Nhìn lại 15 năm thực hiện Luật Bình đẳng giới tại Sơn La
(ĐCSVN) - Nhìn lại 15 năm thực hiện Luật Bình đẳng giới, Hội phụ nữ các cấp tỉnh Sơn La đã có nhiều hoạt động tích cực, đóng góp không nhỏ vào công tác bình đẳng giới của tỉnh, nhiều mục tiêu về bình đẳng giới đã và đang được triển khai đồng bộ, mang lại những thành tựu to lớn, góp phần nâng cao chất lượng cuộc sống của cán bộ, hội viên, phụ nữ và Nhân dân trong toàn tỉnh.
Những kết quả nổi bật trong 15 năm triển khai Luật bình đẳng giới
Trong 15 năm thi hành Luật Bình đẳng giới (kể từ 2007 đến nay), Hội LHPN tỉnh đã tham mưu cho Tỉnh ủy, HĐND- UBND tỉnh ban hành các văn bản quy phạm pháp luật và một chính sách có liên quan đến bình đẳng giới, trong đó, Hội LHPN tỉnh đã tham mưu cho HĐND tỉnh ban hành Nghị quyết số 113/2015/NQ-HĐND ngày 10/9/2015 của Hội đồng nhân dân tỉnh khóa XIII về việc quy định chính sách hỗ trợ cho phụ nữ, trẻ em gái học chương trình xóa mù chữ và giáo dục tiếp tục sau khi biết chữ trên địa bàn tỉnh Sơn La, giai đoạn 2015 – 2020.
Cũng trong 15 năm qua, nhằm nâng cao hiệu quả thực hiện mục tiêu bình đẳng giới và tiến bộ xã hội, các cấp Hội đã tập trung tuyên truyền nâng cao nhận thức đối với cán bộ cấp ủy, chính quyền cơ sở; người dân và cộng đồng về giới; bình đẳng giới thông qua triển khai tăng cường triển khai công tác tuyên truyền, giáo dục trên phương tiện thông tin đại chúng như: Trang thông tin điện tử, báo, đài địa phương, trang Fanpage của Hội LHPN tỉnh, các trang mạng xã hội. Tích cực phát hiện, tuyên truyền nhân rộng các điển hình, mô hình rèn luyện, thực hiện bình đẳng giới trong tổ chức Hội và toàn xã hội. Tiếp tục xây dựng và duy trì các mô hình vận động, hỗ trợ phụ nữ chủ động giải quyết các vấn đề xã hội liên quan đến phụ nữ; thông tin cung cấp đường dây nóng hỗ trợ phụ nữ và trẻ em. Kết quả, tổ chức được 17 lớp tập huấn, 41 cuộc truyền thông cho 5.306 lượt cán bộ hội, hội viên phụ nữ, học sinh về công tác phòng chống xâm hại, bạo lực phụ nữ và trẻ em, mua bán người, phòng chống ma túy, phòng chống tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống; kiến thức, pháp luật về giới, bình đẳng giới, hôn nhân gia đình .
Hội LHPN tỉnh còn in ấn và phát hành 16.500 cuốn tài liệu, 2.440 tờ rơi tuyên truyền, tổ chức được 17 cuộc truyền thông về 4 phẩm chất: "tự tin, tự trọng, trung hậu, đảm đang" cho hơn 15.000 cán bộ, giáo viên, sinh viên, học sinh và phụ nữ; chuyển phát 23.960 cuốn thông tin phụ nữ đến 100% chi hội. Xây dựng và nhân rộng mô hình “Cảm hóa giáo dục người lầm lỡ tái hòa nhập cộng đồng” của xã Chiềng Sơn, huyện Mộc Châu; Mô hình “ Phụ nữ tự tin” xã Huổi Một, huyện Sông Mã, hiện nay toàn tỉnh có 50 CLB với 2.067 thành viên hoạt động hiệu quả. Duy trì được 346 mô hình các loại và phối hợp tổ chức được 50.180 buổi sinh hoạt chi, tổ hội và Câu lạc bộ; truyền thông phòng, chống tội phạm cho 4.810 lượt hội viên tham gia tập trung vào các vấn đề nổi cộm liên quan đến phụ nữ, trẻ em, lồng ghép với công tác giáo dục gia đình, tập trung vào tiêu chí xây dựng gia đình “không có người vi phạm pháp luật và TNXH”, “không có trẻ suy dinh dưỡng và bỏ học”, “không có bạo lực gia đình” trong Cuộc vận động “Xây dựng gia đình 5 không, 3 sạch”.
