Logo báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam

Những “cánh chim đầu” nơi buôn làng Tây Nguyên

Thứ Ba, 29/08/2023 17:55 (GMT+0)
zalo-icon
viber-icon

(ĐCSVN) - Đối với vùng đất lịch sử văn hóa đặc thù như Đắk Lắk, Tây Nguyên, công tác dân vận phải rất linh hoạt, bám vững những quan hệ truyền thống trong cộng đồng người dân, trong đó vai trò những già làng, trưởng bản có tính quyết định. Đây là lý do để Đảng bộ, chính quyền tỉnh Đắk Lắk luôn coi trọng vai trò những người có uy tín trong mọi mảng hoạt động kinh tế, chính trị, xã hội.

Những lời nói quả quyết

Nói đến Tây Nguyên, tất yếu phải đề cập ngay đến truyền thống văn hóa giao tiếp, tổ chức ở các buôn làng, và điều này đồng nghĩa với hình ảnh những già làng, người có uy tín như trụ cột của cộng đồng. Nhất là về các giá trị bản sắc văn hóa dân tộc, tiếng nói của già làng thường có tính quyết định. Mọi sự việc hàng ngày, sự kiện lễ hội, từ sinh hoạt tập thể đến giải quyết những mâu thuẫn trong nội bộ các gia đình, già làng luôn là người có ý kiến quan trọng nhất. “Họ nói buôn làng nghe, họ làm buôn làng theo” là nhận định khó bề lay chuyển với thực thể cộng đồng người dân ở Tây Nguyên. 

Tục rước nước người có uy tín trong Buôn làng ở Đắk Lắk 

Đắk Lắk, với đặc thù hội tụ 49 dân tộc anh em lại càng là mảnh đất hoạt động, đề cao các tập tục, ước thệ giữa các nhóm người với nhau, thì vai trò già làng lại càng quyết định. Một cán bộ Ban Dân tộc tỉnh Đắk Lắk đúc kết: “Người dân Tây Nguyên quan niệm, buôn làng nào có nhiều người già, buôn làng đó sẽ giàu sang hơn, hùng mạnh hơn. Buôn làng có thể khuyết thiếu vài vị trí nhưng chưa bao giờ thiếu chức danh già làng, dù chỉ một ngày, dù không ai bầu bán đề cử. Chỉ có những người thực sự uy tín, có cách nhìn, cách hiểu vấn đề sao cho tốt nhất với mọi thành viên trong buôn, mới đảm nhận được vai trò già làng, như người cầm trống cái trong một điệu múa cồng chiêng vậy”.

Có một điểm rất riêng cần lưu ý với Đắk Lắk, Tây Nguyên, là vai trò của những cụ bà trăm tuổi. Chế độ mẫu hệ bao đời của các dân tộc nơi đây, đã mặc định vị trí dẫn dắt quan trọng thuộc về các nữ tù trưởng. Ý kiến của các cụ bà cao niên luôn gắn với sự tôn trọng, lòng kiêu hãnh của buôn làng. Những bản trường ca bất hủ của các dân tộc M’nông, Bana, J’rai, Êđê… đều ghi dấu các nữ tù trưởng. Nhưng vai trò già làng lại luôn thuộc về những người đàn ông cao niên tài giỏi, thời trai trẻ từng là những tay phóng lao lừng danh, tay rựa sắc bén, tay ná cự phách. Bởi họ luôn xung phong đi đầu, đối diện mọi nguy hiểm khó khăn, dám hành động vì sự tồn vong của buôn làng, thực thi những yêu cầu từ nữ tù trưởng, nên họ có một quyền uy mạnh mẽ với mọi người.

