Nhìn lại 5 năm thực hiện Kết luận số 23-KL/TW tại Vĩnh Phúc
(ĐCSVN) - Sau 5 năm triển khai thực hiện Kết luận số 23-KL/TW của Ban Bí thư Trung ương Đảng khóa XII về tăng cường chỉ đạo, quản lý, phát huy vai trò của báo chí, xuất bản trong việc ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ, công tác báo chí, xuất bản trên địa bàn tỉnh đã có những chuyển biến tích cực góp phần tuyên truyền, phổ biến chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, chủ trương của tỉnh...
Trao giải báo chí Vĩnh Phúc năm 2022 (Ảnh tư liệu) |
Cụ thể, Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã ban hành Kế hoạch số 95-KH/TU, ngày 11/6/2018 để triển khai thực hiện. Công tác chỉ đạo, định hướng nội dung chính trị, tư tưởng, nhất là đối với các vấn đề quan trọng, phức tạp, nhạy cảm trong hoạt động báo chí, xuất bản luôn được quan tâm, xử lý hiệu quả. Tỉnh ủy lãnh đạo, chỉ đạo Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy thường xuyên phối hợp với Sở Thông tin và Truyền thông, các cơ quan liên quan kịp thời cung cấp thông tin, định hướng cho báo chí thông qua các kỳ giao ban báo chí hằng tháng, hội nghị cung cấp thông tin, họp báo hoặc thông qua các văn bản chỉ đạo, định hướng. Qua đó, cung cấp nguồn thông tin chính thống giúp các cơ quan báo chí đẩy mạnh tuyên truyền chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, quan điểm, chủ trương của tỉnh đến cán bộ, đảng viên, các tầng lớp nhân dân trong tỉnh. Đặc biệt, việc cung cấp thông tin cho báo chí trong giai đoạn phòng, chống dịch COVID-19 được đánh giá cao. UBND tỉnh đã thành lập Tổ truyền thông thuộc BCĐ công tác phòng, chống dịch, bệnh COVID-19 tỉnh Vĩnh Phúc; tạo mới nhóm “Thông tin nhanh về Vĩnh Phúc” trên mạng Zalo để cung cấp thông tin cho các cơ quan báo chí, truyền thông với sự tham gia của hơn 200 phóng viên các cơ quan báo chí từ Trung ương đến địa phương.
Bám sát sự chỉ đạo, định hướng, các cơ quan báo chí của tỉnh đã chủ động xây dựng nhiều chuyên trang, chuyên mục, mục với các tuyến tin, bài về xây dựng, chỉnh đốn Đảng, ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trên mọi lĩnh vực của đời sống xã hội; phê phán các biểu hiện suy thoái về chính trị, đạo đức, lối sống, hiện tượng tham nhũng, tiêu cực nảy sinh trong xã hội. Cùng với đó, tăng cường giới thiệu, biểu dương kịp thời những nhân tố tích cực, điển hình tiên tiến ở các cấp, các ngành, đơn vị, địa phương trong tỉnh, những tấm gương người tốt, việc tốt, gương cán bộ, đảng viên vì nước vì dân, với tinh thần “lấy cái đẹp, dẹp cái xấu”, “lấy cái tích cực đẩy lùi tiêu cực”. Báo Vĩnh Phúc có 120 tin, 2.834 bài, phóng sự đăng tải trên báo in, báo điện tử. Đài Phát thanh - Truyền hình Vĩnh Phúc phát sóng gần 9.000 tin, bài phóng sự; 490 mục; 64 chuyên mục “Học tập và làm theo Bác” trên sóng Phát thanh, truyền hình và Trang thông tin điện tử. Cổng Thông tin Giao tiếp điện tử tỉnh đã đăng tải trên 1.000 tin bài. Chất lượng các tác phẩm báo chí ngày càng được nâng cao, đề tài được lựa chọn khai thác khá toàn diện, phản ánh rõ vai trò lãnh đạo của Đảng trên tất cả các lĩnh vực. Trên cơ sở nền tảng kỹ thuật, thiết bị hiện có, các cơ quan báo chí chú trọng nâng cao chất lượng nội dung, đổi mới phương thức thể hiện; mạnh dạn ứng dụng kỹ thuật đa phương tiện trong trình bày tác phẩm theo phong cách và xu hướng mới của báo chí hiện đại, phát hành các số đặc biệt trên ấn phẩm báo in; thực hiện tuyên truyền qua đồ họa Infographic, Emagazine; các sản phẩm truyền hình online trên báo điện tử.