Hướng tới xây dựng người phụ nữ phát triển toàn diện, các cấp Hội triển khai và thực hiện có hiệu quả các nội dung phong trào thi đua “Phụ nữ tích cực học tập, lao động sáng tạo, xây dựng gia đình hạnh phúc”, Cuộc vận động phụ nữ rèn luyện phẩm chất đạo đức “Tự tin, tự trọng, trung hậu, đảm đang” gắn với thực hiện Chỉ thị 05 -CT/TW của Bộ Chính trị về đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh.
Về chính trị, Hội LHPN tỉnh chủ động đề xuất với cấp ủy về công tác cán bộ nữ, coi đây là khâu đột phá tạo chuyển biến mới về chất lượng hoạt động tổ chức Hội, công tác cán bộ nữ và cũng như phong trào phụ nữ của tỉnh. Trong nhiệm kỳ 2016 – 2021, được sự quan tâm của Cấp ủy cùng cấp, tỷ lệ cán bộ nữ tham gia BCH Đảng bộ tỉnh 11/53 đồng chí (trong đó: 03/15 là Ủy viên BTV Tỉnh ủy đạt 20%). Toàn tỉnh có 12 cán bộ nữ giữ các chức vụ lãnh đạo chủ chốt cấp huyện/thành phố (Tỷ lệ nữ tham gia Đại biểu Quốc hội khóa XV 1/7 đạt 14,29%; tỷ lệ nữ tham gia đại biểu HĐND 3 cấp nhiệm kỳ 2021-2026 đạt so với Nghị quyết của Quốc hội đề ra, trên địa bàn toàn tỉnh có 39 đồng chí cán bộ lãnh đạo quản lý các sở, ban, ngành, đoàn thể là phụ nữ (trong đó 15 chị cấp trưởng, 24 chị cấp phó).
Về kinh tế, hàng năm, Hội LHPN tỉnh đã chỉ đạo Hội LHPN các huyện, thị xã, thành phố tiếp tục thực hiện phong trào “Phụ nữ làm kinh tế giỏi”; nâng cao chất lượng và nhân rộng các mô hình kinh tế hiệu quả, tập trung nguồn lực hỗ trợ phụ nữ nghèo phát triển kinh tế gia đình thoát nghèo bền vững. Từ năm 2012 đến nay, toàn tỉnh đã phối hợp tổ chức được 287 lớp cho 14.641 chị được đào tạo việc làm, trong đó hơn 10.066 chị có việc làm ổn định... Triển khai các chương trình, dự án như chương trình vốn Phụ nữ nghèo, vốn Sốt rét, vốn thủy sản, vốn VAC; tiếp tục duy trì và làm tốt công tác phối hợp ủy thác cho vay hộ nghèo qua Ngân hàng Chính sách xã hội, Ngân hàng nông nghiệp và phát triển nông thôn tỉnh, dư nợ và chất lượng vốn do Hội quản lý luôn giữ vị trí thứ nhất trong hoạt động uỷ thác. Tính đến thời điểm 28/2/2022, với Ngân hàng Chính sách xã hội tổng dư nợ 1.349,280 triệu đồng; sổ tiết kiệm vay vốn là 962, tổng số hộ còn dư nợ 31.565. Với Ngân hàng Nông nghiệp và phát triển nông thôn: tổng dư nợ 272.493 triệu đồng với 97 tổ tiết kiệm và 2.435 thành viên vay vốn phát triển kinh tế vươn lên thoát nghèo.
Về văn hóa, y tế, giáo dục, từ năm 2012 – 2022, phối hợp với Chi cục Dân số kế hoạch hóa gia đình tổ chức 14 lớp tập huấn cho 860 chị tại 12 huyện, thành phố, 04 buổi truyền thông cho 1.200 cán bộ hội viên phụ nữ về tuyên truyền các chính sách dân số kế hoạch hóa gia đình; tác hại của tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống đối với sức khỏe bà mẹ, trẻ em... Các cấp Hội phối hợp với ngành y tế tuyên truyền 3.150 buổi cho 162.000 lượt phụ nữ; vận động chị em tham gia 03 hội thi “Tuyên truyền viên giỏi về công tác phòng chống suy dinh dưỡng” với 75 thí sinh tham gia dự thi, thu hút trên 960 cán bộ, hội viên phụ nữ và nhân dân tham dự và cổ vũ; vận động được 21.467 chị tham gia bảo hiểm y tế, bảo hiểm xã hội với tổng số tiền trên 3 tỷ đồng; thành lập 05 mô hình tiết kiệm mua BHYT, có 124 cơ sở Hội tham gia làm đại lý BHYT. Các hoạt động giáo dục truyền thống, giữ gìn và phát huy giá trị văn hoá của các dân tộc được tổ chức ở nhiều cấp độ: xây dựng quy định, vận động phụ nữ cam kết mặc trang phục dân tộc trong các buổi sinh hoạt chi hội và các dịp lễ, tết; phát động “Mỗi phụ nữ lựa chọn một hình thức văn hoá, văn nghệ, thể dục thể thao quần chúng phù hợp để rèn luyện sức khoẻ”; đã tổ chức 6.994 các hoạt động liên hoan văn hoá, văn nghệ, thể dục, thể thao.
