Nhìn lại 5 năm thực hiện Nghị quyết số 21-NQ/TW về công tác dân số trên địa bàn tỉnh Vĩnh Phúc
(ĐCSVN) - Sau 05 năm triển khai thực hiện Nghị quyết công tác dân số và phát triển trên địa bàn, tỉnh Vĩnh Phúc đạt được nhiều kết quả, góp phần không nhỏ vào sự phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.
Nghị quyết số 21-NQ/TW, ngày 25/10/2017 của Hội nghị lần thứ 6 Ban Chấp hành TW Đảng khóa XII về công tác dân số trong tình hình mới, với mục tiêu: “Duy trì vững chắc mức sinh thay thế; đưa tỷ số giới tính khi sinh về mức cân bằng tự nhiên; tận dụng hiệu quả cơ cấu dân số vàng, thích ứng với già hóa dân số; phân bố dân số hợp lý; nâng cao chất lượng dân số, góp phần phát triển đất nước nhanh, bền vững”.
Vấn đề dân số luôn đóng vai trò quan trọng (Ảnh tư liệu) |
Triển khai đồng bộ các hoạt động trên các lĩnh vực
Tỉnh Vĩnh Phúc đạt được những kết quả tích cực trong công tác dân số là nhờ sự quan tâm, lãnh đạo, chỉ đạo của Tỉnh ủy, HĐND, UBND, sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị và hệ thống những người làm công tác dân số từ tỉnh đến cơ sở đã triển khai đồng bộ các hoạt động trên các lĩnh vực: Quy mô, cơ cấu và nâng cao chất lượng dân số, phù hợp yêu cầu chuyển hướng công tác dân số trong tình hình mới, từng bước đưa Nghị quyết số 21 vào cuộc sống.
Để cụ thể hóa việc thực hiện Nghị quyết 21-NQ/TW vào tình hình thực tế của tỉnh, Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh đã ban hành nhiều văn bản lãnh đạo, chỉ đạo: Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh đã ban hành Kế hoạch số 79-KH/TU; HĐND tỉnh đã ban hành 02 nghị quyết; UBND tỉnh ban hành 11 Kế hoạch để triển khai thực hiện công tác dân số trong tình hình mới... Trên cơ sở đó, các sở, ban, ngành, địa phương, các thành viên Ban chỉ đạo công tác Dân số tỉnh trên cơ sở chức năng, nhiệm vụ, thẩm quyền đã ban hành nhiều văn bản hướng dẫn ngành dọc tại các đơn vị, địa phương. Đẩy mạnh công tác truyền thông về quy mô, cơ cấu, phân bố và chất lượng dân số; tuyên truyền, vận động, giáo dục và tư vấn về sức khỏe sinh sản, kế hoạch hóa gia đình phù hợp với từng nhóm đối tượng. Qua đó, góp phần nâng cao nhận thức, thúc đẩy mỗi cá nhân, gia đình và cộng đồng dân cư chuyển đổi hành vi để thực hiện đúng chính sách dân số. Công tác kiểm tra, giám sát được các cấp ủy đảng thường xuyên tiến hành việc thực hiện Nghị quyết 21-NQ/TW gắn với công tác bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe nhân dân.
Sau 5 năm triển khai thực hiện Nghị quyết số 21-NQ/TW, công tác DS-KHHGĐ đã đạt được những kết quả tích cực: Về quy mô dân số tỉnh năm 2021 là 1.191.782 người (theo số liệu Niên giám thống kê tỉnh). Kể từ năm 2017 đến nay, quy mô dân số Vĩnh Phúc tăng thêm 112.282 người. Kết quả giảm sinh, số con trung bình của một phụ nữ trong tuổi sinh đẻ (năm 2017 là 2,48 con/phụ nữ; năm 2021 là 2,37 con/phụ nữ). Mạng lưới cung cấp dịch vụ sức khỏe sinh sản từ tuyến tỉnh đến tuyến xã đã từng bước củng cố, phát triển đáp ứng cung cấp các dịch vụ cơ bản cho nhân dân; 100% Trạm Y tế xã/phường/thị trấn có nữ hộ sinh hoặc y sỹ sản nhi; đảm bảo cung cấp các dịch vụ chăm sóc sức khỏe sinh sản, chăm sóc bà mẹ trước, trong và sau sinh. Đến nay, tất cả bệnh viện tuyến tỉnh (trừ các bệnh viện chuyên khoa), Trung tâm Y tế các huyện, thành phố đã thực hiện cung cấp dịch vụ chăm sóc sức khỏe sinh sản, KHHGĐ thuận lợi an toàn, hiệu quả.
