Nhớ về giờ phút hạnh phúc nhất trong lịch sử dân tộc
(ĐCSVN) - “Đó là giờ phút hạnh phúc nhất trong lịch sử dân tộc cùng với niềm vui bất tận vỡ òa đến với muôn người. Mốc son chói ngời - Ngày 30 tháng 4 năm 1975 lịch sử trở thành bản thiên anh hùng ca bất tử. Cuộc chiến đấu trường kỳ gian khổ đổi lấy thắng lợi to lớn, vẻ vang ấy cứ vang mãi trong lòng mỗi khi có dịp nhắc đến”.
Đó là chia sẻ đầy xúc động và tự hào của Thiếu tướng Trần Ngọc Thổ, Chủ tịch Hội nạn nhân chất độc da cam TP Hồ Chí Minh, nguyên Tham mưu trưởng Quận khu 7, khi nhớ về những tháng ngày hào hùng của dân tộc - Ngày Giải phóng hoàn toàn miền Nam thống nhất đất nước (30/4/1975).
Thiếu tướng Trần Ngọc Thổ trong buổi họp mặt chiến sỹ tham gia chiến dịch Điên Biên Phủ; cán bộ cấp tướng Quân đội, Công an nghỉ hưu trên địa bàn TP Hồ Chí Minh, kỷ niệm 70 năm chiến thắng Điện Biên Phủ (07/5/2024), 49 năm ngày giải phóng Miền Nam, thống nhất đất nước (30.4). |
Nói về chiến thắng lịch sử 30/4, Thiếu tướng Trần Ngọc Thổ (Tám Thổ) cho rằng, đó là thành quả từ những chiến thuật đúng đắn ngay từ đầu của Đảng ta trong Cuộc Tổng tiến công và nổi dậy mùa Xuân năm 1975.
Nhớ về ký ức hào hùng của ngày 30/4 lịch sử, vị tướng Tám Thổ vẫn nhớ như in về trận đánh cuối cùng năm đó. Ông Thổ khi ấy là Tham mưu phó, Trưởng ban tác chiến Trung đoàn Bộ binh 88 - cánh quân thứ 5 được lệnh tiến về giải phóng Sài Gòn. Trung đoàn được giao nhiệm vụ đánh từ hướng Chợ Gạo (Tiền Giang) qua Long An để đến huyện Bình Chánh, tiến đánh Tổng nha Cảnh sát và Bộ Tư lệnh Hải quân Việt Nam Cộng hoà, hợp cùng các cánh quân khác giải phóng Sài Gòn. Tướng Thổ cùng Ban Tham mưu quân đoàn bàn bạc kỹ lưỡng các mục tiêu tiến công, nghiên cứu cách đánh để làm sao tiến quân thần tốc và hạn chế hy sinh. Trung đoàn đã chỉ đạo Tiểu đoàn 1 vượt sông Vàm Cỏ Tây để kịp trong đêm đánh vào Tây Trụ. Đây là địa điểm không dễ dàng vì khúc sông này rộng lại có một giang thuyền với 13 tàu chiến đấu của địch chỉ cách 2-3km. Khi tiểu đoàn qua đây, Tướng Thổ cho biết đã được sự giúp sức của cán bộ huyện Tân Trụ mà trực tiếp là đồng chí Bí thư Huyện ủy, đã huy động được 20 ghe máy loại lớn, mỗi chiếc có thể chở được 40 người với đầy đủ trang bị.
Hơn 300 người, kể cả các cháu thiếu nhi được huy động làm công tác binh vận vô hiệu hóa cả một giang thuyền của địch. Trong vòng buổi sáng, đoàn đã đưa được Tiểu đoàn 1 (khoảng 600 người) vượt sông an toàn. Một nhánh khác của Trung đoàn 88 là Tiểu đoàn 3 cũng đã được lệnh vượt sông Vàm Cỏ Đông, tổ chức phục kích trên lộ đá đỏ đoạn Tân Trạch - Mỹ Lệ để dụ địch từ Chi khu Rạch Kiến ra.
Dọc đường tiến quân, ông Thổ cho biết vô cùng xúc động và phấn khởi khi được đồng bào 2 bên đường đưa cơm tiếp nước uống. Bà con ở đây phá cả cánh cửa nhà và phản nằm, tủ thờ để cho bộ đội làm nắp công sự chiến đấu.
Sáng 30/4/1975, Trung đoàn 88 đã làm chủ toàn bộ đoạn đường từ cầu Ông Thìn đến Nam huyện Bình Chánh, chuẩn bị đánh vào khu vực cầu Chữ Y. Đang trên đường tiến công, nghe tiếng Sài Gòn giải phóng, không ai nói được câu nào, chỉ ôm nhau khóc vì quá sung sướng. Gác lại niềm hạnh phúc trong ngày đại thắng, Trung đoàn 88 nhận lệnh tiến công đánh chiếm các mục tiêu trọng điểm trong nội đô như Tổng nha Cảnh sát, Bộ Tư lệnh Hải quân. Điểm cuối cùng là Kho quân vụ số 18 và kho xăng Nhà Bè.