Nhằm phát huy vai trò đại diện trong các cơ quan quyền lực, hệ thống chính trị, Hội phụ nữ các cấp đã triển khai nhiều hoạt động góp phần tăng tỷ lệ và nâng cao chất lượng hoạt động của phụ nữ. Hội LHPN tỉnh mở được mở 7 lớp cho cho 470 ứng cử viên nữ HĐND các cấp (trong đó: nhiệm kỳ 2016 – 2021 mở 5 lớp cho 233 chị, nhiệm kỳ 2021 – 2026 mở 2 lớp cho 237 chị) góp phần nâng tỷ lệ nữ đại biểu tham gia cơ quan dân cử trong cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2016 – 2021 và nhiệm kỳ 2021 – 2026.
Hội LHPN tỉnh phối hợp với Trung ương Hội LHPN Việt Nam tổ chức lớp Tập huấn xây dựng năng lực TOT cho các đại biểu là Báo cáo viên nguồn của 7 tỉnh miền núi phía Bắc (gồm: Sơn La, Lạng Sơn, Phú Thọ, Tuyên Quang, Điện Biên, Hòa Bình, Thái Nguyên)…
Theo bà Bùi Thu Thủy, Chủ tịch Hội LHPN tỉnh Sơn La, phụ nữ tỉnh Sơn La ngày càng phát huy tốt vai trò, trách nhiệm công dân trong việc thực hiện quyền dân chủ trực tiếp và đại diện, tích cực tham gia xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền; đóng góp ý kiến xây dựng văn kiện Đại hội Đảng các cấp, triển khai học tập nghị quyết Đại hội và chương trình hành động, đưa Nghị quyết của Đảng đi vào cuộc sống. Đặc biệt các cấp uỷ Đảng, chính quyền luôn tạo cơ chế, điều kiện nhằm phát huy vai trò, vị thế của phụ nữ nhất là trong lĩnh vực chính trị phù hợp với tình hình mới, với điều kiện của tỉnh.
Triển khai Luật bình đằng giới xóa bỏ định kiến bình đẳng giới vùng dân tộc thiểu số và miền núi |
Nhìn lại những tồn tại, hạn chế để khắc phục vươn lên
Sau 15 năm triển khai thực hiện Luật Bình đẳng giới trên địa bàn tỉnh, nhận thức của các cấp ủy, cán bộ, đảng viên đã có sự chuyến biến nhất định. Dưới sự lãnh đạo của cấp uỷ, sự quan tâm tạo điều kiện của chính quyền, công tác bình đẳng giới trên các lĩnh vực được quan tâm thực hiện; Trình độ, năng lực, vai trò, vị thế của phụ nữ trong gia đình và xã hội ngày càng được nâng lên. Công tác gia đình ngày càng được quan tâm; điều kiện sống của các gia đình đã được cải thiện đáng kể. Hội LHPN tỉnh đã chủ động tham mưu cho tỉnh ban hành được một số Nghị quyết lãnh đạo, chính sách cho phụ nữ và trẻ em gái; Hội đã chủ động tăng cường khai thác các nguồn lực hỗ trợ hoạt động của các cấp hội, mang lại hiệu quả kinh tế - xã hội thiết thực, góp phần hoàn thành các chỉ tiêu, nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.
Mặc dầu vậy, đại diện Hội Phụ nữ tỉnh Sơn La thẳng thắn thừa nhận còn một số tồn tại hạn chế, đó là: Phong trào phụ nữ phát triển chưa toàn diện, đặc biệt đời sống của chị em còn nhiều khó khăn, công tác tham mưu có lúc, có nơi còn hạn chế. Công tác tuyên truyền giáo dục chưa thực sự đổi mới, việc hướng dẫn xây dựng các mô hình chưa được cụ thể hóa, việc thực hiện chức năng giám sát, phản biện xã hội về bình đẳng giới còn hạn chế. Một số hoạt động triển khai, phổ biến kiến thức về bình đẳng giới còn mang tính hình thức, chưa phong phú về nội dung. Sự quan tâm của cấp ủy, chính quyền ở một số cơ sở về công tác bình đẳng giới chưa thường xuyên, có mặt còn hạn chế. Sự phối hợp giữa các sở, ngành, các cơ quan, đoàn thể trong công tác triển khai Luật có lúc, có nơi thiếu chặt chẽ, chưa huy động được đông đảo các tổ chức thành viên tham gia. Nhận thức của người dân về vấn đề bình đẳng giới còn nhiều hạn chế. Tình trạng phân biệt đối xử với trẻ em gái và trẻ em trai vẫn còn diễn ra ở một số địa phương.