Tích cực tuyên truyền về công tác dân số (Ảnh tư liệu) |
Cơ cấu dân số có nhiều thay đổi làm nảy sinh những vấn đề mới cần giải quyết: Nhóm dân số từ 15-59 tuổi chiếm 61,5% tổng dân số của tỉnh, cơ cấu dân số trẻ cũng có nghĩa là tiềm năng sinh sản lớn, làm cho dân số tiếp tục tăng trong thời gian tới. Trong khi đó, nhóm dân số từ 60 tuổi trở lên chiếm tỷ lệ 14,5%, trong đó từ 65 tuổi trở lên chiếm tỷ lệ 9,7% tổng dân số.
Chất lượng dân số của tỉnh đã được nâng lên rõ rệt cả về thể lực và trí lực, thông qua các chương trình, đề án chăm sóc sức khoẻ, nâng cao chất lượng dân số. Kết quả thực hiện các chỉ tiêu nâng cao chất lượng dân số có tiến bộ đáng kể, chỉ số phát triển con người (HDI) xếp hạng trong tốp 10 tỉnh, thành đứng đầu trong cả nước (Năm 2017 đứng thứ 10/63 tỉnh, thành phố trong cả nước, năm 2020 đứng thứ 9/63 tỉnh thành trong cả nước). Chăm sóc sức khoẻ bà mẹ, trẻ em đạt cao, vượt mục tiêu chương trình đề ra; tỉ lệ suy dinh dưỡng trẻ em dưới 5 tuổi hàng năm được cải thiện; tỉ lệ nam, nữ thanh niên được tư vấn tiền hôn nhân đạt 82,8%; năm 2021 có 74,4% số trẻ em sinh ra được sàng lọc sơ sinh và 81,3% phụ nữ mang thai được được sàng lọc trước sinh; tỷ lệ người cao tuổi được khám sức khoẻ định kỳ ít nhất 1 lần/năm đạt trên 60% tổng số người cao tuổi; có khoảng trên 80% người cao tuổi được cấp thẻ bảo hiểm y tế; 100% người cao tuổi được quản lý sức khỏe, được khám, chữa bệnh, được chăm sóc tại gia đình, cộng đồng, cơ sở chăm sóc tập trung. Tuổi thọ bình quân đạt 74,4 tuổi. Hiện nay trên địa bàn tỉnh Vĩnh Phúc không có các trường hợp tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống.
Về phân bổ dân số, mật độ dân số của tỉnh là 932 người/km2, đã tăng 120 người/km2 so với năm 2009, phân bố không đều, tập trung đông ở khu vực thành thị. Đến nay 100% dân số của tỉnh được đăng ký, quản lý trong hệ thống cơ sở dữ liệu dân cư thống nhất trên quy mô toàn quốc.
Trong giai đoạn 2017-2022: Các Chương trình, Đề án Tầm soát, chẩn đoán, điều trị một số bệnh, tật trước sinh và sơ sinh; Đề án chăm sóc sức khỏe người cao tuổi; Đề án củng cố nâng cao chất lượng thông tin chuyên ngành được UBND tỉnh Vĩnh Phúc ban hành và được Sở Y tế triển khai đảm bảo có hiệu quả. Công tác nghiên cứu về dân số và phát triển, nhất là các vấn đề mới, trọng tâm về cơ cấu, chất lượng, phân bổ dân số; lồng ghép yếu tố dân số vào kế hoạch phát triển của từng địa phương, từng ngành, từng lĩnh vực được quan tâm triển khai. Từ năm 2018 - 2022 đã triển khai thực hiện 18 nhiệm vụ khoa học & công nghệ, trong đó có 17 đề tài; 01 Đề án.
Công tác tuyên truyền được triển khai sâu rộng, hiệu quả từ tỉnh đến cơ sở, thông qua nhiều hình thức đa dạng, phong phú, phù hợp với đặc điểm của từng vùng, từng nhóm đối tượng. Đã tổ chức trên 23.000 lượt phát thanh tuyên truyền trên hệ thống đài truyền thanh của huyện, xã, thị trấn; làm mới trên 13.000 băng zôn, trên 700 pa nô, 2.799 áp phích khẩu hiệu, cấp phát trên 632.000 tờ rơi về mất cân bằng giới tính khi sinh, làm mẹ an toàn, bình đẳng giới, chăm sóc sức khỏe sinh sản, phòng ngừa dị tật bẩm sinh, khám sàng lọc trước sinh, sơ sinh, chăm sóc sức khỏe người cao tuổi,...; tổ chức 1.836 hội nghị truyền thông cho trên 189.000 đối tượng tại các xã, phường, thị trấn; tổ chức 86 buổi sinh hoạt ngoại khóa cho học sinh các trường THCS, THPT về Mất cân bằng giới tính khi sinh, về tình bạn, tình yêu, tình dục, cách phòng tránh có thai ngoài ý muốn, nạo phá thai,… cho trên 129.000 học sinh tham dự; tổ chức 45 hội thảo, khuyến khích hỗ trợ cho 1.505 trẻ em trong các gia đình sinh hai con một bề là gái có thành tích cao trong học tập thực hiện Đề án can thiệp giảm thiểu mất cân bằng giới tính khi sinh...
