnh, tiêu độc khử chuồng trại nhờ đó gia súc phát triển khỏe mạnh, lớn nhanh”.

Trong phát triển kinh tế người có uy tín cũng luôn đi đầu 

Hiện nay, gia đình ông có 30 con lợn, 25 con bò, 1 ha quế, 0,5ha Sa nhân tím… mỗi năm cho thu nhập hàng trăm triệu đồng. Không chỉ gương mẫu trong làm kinh tế, ông tích cực tuyên truyền, hướng dẫn bà con kinh nghiệm, kỹ thuật trong chăn nuôi, sản xuất vươn lên thoát nghèo. Ghi nhận những thành tích đạt được, ông Pờ Chà Xe được đề nghị Thủ tướng tặng Bằng khen và được bầu đi dự Đại hội Đại biểu toàn quốc các Dân tộc thiểu số Việt Nam lần thứ II năm 2020. 
Có thể khẳng định, người uy tín trên địa bàn tỉnh đã và đang phát huy vai trò gương mẫu đi đầu, là tấm gương để các thành viên trong gia đình, cộng đồng thôn, bản noi theo, tích cực tham gia phát triển sản xuất, kinh doanh, xóa đói giảm nghèo; xây dựng nông thôn mới.

 
CTV Phương Ly

có thể bạn quan tâm

Ý KIẾN BÌNH LUẬN