Theo Hội LHPN tỉnh, công tác tuyên truyền, giáo dục về giới và bình đẳng giới chưa thực sự đạt hiệu quả cao. Nội dung tuyên truyền chưa được chuyển tải thường xuyên, đối tượng tuyên truyền chưa thực sự sâu rộng. Công tác phối hợp giữa các cơ quan, ban, ngành về thực hiện bình đẳng giới còn chưa thực sự chặt chẽ. Nhận thức của một bộ phận vẫn xem đây là công việc của phụ nữ hay ngành phụ nữ, một số ít phụ nữ chưa hiểu rõ về quyền lợi của mình, nhất là phụ nữ ở vùng nông thôn, vùng sâu, vùng xã. Nguyên nhân chủ yếu do đặc thù là tỉnh miền núi còn nhiều khó khăn, quan niệm về bất bình đẳng giới, định kiến giới, trọng nam, khinh nữ, vẫn còn tồn tại trong một bộ phận nhân dân, đặc biệt là ở vùng dân tộc thiểu số, vùng sâu, vùng xa. Đồng thời, từ năm 2020 đến nay, ảnh hưởng của dịch bệnh COVID-19 đã tác động không nhỏ đến đời sống vật chất, tinh thần của hội viên, phụ nữ; làm chậm mục tiêu rút ngắn khoảng cách về giới trong các lĩnh vực đời sống xã hội nói chung cũng như phong trào phụ nữ nói riêng.
Trên cơ sở đó, ngoài việc vận động hội viên thay đổi nếp nghĩ, cách làm; chủ động phấn đấu phát triển bản thân, Hội LHPN tỉnh đã chủ động nêu ra một số đề xuất, kiến nghị để nâng cao hiệu quả trong thời gian tới.
Thứ nhất, tăng cường hơn nữa sự lãnh đạo của cấp ủy, chính quyền các cấp đối với công tác bình đẳng giới, vì sự tiến bộ của phụ nữ.
Thứ hai, UBND tỉnh chỉ đạo các địa phương tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền chính sách, pháp luật về bình đẳng giới trong tình hình mới nhằm nâng cao hơn nữa nhận thức và trách nhiệm của các cấp, các ngành và người dân tại cộng đồng. Đồng thời đẩy mạnh các hoạt động truyền thông thường xuyên và cao điểm trong Tháng hành động vì bình đẳng giới và phòng chống bạo lực trên cơ sở giới từ ngày 15/11 đến ngày 15/12 hàng năm.
Thứ ba, các sở, ban, ngành và các địa phương trong tỉnh trong phạm vi chức năng nhiệm vụ của mình tiếp tục quan tâm đến việc trang bị các kiến thức cơ bản về giới tính, giới và bình đẳng giới thực chất cho cán bộ, công chức. Kịp thời đánh giá hoạt động các mô hình về bình đẳng giới và phát triển phụ nữ hiện có; nghiên cứu, xây dựng, nhân rộng các mô hình hay, phù hợp tại các địa phương, đặc biệt tại các vùng, miền có bất bình đẳng giới và nguy cơ bất bình đẳng giới.
Thứ tư, tiếp tục phát huy vai trò, trách nhiệm của Ban vì sự tiến bộ của phụ nữ ở các cấp, các ngành trong việc phối hợp thực hiện công tác tuyên truyền, phổ biến giáo dục chính sách, pháp luật về bình đẳng giới; đẩy mạnh tuyên truyền ở những vùng sâu, vùng xa, vùng khó khăn, vùng dân tộc thiểu số và tới các nhóm đối tượng học sinh, nam giới; quan tâm tuyền truyền, tập huấn nghiệp vụ về bình đẳng giới và phát triển phụ nữ cho lãnh đạo chủ chốt của các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh.
Thứ năm, quan tâm lãnh chỉ đạo, tạo điều kiện cho hoạt động của các cấp Hội nhằm phát huy vai trò của Hội trong thực hiện bình đẳng giới; bố trí, huy động các nguồn lực cho Hội LHPN các cấp thực hiện các mục tiêu bình đẳng giới, thực hiện quy định pháp luật về bình đẳng giới.
Thứ sáu, các cấp Hội tăng cường tuyên truyền Luật bình đẳng giới để nâng cao nhận thức và ý thức, trách nhiệm trong thực hiện bình đẳng giới cho cộng đồng, giúp họ hiểu được trách nhiệm thực hiện bình đẳng giới không chỉ là của mỗi cá nhân, mà là trách nhiệm của mỗi gia đình, các cơ quan nhà nước, tổ chức chính trị - xã hội, nghề nghiệp.