Trong suốt cuộc đời binh nghiệp, tham gia các chiến trường, ông đã 11 lần bị thương. “Năm nay77 tuổi, tôi thấy mình quá may mắn khi hôm nay còn được nhìn thấy bầu trời trong xanh, được an vui cùng với nhân dân trong không khí thanh bình, cùng chung vai trách nhiệm với Đảng bộ, chính quyền Thành phố. Với tôi đó là điều hạnh phúc nhất”, Tướng Thổ bày tỏ.
Mỗi dịp tháng 4 về, ông được gặp lại các đồng chí, đồng đội ôn lại kỷ niệm xưa với nhiều cung bậc cảm xúc, lòng bồi hồi nhớ về khí thế tiến công hào hùng của toàn quân, toàn dân trước thời khắc thiêng liêng đi đến kết thúc cuộc chiến tranh chống Mỹ cứu nước, hòa bình trọn vẹn lãnh thổ.
“Giờ phút hạnh phúc nhất trong lịch sử dân tộc cùng với niềm vui bất tận vỡ òa đến với muôn người. Mốc son chói ngời - Ngày 30 tháng 4 năm 1975 lịch sử trở thành bản thiên anh hùng ca bất tử. Cuộc chiến đấu trường kỳ gian khổ đổi lấy thắng lợi to lớn, vẻ vang ấy cứ vang mãi trong lòng mỗi khi có dịp nhắc đến. Chúng tôi, càng hãnh diện và tự hào hơn nữa trong suốt 49 năm qua TP Hồ Chí Minh - Thành phố mang tên Bác từng ngày vững bước đi lên trên con đường hội nhập phát triển nhanh, xứng tầm quốc tế. Đặc biệt, mỗi năm phát triển vượt bậc hơn so với năm trước rất nhiều. Đời sống người dân Thành phố ổn định, an ninh quốc phòng, trật tự xã hội ổn định. An sinh xã hội luôn được Thành phố quan tâm hàng đầu, công tác chính sách, đền ơn đáp nghĩa kịp thời, tạo hiệu ứng tốt trong toàn xã hội. Bản thân tôi rất an tâm và thấy rất tự hào, rất ấm áp cõi lòng”, Tướng Thổ cho biết.
Thiếu tướng Trần Ngọc Thổ trao quà cho nạn nhân chất độc da cam. (Ảnh do nhân vật cung cấp) |
Trong miền ký ức với niềm vui chiến thắng, nhưng đôi mắt ông vẫn đượm một nỗi buồn khi nhắc về đồng đội, chiến sĩ đồng bào đã ngã xuống trên chiến trường. Ông nói: “Ngày hòa bình đến nay còn có những gia đình chiến sĩ, đồng đội mãi mãi không tìm thấy mộ phần, có người sau trận chiến trở về mang nặng tật nguyền do bom đạn và hậu quả của chất độc hóa học để lại. Đây đó trong mỗi gia đình bất hạnh, vết thương chiến tranh vẫn còn đè nặng trên cơ thể con cháu làm cho chúng ta day dứt không nguôi”.
Khi đã về hưu, những người lính bộ đội Cụ Hồ càng cảm thấy trách nhiệm hơn bao giờ hết. Tướng Thổ nói, dù là tuổi hai mươi thời ấy không còn nữa, sức khỏe tuy có giảm sút đi nhiều, song ý chí và tinh thần chiến đấu vẫn không bao giờ phai nhạt, vẫn luôn vững vàng ý chí, lập trường kiên định. “Có thế nói, mỗi người lính chúng tôi luôn gìn giữ tâm trong, trí sáng, một lòng, một dạ theo Đảng, kiên quyết, quả cảm khi Tổ quốc, Nhân dân cần. Mãi mãi là cây cao bóng cả, làm chỗ dựa tinh thần vững chắc, niềm tin cho các thế hệ mai sau”, vị tướng già khẳng định.
Chiến tranh Việt Nam kết thúc, đã để lại đau thương không gì bù lấp được, với hàng triệu người bị nhiễm chất độc da cam/dioxn, để lại những hậu quả và di chứng nặng nề cho tới tận hôm nay. Trên cương vị là Chủ tịch Hội da cam/dioxin TP Hồ Chí Minh, Thiếu tướng Trần Ngọc Thổ ngày đêm trăn trở, nghiên cứu, làm thế nào để chăm lo, bảo vệ và lấy lại công bằng cho nạn nhân da cam. “Một ngày còn sống, chúng tôi còn suy nghĩ, còn trăn trở rất nhiều khi phải đối diện với thực trạng hiểm họa da cam và bom mìn còn sót lại. Chúng tôi đang ra sức phấn đấu, nỗ lực để thực hiện những điều mong ước của đồng đội trong điều kiện có thể. Mỗi ngày, sẽ cùng Đảng và chính quyền các cấp khắc phục hậu quả chiến tranh nhằm giảm bớt khó khăn chung trong hiện tại”, Thiếu tướng Trần Ngọc Thổ chia sẻ./..