Logo báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam

Những “cầu nối” nơi bản làng

Thứ Tư, 13/09/2023 13:24 (GMT+0)
zalo-icon
viber-icon

(ĐCSVN) –Là người được nhân dân tin tưởng, những năm qua, đội ngũ người có uy tín ở Thái Nguyên đã trở thành “cầu nối” đưa các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước đến với người dân vùng đồng bào dân tộc thiểu số; góp phần củng cố hệ thống chính trị ở cơ sở và khối đại đoàn kết toàn dân tộc vững mạnh...

Tỉnh Thái Nguyên có 51 dân tộc cùng sinh sống, trong đó đồng bào dân tộc thiểu số chiếm gần 30% dân số toàn tỉnh. Trong các xóm bản có đông đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống, vai trò của người có uy tín rất quan trọng. Những người uy tín trong đồng bào dân tộc thiểu số được nhân dân tin tưởng, bầu chọn đều gương mẫu, luôn đi đầu trong việc thực hiện chủ trương, đường lối, chính sách, pháp luật của Đảng và Nhà nước; phát triển kinh tế - xã hội, giảm nghèo bền vững. Đặc biệt họ là những người chịu khó nghiên cứu, học hỏi kinh nghiệm và biết cách tổ chức sản xuất, ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật mới mang lại hiệu quả kinh tế cao. Không những làm giàu cho bản thân, gia đình, những người có uy tín còn tích cực giúp đỡ, hướng dẫn nhiều người trong xóm, dòng họ biết cách làm ăn để vươn lên làm giàu chính đáng.    

Ông Triệu Văn Hồng, người có uy tín ở xóm Khâu Giáo 2, xã Bản Ngoại (Đại Từ)
đã tích cực vận động bà con hiến đất và đóng góp kinh phí để mở rộng
đường trục xóm 

Tổng số người có uy tín trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi hiện nay được công nhận tại Thái Nguyên là 821 người. Dù ở các lứa tuổi, cương vị khác nhau, nhưng họ đều có tâm huyết, hết lòng vì bản làng, thôn xóm; tích cực vận động các tầng lớp nhân dân thực hiện chủ trương đường lối của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước. Đây cũng là những tấm gương tiêu biểu trong các phong trào lao động sản xuất, phát triển kinh tế, xây dựng nông thôn mới, phong trào toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư, các cuộc vận động trọng tâm trong giai đoạn hiện nay với các lĩnh vực của đời sống kinh tế xã hội. Theo đó, nhiều phong tục, tập quán tốt đẹp được duy trì, phát huy, như: Lễ cấp sắc của dân tộc Dao, Sán Dìu; Lễ sinh nhật cho người cao tuổi của dân tộc Nùng; hát Soọng Cô của dân tộc Sán Dìu...; hoạt động văn hóa, thể thao, các trò chơi dân gian, món ăn truyền thống được khôi phục; đồng thời loại bỏ những hủ tục lạc hậu, mê tín dị đoan, bà con cùng nhau thực hiện nếp sống mới trong việc cưới, việc tang.

Là người được nhân dân tin tưởng, những năm qua, đội ngũ người có uy tín ở Thái Nguyên đã trở thành “cầu nối” đưa các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước đến với người dân vùng đồng bào dân tộc thiểu số; góp phần củng cố hệ thống chính trị ở cơ sở và khối đại đoàn kết toàn dân tộc vững mạnh, phát triển kinh tế - xã hội, giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc...

Không chỉ đi đầu trong mọi phong trào, những người có uy tín còn tích cực tham gia tuyên truyền nâng cao nhận thức của người dân về pháp luật và các chủ trương của Đảng. Đặc biệt là tuyên truyền, vận động nhân dân hiến đất, tài sản trên đất để mở rộng các tuyến đường giao thông nông thôn, xây dựng nhà văn hóa; tham gia giữ gìn an ninh trật tự, an toàn xã hội ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Điển hình như ông Lê Văn Lợi, dân tộc Sán Dìu, Trưởng xóm Vạn Phú, xã Thành Công, (TP. Phổ Yên). Ông đã tích cực vận động hơn 30 hộ dân của xóm hiến trên 5.000m2 đất để địa phương mở rộng đường giao thông. Ông Triệu Văn Hồng, người có uy tín ở xóm Khâu Giáo 2, xã Bản Ngoại (Đại Từ) đã tích cực vận động bà con hiến đất và đóng góp kinh phí để mở rộng đường trục xóm từ 3,5m lên 4,5m.

Ông Nông Văn Vụ, sinh năm 1948, dân tộc Nùng, Người có uy tín xóm Vo,
xã Tân Thành, huyện Phú Bình đã hiến 1.000m2 đất để mở rộng đường
giao thông nông thôn. 

