Những câu chuyện cảm động năm 2017
Lòng tốt của con người kết hợp với sức mạnh của mạng xã hội đã làm nên nhiều câu chuyện cảm động và lan tỏa chúng trong năm qua.
Cặp song sinh lần đầu gặp nhau sau 10 năm thất lạc
Audrey Doering, ở bang Wisconsin, và Gracie Rainsberry, ở bang Washington, Mỹ, đã òa khóc và ôm chầm lấy nhau khi gặp gỡ lần đầu trong chương trình "Good Morning America" của kênh ABC News hồi tháng một.
Chị em gái gốc Trung Quốc được hai gia đình người Mỹ nhận nuôi từ lúc mới chào đời và không hề biết rằng có một bản sao đang sống cùng một đất nước với mình.
Nhờ sự giúp đỡ của một nhà tìm kiếm Trung Quốc, Jennifer Doering, mẹ của Audrey, đã phát hiện sự thật rằng con gái mình có chị em song sinh và kết nối với gia đình của Gracie để hai cô bé được đoàn tụ.
Người vô gia cư đổi đời khi cho đi 20 USD cuối cùng
Cuộc đời của Johnny Bobbitt Jr như gặp được phép màu sau khi câu chuyện về lòng tốt của anh chàng vô gia cư này gây sốt trên truyền thông. Một buổi tối tháng 11, Johnny đã vét sạch 20 USD cuối cùng trong túi để mua xăng giúp Kate McClure, một cô gái mắc kẹt trên đường cao tốc ở bang Philadelphia, Mỹ.
Kate sau đó thành lập chiến dịch quyên tiền trên trang GoFundMe để trả ơn Johnny, hy vọng anh chàng 34 tuổi sẽ có nơi ở và trang trải được các chi phí khác. Cô đặt mục tiêu là 10.000 USD nhưng nhận được tới gần 400.000 USD tiền quyên góp.
Với số tiền trên, Johnny đã mua được một ngôi nhà riêng và chiếc xe tải mà anh mơ ước. Hai quỹ tín thác và một tài khoản ngân hàng mang tên anh cũng được thành lập. Johnny cảm ơn mọi người đã đưa anh quay lại cuộc sống bình thường và còn kêu gọi giúp đỡ cho một hoàn cảnh khác tương tự để "nối dài sợi dây lòng tốt".
Người đàn ông bị suy thận được người lạ cứu sống
Mùa hè năm ngoái, ông Leibowitz, một ông bố đơn thân có 5 con ở bang New Jersey, Mỹ, mặc chiếc áo phông in lời kêu gọi tìm người hiến thận đến công viên Disney cùng các con. Một người có tên là Rocio Sandoval đã chụp lại hình ảnh này rồi đăng lên Facebook. Bài viết sau đó được chia sẻ tới hơn 90.000 lần.
Jess Rutledge, một bác sĩ thú y đọc được thông tin này và kể lại cho bạn của bà là Richie Sully. Ông Sully vừa kiểm tra máu vào hôm trước và có cùng nhóm máu với người hiến thận mà ông Leibowitz cần.
Sully đã gọi cho Leibowitz và sau vài cuộc kiểm tra về cả thể chất và tâm lý, tuần trước, hai người đã gặp nhau ở New York. Ca phẫu thuật ghép thận cho ông Leibowitz dự kiến diễn ra vào ngày 18/1 tới.
Đây là một tin vui với Leibowitz, người bị suy thận mãn tính và phải chạy thận vài lần một tuần trong ba năm qua. Tuy nhiên, ông Sully lại tỏ ra bình thản. "Một người cần thận để sống, và tôi có dư một quả, tôi có thể sống với một quả thận, không vấn đề gì", ông nói với ABC News.
Ông đã tự chi tiền bắt xe buýt đi 15 tiếng từ nhà đến New York để tham gia các cuộc xét nghiệm và sẽ ở lại thành phố này hai tuần sau ca phẫu thuật. Một tài khoản quyên góp đã được lập ra để bù đắp một phần chi phí cho hai người đàn ông.
Họ hy vọng câu chuyện của mình sẽ truyền cảm hứng cho mọi người về chương trình hiến tạng. "Tôi hy vọng có thể giúp đỡ những người khác đang chờ được trợ giúp", ông Sully nói.
Những người lạ Sully, Sandoval và Rutledge đã mang lại cho ông Leibowitz một cơ hội sống và nguyện vọng lớn nhất của ông là 4 người có thể hội ngộ, ăn mừng ở công viên Disney, nơi phép màu bắt đầu.
Lính Mỹ khiến mẹ bất ngờ khi trở về dịp Giáng sinh
Grant Jackson hôm 19/12 về thăm nhà sau gần hai năm phục vụ trong Không quân Mỹ tại Nhật Bản. Để làm mẹ bất ngờ, anh và em gái đã âm thầm lên kế hoạch từ vài tháng trước.
Video quay lại cuộc đoàn tụ cho thấy bà Gwen Jackson đang đứng bếp thì quay lại thấy con trai bước vào. Bà nhảy lên và không ngừng hét lớn, thậm chí lảng sang phòng giặt đứng một mình vì quá bất ngờ. Bà sau đó ôm ngực và gập người xuống khóc. Grant đã ôm mẹ vào lòng trong khi bà tiếp tục nức nở.
"Sau gần hai năm đi xa, chúng tôi đã gây bất ngờ cho mẹ. Anh ấy cuối cùng cũng từ Nhật Bản trở về nhà. Đây là món quà Giáng sinh tuyệt nhất và duy nhất mà tôi muốn", Pettis, cô em gái, viết.
Video trên đã thu hút hơn 9.000 lượt chia sẻ trên Facebook và hơn 700.000 lượt xem cùng nhiều bình luận ca ngợi tình mẫu tử.
Cô gái mắc hội chứng Down trở thành người dẫn chương trình
Melanie Segard, 21 tuổi, ở Pháp, mơ ước trở thành một người dẫn chương trình thời tiết trên truyền hình nhưng chưa bao giờ nghĩ mình sẽ thực hiện được điều này bởi cô mắc hội chứng Down.
Melanie đã đưa ra điều kiện với truyền thông Pháp rằng họ sẽ cho cô cơ hội dẫn chương trình nếu trang Facebook của cô đạt được 100.000 lượt thích. Tuy nhiên, chỉ trong vòng vài ngày, trang Facebook của Melanie đã vượt chỉ tiêu đề ra.
Nhờ sự ủng hộ từ 200.000 người thông qua một chiến dịch kêu gọi, cô đã hiện thực hóa được giấc mơ bấy lâu. Melanie trải qua 4 ngày huấn luyện với đội ngũ của kênh France 2, trước khi xuất hiện trong bản tin dự báo thời tiết hồi tháng ba.