Báo chí tỉnh tham gia Hội báo xuân (Ảnh tư liệu) |
Các tin, bài, phóng sự được các cơ quan báo chí tập trung tuyên truyền, phản ánh đậm nét việc thực hiện Kết luận số 21-KL/TW của Ban Chấp hành Trung ương, Kết luận 01-CT/TW của Bộ Chính trị và các quy định nêu gương của Đảng; công tác cán bộ; công tác kiểm tra, giám sát, thi hành kỷ luật Đảng; công tác phòng chống tham nhũng, tiêu cực, lãng phí; phản ánh những cách làm hay, những mô hình, điển hình tiên tiến của các địa phương, đơn vị trong công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng; đấu tranh chống suy thoái về tư tưởng, chính trị, đạo đức, lối sống; chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực… Nhiều tác phẩm báo chí được đầu tư về nội dung, hình ảnh, xây dựng nhiều kỳ được công chúng đánh giá cao, tạo sức lan tỏa trong xã hội.
Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy thường xuyên phối hợp với 7 cơ quan báo chí Trung ương tuyên truyền về tỉnh. Sở Thông tin và Truyền thông chỉ đạo, phối hợp tuyên truyền với 03 cơ quan báo chí địa phương, 21 cơ quan báo chí Trung ương đặt văn phòng đại diện và cử phóng viên thường trú tại địa bàn, 215 cơ quan hoạt động mang tính báo chí và 01 cơ sở in xuất bản phẩm.
Công tác thanh tra, kiểm tra, xử lý vi phạm trong lĩnh vực báo chí, in, phát hành được duy trì thực hiện thường xuyên. Từ năm 2017 đến nay, Sở Thông tin và Truyền thông đã xử phạt 02 trường hợp thông tin sai sự thật trên mạng xã hội; tổ chức 01 cuộc thanh tra và 03 cuộc kiểm tra về lĩnh vực báo chí, 04 cuộc kiểm tra liên ngành phòng chống in lậu đối với các cơ sở in, phát hành trên địa bàn tỉnh. Toàn tỉnh hiện có 08 đơn vị được cấp phép in xuất bản phẩm. Các cơ quan báo chí, đơn vị tham gia hoạt động in, phát hành đều chấp hành đúng các quy định của pháp luật; không có cơ quan báo chí nào trên địa bàn phải xử lý vi phạm; không có viên chức, người lao động, phóng viên, nhà báo vi phạm đạo đức nghề nghiệp người làm báo, xuất bản hay vi phạm các quy tắc ứng xử trên mạng xã hội của người làm báo Việt Nam.
Bên cạnh những kết quả đạt được, việc triển khai Kết luận số 23-KL/TW còn một số hạn chế như công tác phối hợp trong việc cung cấp thông tin, trả lời báo chí có việc còn chưa được kịp thời. Nội dung tuyên truyền đấu tranh “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” chưa có nhiều bài viết, phóng sự thực sự chuyên sâu, sắc sảo, đột phá về nội dung để thu hút được đông đảo độc giả theo dõi, quan tâm.
Phát huy những kết quả đạt được, khắc phục những hạn chế, khó khăn, trong thời gian tới, tỉnh tiếp tục lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện có hiệu quả các nhiệm vụ theo Kết luận số 23-KL/TW, ngày 22/11/2017 của Ban Bí thư Trung ương Đảng khóa XII nhằm “Xây dựng nền báo chí, truyền thông chuyên nghiệp, nhân văn và hiện đại”. Phát huy vai trò của Hội Nhà báo tỉnh trong việc nâng cao đạo đức nghề nghiệp của những người làm báo. Chú trọng, nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác giáo dục chính trị cho các phóng viên, nhà báo, hội viên về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ gắn với việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh. Các cơ quan báo chí, xuất bản bám sát nhiệm vụ chính trị, chỉ đạo, định hướng của cấp ủy, chính quyền thực hiện tốt chức năng là cơ quan ngôn luận của Đảng bộ, chính quyền, các tổ chức chính trị - xã hội trong tỉnh; thực hiện nghiêm, hiệu quả Luật Báo chí 2016; có các giải pháp xây dựng đội ngũ những người làm báo có đủ phẩm chất, năng lực, chuyên môn, nghiệp vụ đáp ứng nhu cầu làm báo đa phương tiện hiện nay./.