Bởi thực tế đó, trong mọi khâu vận động, tuyên truyền, hướng dẫn cộng đồng người dân chấp hành các đường lối, chủ trương, pháp luật, lãnh đạo tỉnh Đắk Lắk luôn yêu cầu mọi tổ chức, sở ngành hết sức lưu ý đến lời nói, tinh thần đồng thuận và ủng hộ từ các già làng, người có uy tín trong cộng đồng. Gần như, mọi hoạt động chính trị, văn hóa địa phương, đều luôn lấy góp ý, đề xuất từ đội ngũ những người có uy tín để làm tiền đề, sau đó tùy thực tế vận dụng sao cho khéo léo, linh hoạt, mới thu được sự đồng thuận cao nhất.

Luôn tôn vinh, luôn bảo vệ


Lắng nghe nguyện vọng, tâm tư, mong muốn của cộng đồng người dân qua già làng, bàn bạc, trao đổi những chính sách, quyết sách phát triển đời sống dân cư với già làng, là giải pháp cốt lõi của mọi cấp ngành quản lý ở Đắk Lắk. Ngược lại, sự trân trọng, tôn vinh, luôn bảo vệ những già làng, những người có uy tín trong cộng đồng sẽ giúp cho mọi nội dung thương thảo, ghi nhận và tổ chức hành động trong công tác dân vận, tổ chức chính quyền cơ sở… thuận lợi hơn.

      Các già làng luôn giữ vai trò dẫn dắt, vận động cộng đồng. 

Với tinh thần đó, có thể thấy, từ nhiều năm qua, Đắk Lắk là địa phương có số lượng những người có uy tín tham gia vào mọi mặt tổ chức, hoạt động rất đông. Đơn cử về dân vận, hầu hết già làng, những người có uy tín đều được mời vào ban công tác mặt trận ở thôn, buôn; tham gia các tổ hòa giải để phối hợp tốt nhất với đội ngũ công an xã, phường, với chính quyền địa phương phát động những kế hoạch, chương trình hiệu quả nhất. Về văn hóa đời sống, những chính sách, chủ trương đãi ngộ, tôn vinh, hưởng thù lao cho những nghệ nhân cao tuổi, già làng có vị trí chủ chốt trong các hoạt động lễ hội, sự kiện cơ sở, được địa phương tổ chức, thực hiện nghiêm túc. Về phát triển kinh tế, xóa đói giảm nghèo, xây dựng nông thôn mới, địa phương luôn vận động già làng, những trí thức ở cơ sở làm hạt nhân thí điểm, vận động kêu gọi mọi người tham gia, tích cực sản xuất, sử dụng hiệu quả các nguồn vốn vay, tìm hiểu, áp dụng các kiến thức khoa học mới vào làm ăn, sản xuất để tăng năng suất, tăng chất lượng sản phẩm.  

Đi từ những biểu hiện trực tiếp, cụ thể như vậy, vai trò dẫn dắt của các già làng, của những người có uy tín lại càng được ghi nhận rõ ràng hơn, càng tạo cơ sở để chính quyền địa phương, các cấp quản lý quan tâm, bồi dưỡng, hợp tác tôn vinh giá trị, hình ảnh của họ hơn nữa. Bên cạnh những chính sách đãi ngộ chung, những đề cử, ghi nhận danh sách những người có uy tín trong cộng đồng theo chủ trương chung, Đắk Lắk còn vận dụng nhiều giải pháp huy động nguồn lực xã hội, đánh giá đề cao từ dư luận, để luôn trân trọng, bảo vệ hình ảnh những già làng trong cộng đồng. Chỉ nói riêng khả năng liên kết, hợp tác sản xuất giữa những hộ gia đình địa phương, với các doanh nghiệp, Hợp tác xã sản xuất thông qua các già làng, những người có kinh nghiệm sản xuất lâu năm tại địa phương, vấn đề cải thiện năng lực sản xuất, nâng cao đời sống người dân tại Đắk Lắk, đã không ngừng có những biến chuyển mạnh mẽ và tích cực. Vai trò của những “cánh chim đầu” nơi buôn làng Tây Nguyên, vì thế lại càng được chú trọng đề cao hơn nữa./.

CTV Nguyễn Quân

có thể bạn quan tâm

Ý KIẾN BÌNH LUẬN