Nhu cầu than nhập khẩu cho phát điện sẽ ngày càng tăng
Đây là một trong những thông tin được Phó Tổng giám đốc EVN Ngô Sơn Hải chia sẻ tại Hội thảo Thị trường than mới nổi Châu Á (Coaltrans Emerging Asia Coal Markets), ngày 6/11, tại Hà Nội.
Phó Tổng giám đốc EVN Ngô Sơn Hải phát biểu tại Hội thảo.
Hội thảo có sự tham gia của lãnh đạo của các doanh nghiệp cung ứng và tiêu thụ than tại thị trường châu Á.
Theo Phó Tổng giám đốc EVN Ngô Sơn Hải, tổng công suất nguồn điện của Việt Nam tính đến hết năm 2017 là trên 45.000 MW, trong đó, nhiệt điện than chiếm tỷ trọng 38%. Theo Quy hoạch điện VII hiệu chỉnh, xu hướng phát triển nhiệt điện than sẽ tiếp tục tăng.
Tới năm 2020, tổng công suất nhiệt điện than sẽ đạt 26.000 MW, chiếm 42,7% tổng công suất nguồn của toàn hệ thống. Tới năm 2030, tổng công suất của nhiệt điện than có thể đạt 55.300 MW, tương ứng tỷ trọng 42,6% công suất nguồn điện tại Việt Nam. Do đó, nhu cầu than cho phát điện sẽ liên tục tăng. Đơn cử, lượng than cho phát điện năm 2017 đã tăng gấp 5,4 lần so với năm 2007.
Bên cạnh nhu cầu than nội địa, lượng than nhập khẩu cũng sẽ tăng cao khi các nhà máy nhiệt điện than sử dụng than nhập khẩu sẽ đi vào vận hành như: Nhiệt điện Duyên Hải 3, Nhiệt điện Quảng Trạch 1...
Ông Ngô Sơn Hải cho biết, trong năm 2017, EVN đã bắt đầu nhập khẩu than bitum, sub-bitum cho phát điện. Công tác nhập than được EVN giao cho các đơn vị chuyên trách trong Tập đoàn, trong đó có các tổng công ty phát điện.
Thực tế, EVN và các đơn vị trực thuộc gặp rất nhiều khó khăn bởi các chính sách liên quan đến việc nhập khẩu than cho phát điện vẫn chưa hoàn thiện. Bên cạnh đó, nguồn than anthracite ngày càng khan hiếm; chất lượng than bitum, sub-bitum không ổn định.
Từ 2019, EVN sẽ phải nhập thêm than anthracite để bù cho lượng than nội địa bị thiếu hụt - Phó Tổng giám đốc EVN cho biết.
Sự hạn chế về hạ tầng cảng than, năng lực vận chuyển của các tàu vận chuyển, điều kiện thời tiết bất lợi,... cũng là những thách thức không nhỏ trong quá trình nhập khẩu than cho phát điện.
Để đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia, một số giải pháp của EVN trong vấn đề than cho phát điện như: Xây dựng các hợp đồng mua than trung, dài hạn và tổ chức đấu thầu công khai để chọn lựa các nhà cung cấp đủ năng lực. Trong thời gian tới, EVN cũng sẽ nghiên cứu hình thức vận tải than theo điều kiện FOB (free on board).
Tại Hội thảo, cùng với thông tin về nhu cầu than cho phát điện tại Việt Nam, các đại biểu cũng chia sẻ một số thông tin chung về các nhà cung cấp than cho thị trường châu Á, thách thức trong vận chuyển than nhập khẩu tại một số quốc gia, dự báo diễn biến giá than sắp tới...
Trước đó, các đại biểu dự Hội thảo cũng đã đi tham quan thực tế tại Nhà máy Nhiệt điện Hải Phòng, cảng Hải Phòng trong ngày 5/11.