Công tác đảm bảo nguồn lực cho công tác dân số được tỉnh quan tâm: Hàng năm, ngoài kinh phí đầu tư từ ngân sách Chương trình mục tiêu Y tế - Dân số của Trung ương; ngân sách địa phương cân đối đảm bảo đủ nguồn kinh phí để triển khai có hiệu quả công tác dân số. Giai đoạn 2015-2020 ngân sách địa phương bố trí chi cho công tác Dân số là 9.795.000.000 đồng. Từ năm 2021 đến nay: Kinh phí thực hiện cho công tác dân số do tỉnh bố trí là: 21.296.465.000 đồng; bình quân mỗi năm là 10.648.232.500 đồng.
Chăm lo cho trẻ em là chăm lo cho tương lai của đất nước (Ảnh: PV) |
Khắc phục tồn tại, tiếp tục phát huy hiệu quả tích cực
Bên cạnh những kết quả đạt được trong quá trình thực hiện Nghị quyết số 21-NQ/TW còn gặp những khó khăn, hạn chế như: Công tác tuyên truyền, vận động về công tác DS-KHHGĐ kết quả còn hạn chế, nhất là ở những vùng có mức sinh cao, vùng đông dân, vùng sâu, vùng xa; kết quả giảm sinh chưa vững chắc; tỷ lệ sinh con thứ 3 có chiều hướng gia tăng; tỉ số giới tính khi sinh ở Vĩnh Phúc đang ở mức cao (năm 2021 là 115,58 trẻ em trai/100 trẻ em gái và cao hơn mức bình quân chung của cả nước, cả nước năm 2021 là 111,5 trẻ trai/100 trẻ gái). Kết quả thực hiện công tác DS-KHHGĐ chưa đồng đều giữa các địa phương khác nhau. Mức sinh và đặc biệt là tỷ lệ sinh con thứ 3 trở lên trong một vài năm gần đây có chiều hướng gia tăng. Tỷ lệ áp dụng tránh thai ở một số biện pháp còn rất thấp như triệt sản, thuốc cấy tránh thai, hàng năm đạt dưới 50%.
Phát huy những kết quả đạt được, khắc phục những hạn chế, khó khăn, trong thời gian tới, tỉnh tiếp tục lãnh đạo thực hiện có hiệu quả Nghị quyết 21-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII, Kế hoạch số 79-KH/TU và các Kế hoạch của UBND tỉnh triển khai thực hiện các chương trình, đề án trong lĩnh vực công tác DS đến năm 2030. Huy động sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị của tỉnh để triển khai công tác dân số có chất lượng, hiệu quả; đổi mới mạnh mẽ công tác tuyên truyền, vận động với nhiều hình thức, nội dung truyền thông, giáo dục chuyển mạnh sang dân số và phát triển, bình đẳng giới, giảm thiểu mất cân bằng giới tính khi sinh; tích cực rà soát, nghiên cứu để bổ sung, hoàn thiện hệ thống chính sách về DS-KHHGĐ; nâng cao hiệu lực pháp lý trong quản lý và tổ chức thực hiện các nội dung của công tác dân số. Kiện toàn hệ thống thanh tra chuyên ngành dân số; phát triển mạng lưới và nâng cao chất lượng dịch vụ về dân số; đẩy mạnh các hoạt động nghiên cứu khoa học, hoàn thiện hệ thống thông tin, số liệu dân số; tiếp tục kiện toàn tổ chức bộ máy làm công tác dân số theo hướng tinh gọn, chuyên nghiệp, hiệu quả; xã hội hóa, phối hợp liên ngành và hợp tác quốc tế, khuyến khích các cơ sở ngoài công lập tham gia cung cấp dịch vụ DS - KHHGĐ, sức khỏe sinh sản; tăng cường phối hợp các ngành, đoàn thể trên cơ sở quy chế phối hợp liên ngành về công tác dân số.../.