Logo báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam

Những chuỗi vòng đầy màu sắc của đồng bào Cơ Tu

Thứ Tư, 25/05/2022 16:45 (GMT+0)
zalo-icon
viber-icon

(ĐCSVN) - Đã thành tục lệ bao đời nay truyền lại, đồng bào Cơ Tu ở vùng núi phía Tây Quảng Nam, từ em bé đến những người khi bước sang tuổi trung niên cho đến những người già cao tuổi, hầu hết đều trang bị cho mình những vòng kiềng bằng bạc (p’nâng), chuỗi hạt cườm (h’rát), chuỗi mã não (l’lát) hay các chuỗi mã não (c’rôn)… có độ tinh xảo khác nhau. Trong suy nghĩ của đồng bào Cơ Tu, vật trang sức vừa mang nhu cầu thẩm mỹ vừa ẩn chứa những giá trị trong đời sống văn hóa tinh thần như tín ngưỡng, phong tục tập quán, tôn giáo.

Đàn ông Cơ Tu cũng đeo những chuỗi hạt lớn thể hiện sức mạnh của mình. 

Từ xa xưa, ở nơi đại ngàn Trường Sơn, trang sức truyền thống của đồng bào Cơ Tu đã rất đa dạng và phong phú. Có thể nói tất cả đàn ông và phụ nữ Cơ Tu đều thích đeo trang sức, đặc biệt là trang sức ở cổ. Các loại vòng đeo cổ truyền thống sử dụng những chất liệu như mã não, thủy tinh, chì, kim loại, đá, nhựa, vỏ ốc, gỗ, sừng… Trong đó, chất liệu làm dây chuyền chủ yếu và được ưa chuộng nhất của người Cơ Tu là những hạt chuỗi bằng mã não.

Đối với đồng bào Cơ Tu, mã não là vật trang sức quý giá nhất trong các đồ trang sức. Các cô gái trẻ hay phụ nữ, trẻ em Cơ Tu đều lựa chọn đeo trang sức mã não bởi đá mã não đẹp, bền lại có nhiều màu sắc bắt mắt. Mã não cũng là sính lễ không thể thiếu trong lễ cưới hỏi của người Cơ Tu. Truyền thống, tập quán dùng mã não làm đồ trang sức của người xưa được người Cơ Tu tiếp tục kế thừa và phát huy, nhằm tô điểm thêm màu sắc văn hóa của tộc người mình.

Già làng Đinh Văn Bớt (trú thôn Tà Lâu, xã Ba, huyện Đông Giang, tỉnh Quảng Nam) cho hay: Tại các vùng đồng bào Cơ Tu sinh sống vẫn còn rất nhiều cụ có những chuỗi mã não được lưu truyền từ đời này sang đời khác, những chuỗi mã não cổ quý hiếm này có thể sánh ngang với loại chóe xưa, tương đương 5- 7 con trâu.

 Khi mặc đồ thổ cẩm, chuỗi vòng cổ thường được đeo cùng kiềng bạc to, tròn.

Người Cơ Tu cũng có những quy tắc riêng trong kết hợp trang phục như khi đeo kiềng bạc to, tròn sẽ mặc đồ thổ cẩm. Cùng với đó là chuỗi vòng đeo cổ được xâu bằng nhiều hạt cườm tròn, xen kẽ với các hạt mã não với nhiều hình dáng như tròn, dẹt, tròn, thoi, vuông…

Bên cạnh sự quý giá của mã não, người Cơ Tu cũng sử dụng thêm chất liệu thủy tinh để điểm tô cho bộ trang sức của mình. Với những ưu điểm riêng của thủy tinh như: có vẻ đẹp óng ánh, sáng đẹp lại có độ phản quang… Nên những chuỗi vòng thủy tinh có màu trong suốt, trắng đục, xanh lơ, xanh đen, xanh lá mạ, nâu, da cam, đỏ tía và xám tro khá được ưa chuộng hiện nay.

Nếu trước đây, người Cơ Tu dùng hạt cây rừng để trang trí cho chuỗi vòng, thì vài năm trở lại đây do nhiều thay đổi và tác động của cuộc sống nên chuỗi cườm bằng nhựa xuất hiện khá nhiều trên cổ những cô gái Cơ Tu trong những dịp lễ hội hay Tết đến Xuân về. Họ mua những hạt nhựa có sẵn trên thị trường để làm phong phú thêm phục sức của họ. Những loại hạt cườm làm bằng nhựa tổng hợp có giá thành rẻ, dễ mua nên có người đeo đến hàng chục chuỗi hạt cườm nhựa khác nhau như màu xanh, màu đen, màu đỏ, màu vàng, màu trắng… Trong các loại màu kể trên, người Cơ Tu thích nhất là đeo những chuỗi cườm nhựa màu trắng, vì màu trắng gần gũi với hoa văn trên trang phục truyền thống của họ.

Nếu có dịp đến với vùng đồng bào người Cơ Tu sinh sống, đặc biệt, trong những ngày bản làng tưng bừng vào hội, chứng kiến hình ảnh những thanh niên trai tráng hay chị em phụ nữ Cơ Tu diện những bộ đồ đẹp nhất, những trang sức lung linh nhất, với hàng chục vòng đeo cổ bằng mã não, bằng thủy tinh, bằng nhựa đủ màu sắc lấp lánh trên cổ hẳn sẽ là dấu ấn không thể nào quên đối với du khách. Những vòng đeo cổ đã góp phần làm đẹp thêm những bộ trang phục truyền thống và làm tôn thêm vẻ đẹp của những người con đại ngàn.

Bài, ảnh: Kim Cương

có thể bạn quan tâm

Ý KIẾN BÌNH LUẬN