Những gì nam giới làm được thì nữ giới cũng có thể làm được
(ĐCSVN) - Từ quá trình trưởng thành của bản thân, chị Cầu muốn nhắn gửi thông điệp tới tất cả chị em phụ nữ dân tộc thiểu số rằng, phụ nữ dân tộc thiểu số hãy mạnh dạn hơn nữa trong phát triển kinh tế cũng như tham gia vào mọi mặt của xã hội.
Chị Vàng Thị Cầu, sinh năm 1974, là người dân tộc Mông ở xã Phố Cáo, huyện Đồng Văn, tỉnh Hà Giang.
Chị Cầu là con cả trong một gia đình có 8 chị em. Bố mẹ chị đều làm nương nhưng bởi điều kiện tự nhiên khắc nghiệt, nhà lại đông con nên mỗi năm, dù làm quần quật thì gia đình chị vẫn thiếu lương thực từ 3 - 4 tháng, thuộc diện hộ nghèo đặc biệt khó khăn. Trong ký ức của chị, nơi ở của gia đình chỉ là một căn nhà tạm, thậm chí không có cả bức vách.
Cuộc sống quá khó khăn, ngày tháng nhọc nhằn xoay quanh việc tìm cái ăn cho 10 con người, lại chưa từng đi học nên bố chị Cầu cho rằng, là con gái thì chị phải ở nhà và lấy chồng, không đi học để làm gì…
Tuy vậy, từ nhỏ, chị Cầu luôn ước mơ được đến trường. Năm 17 tuổi, chị trốn đi học và hiện nay đã có được tấm bằng đại học.
Càng ngoạn mục hơn khi năm 2017, chị Cầu đứng lên thành lập hợp tác xã (HTX) có tên là HTX Dịch vụ tổng hợp nông lâm nghiệp thôn Sà Phìn A, với thương hiệu là “Thổ cẩm Lanh trắng Đồng Văn”.
Chị Vàng Thị Cầu (ngoài cùng bên phải) hướng dẫn chị em trong Hợp tác xã kỹ thuật cắt may thổ cẩm truyền thống của dân tộc Mông (Ảnh: Trần Quỳnh) |
Chị chia sẻ căn nguyên khiến mình quyết định thành lập HTX xuất phát từ sự cảm thông với những người phụ nữ bị mua bán quay trở về mà không có chỗ nào để ở; từ những người phụ nữ bị bạo lực gia đình vì không có việc làm; từ những trẻ em sinh ra đã thiếu tình yêu thương của cha mẹ… Những mảnh đời bất hạnh đó đã thôi thúc chị phải làm gì đó để tạo ra việc làm cho phụ nữ và hỗ trợ được phần nào khó khăn cho các cháu được đến trường.
Những ngày đầu thành lập, HTX chỉ có 15 thành viên. Nhưng chỉ sau 4 năm hoạt động, HTX đã tạo ra việc làm cho 130 chị em có hoàn cảnh khó khăn tại địa phương. Trung bình mỗi năm có thêm 15 chị gia nhập ngôi nhà chung đã góp phần để HTX trưởng thành như bây giờ. Hiện nay, HTX có 30 thành viên chính thức, thu nhập 4 - 5 triệu đồng/người/tháng; có 100 thành viên liên kết tại 6 tổ hợp tác trong 6 xã của huyện Đồng Văn với thu nhập từ 2,5 - 3,5 triệu đồng/người/tháng.
Các hộ tham gia liên kết với HTX trước đây đều khó khăn, không có việc làm phi nông nghiệp và không có thu nhập thêm. Từ khi tham gia liên kết, các hộ đã có việc làm thường xuyên; được tham gia các lớp tập huấn, chuyển giao khoa học kỹ thuật vào sản xuất, tạo ra thu nhập cho gia đình.
Lăn lộn với HTX từ những ngày đầu non trẻ và trên thương trường, chị Cầu nhận thấy phụ nữ dân tộc thiểu số có rất nhiều khả năng khởi nghiệp làm kinh tế. Thậm chí, chị còn cho rằng phụ nữ là một phần rất quan trọng trong sản xuất và trong cuộc sống vì hàng ngày, tại gia đình, các chị đang là hạt nhân chủ chốt về phát triển kinh tế và nuôi dạy con cái.
Tham gia vào Hợp tác xã, những người phụ nữ dân tộc Mông đã có việc làm và thu nhập tốt hơn để vươn lên khẳng định giá trị của bản thân với gia đình, cộng đồng và xã hội (Ảnh: Trần Quỳnh) |
Đối với phụ nữ dân tộc thiểu số, vai trò này càng quan trọng vì việc lớn, việc bé trong nhà đều đến tay các chị. Chị Cầu ước tính, 80% thu nhập trong mỗi gia đình người Mông ở địa phương là từ chăn nuôi, trồng trọt, may mặc trang phục, se lanh, dệt vải… đều là do phụ nữ trực tiếp làm.
Để có được thành công trong sự nghiệp của riêng mình và giúp được nhiều chị em khác như ngày hôm nay, chị Cầu luôn khẳng định là nhờ có sự ủng hộ, giúp sức từ chồng con. Sự ủng hộ đó của người thân đã giúp chị có điều kiện tập trung toàn bộ nguồn lực cũng như trí lực, tâm huyết cho ước mơ của mình mà không bị phân tâm vào những công việc khác, giúp cho kế hoạch hoàn thiện, mở rộng các tổ hợp tác diễn ra nhanh hơn.
6 năm gắn bó với chị em trong HTX, chị Cầu rút ra nhận xét rằng vai trò của phụ nữ trong phát triển kinh tế không thua kém gì nam giới. Đối với những công việc HTX đang triển khai, phụ nữ cho thấy sự tập trung và nhịp độ làm việc tốt hơn, cẩn thận và tỉ mỉ hơn nam giới. Nếu được trao cơ hội hoặc có cơ hội để phát triển sự nghiệp, chắc chắn các chị sẽ làm tốt.
Tâm nguyện của chị Cầu là trong thời gian tới, sẽ mở rộng thêm cơ sở sản xuất nhằm tạo thêm nhiều việc làm cho phụ nữ dân tộc thiểu số địa phương. Từ quá trình trưởng thành của bản thân, chị còn muốn nhắn gửi thông điệp tới tất cả phụ nữ dân tộc thiểu số là hãy mạnh dạn hơn nữa trong phát triển kinh tế cũng như tham gia vào mọi mặt của đời sống xã hội. Hãy luôn nghĩ rằng, những gì nam giới làm được thì phụ nữ cũng có thể làm được và thậm chí làm tốt hơn cả nam giới./.