Đến xóm Vo, xã Tân Thành, chúng tôi thấy toàn bộ 4.000m đường giao thông của xóm đều đã được cứng hóa, có đoạn được mở rộng từ 2m lên 4m mặt đường, tạo thuận lợi cho 2 xe ô tô tránh nhau an toàn; nhà văn hóa xóm được xây dựng năm 2020 khang trang, rộng rãi…

Nhắc đến điều đó, người dân xóm Vo không quên công lao của ông Nông Văn Vụ (sinh năm 1948), là người dân dân tộc Nùng. Ông Nguyễn Văn Bất, Bí thư Chi bộ xóm Vo, thông tin: Ông Vụ là người dân tộc thiểu sốcó uy tín, luôn “sát cánh” với xóm trong việc tuyên truyền, vận động bà con thực hiện nhiệm vụ xây dựng Nông thôn mới. Không những vậy, ông còn là người đi đầu trong phong trào hiến đất làm đường giao thông nông thôn. Nhờ đó đến nay, toàn bộ đường xóm Vo đều đã được cứng hóa.

Ông Vụ chia sẻ: Được bà con bầu là người có uy tín trong đồng bào dân tộc thiểu số, tôi luôn phát huy tinh thần trách nhiệm, đi đầu trong mọi hoạt động. Riêng phong trào xây dựng nông thôn mới ở địa phương, gia đình tôi đã hiến 1.000m2 đất để xóm mở rộng đường. Cùng với đó, tôi cũng tích cực tuyên truyền, vận động bà con góp công, góp của, hiến đất xây dựng đường giao thông nông thôn. Trong quá trình tuyên truyền, vận động, có một số hộ dân tuyên truyền một lần, hai lần chưa được, “mưa dầm thấm lâu”, tôi đến tuyên truyền lần hai, lần ba… Sau khi nghe ra, các hộ đều đồng thuận.

Còn ông Cam Văn Khoa, Trưởng xóm Giếng Mật, xã Tân Hòa, người được bà con bầu làm người có uy tín đã 10 năm nay, cho hay: Xóm Giếng Mật có 110 hộ dân, trong đó người dân tộc thiểu số (Tày, Nùng, Sán Dìu…) chiếm đến 86,3% số hộ. Chính vì 100% hộ dân đều sản xuất nông nghiệp, đời sống gặp nhiều khó khăn nên việc tuyên truyền, vận động bà con đóng góp, đối ứng để xây dựng hạ tầng là điều không dễ. Bởi vậy, ngay sau khi có chủ trương xây dựng nông thôn mới, xóm đã tổ chức họp để dân biết, dân bàn, dân làm và dân kiểm tra… Nhờ đó, bà con đều đồng thuận hưởng ứng các công việc chung của xóm. Tính từ năm 2011 đến nay, người dân xóm Giếng Mật đã hiến hàng chục nghìn m2 đất để cứng hóa 4,7km đường xóm. Năm 2022, chúng tôi tiếp tục vận động bà con đóng góp hơn 70 triệu đồng để lắp đặt trên 100 bóng điện, thắp sáng toàn bộ các tuyến đường trong xóm…

Đội ngũ Người có uy tín trong đồng bào DTTS tỉnh Thái Nguyên đã và đang phát huy tốt vai trò hạt nhân trong khối đại đoàn kết toàn dân tộc.  

Ngoài ra, trong công tác xóa đói giảm nghèo, phát triển kinh tế, nhiều người có uy tín trong đồng bào dân tộc thiểu số tỉnh cũng tích cực áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất; sử dụng các giống cây trồng, vật nuôi cho năng suất, chất lượng cao, góp phần nâng cao thu nhập cho gia đình, là tấm gương để cộng đồng noi theo. Điển hình là ông Lã Văn Dần, dân tộc Tày, Bí thư Chi bộ xóm Đầu Cầu, xã Đức Lương (Đại Từ), luôn trăn trở với suy nghĩ làm sao để đời sống bà con được nâng cao. Bởi vậy, ông đã vận động đồng bào trong xóm tập trung thâm canh 6ha chè, đưa chè trở thành cây trồng chủ lực, cho hiệu quả kinh tế cao ở địa phương. Đồng thời, đưa cơ giới hóa vào phục vụ sản xuất chè, nâng cao chất lượng sản phẩm… Nhờ đó, hết năm 2022, đời sống của 73 hộ dân xóm Đầu Cầu đã được cải thiện đáng kể, hàng chục hộ thoát nghèo, tỷ lệ hộ nghèo, cận nghèo giảm một nửa so với năm trước. Bên cạnh đó là các mô hình phát triển kinh tế của ông Đặng Văn Hồng, dân tộc Sán Dìu, người có uy tín ở xóm Cầu Cong, xã Tân Khánh; ông Mã Văn Đức, dân tộc Nùng, người có uy tín ở xóm Bờ La, xã Tân Kim…

Từ thực tế có thể thấy, những người có uy tín trong đồng bào dân tộc thiểu số thực sự là "cầu nối" quan trọng, chỗ dựa tin cậy của cấp ủy, chính quyền cơ sở trong việc tuyên truyền, vận động bà con thực hiện chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, tham gia phát triển kinh tế - xã hội... Họ thực sự là “trụ cột”, điểm tựa tinh thần trong cộng đồng dân cư ở các bản làng./.

 
CTV

có thể bạn quan tâm

Ý KIẾN BÌNH LUẬN